Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh y án tử hình Trần Dụ Châu?



Tử tù Trần Dụ Châu gửi đơn lên Hồ Chủ tịch xin tha tội chết. Ngày làm việc với đồng chí Trần Đăng Ninh, xét lá đơn của tử tù, Bác Hồ chỉ cho đồng chí Ninh thấy một cây xoan đang héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây xoan sắp chết?

Mùa thu năm 1950, trong khi bộ đội, dân công đang dồn dập hành quân lên Cao Bằng mở chiến dịch Lê Hồng Phong giải phóng vùng biên giới Việt Trung, thì ngày 05/9/1950 ở thị xã Thái Nguyên – Thủ đô kháng chiến, Tòa án binh tối cao đã mở phiên tòa đặc biệt, xét xử vụ án đặc biệt. Thiếu tướng Chu Văn Tấn ngồi ghế Chánh án cùng 02 Hội thẩm viên là ông Phạm Ngọc Hải, Giám đốc Tư pháp Liên khu Việt Bắc và ông Trần Tấn, Cục phó Cục Quân nhu, Thiếu tướng Trần Tử Bình ngồi ghế Công cáo ủy viên (Viện Kiểm sát bây giờ) và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, chính quyền, quân đội, nhân dân địa phương đến dự.
Có 03 bị cáo hầu tòa là nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và đồng bọn can tội: “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến” bị đưa ra trước vành móng ngựa.
Vụ án được phát hiện từ bức thư của nhà thơ Đoàn Phú Tứ, đại biểu Quốc hội khóa 1 gửi lên Hồ Chủ Tịch. Nội dung bức thư như sau: “Gần đây, Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu đã gây nhiều dư luận bất bình trong anh em quân đội, Châu đã dùng quyền lực “ban phát” ăn mặc, nên Châu đã giở trò ăn cắp (công quỹ), cứ mỗi cái màn cấp cho bộ đội Châu ăn bớt 2 tấc vải xô, nên cứ ngồi lên là đầu chạm đình màn. Còn áo trấn thủ, Châu ăn cắp bông lót rồi độn bao tải vào, nhiều người biết đấy nhưng không dám ho he.
Cháu (nhà thơ Đoàn Phú Tứ) và 1 Đoàn nhà văn đi thăm bộ đội vừa đi chiến đấu trở về, cháu đã khóc nấc lên khi thấy thương binh thiếu thuốc men, bông băng, hầu như hết chiến sỹ đều rách rưới, võ vàng (vì) đói rét, chỉ còn mắt với răng mà mùa đông rét buốt ở chiến khu lạnh lắm, lạnh tới mức nước đóng băng. Cháu được Trần Dụ Châu mời dự tiệc cưới của cán bộ dưới quyền tổ chức ngay ở chiến khu (nhiều tờ báo viết ở phố Thanh Cù, xã Chấn Hưng, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, nơi đồng bào Thủ đô tản cư lên buôn bán khá sầm uất).
Trên những dãy bàn dài tít tắp (bày tiệc cưới) xếp kín chim quay, gà tần, vây bóng, giò chả, nấm hương, thịt bò thui, rượu tây, cốc thủy tinh sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng, hoa Ngọc Hà dưới Hà Nội cũng kịp đưa lên, ban nhạc “Cảnh Thân” được mời từ Khu Ba lên tấu nhạc réo rắt, Trần Dụ Châu mặc quân phục Đại tá cưỡi ngựa hồng, súng lục “côn bát” đến dự.
Trần Dụ Châu ngạo mạn, mời nhà thơ (tức Đoàn Phú Tứ) đọc thơ mừng hôn lễ. Với lòng tự trọng của mình (đương kim là đại biểu Quốc hội) nhà thơ đã thẳng thắn, dũng cảm xuất khẩu thành thơ:
“Bữa tiệc cưới của chúng ta sắp chén đẫy hôm nay,
Được dọn bằng xương máu của các chiến sỹ.”
(Sau khi nhà thơ vừa dứt lời, một vệ sĩ của Châu đã tát vào mặt nhà thơ, quát to: “Nói láo” – Báo Công lý ngày 9/10/2009). Nhà thơ bỏ ra ngoài – và viết thư tố cáo lên Bác Hồ.
Hồ Chủ Tịch đã trao bức thư của nhà thơ cho Thiếu tướng Trần Tử Bình đang là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Quân đội, Người nói: “Đây là bức thư của một nhà thơ gửi cho Bác, Bác đã đọc kỹ lá thư và rất đau lòng”, rồi Bác giao cho Thiếu tướng chỉ đạo điều tra làm rõ vụ việc để xử lý.
Công tác thanh tra vụ tiêu cực ở Cục Quân nhu được tiến hành khẩn trương, thu thập đủ tài liệu chứng cứ từ Khu Bốn trở ra, Khu Ba gửi lên – Trần Dụ Châu hiện nguyên hình là một tên gian hùng, trác táng, phản bội lại lòng tin của Đảng, của Bác, quân đội và nhân dân.
Trước sự thật đau lòng này, Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”.
Trần Dụ Châu đã bị Tòa án binh tối cao phạt án “tử hình”, đồng thời bị tước quân hàm Đại tá theo công lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 02 đồng bọn của Châu, mỗi tên bị phạt án tù 10 năm.
Tử tù Trần Dụ Châu gửi đơn lên Hồ Chủ tịch xin tha tội chết. Ngày làm việc với đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cung cấp, xét lá đơn của tử tù, Bác chỉ cho đồng chí Ninh thấy một cây xoan đang héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây xoan sắp chết?
- Dạ, thưa Bác vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa…
- Thế theo chú muốn cứu cây ta phải làm gì?
- Dạ, thưa Bác phải bắt, giết hết những con sâu đó đi.
Bác gật đầu, nói “Chú nói đúng, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”.
Hồ Chủ tịch đã bác đơn xin tha tội chết của Trần Dụ Châu.
Báo Cứu quốc ngày 27/5/1950 đã đăng bài xã luận viết về vụ này một cách công khai để nhân dân biết, vụ án đã cho Chính phủ, Đoàn thể (Đảng) nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng, giáo dục và kiểm soát cán bộ để phục vụ tốt cho kháng chiến, kiến quốc… mặc dù có người e ngại, vì nếu công khai vụ án này sẽ làm cho dân chúng chê trách, kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền, lợi ít, hại nhiều…(?).
Đoàn thể (Đảng), Nhà nước, Bác Hồ nghiêm khắc xử lý vụ án Trần Dụ Châu hơn nửa thế kỷ trước đây vẫn là bài học quý cho việc chống tham nhũng, lãng phí hiện nay, coi đây là việc làm nhân đạo để củng cố niềm tin của quần chúng.

Tất Thành nói thêm. Hiện nay sâu quá nhiều không diệt nổi nữa nên có thể cây xoan sẽ chết.

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Nhất định thắng (bản gốc) [ TRẦN DẦN]

[sáng tác năm 1955, đăng trong Giai Phẩm Mùa Xuân 1956]
Tôi ở phố Sinh Từ
Hai người
Một gian nhà chật,
Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui ?
Tổ quốc hôm nay
                          tuy gọi sống hòa bình
Nhưng mới chỉ là trang thứ nhất
Chúng ta còn muôn việc rối tinh...
Chúng ta
Ngày làm việc, đêm thì lo đẫy giấc
Vợ con đau thì rối ruột thuốc men
Khi mảng vui - khi chợt nhớ chợt quên
Trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt.
Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt.
Ta biết đâu bên Mỹ miếc tít mù
Chúng còn đương bày kế hại đời ta ?
Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Đất hôm nay tầm tã mưa phùn
Bỗng nhói ngang lưng
                               máu rỏ xuống bùn
Lưng tôi có tên nào chém trộm ?
A ! Cái lưỡi dao cùn !
Không đứt được mà đau !
Chúng định chém tôi làm hai mảnh
Ôi cả nước ! Nếu mà lưng tê lạnh
Hãy nhìn xem: có phi vết dao ?
Không đứt được mà đau !
Lưng Tổ Quốc hôm nay rớm máu
Tôi đã sống rã rời cân não
Quãng thời gian nhưng nhức chuyện đi Nam
Những cơn mưa rơi mãi tối xầm
Họ lếch thếch ôm nhau đi từng mảng
Tôi đã trở nên người ôm giận
Tôi đem thân làm ụ cản đường đi
- Dừng lại !
                Đi đâu ?
                           Làm gì ?
Họ kêu những thiếu tiền, thiếu gạo
Thiếu cha, thiếu Chúa, thiếu vân vân
Có cả anh nam chị nữ kêu buồn
- Ở đây
          Khát gió, thèm mây...
                                         Ô hay !
Trời của chúng ta gặp ngày mây rủ ?
Nhưng trời ta sao bỏ nó mà đi ?
Sau đám mây kia
                          Là cả miền Nam
Sao nỡ tưởng non bồng của Mỹ !
Tôi muốn khóc giữ từng em bé
- Bỏ tôi ư ? - Từng vạt áo - gót chân
Tôi muốn kêu lên - những tiếng cộc cằn...
- Không ! Hãy ở lại !
Mảnh đất ta hôm nay dù tối
Cũng còn hơn
                    Non bồng Mỹ
                                      Triệu lần...
Mảnh đất dễ mà quên ?
                          Hỡi bạn đi Nam
Thiếu gì ư sao chẳng nói thật thà ?
Chỉ là:
           - Thiếu quả tim bộ óc !
Những lời nói sắp thành nói cục
Nhưng bỗng dưng tôi chỉ khóc mà thôi
Tôi nức nở giữa trời mưa bão.
Họ vẫn ra đi.
                - Nhưng sao bước rã rời ?
Sao họ khóc ?
                Họ có gì thất vọng ?
Đất níu chân đi,
                     Gió cản áo quay về
Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống.
Tưởng như đây là phút cuối cùng
Trăng trối lại : - Mỗi lùm cây - Hốc đá
           - Mỗi căn vườn - gốc vả - cây sung
Không nói được, chỉ còn nức nở
Trắng con ngươi nhìn lại đất trời
Nhìn cơn nắng lụi, nhìn hạt mưa sa
Nhìn con đường cũ, nhìn ngôi sao mờ
Ôi đất ấy - quên làm sao được ?
Quên sao nơi ấm lạnh ngọt bùi
Hôm nay đây mưa gió dập vùi
- Mưa đổ mãi lên người xa đất Bắc...
Ai dẫn họ đi ?
                Ai ?
                     Dẫn đi đâu ? - Mà họ khóc mãi thôi
Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió
Bắc Nam ơi, đứt ruột chia đôi
Tôi cúi xuống - Quỳ xin mưa bão
Chớ đổ thêm lên đầu họ
                                    - Khổ nhiều rồi !
Họ xấu số - chớ hành thêm họ nữa
Vườn tược hoang sơ - cửa nhà vắng chủ
Miền Nam muôn dặm, non nước buồn thương
Họ đã đi nhưng trút lại tâm hồn
Ơi đất Bắc ! Hãy giữ gìn cho họ !
Tôi ở phố Sinh Từ
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
                không thấy phố
                               không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
                     trên màu cờ đỏ
Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về
- Anh ạ !
           Họ vẫn bảo chờ...
Tôi không gặng hỏi, nói gì ư ?
Trời mưa, trời mưa
Ba tháng rồi
Em đợi
Sống bằng tương lai
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi
Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã
Em đi
           trong mưa
                          cúi đầu
                                 nghiêng vai
Người con gái mới mười chín tuổi
Khổ thân em mưa nắng đi về lủi thủi
Bóng chúng
                đè lên
                     số phận
                             từng người
Em cúi đầu đi mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
               không thấy phố
                          không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
                  trên màu cờ đỏ.
Đất nước khó khăn này
                          sao không thấm được vào thơ ?
Những tủ kính tôi dừng chân dán mũi
Các thứ hàng ế ẩm đợi người mua
Nhưng mà sách - hình như khá chạy
À quyển kia của bạn này - bạn ấy
Quyển của tôi tư lự nét đăm đăm
Nó đang mơ : - Nếu thêm cả miền Nam
Số độc giả sẽ tăng dăm bảy triệu
Tôi đã biến thành người định kiến
Tôi ước ao tất cả mọi người ta
Đòi thống nhất phải đòi từ việc nhỏ
- Từ cái ăn
                cái ngủ
                        chuyện riêng tư
- Từ suy nghĩ
                   nựng con
                              và tán vợ.
Trời mưa mãi lây rây đường phố
Về Bắc Nam tôi chưa viết chút nào
Tôi vẫn quyết Thơ phải khua bão gió
Nhưng hôm nay
                     tôi bỗng cúi đầu
Thơ nó đi đâu ?
                     Sao những vần thơ
Chúng không chuyển, không xoay trời đất ?
Sao chúng không chắp được cõi bờ ?
Non nước sụt sùi mưa
Tôi muốn bỏ thơ
                     làm việc khác
Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa
Chút tài mọn
                tôi làm thơ chính trị.
Tôi bước đi
              không thấy phố
                          không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
                     trên màu cờ đỏ.
Em ơi ! - Ta ở phố Sinh Từ
Em đương có chuyện gì vui hử ?
À cái tin trên báo - ừ em ạ
Chúng đang phải dậm chân đấm ngực !
Vượt qua đầu chúng nó,
                               mọi thứ hàng
Những tấn gạo vẫn vượt đi
Những tấn thư, tài liệu
Vẫn xéo qua đầu chúng, giới danh gì ?
Ý muốn dân ta
                     là lực sĩ khổng lồ
Đè cổ chúng mà xóa nhòa giới tuyến
Dân ta muốn trời kia cũng chuyển
Nhưng
Trời mưa to lụt cả gian nhà :
Em tất tả che mưa cản gió
Con chó mực nghe mưa là rú
Tiếng nó lâu nay như khản em à
Thương nó nhỉ - Nó gầy - Lông xấu quá
Nó thiếu ăn - Hay là giết đi ư ?
Nó đỡ khổ - Cả em đỡ khổ.
Em thương nó - Ừ thôi chuyện đó
Nhưng hôm nay em mới nghĩ ra
Anh đã biến thành người định kiến
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
              không thấy phố
                          không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
                trên màu cờ đỏ.
Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Tai bỗng nghe những tiếng thì thầm
Tiếng người nói xen tiếng đời ầm ã
- Chúng phá hiệp thương
- Liệu có hiệp thương
- Liệu có tuyển cử
- Liệu tổng hay chẳng tổng ?
- Liệu đúng kì hay chậm vài năm ?
Những câu hỏi đi giữa đời lỏng chỏng.
Ôi xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
Người vẫn thường kinh hoảng trước Tương lai
Người quên mất Mỹ là sư tử giấy.
Người vẫn vội - Người chưa kiên nhẫn mấy
Gan người ta chưa phải đúng công nông
Người chửa có dạ lim trí sắt
Người mở to đôi mắt mà trông !
A tiếng kèn vang
                quân đội anh hùng
Biển súng
           rừng lê
                   bạt ngàn con mắt
Quân ta đi tập trận về qua
Bóng cờ bay đỏ phố đỏ nhà...
Lá cờ ấy lá cờ bách thắng
Đoàn quân kia muôn trận chẳng sờn gan
Bao tháng năm đói rét nhọc nhằn
Từ đất dấy lên
                là quân vô sản
Mỗi bước đi lại một bước trưởng thành
Thắng được chiến tranh
                     giữ được hòa bình
Giặc cũ chết - Lại lo giặc mới
Đoàn quân ấy kẻ thù sợ hãi
Chưa bao giờ làm mất bụng dân yêu
Dân ta ơi ! chiêm nghiệm đã nhiều
Ai có Lý ? Và ai có Lực ?
Tôi biết rõ đoàn quân sung sức ấy
Biết nhân dân
              Biết Tổ Quốc Việt Nam này
Những con người từ ức triệu năm nay
              Không biết nhục
              Không biết thua
              Không biết sợ !
Hôm nay
Cả nước chỉ có một lời hô
                            THỐNG NHẤT
Chúng ta tin khẩu hiệu ta đòi
- Giả miền Nam !
              Tôi ngửa mặt lên trời
Kêu một tiếng - Bỗng máu trời rơi xuống
Vài ba tia máu đỏ rớt vào tôi
Dân ta ơi !
Những tiếng ta hô
Có sức đâm trời chảy máu.
Không địch nào cưỡng nổi ý ta
Chúng ta đi - Như quả đất khổng lồ
Hiền hậu lắm - Nhưng mà đi quả quyết...
Hôm nay
Những vần thơ tôi viết
Đã giống lưỡi lê : Đâm
                  Giống viên đạn : Xé
                  Giống bão mưa : Gào
                  Giống tình yêu : Thắm
Tôi thường tin ở cuộc đấu tranh đây
Cả nước đã bầu tôi toàn phiếu
Tôi là người vô địch của lòng tin
Sao bỗng hôm nay,
                  tôi cúi mặt trước đèn ?
Gian nhà vắng chuột đêm nó rúc.
Biết bao nhiêu lo lắng hiện hình ra.
Hừ ! Chúng đã biến thành tảng đá
                                          chặn đường ta !
Em ơi thế ra
Người tin tưởng nhất như anh
                              vẫn có phút giây ngờ vực
Ai có lý ? Và ai có lực ?
Ai người tin ? Ai kẻ ngã lòng tin ?
Em ơi
Cuộc đấu tranh đây
                        Cả nước
                              Cả hoàn cầu
Cả mỗi người đêm ngủ vẫn lo âu
Có lẫn máu, có xót thương lao lực
Anh gạch xóa trang thơ hằn nét mực
Bỗng mặt anh nhìn thấy ! lạ lùng thay !
Tảng đá chặn đường này !
Muôn triệu con người
                        Muôn triệu bàn tay
Bật cả máu ẩy đá lăn xuống vực !
Anh đã nghĩ: Không có đường nào khác
Đem ngã lòng ra
                   Mà thống nhất Bắc Nam ư ?
Không không !
Đem sức gân ra !
Em ơi em !
Cái này đỏ lắm, gọi là TIM
Anh dành cho cuộc đấu tranh giành Thống Nhất

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Trận hải chiến Hoàng Sa & ý tưởng vinh danh những người lính Cộng hòa.



Vinh danh những người lính Cộng hòa đã quyết tử trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 “là thể hiện sâu sắc sự công bằng với lịch sử, có tác dụng khuyến khích mạnh mẽ lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, là bước đột phá quan trọng trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc” (báo Đại Đoàn Kết)
          Bất ngờ khi thấy Đại Đoàn Kết sáng qua đăng bài “Trận hải chiến bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974”. Có lẽ đây là lần đầu tiên, một tờ báo chính thống từ trong nước có bài viết chi tiết về sự kiện “nhạy cảm” này.
          Tiếp hôm nay lại thêm bài “Ký ức Hoàng Sa trong nhiều thế hệ người Việt Nam” và thẳng thắn nêu ý tưởng kêu gọi vinh danh Hạm trưởng tàu Nhật Tảo (HQ10) Ngụy Văn Thà cùng gần 60 đồng đội khác là những binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đã quyết tử trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. Tờ Đại Đoàn Kết gọi việc vinh danh này nếu làm được “là thể hiện sâu sắc sự công bằng với lịch sử, có tác dụng khuyến khích mạnh mẽ lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, là bước đột phá quan trọng trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc”.
          Đây cũng chính là ý tưởng của tác giả Huy Đức được đưa ra từ mấy năm trước. Tiếc rằng khi đó chẳng có báo nào dám chơi. Xin giới thiệu lại bài viết chưa cũ này với một tâm niệm: không ai và không điều gì bị quên lãng. Nó không chỉ là “bằng chứng Hoàng Sa” như cách gọi của Huy Đức, mà nói như Đại Đoàn Kết, đó là “bước đột phá quan trọng trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc”.
Bằng chứng Hoàng Sa
          Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh ví von việc bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ giữ chức Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa là “cắm mốc” cho quần đảo ấy. Tất nhiên, như ông Minh nói, cột mốc đó chỉ có thể cắm “trong lòng dân”; ông Ngữ vẫn ngồi ở đất liền và Hoàng Sa vẫn đang bị xâm lăng bởi quân Trung Quốc.

         
          Mấy tuần trước, báo chí đã đưa tin khá đậm về một tờ lệnh đã có cách đây 175 năm. Tờ lệnh được đưa ra năm 1834, “phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa”, vừa được dòng họ Đặng ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) trao cho Nhà nước. Dòng họ Đặng đã cất giữ tờ lệnh này qua sáu đời và nay trở thành “tài sản quốc gia”. Theo các chuyên gia, “đây là tờ lệnh còn nguyên bản gốc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”.
          Từ năm 1816, Hoàng đế Gia Long đã “long trọng xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa”. Gia Long làm việc này, một năm sau khi sai cai đội Phạm Quang Ảnh ra Hoàng Sa xem xét (tháng Giêng năm 1815). Từ đó cho tới tháng Giêng năm 1974, chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa luôn hiện diện bằng xương, bằng thịt. Ngoại trừ tuyên bố “khống” của Phát xít Nhật trong thời gian họ chiếm Trung Hoa. Không ai có thể đưa ra những bằng cứ lịch sử xác đáng hơn để tranh chấp Hoàng Sa với người Việt Nam cả.
          Tuy nhiên, quần đảo ấy đã hai lần bị người Trung Hoa dùng vũ lực để xâm lăng bất hợp pháp: Một vào năm 1956, lợi dụng khi quân đội Sài Gòn chưa kịp ra thay thế quân Pháp ở Hoàng Sa, Bắc Kinh và Đài Loan đã đưa quân ra chiếm đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn, hai hòn đảo vào hàng lớn nhất ở phía Đông Hoàng Sa; Một vào tháng Giêng năm 1974, Bắc Kinh đưa tàu chiến ra chiếm phần còn lại của Hoàng Sa từ tay những chiến sỹ hải quân Việt Nam giữ đảo.
          Tờ lệnh thời Minh Mạng tìm thấy ở Lý Sơn là vô cùng quý giá. Nhưng, bằng chứng lịch sử đâu chỉ là những tư liệu ngày xưa. Sự kiện ngày 19 tháng Giêng năm 1974, ngày Trung Quốc “dùng vũ lực để chiếm giữ một vùng lãnh thổ đã có chủ” là Việt Nam, cũng chính là bằng chứng. Bằng chứng về “một hành động hoàn toàn phi pháp” của Trung Quốc xét theo Định ước Berlin 1885 và Tuyên bố Lausanne 1888.

          Theo đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh vùng I, Hải quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH): Ngày 15-1-1974, địa phương quân Hoàng Sa bắt đầu phát hiện tàu đánh cá lạ. Ngày 16-1, khi người nhái của Hải quân VNCH đổ bộ lên đảo Duncan và Drummond thì đụng ngay một toán quân nhân Trung Quốc. Chiều 16-1, mọi diễn biến đã được đích thân đề đốc Thoại báo cáo cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, khi ấy đang ở Mỹ Khê. Ngày 17, trên lãnh hải Việt Nam xuất hiện thêm hai tàu quân sự Trung Quốc.
          Sáng 17-1, toàn bộ diễn tiến được đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại cập nhật cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tổng thống Thiệu khi ấy vẫn đang ở Đà Nẵng, lập tức: Chỉ thị cho Tư lệnh Hải quân Vùng I: “Trước hết dùng biện pháp ôn hòa yêu cầu các chiến hạm Trung Cộng ra khỏi lãnh hải; Nếu họ không nghe thì nổ súng cảnh cáo; Nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ lực”. Đại tá Hà Văn Ngạc, ngay sau đó đã được đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại cử lên soái hạm Trần Bình Trọng ra thẳng Hoàng Sa; cùng đi có hộ tống hạm Nhật Tảo.
          Sáng 19-1-1974, báo cáo với đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại qua bộ đàm đại tá Hà Văn Ngạc cho biết: “Các hạm đội Trung Quốc đang áp sát từng chiến hạm Việt Nam”. Theo đề đốc Thoại, lúc đó, cố vấn Mỹ tại Sài Gòn cho biết, ở khu vực Hoàng Sa có khoảng 17 chiến hạm của Trung Quốc. Đại tá Ngạc thống nhất với đề đốc Thoại là khi không tránh được nổ súng thì phía Việt Nam sẽ phải nổ súng trước để giảm thương vong.
          Vào lúc 10giờ30 sáng ngày 19-1-1974, Đại tá Ngạc đã để hệ thống bộ đàm “on” và đề đốc Thoại đã nghe được tiếng súng của đôi bên trong trận tử chiến kéo dài 30 phút ấy. 15 chiến sỹ hải quân Việt Nam thuộc toán đổ bộ của tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, đã đứng sát bên nhau và cùng bật ra bài hát “Việt Nam, Việt Nam” khi nhìn thấy soái hạm của quân Trung Quốc trúng đạn. Nhưng, cuộc chiến ấy là không cân sức. Hạm đội Bảy của Hoa Kỳ khi ấy ở rất gần đã không cử bất cứ chiến hạm nào ra chi viện. Người Mỹ và người Trung Quốc vừa mới nắm tay nhau.
          Ngày 20-1-1974, 10 chiến hạm Trung Quốc đã đổ một lực lượng hải quân hùng hậu lên đảo Hoàng Sa và Cam Tuyền, bắt đầu một thời đô hộ mới. Không biết đến bao giờ mới tống cổ được những tên xâm lược ấy ra khỏi bờ cõi Việt Nam.

               Thời gian qua, tôi cố gắng tìm gặp những người lính đã tham gia trận hải chiến lịch sử này. Đại tá Hà Văn Ngạc đã mất tại Dallas, Texas. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng không còn. Tướng Hồ Văn Kỳ Thoại hiện vẫn còn sinh sống tại bang Virginia, nhưng tuổi đã ngoài 80. Một số sỹ quan hải quân đã từng ở Hoàng Sa và đã từng tham dự trận hải chiến 1974 hiện vẫn còn sống rải rác ở nhiều nơi và tôi vẫn mong có ngày gặp họ. Tôi được đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại trao cho bản danh sách những chiến sỹ hải quân Việt Nam hy sinh trong ngày 19-1-1974, bản danh sách có chữ ký của ông. Nhưng rất tiếc là vẫn còn một số người chỉ biết tên chứ chưa rõ họ.
          Nhưng, tôi chỉ là nhà báo, chỉ làm những việc này trong khuôn khổ nghề nghiệp. Khi nhậm chức, ông Đặng Công Ngữ có hứa là sẽ đấu tranh để giành lại chủ quyền cho Hoàng Sa. Tôi nghĩ, như mọi người dân Việt Nam, ông Ngữ nói ước muốn này là vô cùng thành thật. Nhưng, khác với thường dân, thay vì chỉ ước mơ, ông Ngữ có thể ra tay ngay, thu thập những tư liệu lịch sử xưa cũng như tư liệu sống. Đặc biệt là tư liệu về “trận hải chiến Hoàng Sa 1974”. Một phần của lịch sử ấy là Tướng Hồ Văn Kỳ Thoại; là các sỹ quan, chiến sỹ hải quân ở Hoàng Sa năm 1974. Đừng đợi đến đời sau, khi con cháu họ đưa lên một “công vụ lệnh” cử họ ra Hoàng Sa rồi mới ồ lên: “Tài sản!”. Lịch sử có giá ngay từ hôm nay, khi những người từng chiến đấu ở Hoàng Sa còn sống.
          Tôi rất muốn được trao lại cho ông Đặng Công Ngữ bản danh sách có chữ ký của vị tướng đã ra lệnh nổ súng trong trận hải chiến Hoàng Sa. Nhưng, đấy chỉ là một phần rất nhỏ. Hãy tìm gặp những con người đã chiến đấu rất can trường ấy để thu thập những kỷ vật; những ký ức. Hãy mời họ đến trụ sở của huyện đảo Hoàng Sa, và sẽ rất vinh dự nếu tôi, một sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam được cùng họ tham dự lễ vinh danh 58 liệt sỹ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh vì Hoàng Sa năm ấy. Tên tuổi của 58 liệt sỹ ấy xứng đáng được Chủ tịch Hoàng Sa cho trân trọng khắc lên bia. Tấm bia ấy không phải để vinh danh “lính ngụy”. Những người lính ấy đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc. Những người lính ấy là người lính Việt Nam. Trân trọng sự hy sinh của họ không chỉ vì họ là lịch sử mà còn vì đấy là đạo lý.
          Tổn Thất Đôi Bên:
          Về phía Trung Quốc: Soái hạm 274 bị chìm, toàn bộ Bộ tham mưu gồm đô đốc Phương Quang Kinh, tư lệnh phó hạm đội Nam Hải, 5 đại tá, 6 trung tá, 2 thiếu tá, 7 sỹ quan cấp úy và một số thuyền viên trên tàu chết; Hộ tống hạm 271 bị hư, phải ủi bãi, đại tá Vương Kỳ Ưu, hạm trưởng chết; Hai trục lôi hạm 389 và 396 bị hư hại nặng, 2 chỉ huy là trung tá Triệu Quát và đại tá Diệp Mạnh Hải, chết.
          Về phía Việt Nam: Hộ tống hạm Nhật Tảo chìm, chỉ huy, trung tá Ngụy Văn Thà cùng với 24 chiến sỹ hải quân khác hy sinh, 26 người mất tích; Khu trục hạm Trần Khánh Dư bị hư hại, 2 chiến sỹ hy sinh; Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng bị hư với hai chiến sỹ hy sinh; Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, bị trúng đạn: 1 chiến sỹ hy sinh, 15 chiến sỹ trôi dạt suốt 15 ngày về Quy Nhơn và 14 người sống sót; 2 quân nhân người nhái hy sinh trên đảo; 43 quân nhân, nhân viên khí tượng Hoàng Sa, cùng với một cố vấn Mỹ đi cùng chiến hạm bị bắt đưa về Trung Quốc.

Sơ đồ trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa 1974