Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

LS. TRẦN VŨ HẢI XIN Ý KIẾN UB THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ VIỆC THÀNH LẬP ĐẢNG

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐỀ NGHỊ  CHO Ý KIẾN VỀ VẤN ĐỀ
THÀNH LẬP VÀ THAM GIA MỘT ĐẢNG NGOÀI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 
DƯỚI GÓC ĐỘ PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Kính gửi:  Ủy ban thường vụ Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng)
Tôi là Trần Vũ Hải, hành nghề luật sư tại 81 phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội và 66 Huỳnh Khương Ninh, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh, xin gửi lời chào trân trọng đến Quý Vị và xin được trình bày như sau:
Gần đây, một số người kêu gọi thành lập một đảng mới lấy tên là Đảng Dân chủ Xã hội và cho rằng pháp luật Việt Nam không cấm công dân thành lập đảng. Một số người cho rằng không đủ căn cứ pháp lý để thành lập một đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều công dân Việt Nam quan tâm đến vấn đề này đã hỏi chúng tôi về phương diện pháp lý.
Chúng tôi đã nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành và đã dự thảo Bản ý kiến gửi Quý Vị để tham khảo và cho ý kiến về vấn đề này.
Theo chúng tôi, vấn đề thành lập và tham gia một đảng ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam đang được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, đã có nhiều người đề xuất, các cơ quan chức năng và các nhà luật học hàng đầu của Việt Nam cần có những quan điểm rõ ràng căn cứ vào pháp luật Việt Nam để khẳng định luật pháp Việt Nam có cấm công dân Việt Nam tham gia và thành lập đảng khác ĐCSVN, nếu không cấm việc thành lập sẽ diễn ra như thế nào để phù hợp pháp luật Việt Nam.
Chúng tôi tin tưởng rằng, Quý Vị sẽ có ý kiến chính thức về vấn đề quan trọng này và những ý kiến này cần được công bố trên các phương tiện truyền thông.
Trân trọng
Công dân Trần Vũ Hải
BẢN Ý KIẾN
VỀ THÀNH LẬP VÀ THAM GIA ĐẢNG PHÁI DƯỚI GÓC ĐỘ 
PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH

(Dự thảo)
Hà Nội, ngày 22/8/2013
Từ sau 1975 đến 1988, tại Việt Nam có 03 chính đảng hoạt động hợp pháp là Đảng Cộng sản Việt Nam (trước đó là Đảng Lao động Việt Nam và tên gọi tại miền Nam là Đảng Nhân dân Cách mạng), Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã Hội Việt Nam hoạt động. Đến năm 1988, Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội tự giải tán. Từ đó đến nay, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), chưa có đảng nào được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Gần đây, một số người kêu gọi thành lập một đảng mới lấy tên là Đảng Dân chủ Xã hội và cho rằng pháp luật Việt Nam không cấm công dân thành lập đảng. Một số người cho rằng không đủ căn cứ pháp lý để thành lập một đảng khác ngoài ĐCSVN.
Nhiều công dân Việt Nam quan tâm đến vấn đề này đã hỏi chúng tôi về phương diện pháp lý. Chúng tôi đã nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành, trong đó có những văn bản sau:
1. Hiến pháp Việt Nam  năm 1992 (được sửa đổi 2001);
2. Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005;
3. Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 và các luật sửa đổi, bổ sung bộ luật này;
4. Công ước về các quyền dân sự và chính trị 1966 (Việt Nam gia nhập năm 1984);
5. Luật về quyền lập hội 1957;
6. Một số luật khác như: Luật Mặt trận Tổ quốc; Luật Công đoàn 2012; Luật Thanh niên; Pháp lệnh về Cựu chiến binh….;
7. Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2010/NĐ-CP; các thông tư hướng dẫn các Nghị định này.
Trên cơ sở nghiên cứu những văn bản này, chúng tôi có những ý kiến như sau:
1. Không có điều khoản nào trong Hiến pháp và các luật của Việt Nam cấm công dân Việt Nam thành lập và tham gia một chính đảng khác ngoài ĐCSVN.
2.  Tuy nhiên, Điều 79 Bộ luật Hình sự có quy định trừng phạt người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Như vậy, việc thành lập hoặc tham gia vào một đảng không nhằm lật đổ chính quyền nhân dân sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật này. Nói cách khác, hoạt động thành lập và tham gia vào một đảng không nhằm lật đổ chính quyền sẽ không được coi là bất hợp pháp.
3. Về nguyên tắc đảng là một loại hội chính trị. Thành lập và tham gia một chính đảng là thực hiện quyền về lập hội, hội họp. Điều 69 Hiến pháp ghi nhận: Công dân có quyền ....hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Điều 22 Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 quy định: Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình.  
4. Pháp luật nhiều nước phân biệt giữa đảng phái chính trị và hội. Bộ luật Dân sự Việt Nam (Điều 100) quy định có các loại pháp nhân như: (i) tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; (ii) tổ chức chính trị  xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; (iii) tổ chức khác. Không có quy định rõ trong Bộ luật Dân sự hội thuộc loại pháp nhân nào trong 03 loại pháp nhân trên.         
5. Chúng tôi cho rằng một đảng phái hoặc  một liên minh chính trị là tổ chức chính trị theo cách hiểu của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, không có điều khoản nào của Hiến pháp, các Luật, Điều lệ ĐCSVN khẳng định ĐCSVN là một tổ chức chính trị. Điều 9 Hiến pháp quy định Mặt trận Tổ quốc là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu… Luật Mặt trận Tổ quốc cũng có quy định tương tự, nhưng không khẳng định Mặt trận tổ quốc là tổ chức chính trị (theo cách hiểu của Bộ luật Dân sự). Các tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam gồm: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các công đoàn (theo Luật Công đoàn), Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam (theo Luật Thanh niên), Hội Cựu chiến binh Việt Nam (theo Pháp lệnh Cựu chiến binh),Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (theo Điều lệ của hội này), Hội Nông dân Việt Nam (theo Điều lệ của hội này).
6. Có vẻ như tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội không được coi là hội theo pháp luật hiện hành của Việt Nam. Luật về Quyền  lập hội 1957 hiện đang còn hiệu lực (mặc dù một số điều khoản trong Luật này thực tế đã  không còn hiệu lực do không phù hợp với một số luật khác ban hành sau đó hoặc không phù hợp với thực tế hiện nay, nhưng Nghị định 45/2010/NĐ-CP vẫn căn cứ vào Luật này, tức Chính phủ vẫn coi Luật này còn hiệu lực). Điều 9 Luật về quyền lập hội quy định: Các đoàn thể dân chủ và các đoàn thể nhân dân đã tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ kháng chiến, được Quốc hội và Chính phủ công nhận, không thuộc phạm vi quy định của luật này. Nghị định 45/2010/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 33/2012/NĐ-CP) quy định không áp dụng đối với các tổ chức chính trị - xã hội (nêu ở mục 5 trên), các tổ chức giáo hội. Không thấy Nghị định này quy định rõ loại trừ ĐCSVN và tổ chức chính trị ra khỏi đối tượng áp dụng. Nhưng Điều 2 định nghĩa hội như sau: Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Hiểu theo quy định này, đảng phái (tổ chức chính trị) không được coi là Hội. Như vậy, có thể cho rằng Luật về quyền lập hội, Nghị định 45/2010/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 33/2012/NĐ-CP) không áp dụng cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
7. Trong khi Công đoàn, Mặt trận có luật riêng, chưa thấy có luật nào về đảng, kể cả luật về ĐCSVN. Tuy nhiên, như phân tích ở trên, đảng là một tổ chức chính trị, một loại pháp nhân được quy định trong Bộ luật Dân sự. Do đó, những quy định về pháp nhân, tổ chức chính trị trong Bộ luật Dân sự sẽ được áp dụng nếu xem xét về thành lập, tham gia một đảng chính trị.
8.Pháp nhân theo Điều 84 Bộ luật Dân sự được quy định như sau: 
Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Được thành lập hợp pháp; 
2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Thế nào là thành lập hợp pháp không được định nghĩa rõ trong Bộ luật Dân sự, tuy nhiên Điều 85 Bộ luật Dân sự quy định như sau: Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, tổ chức hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy có 02 loại pháp nhân được thành lập: (i) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (ii) không có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng theo sáng kiến của cá nhân, tổ chức.
9. Tổ chức chính trị theo Bộ luật Dân sự thuộc đối tượng nào trong 02 loại pháp nhân được thành lập nêu trên? (Đảng có phải xin phép thành lập từ Nhà nước hay không?)

Điều 88 khoản 1 Bộ luật Dân sự quy định : Trong trường hợp pháp luật quy định pháp nhân phải có điều lệ thì điều lệ của pháp nhân phải được các sáng lập viên hoặc đại hội thành viên thông qua; điều lệ của pháp nhân phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trong trường hợp pháp luật có quy định.

Như phân tích ở trên, không có luật nào quy định về thành lập, tham gia tổ chức chính trị ngoài Bộ luật Dân sự. Do đó, đảng (tổ chức chính trị) có cần điều lệ hay không và điều lệ này phải được một cơ quan Nhà nước công nhận hay không sẽ căn cứ chính những điều khoản trong Bộ luật Dân sự.

Trong khi loại pháp nhân (ii) nêu trong mục 4 trên được quy định tại Điều 104 Bộ luật Dân sự (pháp nhân là tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp), theo đó pháp nhân loại này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập, công nhận điều lệ, thì điều 102 Bộ luật Dân sự quy định về loại pháp nhân là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chỉ quy định phải có điều lệ, nhưng không quy định cơ quan nhà nước công nhận điều lệ và  cho phép thành lập đối với loại pháp nhân này. Như vậy, tổ chức chính trị (và tổ chức chính trị - xã hội) phải có điều lệ nhưng không cần cơ quan nhà nước nào công nhận điều lệ, cho phép thành lập. Thực tế, ĐCSVN đã hoạt động như vậy, điều lệ của Đảng này sửa đổi nhiều lần nhưng không cần cơ quan nhà nước nào công nhận việc sửa đổi vì không có điều khoản của văn bản pháp luật nào (kể cả Bộ luật Dân sự) quy định phải có thủ tục công nhận từ Nhà nước. Nói cách khác pháp luật Việt Nam (cụ thể là Bộ luật Dân sự) quy định: đảng phái (tổ chức chính trị) là loại pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của tổ chức cá nhân (không thuộc loại thành lập theo quyết định của cơ quan Nhà nước), không phải xin phép thành lập, điều lệ không cần Nhà nước công nhận nhưng phải được các sáng lập viên hoặc đại hội thành viên thông qua.
10.  Tóm lại, theo chúng tôi đảng phái (tổ chức chính trị) được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, và cần lưu ý những điểm chính sau:
a.  Có sáng kiến của những cá nhân (công dân Việt Nam) đề nghị thành lập đảng.
b. Mục tiêu của đảng dự kiến thành lập không được nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
c. Các sáng lập viên (những người sáng kiến) thông qua điều lệ đảng hoặc đại hội thành lập thông qua điều lệ đảng. Đảng phải có cơ quan điều hành (Ban chấp hành), người đại diện (người đứng đầu) và trụ sở (các điều 88,89, 90, 91 Bộ luật Dân sự).
d. Việc thành lập đảng và điều lệ đảng không cần sự cho phép, công nhận từ Nhà nước.
11. Tuy nhiên những ý kiến trên là những ý kiến cá nhân của chúng tôi, dựa trên nghiên cứu pháp luật Việt Nam hiện hành. Theo Điều 91 Hiến pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Do đó, chúng tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu bản ý kiến này của chúng tôi. Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý với bản ý kiến này và có cách giải thích khác về Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và những luật liên quan khác về vấn đề này, chúng tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố sớm ý kiến của mình.
Văn bản này cũng được gửi đến một số cơ quan liên quan và một số giáo sư, nhà khoa học luật hàng đầu Việt Nam (có danh sách kèm theo dưới đây) để  tham khảo, xin ý kiến.
Chúng tôi hi vọng rằng sẽ nhận được ý kiến của các cơ quan hữu quan, các nhà luật học. Sau 30 ngày kể từ ngày công bố bản ý kiến (dự thảo) này,  những ý kiến (nếu có) của các cơ quan hữu quan và các nhà luật học sẽ được chúng tôi công bố và tham khảo để đưa ra văn bản ý kiến cuối cùng của chúng tôi về vấn đề này. 

Trân trọng  
Ký tên 
Trần Vũ Hải
(Hành nghề luật sư tại 81 chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội)

Dự thảo Bản ý kiến này được gửi đến:
1. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng)
3. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu
4. Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (Ông Trương Hòa Bình)
5. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (Ông Nguyễn Hòa Bình)
6. Bộ Công an (Ông Trần Đại Quang)
7. Bộ Tư pháp (Ông Hà Hùng Cường)
8. Bộ Nội vụ (Ông Nguyễn Thái Bình)
9. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Ông Phan Trung Lý)
10. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Ông Nguyễn Văn Hiện)
11. Ông Nguyễn Như Phát - Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
12. Ông Nguyễn Đăng Dung – Giáo sư Luật Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội
13. Ông Đào Trí Úc – Giáo sư Luật, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.
14. Bà Mai Hồng Quỳ - Giáo sư Luật – Hiệu trưởng trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
15. Ông Lê Hồng Hạnh – Giáo sư Luật, Hội luật gia Việt Nam

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Ôi, cái Hội Nhà văn của ông Hữu Thỉnh !



Tôi không có may mắn được là Hội viên Hội Nhà văn, một hội nghề nghiệp “danh giá” trong cả trăm hội nghề nghiệp ở cái xứ Việt Nam này . Nhưng tôi biết đó là cái Hội rất phức tạp. Ai cũng cho là mình hay, mình giỏi và chả ai chịu ai, chả ai phục ai . Đó cũng là Hội mà Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương luôn phải để mắt tới vì lúc nào cũng có thể xảy ra “lệch lạc” gây bấn loạn xã hội về mặt tư tưởng . Mặt mà Đảng luôn lo mất định hướng . Chứ còn cái Hội giáo giới hay Hội Cầu đường, hội Vân tải ô tô thì chúng tôi chỉ biết chân chỉ làm ăn thương yêu đùm bọc đấu tranh cho lợi quyền của nhau
Gần đây, sau bài “phê bình chỉ điểm” theo cách nói của nhà phê bình văn học có tiếng Phạm Xuân Nguyên trên tờ Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh đối với bài phê phán luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên tức cô giáo Đỗ thị Thoan mà Phạm Xuân Nguyên cho là thô bạo , là vi phạm pháp luật thì những người phía  bên kia nhảy cẫng lên tung ra cả loạt bài đả kích mà điển hình  là các bài trên blog cá nhân của Đông La
Đọc những bài này mà chắc chắn chẳng báo lề phải chính thống nào dám đăng vì nó thô tục , vô văn hóa không thể tưởng tượng được. Đông La có lẽ cũng là một hội viên hội nhà văn VN, mà anh ta khoe các tác phẩm của anh đều được gửi cho Hội đồng phê bình văn học nghệ thuật TƯ  gồm các ông Hồng Vinh, Đào Duy Quát và Hữu Thỉnh . Trong đó chỉ có Hữu Thỉnh là có hơi hướng văn học, còn hai ông kia là nhà báo, nhà chính trị được phân công theo dõi kìm kẹp các nhà hoạt động văn hóa theo đúng tôn chỉ mục đích của Đảng cầm quyền. Nói trái đi dù chỉ một chút là sẽ bị thổi còi ngay
Lập công chuộc những lỗi lầm “không vào Đảng, bỏ cơ quan  sống tự do “ bây giờ biết hối cải muốn làm “văn nô” thứ thiệt để bảo vệ Đảng . Liệu các đồng chí lãnh đạo tuyên giáo có thể tin được miệng lưỡi của kẻ gian manh này không. Nhất là khi hắn tâng công với các vị chửi tuốt tuột. Từ Nguyên Ngọc, một nhà  văn lão thành rất có uy tín trong và ngoài nước đến Phạm Xuân Nguyên , một nhà phê bình văn học có tên tuổi . Hắn trơ tráo đến mức ngay cả Hội Nhà văn Trung Quốc cũng không khoái gì khi phê phán những nhà văn Việt Nam tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược vì nó sống sượng quá, thô tục quá. Hắn chửi Phạm Xuân Nguyên, chửi luôn cả Nguyễn Quang Lập với blog Quê choa đã đăng những bài của Nguyên , hắn chửi từ Trần Độ đến Nguyễn Huy Thiệp –một trong những nhà văn đi tiên phong và được thế giới đánh giá cao của Việt Nam. Hắn chỉ khen mỗi Nguyễn Quang Thiều vì Thiều khen bốn câu thơ của hắn hay hơn cả Chế Lan Viên !
Hội  nhà văn của ông Hữu Thỉnh có nhiều nhân vật quái đản quá. Nguyễn Minh Hồng , đại biểu quốc hội, mới được  phong anh hùng , người đã đề nghị Quốc hội ban hành Luật nhà văn thật hài hước mà chính anh ta chẳng có một tác phẩm nào được công chúng biết đến là một ví dụ. Bây giờ lại đến Đông La , một nhà văn , nhà thơ mà trong 86 triệu người dân VN thử hỏi có bao nhiêu chục người biết anh ta ? NHưng từ hôm nay sẽ có nhiều người biết vì hãy xem các comment trên trang mạng Facebook thì thiên hạ chửi bới , ném đá như thế nào với những ngôn từ bẩn thỉu thô tục cho xứng với nhân cách của Đông La mà người ta gọi chệch thành Đa Lông (thằng mặt L. nhiều lông)
Trong khi đó nếu xẹm bài viết trả lời của nhà văn trẻ Nhã Thuyên mà chắc chắn chưa phải là Hội viên Hội Nhà văn , một bài viết nhẹ nhàng nhưng rất thâm thúy của người đàn bà viết văn mới thấy thái độ nhâng nháo thô bỉ của các gã đàn ông mang danh nhà văn khi tấn công một người thuộc phái yếu. và chiều nay trên blog Quê  choa đăng bài trả lời phỏng vấn của cô với người hỏi là Đặng Phú Phong thì dù chưa được đọc luận văn của Nhã Thuyên mà Hội đồng chấm luận văn đã cho điểm 10 , tôi có thể khẳng định đó là một tài năng , một triển vọng to lớn của văn đàn Việt Nam với lí luận sắc bén, ngôn từ chính xác và mới lạ- nhiều tính từ tôi chưa được nghe bao giờ- nhưng lại rất nhẹ nhàng. Một luận văn thứ hai của Nhã Thuyên để trả lời các phê phán cô vừa qua với ý  định phủ định luận văn Thạc sĩ của cô. Nếu tôi có quyền, chỉ với bài trả lời phỏng vấn mà như là một bài phản biện này có thể chấm cho cô đỗ Tiến sĩ luôn không cần bàn cãi gì nhiều . Vì đấy là kiến thức từ trong bộ não của cô, bật ra từ trái tim rỉ máu của cô chứ không phải  nhờ ai trợ giúp như biết bao luận án tiến sĩ giấy ở nước ta . Với một tài năng thiên bẩm như vậy, sẽ rất tiếc khi các sinh viên Đại học sư phạm không được tiếp tục nghe cô giảng dậy vì một quyết định mang tính chất chính trị -một biểu hiện rõ nét của cái gọi là “phê bình chỉ điểm” mà Ngô Nhật Đăng trong một comment của mình đã tiên đoán rằng cụm danh từ này sẽ còn sống lâu bền trong lịch sử văn học Việt Nam, và chính cụm từ này đã làm cho Đông La “cay mũi” và chửi Phạm Xuân Nguyên là đồ ngu, đồ phản bội…y như Hoàng Hữu Phước chửi Dương Trung Quốc cũng trên blog của mình rồi sau đó phải xin lỗi
Vậy là chiến dịch “xử tử hình” tiếng nói trái chiều của Nhã Thuyên bắt đầu với các đánh giá hết sức nặng nề : phản văn hóa, công trình ngụy khoa học, phi chính tri…của cả một bộ máy tuyên truyền sau khi buộc Đỗ Thị Thoan thôi việc tại trường Đại học sư phạm Hà Nội-đánh vào cái dạ dày của cô- , giáng chức PGS Nguyễn Thị Bình , người nâng đỡ giúp đỡ cô, rồi hội đồng giáo sư trong đó có cả vị lão giáo sư thày của nhiều người thày là Nguyễn Đăng Mạnh sẽ là gì đây . Liệu có đại cách mạng văn hoá vô sản cho các thày đội mũ lừa đi rong phố không hay tống tất cả vào các Trại cải tạo như những năm 50 của thế kỉ trước
Liệu qua hiện tượng Nhã Thuyên và các bài phê phán nặng nề theo định hướng không biết của ai vì chưa ai tiết lộ một chỉ thị mật bằng văn bản hay bằng miệng cho cả một chiến dịch chống lại các nhà văn cấp tiến như Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang Lập …như đã làm cách đây hơn sáu chục năm với Trần Dần , Lê Đạt , Phùng Quán, Văn cao, Nguyễn Hữu Đang, Thụy An…rồi cuối cùng phải hồi phục nhân phẩm và trao giải thưởng Nhà nước cho họ khi họ đã yên nghỉ nơi suối vàng hoặc cận kề cõi chết . Chỉ có điều , ngày xưa họ làm bí mật chả ai biết chả ai hay, đơn độc và cô độc , còn hôm nay , khi thông tin trên mạng nhanh hơn công văn chỉ thị chạy theo con đường bưu điện thì không thể bịt mồm các tiếng nói phản biện trái chiều , không thể vi phạm nhân quyền một cách thô bạo và trắng trợn, không thể “đem bục công an đặt giữa tim người” như Trần Dần ngày xưa đã viết . Không thể có lực lượng an ninh mạng “đông như quân Nguyên” để bịt miệng cả triệu tín đồ của internet đang khao khát tự do . Và khi có chính nghĩa thì ngay  cả báo lề phải như Pháp luật TP Hồ Chí Minh và Người Đại biểu nhân dân cũng dám đăng những thông tin cấm kị , phạm húy cho dù Tổng biên tập có thể bị mất chức .

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Việt nam trong cơn thử thách của lịch sử.



Đường lưỡi bò Trung Quốc vẽ ở biển Đông đã thể hiện dã tâm chiếm quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Những biến động gần đây càng khẳng định tham vọng của Trung Quốc. Những khiêu khích, những xung đột trên bề mặt quân sự, những đòi hỏi vô cớ qua thủ đoạn ngăn chặn khảo sát vùng biển, khai thác tiềm năng kinh tế ở Biển Đông, tất cả đã biểu lộ khát vọng Đại Hán của Trung Quốc.

Chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc công khai và rõ ràng, vấn đề chỉ còn là thời gian để thực hiện âm mưu. Trung Quốc đang tính toán các bước chiến lược nhằm đạt mục tiêu với khả năng ít bị tổn hại nhất. Trung quốc đang thăm dò và đo luờng  hậu quả nếu phải mở ra chiến tranh trên biển Đông? Trung quốc đang nghiên cứu phản ứng của các quốc gia trong vòng giành chủ quyền như Việt Nam, Phi Luật Tân, và các quốc gia thuộc ASEAN. Trung Quốc cũng cần biết thái độ của Mỹ và lượng định dư luận, cân nhắc phản ứng của Quốc tế.

Với thế trên chân về quân sự,  Trung Quốc không thể không chiếm Trường Sa.  Vấn đề còn lại tùy thuộc vào cách ứng xử, đối phó, tình hình nội bộ Việt Nam, Phi Luật Tân và những áp lực quốc tế để Trung Quốc phải trả giá. Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đoạt từ năm 1974 đến nay Việt Nam vẫn chưa thể lấy lại được. Lúc đó Trung Quốc còn yếu kém, hiện nay Trung Quốc đang ở vị trí cường quốc, mạnh về kinh tế, có tiềm lực về quân sự, thì việc chiếm nốt các quần đảo còn lại trong khu vực Trường Sa chỉ còn là thời gian.



Vai Trò Và Quyền Lợi Của Mỹ
 Mỹ có những quyền lợi nhất định ở biển Đông nhưng không quan trọng đến nỗi để họ phải nhúng tay trực tiếp vào tranh giành quyền lãnh thổ trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mặc dù Trung Quốc không dám thách thức Mỹ về mặt quân sự, nhưng Mỹ cũng không đủ khả năng để đối đầu với Trung Quốc trong hoàn cảnh hiện tại nếu Mỹ bị khiêu khích.

Kinh tế Mỹ đang trong vòng suy thoái, tình trạng thiếu nợ đã lên đến mức khủng hoảng, trong đó Trung Quốc hiện nay là một trong những ông chủ nợ lớn đối với Hoa Kỳ.  Năm ngoái, khi chính quyền Obama tìm cách giải quyết gánh nặng nợ nần đã ngõ ý bán thêm các tín phiếu cho Trung Quốc. Khác với những lần trước họ vui vẻ mua, lần này phiá Trung Quốc đã thẳng thừng từ chối ra mặt, Trung Quốc không mua thêm tín phiếu của Mỹ.

Về quân sự, Mỹ đang còn bị sa lầy ở Iraq, A Phú Hãn, nợ nần và chi tiêu cho chiến tranh đã làm nước Mỹ bị kiệt quệ. Viễn ảnh dính vào chiến tranh ở biển Đông với Trung Quốc chỉ để bảo vệ Việt Nam, một nước Cộng sản cựu thù là không thực tế và đủ yếu tố cấp bách để Quốc hội và Chính quyền Mỹ bị lôi kéo.  Đối với Việt Nam, về quyền lợi, vai trò kinh tế và sức mạnh chính trị  không đủ sức so sánh với Trung Quốc. Năm 2010, Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam $13.8 tỷ mỹ kim, xuất khẩu $3.7 tỷ mỹ kim. Trong khi đó, Mỹ xuất khẩu $ 91.9 tỷ và nhập từ Trung Quốc $ 364.9 tỷ Mỹ kim. So với Trung Quốc, giao thương phiá Việt Nam quá thấp để Mỹ có thể đánh đổi quyền lợi.

Về mặt chiến lược, xung đột chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam có lợi cho Mỹ. Chiến tranh sẽ làm suy yếu đế quốc Trung Quốc, kéo lùi khả năng phát triển kinh tế và tiềm lực quân sự,  tạo điều kiện cho các đột biến và mâu thuẫn xã hội Trung Quốc bùng phát. Nếu Trung Quốc phát động chiến tranh với Việt Nam, áp lực từ ASEAN, từ các quốc gia phương Tây sẽ đè nặng lên nền kinh tế đang bị lệ thuộc vào xuất khẩu. Không riêng Hoa Kỳ mà dư luận quốc tế cũng sẽ không đứng về phiá Trung Quốc, trước thái độ xâm lược ngang ngược, nước lớn ăn cướp nước nhỏ. Yếu điểm của Trung Quốc là dân số đông nhưng tài sản, của cải chỉ  tập trung vào nhà nước, mâu thuẩn giàu nghèo quá sâu, bình quân đầu người thấp và không tương xứng với tiềm lực quốc gia, nền kinh tế  bị chi phối bởi lao động thấp và phụ thuộc nặng vào xuất khẩu. Vì vậy, viễn ảnh một cuộc tảy chay hàng hoá và trừng phạt  Trung Quốc ở cấp độ toàn cầu sẽ làm đế quốc Trung Quốc bị khủng hoảng và suy yếu. Những áp lực này có thể dẫn đến các cuộc cách mạng màu bất ngờ do hậu quả của xáo trộn và bất công xã hội.

Trung Quốc trỗi dậy như một đại cường quốc, chỉ đứng sau Mỹ về tiềm năng quân sự. Về kinh tế, Trung Quốc đã vựợt qua Nhật về tổng sản lượng xuất khẩu. Dù quan hệ và quyền lợi của Trung Quốc đối với Mỹ quan trọng. Tuy nhiên, Trung quốc hiện nay cũng chính là đối thủ của Mỹ trên bình diện quân sự, chính trị lẫn kinh tế. Vì vậy, chiến lược làm suy yếu đối thủ hiệu quả nhất vẫn là để cho Trung Quốc và Việt Nam đánh nhau. Chiến tranh là cách tốt nhất làm kẻ thù bị kiệt quệ. Chiến tranh mà không đổ máu, không bị tốn kém nhưng vẩn hưởng lời thì đó là chiến tranh tốt. Trung Quốc và Việt Nam đánh nhau sẽ là chiến tranh tốt cho Mỹ về mặt chiến lược. Vừa làm suy yếu tiềm năng kinh tế, vừà thử thách sức mạnh quân sự con rồng đỏ Trung Quốc, vừa cầm chân cả con cọp con cộng sản Việt Nam, vừa khẳng định vai trò trung gian và vị thế quân sự, chính trị, rảnh tay xây dựng, phục  hồi nền kinh tế đang bị suy thoái.

Mỹ đã từng đánh nhau với Trung Quốc qua cuộc chiến Triều Tiên. Từ những năm 50, Mỹ đã đánh nhau với Việt Nam. Cả ba nước cựu thù đều có những quan hệ chằng chịt về lịch sử. Một cuộc chiến Trung - Việt chỉ để giành Trường Sa sẽ là cơ hội ngàn vàng để Mỹ đứng ngoài vòng, hưởng thế “ toạ sơn quan hổ đấu” và “ngư ông đắc lợi”.  Nếu Trung Quốc chiếm Trường Sa và bị sa lầy, đường biển Đông vẫn không bị gián đoạn vì Trung Quốc không dại gì chọc giận con sư tử Mỹ bằng cách cấm tàu Mỹ vận chuyển trên biển Đông.  Quan tâm cấp bách của Trung Quốc là làm chủ Hoàng Sa, Trường Sa,  không phải là kiểm soát đường biển để khiêu khích Mỹ và ASEAN trong lúc này.

Tham Vọng Của Trung Quốc

Nếu làm chủ Trường Sa và Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ thoả mãn tham vọng vai trò “anh cả” về quân sự ở Á Châu, chứng tỏ dám đương đầu lại ảnh hưởng và sức mạnh quân sự Mỹ ở Đông Nam Á. Chiếm Trường Sa và Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ dồn nổ lực khai thác tiềm năng dầu, đáp ứng nhu cầu thiếu dầu của cả nước. Hàng năm, Trung Quốc nhập dầu từ các quốc gia Á Rập vượt xa cả Mỹ. Trung Đông cung cấp 2.9 triệu thùng dầu mỗi ngày cho Trung Quốc, hơn nữa số này đến từ Saudi Arab. Tính đến 2015, Trung Quốc cho biết họ phải nhập dầu tăng hơn 50% thì mới đủ sức cung ứng cho cơn khát dầu của đế quốc Trung Quốc, số lượng dầu này qui ra Mỹ kim gần 60 tỷ đollars. Phụ thuộc quá nhiều vào dầu hỏa, vì vậy, chiến lược vừa làm chủ Trường Sa và Hoàng Sa để tự lực khai thác dầu, vừa kiếm soát được đường biển ở phiá Đông là những bước phiêu lưu có tính toán của Trung Quốc. Cả hai nhu cầu đều đáp ứng cho tham vọng cần gây chiến với Việt Nam, nếu phải trả một cái giá vừa phải.

Trung Quốc đã gia tăng tiềm lực quân sự một cách đáng kể. Gần đây họ đã trình làng “hàng không mẫu hạm” như một niềm hãnh diện về mức tiến bộ trên lãnh vực hàng không quân sự.  Hoả tiển diệt tàu hàng không “Dong Feng 21D”được đặt ở phiá Nam tỉnh Quảng Đông có thể bắn thẳng đến Việt Nam và Phi Luật Tân. Đây cũng là vũ khí răn đe và cầm chân của Trung Quốc đối với tàu chiến “hàng không mẫu hạm” Mỹ đang tuần hành ở biển Đông.

Trung Quốc cũng đang từng bước “nắn gân” Mỹ để củng cố vai trò của họ. Sau khi Tổng thống Hoa Kỳ tiếp xúc Đức Lạt Ma Tây Tạng và bán 6.7 tỷ đollạrs vũ khí quân sự cho Đài Loan, Trung Quốc đã tỏ thái độ giận dữ bằng cách chấm dứt các liên hệ quân sư cao cấp giữa hai nước. “Mỹ đang tìm cách bao vây Trung Quốc và thử thách những quan tâm của chúng ta. Hoa Thịnh Đốn sẽ trả giá rất đắc cho những quyết định của họ”, Phó Đô Đốc Yang Yi, đã viết như vậy trên tờ nhật báo Quân Đội Giải Phóng Trung Quốc.

Việt Nam Đang Đứng Trước Thử Thách

Việt Nam đang tìm kiếm hậu thuẫn từ Mỹ và các quốc gia trong vùng. Phát biểu của bà ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton tại Hiệp Hội các nước Đông Nam Á khi bày tỏ lập trường quan tâm đến những mâu thuẫn và khẳng định  quyền lợi của Mỹ ở Biển Đông đã làm cho Việt Nam vững tin. Việt Nam muốn lôi kéo Mỹ và ASEAN, giải quyết các xung đột theo hướng đa phương, trong khi đó Trung  Quốc nhấn mạnh “chỉ nên thảo luận và giải quyết những xung đột này theo phương hướng đơn phương”.

Chiến tranh sẽ khó tránh khỏi trước tham vọng của Trung Quốc. Việt Nam cũng như nhiều nước trong vùng đã chi tiêu rất nhiều tiền cho chi phí quốc phòng. Từ 2005 - 2009, lượng vũ khí đặt mua ở các nước như Việt Nam, Philippine, Innodenisa, Đài Loan, Malaysia v.v.. đã gia tăng gấp đôi theo ước lượng của Viện Nghiên Cứư Quốc tế Thuỵ Điển.

Mới đây, Việt Nam chi thêm $ 2.4 tỷ dollars cho 6 chiếc tàu ngầm Kilo và 12 chiếc chiến đấu cơ Su-30MKK.  Su-20MKK là chiến đấu cơ tối tân, có thể bay hơn 4 giờ với tốc độ 1350km/hr, tầm bay rộng 3000km, giá thành từ $40 đến $50 triệu đollars.  Malaysia mua 2 chiếc tàu ngầm từ Pháp, trị giá hơn $ 1 tỷ dollars, trong khi đó Indonesia cũng cho biết sẽ mua tàu ngầm để trang bị quốc phòng. Việt  Nam là nước mua nhiều nhất gồm máy bay chiến đấu cơ, tàu ngầm và cả hoả tiễn để trang bị cho quân đội, nhằm chuẩn bị thế đối đầu với dã tâm của Trung Quốc.

Năm 2009 khi Viện nghiên cứu Chiến lược ở Hoa Thịnh Đốn làm cuộc thăm dò các nước Đông Nam Á về dự phóng quốc gia nào có khả năng gây ra chiến tranh, quốc gia nào đóng góp cho ổn định và  hoà bình. Chính Trung Quốc, không phải là Bắc Hàn, đã bị chỉ đích danh là nước có thể gây chiến, và Mỹ là nước đem lại ổn định và hoà bình ở khu vực.

Đứng trước viễn ảnh sẽ bị mất chủ quyền trên biển Đông, Việt Nam đang trong cơn thử thách của lịch sử. Thái độ nhịn nhục, cầu hoà không chận đứng tham vọng của Trung Quốc. Nếu để Trung Quốc chiếm Trường Sa, Việt Nam sẽ bị mất hết quyền lợi về tiềm năng kinh tế ở biển Đông. Đảng CSVN sẽ bị chính nhân dân Việt Nam lên án là đảng cầm quyền đã hèn nhát và bán nước. Tương lai chính trị của Đảng CSVN coi như bế tắc trước sự phẩn uất của Nhân dân Việt Nam. Cơn giận dữ của một dân tộc luôn sẳn sàng hy sinh cho sự toàn vẹn lãnh thổ sẽ rất đáng sợ trong bối cảnh thù trong giặc ngoài.  Tình hình đẩy Việt Nam ở thế phải chấp nhận đối đầu và thông điệp mạnh mẽ nhất để Việt Nam gửi đi là sẽ bảo vệ phần còn lại của quần đảo phiá Đông tới cùng. Nếu Trung Quốc chiếm Trường Sa, họ sẽ phải trả cái giá rất đắt, vô cùng đắt.

Những Chiến Lược  Cần Lưu Tâm:

- Vận dụng và lôi kéo sức mạnh toàn cầu để áp lực Trung Quốc về mặt ngoại giao và kinh tế.  Nếu chiến tranh Việt Trung xảy ra. Về áp lực quân sự, Việt Nam không đủ khả năng đương cự, nhưng áp lực về ngoại giao và kinh tế có những sức mạnh nhất định buộc Trung Quốc phải tính toán kỷ lưởng trước khi phiêu lưu trong cuộc chiến sắp tới.

- Trước mắt, Trung Quốc sẽ mất đi hơn 15 tỷ dollars hàng năm do xuất khẩu sang Việt Nam. Nếu vận động các nước ASEAN tiếp tay và các quốc gia phương Tây ủng hộ, Trung Quốc có thể bị giãm từ 30 đến 40 tỷ mỹ kim hàng xuất khẩu. Kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào du lịch và giao thương, hàng xuất khẩu với các nước Đông Nam Á đóng phần quan trong cho tiềm năng phát triển của Trung Quốc. Năm 2010, chỉ riêng các quốc gia ASEAN đã nhập từ Trung Quốc lên đến $138.22 tỷ dollars.

- Hơn 80%  nguồn dầu nhập vào Trung Quốc phải đi qua biển Đông. Nếu chiến tranh xảy ra, giá thành hàng Trung Quốc xuất khẩu sẽ gia tăng do hậu quả nguyên vật liệu đi qua eo biển Mã Lai bị đình động. Đồng thời,  lượng dầu nhập siêu từ Trung Đông vào Trung Quốc cũng sẽ bị trực tiếp giãm, đánh mạnh vào mặt kinh tế xuất khẩu và cơn khát dầu của Trung Quốc.

- Trung Quốc có thể chiếm nhanh Hoàng Sa với sức mạnh quân sự, nhưng giữ cho lâu và chịu được áp lực của Việt Nam trường kỳ sẽ là những thử thách. Việt Nam cần cầm chân Trung Quốc càng lâu càng tốt, giữ cho quân Trung Quốc sa lầy ở các quần đảo phiá Đông. Liên tục đánh trả để lấy lại đảo và cương quyết gửi tín hiệu cho lãnh đạoTrung Quốc thấy, Việt Nam sẽ hy sinh tới cùng để giử cho được sự toàn vẹn lãnh thổ.

- Trung Quốc muốn tiến hành chiến tranh dứt điểm, gấp rút chiếm đảo và đưa vào đàm phán “đơn phương” để làm dịu áp lực trong và ngoài nước. Việt Nam phải chuẩn bị điều kiện để Trung Quốc thấy họ sẽ bị rơi vào một cuộc chiến lâu dài nhằm tiêu hao lực lượng. Tóm lại, phải cương quyết gửi tín hiệu cho phiá lãnh đạo Trung Quốc hiểu là sẽ không có thương lượng nếu Trung Quốc mở mặt trận xâm lược biển Đông.  Không để tái diễn lại tình trạng Trung Quốc ngang ngược chiếm Hoàng Sa như hồi năm 1974, đặt mọi chuyện vào thế đã rồi.

- Chuẩn bị lực lượng không những vừa đánh trả đòi Trường Sa mà nhân cơ hội này đòi lại luôn cả Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm từ 1974. Về mặt điạ lý, Trường Sa và Hoàng Sa gần Việt Nam hơn phiá Trung Quốc, vì vậy khi đưa các hạm đội đi xa bờ để bảo vệ đảo không phải là ưu thế của Trung Quốc. Trong khi đó, chiến đấu cơ Việt Nam từ đất liền, Hà Nội, Sài-Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang có ưu thế để phản ứng nhanh, tăng cường độ oanh kích hơn Trung Quốc.

- Việt Nam cần chuẩn bị chiến lược đánh chìm tàu chiến và luôn cả hàng không mẫu hạm nếu Trung Quốc đem hàng này ra phô trương và tham chiến. Ưu điểm của hàng không mẫu hạm không thể đối phó với sức mạnh của hàng chục chiếc chiến đấu cơ Su-30 lao vào mục tiêu nổi theo phương thức cảm tử “lấy máy bay làm bom”. Vì vậy, chi tiêu nhiều, tốn kém cho tàu ngầm không phải là quyết đinh cần thiết. Một tàu ngầm Silo tương đương gần 10 chiếc Su-30. Cần trang bị một lực lượng không quân tinh nhuê, hiện đại và vô cùng hùng hậu là phương cách răn đe, bảo vệ vùng biển và hải đảo hiệu quả. Cần chuẩn bi một đạo quân “cảm tử” để giữ nước. Một tàu chiến chứa hàng trăm quân, một hàng không mẫu hạm chứa hàng ngàn quân, sẽ trở thành quan tài hạm trên biển Đông như cha ông ta đã đánh các trận ở Bạch Đằng, Hàm Tử lẫy lừng. Chiến lược chủ đạo của nước nhỏ vẫn là “Lấy ít đánh nhiều, lấy hy sinh ngăn xâm lược, lấy sức mạnh chính nghĩa bao vây kẻ thù”.

- Trung Quốc có thể mở mặt trận phiá Bắc để áp lực và làm giảm quân Việt Nam ở mặt trận miền Đông. Hồi 1979, Đặng Tiểu Bình cho biết có thể tiến sâu hơn 30 km thay vì chỉ dừng lại ở các tính phiá Bắc. Lúc đó, Đặng tiết lộ với Mỹ là đã sờ đít cọp, tức muốn nói đến phiá Nga Sô. Thái độ im lặng của Nga trước cuộc chiến Việt Trung, mặc dù hai nước Việt Nga đã ký hiệp ước Liên Minh Quân Sự đã làm Trung Quốc dám đánh Việt Nam mà không sợ áp lực từ Nga.

- Trong chiến tranh giữ nước, bên xâm lược thường bị yếm thế và bên giữ nước có những điều thuận lợi cơ bản. Đòi hỏi quân Trung Quốc hy sinh “quyết tử” khó hơn quân đội Việt Nam. Yếu tố chiến tranh nhân dân có ưu điểm để Việt Nam cân bằng sự yếu kém về lực lượng và kỷ thuật quân đội. Trung Quốc không sợ tham chiến nhưng sợ bị sa lầy vào chiến tranh “du kích” trên biển. Tình hình kinh tế, xã hội, chính trị và áp lực quốc tế sẽ đè nặng nếu Trung Quốc phiêu lưu  trong cuộc chiến xâm lược.  Càng lún sâu vào chiến tranh, vai trò của đảng CSTQ càng bị thử thách. Về mặt chính nghiã, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Vì vậy, một trận chiến dù không cân sức nhưng có chánh nghĩa sẽ đưa Trung Quốc vào thế khó xử để kêu gọi nhân dân Trung Quốc phải hy sinh và thuyết phục dư luận trong cũng như ngoài nước ủng hộ. Nếu Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam, trước mắt họ sẽ phải đối phó với những lên án và tảy chay từ ASEAN, áp lực từ phiá Mỹ và các quốc gia phương Tây. Về tình hình nội bộ, Trung Quốc phải ứng phó với tệ nạn thất nghiệp do hậu quả kinh tế bị suy thoái. Nguồn hàng nhập dầu và nguyên vật liệu bị giảm, giá thành đắt, tiềm năng sản xuất trở nên khó khăn nếu các công ty ngoại quốc bị đe doạ thương trường. Địa vị của đảng CSTQ cũng sẽ bị thử thách và lung lay trước viễn ảnh của tranh chấp quyền lực và cách mạng màu.

- Vì thái độ gây hấn, xâm lược của Trung Quốc, Việt Nam cần tự vệ và  tiến hành các nổ lực nghiên cứu nguyên tử để cảnh báo Trung Quốc. Hồi tháng Năm năm ngoái, trong cuộc điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ, phó ngoại trưởng Vann H Van Diepen, đặc trách về an ninh quốc tế và nguyên tử đã cho biết hai nước cùng ký giao ước, trong đó Hoa Kỳ yểm trợ Việt Nam kỷ thuật ứng dụng khai thác quặng Uranium để xây dựng năng lượng nguyên tử. Việc một Việt Nam tìm cách thủ đắc kỷ thuật nguyên tử vì tham vọng xâm lược của Trung Quốc sẽ đẩy dư luận đứng về Việt Nam nhiều hơn phiá Trung Quốc. Chiến luợc này sẽ làm cho các nước ASEAN lo ngại, áp lực lên không những Trung Quốc và cả Mỹ để giải quyết vấn nạn biển Đông theo chiều hướng đa phương, hoà bình và ổn định khu vực.


- Một Việt Nam tự do, dân chủ, phồn thịnh về kinh tế và vững mạnh về quốc phòng sẽ bớt nguy cơ chiến tranh ở biển Đông trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Từ đó, viễn ảnh chiến tranh và bất ổn ở sẽ giãm thiểu, nền hoà bình khu vực Đông Nam Á có triển vọng phát triển và gìn giữ lâu dài.  Điều này không những vừa phù hợp với quyền lợi của dân tộc Việt Nam mà luôn cả quyền lợi của ASEAN, các quốc gia phương Tây và Hoa Kỳ.