Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Những lỗi lầm làm tim Bác thêm đau



Dạo ấy, trong "Cửa Mở", một tập thơ làm xáo động dư luận một thời, Việt Phương viết vào dịp Bác Hồ mất, mở đầu bài: "Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương":

"Trời đổ mưa, đi viếng Bác, đồng bào chờ, bị ướt
Bác thương đồng bào, con biết Bác không vui".

Những ngày này thì trời lại đang nắng gắt. Đài truyền hình vừa đưa tin những vùng đất chuyên canh trồng ngô huyện miền núi ở Lào Cai đang nứt nẻ. Chẳng phải chỉ ở miền núi mới có nắng nóng như thiêu, như đốt, Hà Nội cũng đang nóng dữ.

Vậy thì liệu "trời không đổ mưa" như buổi ấy có làm khuây khỏa được nỗi niềm "không vui" của Bác như tác giả của "Cửa Mở" day dứt?

Cũng vào dịp ấy, Tố Hữu viết:
Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu...

Đau, bởi nhẽ
"Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người [Bác ơi!]

Chao ôi, "nỗi đau dân nước" buổi ấy là nỗi đau chiến tranh, nỗi đau của những người mẹ khắc khoải ngóng con từ chiến trường máu lửa tàn khốc, nỗi đau của người vợ nhận được tin dữ, nỗi đau của bom B52, của chất độc "diệt cỏ" rải xuống cây cỏ, xóm làng, nỗi đau của xà lim "chuồng cọp", trại tập trung tra tấn tù đày, bọn chó săn tay sai rình rập khắp nơi để đe dọa, bắt bớ, đánh đập những người yêu nước...
Thế còn "nỗi đau dân nước" giờ đây là gì, khi mà sự nghiệp giải phóng dân tộc đã hoàn thành, non sông quy vào một mối đã hơn phần ba thế kỷ, bằng thời gian của cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc gộp lại?
Gộp lại thời gian thì đồng thời cũng "gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thành nỗi đau của tôi" tích tụ trong trái tim Hồ Chí Minh. Câu này Bác nói với một nhà báo nước ngoài 50 ngày trước khi mất, lúc "ngừng đập trái tim tột bậc con người" [Việt Phương. Cửa Mở].
Chính vì thế, chắc là trong những ngày này Bác cũng khó vui khi "người thắng trận này không phải nhân dân" [Nguyễn Minh Thuyết. Đối thoại]

và " ...Khi mồ hôi trở nên quá rẻ
          Kẻ ranh ma trở nên quá giàu"                [Nguyễn Khoa Điềm. Cánh đồng buổi chiều]
Đắm mình trong những miên man suy ngẫm cứ ngỡ như là Bác đã nói về những điều này khi trong Di chúc Bác đã lưu ý đến "cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi"! Đây là điều Hồ Chí Minh gọi là "cuộc chiến đấu khổng lồ", mà để giành thắng lợi thì phải "động viên toàn dân, tổ chức giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân"!
"Những cái cũ kỹ, hư hỏng" thì đã quá rõ, cho dù thông thường thì chúng lại đội lốt của người vì nước vì dân để lừa mị dân. Thế còn những "cái mới mẻ tốt tươi" là gì nếu không phải là dân chủ và tự do? Độc lập đã hoàn thành, vấn đề còn lại phải là dân chủ và tự do. Ai cũng nhớ câu nói của Hồ Chí Minh từ những ngày chính quyền mới thành lập năm 1946: "Nếu độc lập mà dân không được hưởng tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì".
Dân chủ là tiền đề tất yếu để có tự do và hạnh phúc, là công cụ và phương tiện để đấu tranh giành tự do và xây đắp hạnh phúc. Không ai cho không quyền đó. Máu chảy thành sông, xương chất thành núi để giành độc lập, điều kiện tiên quyết để đấu tranh cho dân chủ và tự do! Phải chăng đây chính là "cuộc chiến đấu khổng lồ"? Nghĩ kỹ về cuộc "chiến đấu khổng lồ" mà Bác viết trong Di chúc có dáng dấp của những lời tiên tri.
Tiên tri? Đúng như vậy. Có người gọi là "những dự cảm thiên tài" của những tầm vóc vĩ nhân. Xin gợi lại vài cứ liệu lịch sử để hiểu thêm về điều đó: Ví như, năm 1941, trong cuốn sách nhỏ Bác viết làm tài liệu tuyên truyền về "Lịch sử nước ta" bằng thơ lục bát, ở cuối có mục "Những năm tháng quan trọng", Bác viế : "1945-Việt Nam độc lập"! Trong Hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, lúc ấy "Anh em có người nói sớm, kẻ nói muộn. Bác nghe trao đổi chỉ nói:" Để rồi xem".
Một ví dụ khác: trong diễn văn đọc tại lễ mừng Quốc khánh 2.9.1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc-Nam nhất định sẽ sum họp một nhà". Trong bút tích bản thảo in trên báo "Nhân Dân" số ra ngày 30.4.1985 cho thấy: Bác gạch dưới những chữ "chậm lắm là 15 năm nữa"! Rồi chuyện Bác từng căn dặn Tư lệnh bộ đội Phòng không-Không quân: "Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội!
Phải chăng những dấu ấn của thiên tài ấy là sự thăng hoa kỳ diệu của bản lĩnh Hồ Chí Minh. Bản lĩnh dám đặt ra và giải quyết những vấn đề lý luận có ý nghĩa thực tiễn. Vì mục tiêu trước sau như một là giải phóng dân tộc, đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân mà Hồ Chí Minh dám có quyết định táo bạo, cho dù đau đớn, là tuyên bố Đảng tự giải tán chính vào lúc giành được chính quyền vào năm 1945. Không kiên định tinh thần Tổ quốc trên hết, không thể có bản lĩnh để vạch ra quyết sách sáng suốt tuy hết sức đau đớn ấy.
Đúng là "Hồ Chí Minh là người linh hoạt, chủ động, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ tuổi thanh niên đến cuối đời. Có thể nói con người ấy có sự dị ứng bẩm sinh với bệnh giáo điều rập khuôn, bệnh công thức sáo mòn". Có được điều đó vì "Hồ Chí Minh có sự nhạy cảm đặc biệt đối với lịch sử, thấu hiểu cuộc sống con người, có nhận thức sâu về vận mệnh dân tộc, về hướng đi của thời đại". Với những phẩm chất được hun đúc, trui rèn trong ngọn lửa chiến đấu hơn nửa thế kỷ, đáp ứng được đòi hỏi của lịch sử, người thanh niên yêu nước, bằng bản lĩnh phi thường của mình đã trở thành Hồ Chí Minh.
Đúng là không phải chiếc ghế nguyên thủ quốc gia mà chính là sự "nhạy cảm", sự "thấu hiểu", "sự nhận thức" đó khiến cho Người được lịch sử chọn lựa làm lãnh tụ của nhân dân ở vào thời điểm có ý nghĩa nhất, đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống đất nước cần bước vào quỹ đạo chung của thời đại. Trong dòng chảy bất tận của thời gian, có những thời điểm xuất hiện những con người đáp ứng một cách tuyệt vời đòi hỏi đã chín muồi của lịch sử, người ta gọi đó là sự xuất hiện của thiên tài.
Điều này cho thấy thiên tài không ra đời từ những cuộc tranh bá đồ vương để giành nhau chiếc ghế quyền lực. Đành rằng trong lịch sử không thiếu những nhân vật cũng đã bước vào lịch sử bằng con đường như vậy, những hôn quân, bạo chúa, những gian thần, nghịch tướng bán nước, bàn chúa cầu vinh, muôn đời bị phỉ nhổ. Phải chăng sự bi hài của lịch sử là có sự trộn lẫn chính tà ấy để giúp cho nhân dân có dịp nhận ra chuyện vàng thau lẫn lộn ấy. Đó cũng là cách để cho nhân dân tự vượt lên chính mình, biết tự "xoay chung quanh mặt trời của chính mình" mà không để bị những ngón đòn lừa mị, ru ngủ của bọn thống trị như C.Mác đã từng chỉ ra. Và đó cũng là lý do trong Di Chúc, Hồ Chí Minh đòi hỏi phải "động viên toàn dân, tổ chức giáo dục toàn dân".
Điều cần nói rõ là thiên tài Hồ Chí Minh không đứng cao vời vợi tách khỏi cuộc sống bình thường của người dân mà ngược lại. Thiên tài Hồ Chí Minh, bản lĩnh Hồ Chí Minh được hun đúc từ cuộc sống của nhân dân mình. Mỗi người Việt Nam đều có thể nhìn thấy mình trong sự nghiệp Hồ Chí Minh, trong trái tim của Hồ Chí Minh. Cái làm nên thiên tài Hồ Chí Minh, rèn đúc nên bản lĩnh ấy là vì nhịp đập của trái tim "Người Yêu Nước Hồ Chí Minh" luôn gắn quyện với nhịp đập của cuộc sống đất nước, nơi mà người ấy gửi gấm một "ham muốn, ham muốn đến tộc bậc" là làm sao đem lại cuộc sống ấm no cho con người, đem lại tự do và hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân.
Không có trái tim ấy, không thể có bản lĩnh ấy. Vì rằng, "ở đâu nội dung của sự tất yếu phổ biến không nhất trí được với trái tim, thì sự tất yếu ấy - xét về nội dung- không là gì cả, và phải nhường chỗ cho quy luật của trái tim". Có lẽ thực chất của "quy luật trái tim" mà Hégel nói đây trước hết là sự trung thực với chính mình, là bản sắc cá nhân được thể hiện một cách chân thực. Vì nói cho đến cùng , quy luật của trái tim là sự phản ánh chân thực nhất biện chứng của cuộc sống với tất cả những sắc thái phong phú và phức tạp của nó. Cho nên, những gì mà trái tim thờ ơ thì mắt cũng không nhìn thấy được!
Cho nên, với Hồ Chí Minh,
"Khi đã quyết rất kiên cường mạnh mẽ
Đốt cháy Trường Sơn đánh Mỹ cũng không sờn"

nhưng
"Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là "đánh đẹp"
Con xóa chữ "đẹp" đi như xóa sự cạn hẹp trong lòng con
Thêm hiểu lòng người đối với quân thù như sắt thép
Mà tình thương mênh mông ôm hết mọi linh hồn".[ Việt Phương. nt]
Với Hồ Chí Minh, "tình thương mênh mông ôm hết mọi linh hồn" ấy trước hết là thương dân, trọng dân vì nhận  thức rõ sức mạnh bất tận của dân. Đây là điểm cốt lõi trong tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Nói học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mà không trước hết vận dụng một cách thiết thực tư tưởng cơ bản này thì chỉ là nói suông.
Đặc biệt, cần lưu ý điều mà Hồ Chí Minh khẳng định rất dứt khoát: "nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân , tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ". Cần nhớ rằng, điều này được nhắc nhở vào năm 1947 khi Bác phê phán gay gắt lối "Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo...Làm theo cách quan liêu đó, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại!"
Việc "đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ" là điều tối kỵ đối với người cầm quyền. Có phải khi nói đến điều này, như vẫn thường làm, Bác đã nhắc đến luận điểm của Mạnh Tử: "Vua coi dân như cỏ rác thì dân coi vua như cừu thù" và lên án việc đẩy dân đến chỗ là "cừu thù" rồi dùng hình phạt hà khắc để trừng trị họ "khác nào đặt lưới bẫy dân" .
Mạnh Tử viết: "Nhà cầm quyền không thể bỏ lỡ việc sinh nhai của dân...thường tình của dân là có hằng sản mới có hằng tâm, không có hằng sản thì không có hằng tâm. Không có hằng tâm thì ... chẳng cái gì là chẳng làm, đến khi phạm pháp thì người cầm quyền vin vào đó mà chém giết họ, như vậy không khác gì đặt lưới mà bẫy họ. Bậc nhân đức... trị dân mà lại đặt lưới bẫy dân sao? Vậy cho nên bậc hiền quân phải khiêm cung, tiết kiệm, lễ độ đối với dân" ["Đằng văn công thượng"]. Vì vậy, Mạnh Tử giải thích: "Kẻ làm hại đức nhân là "tặc", kẻ làm hại đức nghĩa là "tàn". Kẻ tàn, kẻ tặc chỉ là một người thường thôi [không đáng gọi là vua]. Tôi nghe nói vua Võ Vương chỉ giết một người tên là Trụ chứ chưa nghe nói giết vua. ["Lương Huệ Vương hạ"]. Đây là đoạn nhà tư tưởng thời Chiến Quốc giảng cho học trò về mệnh trời và thuyết "nhất trị, nhất loạn": Trong chương "Thư Thái thệ" Mạnh Tử giải thích: Kinh Thư có câu: "Trời không có mắt có tai, dân nhìn tức là trời nhìn, dân nghe tức là trời nghe", cho nên theo ý dân tức là theo ý trời. "Trời nổi giận, sai ta xét tội của Trụ, ta phải kính sợ mệnh lệnh và uy của trời"! Ý dân là ý trời là theo nghĩa đó. Nói theo chữ nghĩa bây giờ là tuân theo quy luật vận động của cuộc sống.
Cho nên, không "đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ" cũng chính là "không đặt lưới mà bẫy họ" là điều đã được cảnh báo từ hơn hai nghìn năm trước. Vì vậy Hồ Chí Minh đòi hỏi "phải đưa chính trị vào giữa dân gian" phải "tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Làm được điều ấy chính là đi đúng vào quỹ đạo của tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, điều mà hiện nay đang được thường xuyên rao giảng. Đi ngược lại chính là phản bội tư tưởng Hồ Chí Minh. Cho nên, lắng nghe tiếng nói của dân, tiếp nhận nguồn sức mạnh từ dân chính là điều Hồ Chí Minh thiết tha căn dặn. Nói theo ngôn từ và hình tượng thơ thì như tác giả "Cửa Mở" đã viết từ những năm 60 thế kỷ trước, đó là chính là

"Nơi sự thật chỉ cần là sự thật

Nơi lương tâm đến gặp tấm gương soi

Lời hàn huyên có màu trời hương đất

Bỗng sáng bừng chân lý hiện tinh khôi"! [Việt Phương. Cửa Mở. "người như sự sống sinh sôi"].

Một khi mà cái "màu trời hương đất" ấy bị hoen ố, bị dẫm đạp thì chắc hẳn là lòng Bác quặn đau, và cùng với Bác, tim chúng ta như có ai bóp chặt lại. Hiểu thấu được điều ấy, Việt Phương viết những câu thấm thía :
"Ta khóc những lỗi lầm làm tim Bác thêm đau".
Đã hơn bốn thập kỷ, câu thơ vẫn nóng bỏng tình thời sự. Mà có lẽ 'thời sự " nhất chính là điều mà Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm cẩn nhắc nhở những người thi hành công vụ liên quan đến miếng cơm, manh áo của dân.
Chính vì vậy, khi Việt Phương viết:
"Ta tự biết sức ta trong những dòng nước mắt"
thì mỗi người chúng ta đều cảm nhận được có mình trong đó. Vì đó là, những "...Giọt nước mắt thương dân, Dân mình phận long đong..." như người nhạc sĩ tài hoa nọ đã hát. Đó là những "dòng nước mắt trong tim. Chảy lai láng vào hồn..." [Trịnh Công Sơn.] của mỗi chúng ta. Cho nên khi "Ta khóc những lỗi lầm làm tim Bác thêm đau" thì ta hiểu được rằng đó chính là suối nguồn bất tận của tư tưởng và hành động thiết thực và mạnh mẽ khi nhớ đến, nghĩ đến sự nghiệp của Hồ Chí Minh đang cần được bảo vệ và phát huy trong những ngày kỷ niệm ý nghĩa này. Đó là cách học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh sâu sắc nhất!

____________

Tham khảo:

- Hồ Chí Minh Toàn Tập. Tập 12. NXBCTQG. Hà Nội 1995, tr. 560, tr.505.  Tập 5 . tr.294, tr. 293, tr. 298, tr.297

- Võ Nguyên Giáp. "Tổng tập Hồi Ký" NXBQĐND 2006, tr. 30

- "Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh" NXBQĐND. Hà Nội, 1990. tr.224

-  Phạm Văn Đồng "Hồ Chí Minh, Quá khứ Hiện tại và Tương lai" Tập I. NXB ST. Hà Nội 1991,tr.29, tr.98

- G.W.F.Hegel. "Hiện tượng học tinh thần." Bùi văn Nam Sơn dịch. NXB Văn học 2006, tr.769.

Kính gửi ông đại biểu quốc hội mặc sắc phục Công an nói liều.



Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam Phạm Trường Dân phản ánh "người dân không quan tâm tên nước như thế nào, chỉ một số tiểu thương quan tâm".

Thưa ông, đây là một số tiểu thương của ông, còn nhiều TIỂU THƯƠNG như thế này lắm. Ông đừng để có vài tiểu thương máu mặt lên tiếng bảo rằng dân trí thấp thế thì đừng  làm đại biểu.
ĐB Dương Trung Quốc cho rằng việc lấy lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không phải là sự thụt lùi như một số ý kiến nhận định. "Không nên coi đó là lùi mà phải coi đó là trở lại với những giá trị ban đầu"
Phó trưởng ban Nội chính Phan Đình Trạc nêu nhiều ý kiến chi tiết. Về vấn đề tên nước, ông Trạc đồng tình với phương án giữ nguyên tên Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong dự thảo mới nhất trình Quốc hội.
Tuy nhiên, phần giải trình cho phương án này được ông Trạc đánh giá là "gượng ép và không thuyết phục". Dẫn lại báo cáo, ông Trạc cho rằng, tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt không làm ảnh hưởng tới nội hàm xây dựng xã hội chủ nghĩa và con đường, mục tiêu phát triển.
Dẫn ví dụ quốc hiệu của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không có cụm từ “xã hội chủ nghĩa” trong tên nước song họ vẫn xây dựng chủ nghĩa xã hội, ông Trạc nói: “Tôi chưa nghĩ ra cách gì giải thích thuyết phục nhưng tôi chấm dấu hỏi ở đây”.
“Dấu hỏi” của ông Phan Đình Trạc sau đó được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Trưởng ban Biên tập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chia sẻ. Theo ông Lý, khi ban biên tập lập luận cho phương án tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì đã giải trình “rất thuyết phục”. Sự thuyết phục này thậm chí được Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng cho là "còn hơn cả lập luận về tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2013/05/chinh-the-viet-nam-la-cong-hoa/

Phan Tất Thành

Phỏng vấn Giáo sư Tương lai.



Xin kính chào Giáo sư Tương Lai. Trước hết Giáo sư phản ứng như thế nào về giải trình tiếp thu ý kiến sửa đổi Hiến pháp của ông Phan Trung Lý?
Giáo sư Tương Lai: Thật ra tôi cũng dự đoán là mọi việc cũng sẽ không có gì mới. Tất cả những điểm gì mà chúng tôi chờ đợi, thì đều thấy thất vọng. Khi nói chờ đợi, đó là tôi dựa trên Kiến nghị 72 ( mà nay đã được mười mấy nghìn người ký ủng hộ). Trong kiến nghị đó, chúng tôi có đưa ra 7 đề xuất. Nhưng qua phần trình bày nói trên, những điểm mà chúng tôi cho là không thể không sửa, nếu như thật sự có ý định sửa đổi Hiến pháp, thì tôi thấy không có điểm nào hài lòng cả.
Tuy tôi đã biết trước điều đó, những vẫn thấy buồn. Bởi vì bao nhiêu công của, bao nhiêu thời gian bỏ ra làm rất nhiều chuyện, nhưng cuối cùng không có điểm nào tiếp thu nguyện vọng của dân. Cho nên, tôi rất thất vọng khi lướt qua báo cáo giải trình tiếp thu các nội dung chỉnh lý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên cơ sở ý kiến của nhân dân. Tôi thấy là người ta đã lãng phí tiền bạc, ý chí của nhân dân một cách vô ích.
RFI: Thưa Giáo sư, vừa qua cũng đã có đề xuất đổi tên nước trở lại thành “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, nhưng trong bản giải trình, ông Phan Trung Lý cho rằng nên giữ nguyên tên nước như hiện nay. Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?
Giáo sư Tương Lai: Ban đầu khi nghe ý kiến của Chủ tịch Quốc hội đưa ra hai phương án tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì cũng có một vài người cảm thấy hình như là người ta cũng có một cái gì đó tiến bộ, quay trở lại với ý kiến của Hồ Chí Minh, Hiến pháp 1946 và Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng bằng suy nghĩ logích, tôi thấy là người ta đưa ra cho vui thế thôi, để tỏ vẻ là có tiếp thu ý kiến nhân dân, chứ không thể nào có chuyện quay trở về Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đâu. Bởi vì nếu mà nói Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì làm sao mà có Điều 4 và nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin trong phần mở đầu Hiến pháp được? Người nào tin rằng chắc là sẽ có nhiều sửa đổi thì sẽ sớm thất vọng.

RFI: Thưa Giáo sư, theo thống kê của Văn phòng Quốc hội, tính đến cuối tháng 04/2013, đã có hơn 26 triệu lượt đóng góp ý kiến của nhân dân, ông nghĩ gì về con số này?
Giáo sư Tương Lai: Có đưa ra con số gấp đôi, tức là 50 triệu thì cũng thế thôi. Bởi vì góp ý Hiến pháp đòi hỏi một trình độ nhất định. Hiểu được rõ những ngôn từ, khái niệm về pháp lý không đơn giản, nhất là hiểu về Hiến pháp lại càng không đơn giản. Người ta tốn rất nhiều tiền của, in ra thành từng quyển, đưa đến từng nhà như ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại quy định là trong vòng 2 ngày phải góp ý kiến ngay: đồng ý hay không đồng ý. Ngay cả những người có muốn cất công tìm hiểu, đọc cho hết, cũng không thể đọc nổi trong ngần thời gian ấy, nói gì đến chuyện đồng ý hay không đồng ý. Cho nên, cách làm đó có vẻ công phu và dân chủ, nhưng suy cho đến cùng chỉ lãng phí tiền của của dân một cách vô lối.
Không ai tin vào điều đó, nhưng cũng cứ phải làm, vì nếu không làm thì sẽ khó mà sống trong chế độ toàn trị này. Chỉ có một số người có trình độ là có thể đọc đi, đọc lại và góp ý. Tôi cho rằng con số này rất ít. Thôi thì người ta cứ đưa ra những con số đó cho nó vui vẻ, chẳng sao cả. Nhưng người ta quên mất một điều là lòng tin của người dân đã giảm sút quá mức rồi. Có nói nữa thì cũng chẳng ai quan tâm đâu.
RFI: Như vậy phải chăng là những ý kiến đóng góp của các nhân sĩ trí thức không có kết quả gì, hay là dầu sao những kiến nghị đó cũng có tác động nhất định lên suy nghĩ, nhận thức của người dân Việt Nam?
Giáo sư Tương Lai: Chúng tôi soạn thảo kiến nghị 7 điểm về sửa Hiến pháp không phải chỉ để nói với các vị trong ủy ban sửa đổi Hiến pháp, mà là phát biểu với công luận, để nhân dân thấy rằng đấy là những đòi hỏi về tư tưởng, đẩy đến một bước chuyển biến tình hình, thì may ra mới có một lối thoát ra khỏi bế tắc hiện nay. Những kiến nghị của chúng tôi chẳng qua chỉ là nhằm động viên ý chí và sức mạnh của dân mà thôi, chứ chúng tôi không hy vọng rằng những người cầm quyền hiện nay hay ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tiếp thu ý kiến của chúng tôi.
Đấy là chưa nói là chúng tôi làm một cách quang minh chính đại, in ra hẳn hoi, mang đến tận nơi, nhưng không một cơ quan chính thức nào phản hồi nghiêm túc. Đấy là chưa nói một loạt báo “lề phải”, với những cây bút hạng hai, hạng ba, nói năng không ra gì cả, những lễ độ tối thiểu cũng không có. Thế thì, đòi hỏi gì đến chuyện chỉnh sửa nghiêm túc được?
Thực ra, việc góp ý Hiến pháp vừa qua là một cái cớ, một thời điểm để bung ra những ý kiến, mà trước đây chỉ nói một phần 10, một phần 100 là cũng đủ bị làm rầy rà, thậm chí kết án tù. Nhân dịp này, người ta không chỉ nói chuyện góp ý Hiến pháp, nhưng từ đó còn đề cập đến những vấn đề khác hơn, để tạo ra một khí thế dân chủ mới. Và có một lúc hình như nó đã tuột khỏi tầm tay ( của chính quyền ) và ngay sau đó, người ta hối hả buộc lại, be bờ đắp đập lại, o ép lại để nó trở lại trong quỹ đạo mà người ta muốn.
Nhưng điều đó đã muộn. Thái độ của hai em sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha trước tòa án Long An cho thấy là những cái điều mà người ta tưởng đã bịt lại thực ra đã bung ra, bung ra quá cỡ, khiến người ta cũng bàng hoàng, không hiểu tại sao hai người trẻ tuổi ấy lại có thể có một khích phách, một dũng khí như thế. Điều này có một sức lan tỏa và động viên rất mạnh mẽ.
Chuyện góp ý Hiến pháp chẳng qua là cơ hội để bung ra những điều mà lâu nay dồn nén trong tâm tư và tâm lý xã hội. Rồi Quốc hội cũng sẽ thông qua Hiến pháp này thôi. Nhưng nói cho cùng, có Hiến pháp hay không Hiến pháp thì vẫn vậy, bởi gì có những điều quy định trong Hiến pháp, mấy chục năm nay có ai thực hiện đâu? Quyền tự do lập hội, tự do báo chí, tự do biểu tình, được ghi rành rành trong Hiến pháp, nhưng kèm theo đó lại có những văn bản hạn chế ngay lập tức những quyền đó. Cho đến bây giờ đã có quyền tự do lập hội đâu? Vẫn chưa ban hành nghị định cụ thể về lập hội cơ mà! Còn biểu tình không phải là biểu tình chống một chính sách hay đường lối của chính phủ, mà là biểu tình chống ngoại xâm, một lý do thiêng liêng như vậy, thế mà người ta đáp lại bằng dùi cui, bằng đàn áp một cách tồi tệ như thế, khiến Việt Nam mất mặt với thế giới!
Cho nên vấn đề giờ đây không phải là Hiến pháp có điều gì tiến bộ, điều gì không, mà vấn đề là Hiến pháp đưa ra phải có điều kiện như thế nào để người dân được thực hiện. Điều đó lệ thuộc vào nhiều cái khác, chứ không lệ thuộc vào những chương mục trong Hiến pháp. Những chương mục đó có rồi, nhưng không được thực hiện thì người dân cũng phải chịu thôi. Chỉ có điều là dân chịu đến mức nào và đến bao giờ thì người ta không cam chịu nữa. Đó là vấn đề đang được đặt ra và các nhà chính trị phải tính toán cho kỹ.
RFI: Xin cám ơn Giáo sư.

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

“Lính Trung Quốc có thể cải trang ngư dân chiếm đảo, đá ở Trường Sa”



Biển Đông trong thời gian vừa qua đã liên tục trở nên căng thẳng sau những động thái leo thang của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khiến dư luận trong nước, khu vực và quốc tế đặc biệt quan ngại.
Tại Hoàng Sa, ngày 20/3 tàu quân sự Trung Quốc bắn cháy cabin một tàu cá Việt Nam đang đánh bắt hợp pháp trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam; tổ chức tour du lịch trái phép ra đảo Đá Bắc, Hoàng Sa hôm 18/4, chưa kể những hoạt động quấy rối, xua đuổi ngư dân Việt Nam đánh bắt ở Hoàng Sa; áp đặt cái gọi là "lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa của Việt Nam từ 16/5 đến 1/8.
Tại Trường Sa, từ cuối tháng 3/2013 đến nay Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai ít nhất 3 cuộc tập trận trái phép, trong đó cuộc tập trận quy mô lớn của hạm đội Nam Hải kéo dài 16 ngày từ 19/3 được đặc biệt chú ý bởi quy mô, mức độ, cường độ cũng như các nội dung diễn tập trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa.
Từ 12/5 hạm đội Nam Hải lại tiếp tục phái 1 biên đội tàu hộ vệ ra tập trận trái phép ở Trường Sa, một ngày sau, 13/5, một biên đội tàu chiến khác của hạm đội Đông Hải cũng kéo vào tập kết tại Biển Đông.
Đáng chú ý, ngày 6/5 giới chức tỉnh Hải Nam, Trung Quốc phái 32 tàu cá kéo ra quần đảo Trường Sa của Việt Nam đánh bắt trái phép. Không chỉ kéo theo các phóng viên để tuyên truyền, quay phim, chụp ảnh, lần đầu tiên giới chức Trung Quốc còn công khai tọa độ vị trí 32 tàu cá Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển chủ quyền của Việt Nam (10,27 độ Vĩ Bắc và 111,14 độ Kinh Đông và 6,01 độ Vĩ Bắc, 108,48 độ Kinh Đông, cực Tây Nam quần đảo Trường Sa, sát với cái gọi là "đường lưỡi bò" phi pháp).
Đây là một bước leo thang mới của Trung Quốc, hoạt động phái 32 tàu cá ra Trường Sa của Việt Nam chỉ là nước cờ dò đường nhằm thử thái độ, phản ứng của ta, nếu ta phản ứng thiếu kiên quyết Trung Quốc sẽ được đà lấn tới và có thể có nhiều hành động leo thang khó lường trước. Rất có khả năng trong thời gian tới Bắc Kinh sẽ không chỉ dừng lại ở đây mà sẽ phái lính cải trang thành ngư dân xâm nhập, đổ bộ và chiếm đóng thậm chí là xây dựng nhà dàn, công sự trái phép trên các điểm đảo, bãi đá, rặng san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà hiện nay ta chưa kịp triển khai quân chốt giữ.

Chỉ không làm thôi chứ không phải không biết.

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Tư tưởng Hồ Chí Minh qua Bản yêu sách gửi đến Hội nghị Véc-xây và bản Hiến pháp 1946

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc năm 1918. Ngày 28 tháng 6 năm 1919, các nước thắng trận và bại trận đã họp Hội nghị tại Versailles, Pháp, để ký kết các hòa ước chính thức, cũng như phân chia các quyền lợi cho các nước thắng trận. 

Các nước thắng trận bao gồm Anh, Pháp, Nga, Ytalia, Mỹ. Các nước bại trận bao gồm Đức, Áo - Hungary, và Thổ Nhĩ Kỳ.  
Tại Hội nghị Versailles này, bên cạnh các đoàn đại biểu chính thức, còn có đại diện các dân tộc bị áp bức, đến dự Hội nghị để yêu cầu độc lập và tự do cho dân tộc mình, như đại diện cho người Aixơlen, người Ấn Độ, người Triều Tiên, người Arập… Khi đó người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Pháp, đã tự tổ chức nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pa-ri, và tại các tỉnh ở Pháp. Ông Nguyễn Ái Quốc đã đến Hội nghị Versailles với danh nghĩa đại diện cho tổ chức này.

Tại Hội nghị Versailles, ông Nguyễn Ái Quốc đã phát cho các đại biểu dự Hội nghị “Bản yêu sách của dân tộc Việt Nam gửi đến Hội nghị Versailles”. “Bản yêu sách” này bao gồm 8 điểm rất ôn hòa, yêu cầu Chính phủ Pháp trao trả một số quyền tự do, dân chủ cơ bản tối thiểu cho nhân dân Việt Nam.

“Bản yêu sách” nổi tiếng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc  gửi Hội nghị Versaillé năm 1919 đó, bao gồm 8 điểm là:

1- Ân xá toàn thể chính trị phạm Việt Nam.
2- Cải cách nền pháp lý Đông Dương, cho người Việt Nam cũng được bảo đảm về mặt pháp lý như người Âu, bỏ hẳn Tòa án đặc biệt, công cụ để khủng bố những người Việt Nam lương thiện nhất.
3- Tự do báo chí và tự do tư tưởng.
4-Tự do lập hội và tự do hội họp.
5-Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do ra nước ngoài.
6-Tự do học tập và mở các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp cho người bản xứ ở khắp các tỉnh.
7-Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật pháp.
8-Phải có đại biểu thường trực người Việt Nam do người bản xứ bầu ra, ở bên cạnh Nghị viện Pháp để trình bày nguyện vọng của người bản xứ”.

Sau “Bản yêu sách 8 điểm” gửi Hội nghị Versailles, lần đầu tiên dư luận ở Pháp, và ở Việt Nam biết đến cái tên Nguyễn Ái Quốc, một thanh niên Việt Nam trẻ tuổi đấu tranh cho độc lập, tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam.

Và cũng từ đó, mật thám Pháp bắt đầu để ý, theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của ông Nguyễn Ái Quốc. Bởi vì, với Nhà nước thực dân độc tài, phản dân chủ, thì mọi tiếng nói đòi tự do, dân chủ cho người dân Việt Nam đều bị coi là nguy hiểm cho Nhà nước thực dân.

Nhưng tất cả những yêu sách ôn hòa đó của Nhóm người Việt Nam yêu nước của ông Nguyễn Ái Quốc đều không được Chính phủ Pháp, cũng như các nước trong Hội nghị Versailles quan tâm, để ý. Từ đó, ông Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận quan trọng rằng không thể trông cậy vào các nước khác, “muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”.

Bây giờ nhìn lại Bản yêu sách 8 điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị Versailles năm 1919, chúng ta thấy rằng tư tưởng của Bác Hồ về một thể chế tôn trọng những quyền tự do, dân chủ tối thiểu cho người dân được hình thành từ rất sớm. Khi đó Bác Hồ mới 29 tuổi, và mới sang Pháp được 8 năm. Trong số các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, thì Bác Hồ là người duy nhất sống ở nước ngoài tới 30 năm.

Bác ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, tại bến Nhà Rồng, Sài Gòn, và chỉ đến năm 1941 mới trở về nước, để lãnh đạo Đảng, nhân dân đấu tranh giành chính quyền. Bởi vậy Bác là người hiểu rất rõ những hạn chế, xấu xa của chế độ tư bản, thực dân, nhưng đồng thời Bác cũng hiểu được rất rõ các giá trị của nền văn minh phương Tây, của chế độ tự do, dân chủ phương Tây.

Chính bởi vậy, vào năm 1946, khi Bác Hồ chỉ đạo soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bản Hiến pháp 1946 đó chứa đựng rất nhiều giá trị tiến bộ của nền dân chủ phương Tây. Bác Hồ đã lãnh đạo Đảng và nhân dân Việt Nam đánh đuổi thực dân, nhưng những giá trị của nền văn minh phương Tây, thì cần phải khiêm tốn học hỏi. Đó chính là tính biện chứng trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Điều 10 của Hiến pháp 1946 qui định: “Công dân Việt Nam có quyền: - Tự do ngôn luận. - Tự do xuất bản. - Tự do tổ chức và hội họp. - Tự do tín ngưỡng. - Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Nội dung của điều 10 này rất giống một phần nội dung 8 điểm mà Bác Hồ đã gửi Hội nghị Versailles cách năm 1946 đó 27 năm.

Hiện nay trong cả nước đang dấy lên phong trào “lao động, học tập gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đây là phong trào rất hay, rất cần thiết, nhưng theo tôi thiển nghĩ thì chưa đủ. Bởi vì đạo đức Hồ Chí Minh chỉ là một nội dung trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Một diểm nhất quán và hết sức quan trọng trong Tư tưởng Hồ Chí Minh là về xây dựng một Nhà nước công bộc của dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Trong thư “Gửi các ủy ban nhân dân các bộ, tỉnh, huyện, và làng” tháng 10 năm 1945, Bác Hồ viết “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì”. Như vậy, Bác Hồ hiểu rất rõ độc lập cũng chỉ là phương tiện để thực hiện tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Tự do, hạnh phúc cho nhân dân mới là mục đích của nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước.

Chừng nào còn có kẻ đánh bạc cả triệu đôla, nhưng cả triệu người dân còn thiếu thốn nhiều bề, chừng nào còn có cán bộ hách dịch, xếch mé với dân, không làm tròn trách nhiệm là công bộc của dân, chừng nào người dân còn chịu oan khuất, phải đi khiếu kiện kêu cầu công lý, chừng nào bộ máy hành chính còn hành dân, thì chừng đó, tư tưởng Hồ Chí Minh còn chưa được quán triệt trở thành hành động trong thực tế.

Bây giờ nhìn lại Bản yêu sách 8 điểm của Bác Hồ cách đây gần 100 năm, và bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, chúng ta thấy rõ tư tưởng của Bác Hồ về xây dựng một thể chế tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân.

Từ đó chúng ta thấy rõ rằng cần phải từ phong trào lao động, học tập theo gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay, nâng cao lên thành phong trào học tập và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một nhà nước công bộc của dân.

D.T

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo nói về bài “Tôi yêu Tổ quốc tôi mà tôi bị bắt”



Việt Hùng, phóng viên đài RFA

Sau những lên tiếng của nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Nguyễn Viện, nhà văn Nguyễn Khắc Phục, nữ nhà văn Trang Hạ, nhạc sĩ Tuấn Khanh, nữ đạo diễn Song Chi và không ít các văn nghệ sĩ tại Việt Nam phản ứng về việc Trung Quốc xác nhận chủ quyền trên hai vùng quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam, mới đây nhà thơ Trần Mạnh Hảo từ thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc trao đổi với Việt Hùng của đài chúng tôi đưa ra ý kiến khi cho rằng, “Tại sao yêu Tổ quốc mà bị bắt…”
Mời quí vị theo dõi cuộc trao đổi dưới đây của Việt Hùng với nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

Việt Hùng: Thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nguyên do nào mà nhà thơ lại cho rằng “Tôi yêu Tổ quốc tôi mà tôi bị bắt”?
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo: Kính thưa quí vị thính giả của đài RFA, tôi thấy việc công an nhà nước Việt Nam bắt anh em thanh niên và một số văn nghệ sĩ, nhà báo đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa - Trường Sa thì tôi thấy điều đó tôi không thể hiểu được.
Là người dân của nước Việt Nam, tôi yêu Tổ quốc tôi, yêu đất nước tôi nên lẽ đương nhiên tôi không cần phải xin phép ai cả, giống như mẹ tôi sinh ra tôi thì tôi yêu mẹ tôi, tôi không phải đi xin phép công an để tôi được yêu mẹ tôi? Tôi yêu Tổ quốc tôi và mọi người được quyền yêu Tổ quốc mình!
Thấy giặc ngoại xâm thì phẫn nộ xuống đường. Một nhà nước mang tiếng là nhà nước của nhân dân, bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất nước mà lại đi bắt những người đi biểu tình chống ngoại xâm? Thì nó biểu hiện một điều khủng khiếp nhất trong lịch sử dân tộc. Không có ai đi đàn áp nhân dân mình chỉ vì nhân dân mình yêu nước cả?
Tôi cũng lấy làm là cái nhà nước này, họ đứng về phía Trung Quốc hay đứng về Tổ quốc nhân dân Việt Nam…thì tôi không thể hiểu được cho nên tôi tôi xúc động mà tôi viết bài thơ Tôi yêu Tổ quốc tôi mà tôi bị bắt. Đấy là nguyên nhân, tôi viết trong xúc động và tôi viết trong có 10 phút là xong bài thơ.
Việt Hùng: Ông nói ông viết bài thơ trong xúc động. Văn nghệ sĩ đành rằng phải có cảm xúc thì mới sáng tác, nhưng sáng tác của nhà thơ có vẻ mang mầu sắc xách động?
Kính thưa quí vị thính giả của đài RFA, tôi thấy việc công an nhà nước Việt Nam bắt anh em thanh niên và một số văn nghệ sĩ, nhà báo đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa - Trường Sa thì tôi thấy điều đó tôi không thể hiểu được.
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo: Không, tôi không xách động dư luận, bởi vì xách động là một điều không đúng, không hay, một con người được quyền phẫn nộ chứ? Thấy cái sai thì phẫn nộ, thấy cái đúng thì bảo vệ, yêu cái đúng, yêu lẽ phải, mà yêu đến tận cùng, phẫn nộ đến tận cùng…
Tôi chỉ ruyền cảm, văn nghệ, nghệ thuật là truyền cảm, mình truyền lửa của mình vào cho người ta thông qua ngôn từ thơ ca và người ta cũng xúc động như mình. Truyền cảm cho lẽ phải thì không thể gọi là xách động được.
Việt Hùng: Nhưng mà trong những bài học lịch sử hẳn ông còn nhớ (Lời Mẹ Dặn)
Yêu ai cứ bảo là yêu Ghét ai cứ bảo là ghét Dù ai ngon ngọt nuông chiều Cũng không nói yêu thành ghét Dù ai cầm dao dọa giết Cũng không nói ghét thành yêu…
… của nhà thơ Phùng Quán cũng đã từng nhận lãnh hậu quả…
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo: Vâng tôi còn nhớ, bởi vì từ thời ông Phùng Quán đến bây giờ bản chất sự việc cũng không thay đổi mấy, nó chỉ thay đổi hình thức xử lý sự việc thôi…
Bởi vì là một con người chứ chưa nói là một trí thức, một nhà văn, một người cầm bút thì tôi phải được quyền nói lên sự thật. Nói lên sự thật là quyền thiêng liêng của con người. Trong Hiến pháp năm 1992 của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN đã cho tôi tất cả những quyền như quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do tư tưởng, quyền tự do báo chí, tự do biểu tình…Nếu đã gọi là quyền thì không phải đi xin ai hết.
Tại sao chúng ta có quyền biểu tình mà Hiến pháp qui định mà sao chúng ta lại phải đi xin phép biểu tình, nếu không thì bị bắt, vậy thì làm sao? Trong Hiến pháp nói công dân được quyền đi biểu tình, tôi đi biểu tình thì làm sao lại bắt tôi? Tôi làm đúng Hiến pháp mà, đã gọi là quyền thì không phải xin. Hiến pháp cho tôi quyền sống? Sống là ăn là thở, không lẽ mỗi lần tôi ăn, tôi thở tôi lại phải xin phép công an à?
Hiến pháp cho tôi cái quyền được mưu cầu hạnh phúc, mưu cầu hạnh phúc là tôi tìm sung sướng tôi tìm hạnh phúc, nói trắng ra, xin lỗi anh mỗi lần tôi… thì tôi lại phải xin phép công an hay sao? Đã gọi là quyền, quyền thì làm sao mà phải đi xin phép?
Quyền tự do tư tưởng tôi thấy điều này đúng, tôi thấy sai tôi nói sai, nhưng khốn nạn thay ở đất nước Việt Nam sự giả dối đang thống trị dân tộc, đang thống trị đất nước, đấy là một bi kịch đau khổ nhất của dân tộc.
Việt Hùng: Nhưng mà thưa nhà thơ, phải chăng là vì những bức xúc của cá nhân mà nhà thơ lại gieo những vần như:
Có nơi đâu trên thế giới này như Việt Nam hôm nay Yêu nước là tội ác biểu tình chống ngoại xâm bị “Nhà Nước” bắt?
Tại sao Nhà nước, cụm từ “Nhà nước” mà nhà thơ lại để trong ngoặc kép?
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo: Thực ra nhà nước này không phải do dân bầu, do các ông ấy tự dựng lên lãnh đạo đất nước và làm giả như nhân dân bầu. Có ai bầu ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư đâu? Các ông ấ y đưa lên đó chứ, sau đó các ông ấy làm giả một Quốc Hội, tức là Quốc hội của đảng chứ đâu phải là Quốc hội của dân đâu? Cho nên chữ “nhà nước” trong nháy nháy là nhà nước bất hợp pháp, không do nhân dân bầu ra, nhà nước của mấy ông này.
Việt Hùng: Không ít bạn trẻ tại Việt Nam thường nói, yêu nước không có nghĩa là yêu chủ nghĩa xã hội? và bây giờ ngày hôm nay thì ông lại nói, tôi yêu tổ quốc tôi mà tôi bị bắt? Phải chăng đó là câu trả lời với những bức xúc của giới trẻ hay chỉ là bức xúc của cá nhân ông?
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo: Dạ thưa Tổ quốc tôi là Tổ quốc tôi chứ không dính dáng gì đến chủ nghĩa xã hội được. Nhà cầm quyền Việt Nam đã đồng nghĩa Tổ quốc với chủ nghĩa xã hội là một sự đánh tráo. Một sự đánh tráo khủng khiếp, bởi vì những người chống cộng sản, bị bắt, đều bị quy cho là chống Tổ quốc.
Những người như luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài họ không hề chống Tổ quốc, họ yêu Tổ quốc đến tận cùng. Họ chống lại những người cầm quyền dùng những lý thuyết sai lầm, cái lý thuyết đã bị vứt vào sọt rác để áp dụng lên dân tộc đã 60 năm nay, làm dân tộc khố khổ…thì cái chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với Tổ quốc, đánh đồng Tổ quốc với chủ nghĩa xã hội và đảng CSVN là một sự đánh tráo khủng khiếp…
Việt Hùng: Và chúng tôi cũng xin được đóng lại phần nói chuyện với nhà thơ Trần Mạnh Hảo từ Việt Nam.
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo: Vâng xin cám ơn anh Việt Hùng và xin cám ơn quí vị thính giả của đài RFA.