Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Trung Quốc ồ ạt vét nông sản: Nguy .?. cơ?


Trung Quốc ồ ạt vét nông sản: Nguy .?. cơ?
Tác giả: Ngọc Hà đăng trên tuanvietnam
(VEF.VN) - Lũ lượt sang thu gom hàng nông sản, sự xuất hiện của đông đảo tư thương người Hoa ở Việt Nam lâu nay trở nên quen thuộc. Điều đó thổi bùng lên sự lo ngại về một mối nguy "chảy máu" nguyên liệu và sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Nhưng, đó cũng là cơ hội để "phe ta" nhìn lại mình.
Có một số đặc điểm không thể trộn lẫn khi thương lái Trung Quốc sang Việt Nam gom hàng, đó là mua với số lượng lớn, giá cao, sẵn sàng lùng lục vào tận vườn, leo lên đồi và xắn quần lội ao, đìa thu mua nông thuỷ sản.
Họ "càn quét" từ Bắc vào Nam, từ sắn lát, cao su, hạt tiêu, gạo, thịt lợn, thuỷ sản... đến các loại nông sản theo mùa vụ, như vải Lục Ngạn (Bắc Giang) và trứng muối, đậu xanh... cho vụ Trung thu tới.
Rõ ràng, thương lái Trung Quốc thu gom nông sản do nhu cầu cao về lương thực thực phẩm, để phục vụ sản xuất. Song, chính sự lỏng lẻo, không đồng bộ, thiếu sự phối kết hợp giữa nhà sản xuất và người cung cấp ở Việt Nam là yếu tố thuận lợi giúp họ dễ dàng đạt được mục đích của mình.
Nhãn tiền là người cung cấp được hưởng lợi nhờ giá cao. Nhưng, đã thấy có nhiều tiếng kêu than từ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong nước vì "đói" hàng, máy móc đắp chiếu, công nhân ngồi chơi. Đã có nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về một mối nguy "chảy máu" nguyên liệu và quá lệ thuộc vào một thị trường.
Trao đổi với báo giới, PGS.TS Phạm Tất Thắng - chuyên gia kinh tế cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại, lo ngại rằng thương nhân Trung Quốc có thể đẩy giá bất cứ nông sản nào của ta lên cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, đã xảy ra việc, lúc nông dân dồn được hàng thì họ ép giá ngay lập tức. Hay lúc nông sản vào chính vụ, ta tập trung dồn hàng lên biên giới để xuất sang Trung Quốc thì họ lại bày ra kiểm dịch, thông quan... nhằm đánh tụt chất lượng cũng như giá cả hàng hóa của ta. Bài học về dưa hấu, sắn lát, rau quả... vẫn còn nguyên giá trị. Chưa kể nguyên liệu Việt Nam phải đội lốt "Tàu".
Về phía các DN, khi không có hàng, Việt Nam sẽ mất những thị trường xuất khẩu lớn các mặt hàng vốn là chủ lực.

Trên Tiền Phong, TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia giá cả thị trường, cảnh báo, việc thương nhân Trung Quốc thu gom các mặt hàng nông sản của Việt Nam để xuất khẩu sẽ tạo ra sự mất cân đối cung cầu cục bộ đối với các mặt hàng. Hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong nước nhưng nay đem xuất khẩu sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, có thể kéo giá lương thực, thực phẩm tại thị trường Việt Nam lên cao, khiến việc kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn hơn.
Dưới góc độ quy hoạch sản xuất nguyên liệu, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng cảnh báo, việc họ mua giá cao có tính tức thời sẽ phá vỡ quy hoạch sản xuất của chúng ta. Bài toán trồng - chặt, từng diễn ra ở nhiều địa phương.
"Phải làm rõ việc thu gom này kéo theo sự bất bình đẳng về nghĩa vụ, kéo theo hệ quả xấu, như ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm của các doanh nghiệp trong nước. Cần rà soát lại các quy định. Nếu họ làm thiệt hại cho Việt Nam, cần phải có hành động", ông Ánh nói.

Tuy nhiên, việc thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam gom hàng cũng có ý kiến khác biệt.
Trao đổi với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet, ông Phạm Quang Diệu, Công ty CP Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor) đưa ra 3 lập luận cho rằng, sự việc trên chứng tỏ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt Nam cũng có lỗi, và nên tự trách mình trước.
Thứ nhất, Việt Nam quá thiếu thông tin về thị trường Trung Quốc. Lỗi đó ai chịu trách nhiệm? Trong khi quốc gia láng giềng là một thị trường lớn, có thể tác động và làm thay đổi cả thế giới, thì chúng ta lại thiếu một hệ thống theo dõi giám sát tình hình.
Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam quen với kiểu xuất nhập khẩu hàng tại cảng, hàng hoá cứ đi/về cảng là xong. Còn Trung Quốc, khi họ có nhu cầu, họ lặn lội sang tận nơi, họ không ngại lội ruộng để mua nguyên liệu. Các nước Âu, Mỹ thường nhập hàng qua cảng, nhưng với Trung Quốc là mọi con đường.
Thứ ba, cách thức kinh doanh khác biệt của Trung Quốc. Chẳng hạn, mặt hàng gạo Trung Quốc nhập khoảng 40 nước khác nhau, nên tin đồn từ thị trường này đôi khi lớn hơn sự thực rất nhiều, và cũng có thể nhỏ hơn sự thực nên kết cục, thực hư lẫn lộn.
Trong khi, từ trước đến nay, do quản lý còn chồng chéo và các Bộ, ngành chưa thực sự phối hợp hành động, nên, ngoài việc mập mờ về nguyên nhân Trung Quốc lựa chọn và thu gom quá lớn nguyên liệu từ Việt Nam, kể cả hàng hoá không đảm bảo chất lượng, cũng chưa thấy một con số chính thức công bố công khai về tổng lượng hàng hoá và nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc.
Họ đã thu mua của ta bao nhiêu tôm, bao nhiêu thịt lợn, bao nhiêu trứng... không cơ quan nào nắm được, không doanh nghiệp nào biết. Do vậy, chúng ta đang ở thế bị động trong việc kiểm soát hàng hoá xuất tiểu ngạch sang quốc gia chung đường biên mậu.

Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải tổ chức buôn bán nông sản một cách bài bản sang Trung Quốc. Xuất khẩu phải đi vào chính ngạch, ký hợp đồng rõ ràng. Trong điều kiện xuất khẩu tiểu ngạch hiện nay, để đề phòng rủi ro, các cơ quan quản lý cần có chế độ cảnh báo, phân tích, truyền thông nhằm nêu rõ lợi, hại từ việc bán nguyên liệu cho thương nhân Trung Quốc để người dân quyết định thiệt hơn.
Cũng có ý kiến cho rằng, nên nghĩ tới phương án giữ nguồn nguyên liệu trong nước, giống như cách làm của Indonesia khi thực hiện lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu hải sản trong nước.
Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể cứ đứng nhìn nguyên liệu vuột khỏi tay mình, trong khi bản thân cũng phải đi nhập khẩu (chẳng hạn như tôm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi... ).
Rõ ràng, đây là cơ hội để xem xét lại sự hợp tác giữa nhà cung cấp nguyên liệu và chế biến, bảo đảm quyền lợi của người sản xuất. Và cũng là bài học về việc nhập khẩu nguyên liệu tận gốc, tránh qua khâu trung gian cho các doanh nghiệp Việt.
Đâu là nguyên nhân khiến thương nhân Trung Quốc phải lặn lội để thu gom hàng nông sản từ Việt Nam? Chúng ta nên mừng hay lo về câu chuyện này? Làm thế nào để vừa xuất khẩu được hàng nông sản giá cao sang Trung Quốc, có lợi cho bà con nông dân, vừa đảm bảo được nguồn nguyên liệu trong nước và tránh lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường?

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ