Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Tâm sự của Tướng Trần Độ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính…”[Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” HCM (bút danh X.Y.Z) NXB Sự Thật 1947] Tôi tìm đọc lại những trang này trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”. Đọc đi, đọc lại, càng đọc càng thấy Bác Hồ thật vĩ dại. Người như thấu hiểu mọi lẽ trên đời, hiểu hiện tại và đoán biết cả tương lai. Nếu như ta không biết những dòng này Bác viết từ năm 1947 cứ ngỡ là Bác đang nói với chúng ta hôm nay. Tôi cảm thấy những dòng chữ của Bác như những cặp mắt đang nhìn thẳng vào tôi và nghiêm khắc hỏi: “Anh vào Đảng từ hồi bí mật, đã trải qua hai cuộc kháng chiến, đứng trước cái chết, trước kẻ thù anh không sợ, liệu anh có dám nói ra những điều anh nhìn thấy không?

Tôi đang suy nghĩ về bức thư gửi Bộ Chính trị thì được tin Văn phòng Trung ương cho biết, Ban bí thư bố trí cho tôi đi tham quan Cộng hòa dân chủ Đức một thời gian. Tôi nghĩ cũng là một dịp tốt để có tầm nhìn bao quát hơn, giúp cho những nội dung tôi trình bày có thêm những căn cứ khoa học.

Rất may mắn là những điều tai nghe mắt thấy ở Cộng hòa dân chủ Đức càng thôi thúc tôi viết thư cho Bộ Chính trị. Những vấn đề nung nấu trong tôi từ ngày ra Bắc càng thêm chín mùi. Không viết được, chưa viết được, lòng dạ cứ không yên chút nào. Đêm nào nằm cũng suy nghĩ có đêm hầu như thức suốt, bất chợt nảy ra ý gì mới lại vội vàng trở dậy ghi chép, sợ sáng ra lại quên mất. Cứ như thế ròng rã hơn một tháng trời tôi mới viết xong bức thư 14 trang. Tôi không đề gửi Bộ Chính trị, sợ như thế nó to tát quá. Cân nhắc mãi tôi chỉ đề gửi các anh Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, để vừa mang tính chất chung, gửi cho các anh ấy tức là gửi cho Bộ Chính trị rồi, nhưng cũng vừa mang tính chất cá nhân, thân tình bộc lộ những suy nghĩ của mình như lời tâm sự của một đứa em đối với các anh lớn…

Rất may là tôi còn giữ được bức thư cho đến ngày hôm nay. Do đó, để cho trung thực, khách quan, có tính lịch sử, tôi xin chép ra nguyên văn bức thư ấy. Mặc dầu hiện nay tình hình chung đã khác trước nhiều, Đảng ta đã qua 4 lần Đại hội, tới là Đại hội VIII. Những suy nghĩ của mình cách đây hơn 20 năm không tránh khỏi những ấu trĩ, ngây thơ nhưng tôi không sợ mọi người cười chê, bởi tôi tin ở tấm lòng chân thật của mình, mà chân thật chính là một trong những tiêu chuẩn của cái đẹp. Tôi không có tham vọng gì trong bức thư này. Có chăng là sự mong muốn cháy bỏng của một người lính từ chiến trường trở về, làm sao cho đất nước ngày càng phát triển, dời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, Đảng ta ngày càng trong sạch, chính quyền ta ngày càng vững mạnh…

Kính gửi: Anh Ba, anh Năm, anh Sáu. ( Ông Lê Duẩn, ông Trường Chinh, ông Lê Đức Thọ)

Vừa qua trong mấy tháng, tôi đã được đọc Nghị quyết 22, nghe báo cáo một số tình hình, đi thăm các tỉnh ở Miền Bắc Nam Hà, Thái Bình, được nghe chuyện cụ thể của một số cán bộ kể có ý muốn phản ánh các khía cạnh của tình hình. Tôi được Trung ương cho đi thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức, lúc về tôi qua Moscow vài ngày, Bắc Kinh vài ngày.

Qua tất cả cả các sự quan sát, thấy và nghe được tôi chưa chú ý đi sâu nghiên cứu có hệ thống được một vấn đề nào nhưng tổng hợp những điều đã thấy và nghe được, tôi có một số cảm giác, ấn tượng. Tôi không muốn chờ đợi mà tôi muốn báo cáo với các anh những cảm giác, ấn tượng là có tôi chút suy nghĩ sơ bộ với các anh. Tôi không có tham vọng đề đạt một ý kiến to tát nào. Vì tôi chắc Bộ Chính trị đã nắm tình hình và đã suy nghĩ rất nhiều đã được nghe nhiều ý kiến, đã có nhiều dự án.

Tôi chỉ muốn để các anh thấy thêm một số khía cạnh, có tác dụng làm phong phú thêm cho sự suy nghĩ, nói cách khác là tôi cũng nêu lên những thắc mắc, những mong mỏi, những câu hỏi để các anh suy nghĩ giải đáp trong lúc các anh cũng đang giải đáp những vấn đề đã đặt ra.

I

ở miền Bắc đang có nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội và cả trong các tổ chức Đảng, trong bộ máy chính quyền. Và những hiện tượng tiêu cực trong tổ chức Đảng và chính quyền tác động nhiều trong xã hội. Điều đó ai cũng thấy. Thế nhưng vấn đề là tại sao nó lại biến chuyển chậm chạp? Sự biến chuyển chậm chạp này đã tạo nên một tình trạng giảm sút lòng tin trong cán bộ, trong đảng viên, trong nhân dân và đáng lo ngại hơn cả trong thanh niên. Tôi đã gặp một số thanh niên, họ nói thực lòng Họ tin và họ phục vào lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc. Nhưng đứng trước hiện tại và tương lai họ giảm sút lòng tin

Giảm lòng tin vào những mục tiêu cụ thể của các sự nghiệp, giảm lòng tin vào lý tưởng, vào đường lối.

Những hiện tượng tiêu cực của xã hội (và trong Đảng trong chính quyền) làm vẩn đục sự trong sáng và đẹp đẽ của những lý tưởng, đầu độc những lòng say mê hăng hái có tính chất lãng mạn cách mạng, tạo nên một triết lý “sống tiêu cực tạo nên “một thế lực xã hội bao vây và xô đẩy những tâm hồn trung thực.

Tình trạng trên có những nguyên nhân và khuyết điểm là sự kém cõi trong sự lãnh đạo quản lý xã hội. Nhưng có phải nó còn đang phản ánh một cái mâu thuẫn gay gắt giữa những nhu cầu ngày càng cao do được kích thích bởi sự phát triển văn hóa và tình hình phát triển của thế giới với sự thiếu thốn của cơ sở Vật Chất của ta? Tức là mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất phát triển nhanh mà sức sản xuất không theo kịp. Có phải một mặt ta phải khắc phục tình trạng quản lý kém và đồng thời phải tìm cách nhanh chóng nâng cao cơ sở vật chất của ta lên không?

Về mặt quản lý có nhiều vấn đề nhưng hình như ta đang có những hiện tượng:

- Đẻ ra nhiều tổ chức quá làm cho bộ máy ngày càng nặng nề cồng kềnh mà lại vướng víu lẫn nhau?

- Đã nhiều tổ chức mà ít luật pháp. ít điều lệ quy định cụ thể rõ ràng, để bắt buộc chức trách, để buộc mọi người phải tự giác tôn trọng.

- Tổ chức thiếu ổn định, thay đổi luôn tình trạng đó biểu hiện ở một vài hiện tượng cụ thể.

- Kỷ luật lao động lỏng lẻo.

- Tùy tiện, đẻ ra tình trạng mà ta gọi là “cửa quyền”, bất cứ một nhân viên nhỏ nào cũng “sáng tác ra những quy tắc cụ thể của mình, gây rất nhiều chậm trễ rắc rối trong công việc.

- Mơ hồ, trống rỗng, không cụ thể, ví dụ về luật lệ giao thông: rất ít những biển có ký hiệu luật lệ cụ thể mà nhiều khẩu hiệu vớ vẩn:

“Cấm bóp còi inh ỏi”.

“Cấm phóng nhanh vượt ẩu.

“An toàn là bạn, tai nạn là thù”.

Thế nào là còi inh ỏi và không inh ỏi. Thế nào là phóng

nhanh? Trong khi đó có những ký hiệu cấm còi, cấm vượt, hạn chế tốc độ có tính chất quy ước quốc tế rồi?

Nhiều công việc chưa có nội dung, quy tắc cụ thể đã có nhiều tổ chức, nhiều hội đồng nên có thể nói hữu danh vô thực.

Nhiều phê phán, mà ít phạt nghiêm, thưởng phạt khen chê, không dứt khoát, không rõ ràng. Đãi ngộ vật chất người có công lẫn lộn với trao quyền chức cho những người không có năng lực.

Đội ngũ về hưu”, về hưu về công tác lao động chức quyền xã hội lại vẫn là “vai vế trong Đảng thì có hợp lý hay không?

- Báo chí thường phản ảnh không thực chất tình trạng thực tế nhất là của các sinh hoạt đoàn thể (và đáng chú ý hơn là Đoàn thanh niên và đội Thiếu niên tiền phong).

Theo tôi thấy cần phải xác định và tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc, ví dụ:

- Khi nào có nội dung nhiệm vụ cụ thể xác định được các quy tắc quyền hạn quan hệ, có điều lệ cụ thể về hoạt động cụ thể hãy nên tổ chức.

- Phải làm thế nào có một sự tập trung có hiệu lực trong từng bộ phận và trong cái toàn thể để tránh tình trạng:

- Đường lối, nghị quyết hay nhưng tổ chức thực hiện (kế hoạch, chương trình) dở.

- Chủ trương cấp trên giải quyết nhanh linh hoạt dễ dàng, nhưg chuyển xuống đến bộ máy là cứ dằng dai kéo dài, thậm chí không giải quyết được. Cần phân biệt “cố vấn, nghiên cứu với chỉ đạo thực hiện.

Trước mắt tôi nghĩ không biết có nên giải quyết gấp, chấn chỉnh mấy mặt bằng luật pháp có hiệu lực.

Luật pháp về trật tự xã hội để củng cố trị an và củng cố quan hệ sản xuất.

- Trừng trị thật nặng những kẻ dựa vào chức quyền để làm giàu và những kẻ bất kể động cơ gì xâm phạm đến tự do thân thể danh dự và tài sản của người khác một cách bất hợp pháp.

- Tạo những điều quy chế có tính chất phổ cập thường xuyên ở các nơi công cộng và có lực lượng quần chúng tham gia tích cực xây dựng.

Nghiêm ngặt ban hành và tổ chức thực hiện, chấn chỉnh các phương tiện để duy trì tốt luật giao thông.

Tôi thắc mắc trong lịch sử, có những lúc những tên độc tài có thể biến chuyển tình hình xã hội trong một thời gian ngắn.

- Napôlêon trong mấy tháng chuyển một đội quân ô hợp thành một đội quân thiện chiến.

- Hitler trong mấy năm chuẩn bị nước Đức đi vào một cuộc chiến tranh lớn.

- Pierre đệ nhất của Nga cũng biến chuyển nước Nga lạc hậu trong vòng một số năm.

Tất nhiên ta không bắt chước bọn phát xít độc tài. Nhưng ta phải suy nghĩ xem bí quyết của chúng ở chỗ nào, mà có thể nhanh chóng thay đổi tình hình một xã hội?

Thông thường là ở thưởng phạt thật nghiêm khắc, có nhiều vụ thưởng phạt điển hình được truyền tụng, có những biện pháp mạnh, vừa có tính cổ vũ vừa có tinh cảnh cáo, tạo thành một sức mạnh “xã hội”.

ở Đức hậu quả của các chếđộ Bismach, Friederich, Hitler còn lại phần tích cực là tính kỷ luật rất cao trong nhân dân Đức. Đó là một sự thật khách quan ta phải thừa nhận.

Cho nên ta cần có những luật pháp, những bộ luật và những lực lượng có hiệu quả thi hành những điều luật đó.

Đó là các cơ quan thanh tra kiểm soát, đó là các lực lượng Công đoàn, Thanh niên, Thiếu niên và cả Phụ nữ.

Muốn cho thật có hiệu lực, phải là một thanh Đảng nghiêm túc và có thể “công khai”. Hiện ta đang có cuộc học tập vận động có tính chất thanh Đảng đấy! Nhưng tôi cảm thấy chưa đủ liều lượng. Cần tập trung:

- Đưa ra khỏi Đảng: những người lười biếng, những người lợi dụng chức quyền ăn cắp làm giàu, móc ngoặc với gian phi. Những người đã hết khả năng lãnh đạo.

- Cần có danh hiệu “Cựu Đảng viên cho những ai không có khuyết điểm nhưng hết khả năng công tác và lãnh đạo, đã về hưu… để có đãi ngộ mà không cần giao chức quyền, không cần tham gia sinh hoạt lãnh đạo để giảm bớt chất ì trong các tổ chức Đảng.

Nên thực hiện chế độ thẻ đảng viên. Cần có cuộc vận động tương tự trong Đoàn thanh niên và cũng nên có vận động phát huy đổi thẻ Đoàn viên với những nội dung có tác động tích cực thúc đẩy các yếu tố tích cực.

Tất nhiên có hàng loạt việc phải làm nhưng tôi “cảm thấy cần tập trung có trọng điểm, tập trung và biện pháp mạnh để thực hiện một sự kiên quyết nghiêm túc và có hiệu lực, có tác dụng cổ vũ nhân dân, củng cố lòng tin, nhằm biến chuyển nhanh chóng tình hình trong thời gian ngắn. Phải có những việc làm có tác động mạnh mẻ, sôi nổi về tinh thần và cổ vũ những yếu tích cực vừa ngăn chặn trấn áp mạnh mẽ những yếu tố tiêu cực. Nhưng dù sao đó cũng là một mặt có tính chất ở “thượng tầng kiến trúc. Còn vấn đề có ý nghĩa cơ bản ở “hạ tầng cơ sở” là vấn đề xây dựng kinh tế, vấn đề tạo cơ sở vật chất.

Tôi xin có mấy ý kiến như sau:

II

Về vấn đề này tôi không dám có những ý kiến gì nhiều. Vì thật ra là rất dốt, lại xa các công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội hàng mười năm nay. Nhưng cũng có những cảm giác và ấn tượng muôn trình bày với các anh.

Đi tham quan nước Đức, chỉ đi chơi có tính chất du lịch, chủ yếu là quan sát và đọc vài tài liệu giới thiệu đơn giản. Nhưng qua hệ thống đường xá qua cơ sở các thị xã, thị trấn, thành phố họ đã có và đang xây dựng, qua các di tích lịch sử về văn hóa và cả về công nghiệp của họ thì tôi có ấn tượng tương đối rõ ràng về cái gọi là:

Xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi đánh đổ chính quyền của tư bản chủ nghĩa và xây dựng xã hội không qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa.

Nó có hàng loạt vấn đề về quy luật đặt ra. Những quy luật cơ bản là những gì. Và những quy luật của công việc xây dựng xã hội chủ nghĩa là những gì.

Có lẽ khi Đảng ta đặt vấn đề “Bước đi ban đầu có lẽ đã phát biểu triển lên một quy luật rồi chăng?

Nếu chủ nghĩa tư bản có một thời kỳ tích lũy tư bản, hết sức tàn khốc mà cũng dài lâu mới có của cải vật chất để phát triển và mới có những cơ sở vật chất, những vấn đề tổ chức, về kỷ luật kỹ thuật cho tư bản chủ nghĩa phát triển và những cái đó lại là những vốn hết sức quan trọng tạo điều kiện cho việc xây dựng xã hội chủ nghĩa sau này, thì chủ nghĩa xã hội với những yêu cầu về phân phối của nó rõ đang đòi hỏi một cơ sờ vật chất thế nào đây.

Có phải nội dung của bước đi ban đầu là tạo một cơ sở vật chất tối thiểu, để làm đà cho sự phát triển xã hội chủ nghĩa không? Và yêu cầu của cái cơ sở vật chất tối thiểu ấy là gì?

Ví dụ lấy con số về yêu cầu điện đầu người và thép đầu người thì con số: 1500 kW/giờ đầu người/năm và 100 kg gang thép đầu người là con số yêu cầu tối thiểu hợp lý chăng?

Chủ nghĩa tư bản tạo cơ sở vật chất bằng tích lũy tư bản tàn khốc. Vậy chủ nghĩa xã hội không qua tư bản chủ nghĩa phải tạo cơ sở vật chất bằng gì? Có lẽ cơ bản bằng tích lũy lao động tập thể.

 

Thế nhưng đặc điểm cơ bản và cũng là điều kiện tiên quyết cốt tử cho các nước thuộc địa tiến lên xã hội chủ nghĩa là có phe xã hội chủ nghĩa, có Liên Xô. Ngoài ra còn có thế giới thứ ba, có cách mạng khoa học kỹ thuật thế giới. Và riêng Việt Nam mình lại có hai miền, nhiệm vụ giải phóng dân tộc và dân chủ nhân dân chưa hoàn toàn xong. Tác động của chủ nghĩa thực dân mới về kinh tế miền Nam thế nào ta đánh giá chưa rõ (sẽ phát biểu phần sau). Vậy thì ta làm gì?

Yêu cầu gay gắt là trong một số năm ta phải làm những việc mà tư bản chủ nghĩa làm hàng mấy trăm năm. Ta làm thế nào và khai thác đặc điểm của thời đại ra sao? Tôi cũng thấy rõ Trung ương ta đang đặt vấn đề như vậy:

- Dựa vào phe xã hội chủ nghĩa.

- Khai thác cách mạng khoa học kỹ thuật.

- Lợi dụng cả tham vọng của những nước tư bản tương đối tiến bộ hoặc cả những bọn tư bản đế quốc mà tạm thời chưa phải là kẻ thù trực tiếp.

Nhưng qua những tài liệu tôi được đọc và báo cáo tôi được nghe. Tôi có “Cảm giác ta chưa thật mạnh bạo tập trung và dứt khoát, linh hoạt.

1 Còn nhiều lúng túng trong việc xác định quy luật của kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Ví dụ: Quy luật của Stalin phát biểu thì có phải đấy là quy luật, hay đấy là yêu cầu của chủ nghĩa xã hội.

Lại ví dụ về quy luật giá trị thì trên thực tế thị trường thế giới chủ nghĩa tư bản dùng giá trị sử dụng làm phương tiện để thu lợi nhuận, thì giá trị sử dụng hàng hóa của tư bản lại cứ phát triển tiến bộ, còn ta giá trị sử dụng là mục đích trực tiếp của sản xuất thì giá trị sử dụng hàng hóa lại không cao, riêng Việt Nam thì cứ theo “quy luật” thụt lùi trước tốt sau xấu? Đó là hiện tượng gì?

Riêng tôi còn thấy lúng túng nhiều trong việc nhận thức những cái gọi là quy luật này. Có điều rõ ràng là tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ có thể phát huy nhiều, phát huy đầy đủ khi nào ta có một nền công nghiệp khá. Hiện nay ta vừa phải tạo cơ sở vật chất cho nền công nghiệp đó vừa phải rèn luyện con người và tổ chức xã hội chủ nghĩa cho phù hợp với nền công nghiệp đó

Cơ sở vật chất của chủ nghĩa tư bản nó buộc con người phải sống cho phù hợp và nó cuốn tổ chức xã hội phải phù hợp với cơ sở vật chất phát triển của nó. Nhưng chủ nghĩa xã hội ta lại chuẩn bị cho con người và tổ chức xã hội để đẩy mạnh công nghiệp hóa và có lẽ đó cũng là nhiệm vụ của vô sản chuyên chính chăng? Bây giờ yêu cầu cấp bách có nên đặt vấn đề ta cần phải có những chính sách hết sức táo bạo như kiểu Lênin định ra “Chính sách kinh tế mới, sau khi kết thúc nội chiến ở Nga với một nền kinh tế xơ xác tiêu điều không?

Tôi nói “như kiểu nghĩa là với một tinh thần mạnh dạn táo bạo và dứt khoát như vậy, chứ không phải theo nội dung của Lênin lúc đó, vì điều kiện lịch sử đã khác nhau hẳn. Ví dụ như thế này: Ta phát huy hết mức cái ưu thế về tài nguyên phong phú của ta, có những chính sách táo bạo mạnh dạn thu hút sự đầu tư của các nước anh em chủ yếu là các nước có kỹ thuật cao mà lại cần đến tài nguyên của ta. Thu hút mạnh dạn đầu tư của các nước tư bản chủ nghĩa chưa phải thù địch (như Thụy Điển, Pháp, Nhật). Có thể ta chịu thiệt đi một ít kể cả những thứ quý giá, kể cả một số mặt về lâu dài. Nhưng ta tập trung giải quyết mấy yêu cầu cốt tử của ta để đạt cho bằng được trong một thời gian ngắn, coi như ta phải bán tài nguyên quý đi để đạt được những yêu cầu cơ bản trước mắt là những yêu cầu cơ bản nền tảng cho lâu dài. Chứ nếu cái gì ta cũng muốn giữ cả vừa cứ nhập nhằng thì e rằng có khi thiệt (chứ không đến nỗi mất) cả chì lẫn chài. Tôi có những suy nghĩ đại khái như thế này.

Ta cần hết sức tập trung vào điện, thép, và dầu (Tôi chưa rõ ý nghĩa của cái “cơ khí là then chốt” lắm) bằng cách cho các nước đầu tư vào đứng ra làm, ta giữ vững chủ quyền về chính trị và kinh tế, làm sao sau một thời gian họ có lãi đến mức nào đó thì cái đó trở lại hoàn toàn thuộc (ta) về ta. Ví dụ như dầu có thể trao hẳn cho Nhật Bản làm cái gì đó với những điều kiện nào đó và đồng thời đòi Nhật phải giải quyết giúp ta những mặt khác. Còn những cái khác làm như đổi. Ví dụ nước anh em nào cần đồng, than… thì mời anh em đem kỹ thuật phương tiện và nhân viên đến xây dựng cơ sở khai thác và khai thác đi nhưng đổi lại, anh em làm cho tôi các cơ sở khai thác và chế biến quặng sắt, đúc thép, các cơ sở nhiệt điện, thủy điện… với yêu cầu ta đạt được mục tiêu của ta, bạn có lãi có lợi (và tất nhiên về chỗ đó: đồng, apatit, titan… ta chịu thiệt). Sau một thời gian bạn đã có lãi rồi thì tất cả vẫn là của ta. Ta còn có thêm Crom, chì, kẽm thậm chí cả cái thứ “đất nặng quý giá tôi nghĩ ta vẫn có thể đổi. Làm như vậy tôi tưởng tượng quang cảnh là tự các bạn mang xe cộ phương tiện vật liệu xây dựng, xây dựng nên những cơ sở hiện đại trên đất nước ta, có thể thu hút cả công nhân ta, huấn luyện cho công nhân ta. Sau 10, 15, 20 năm thì những thứ đó là của ta và trước mắt thì cũng là làm thay đổi quang cảnh của đất nước ta ngay.

Ta tập trung trí lực, tài lực lo những cái khác. Không sợ bị xâm phạm chủ quyền, ta được tập trung vào những yêu cầu chủ yêu của ta. Ta dám hy sinh cả những thị xã, thành phố để giữ gìn độc lập, thì ta cũng có thể chịu thiệt đi một số tài nguyên để mau chóng xây dựng đất nước.

°°°

Lại một suy nghĩ nữa về ta khai thác lợi thiên nhiên của ta.

Ví dụ: ta mời nước nào giỏi về tổ chức du lịch (tôi thấy CHDC Đức cũng khá giỏi về cái này) ta trao cho tổ chức du lịch ở Vịnh Hạ Long, ở rừng Cúc Phương. Họ xây dựng tổ chức khách sạn và họ thu tiền ta chỉ lấy một tỉ lệ thuế đủ cho họ thu lãi và thu vốn của họ. Sau mấy chục năm ta cũng sẽ thu hồi cố nhiên việc này phức tạp và cũng không biết có nước nào họ thích thế không? Ví dụ ta dùng hình thức kết nghĩa giữa các tỉnh của hai nước, ta đưa công nhân của ta sang họ. Ví dụ đưa sang với thời gian 10, 15, 20 năm với những điều kiện:

- Họ phải để thời gian huấn luyện 2, 3 năm.

- Số người đưa sang có tỉ lệ nam, nữ là người yêu (thương binh còn khỏe) người lớn tuổi…

- Có những quy chế đi lại trong thời gian làm việc.

- Quy chế đối với những gia đình lập trong thời gian đó (việc học tập của các cháu…)

Tôi không biết vấn đề nào có liên quan gì đến quốc thể không? Và đúng là giữa các nước xã hội chủ nghĩa chưa bao giờ có vấn đề như thế này. Nhưng nếu ta không câu nệ, có thể đưa sang trên dưới độ 1, 2 triệu người thì ta phát huy được lực lượng ta, ta tích lũy vốn, người, kỹ thuật cho ta sau này. Tạo công ăn việc làm được cho số người càng đông của ta.

Đây có thể là một ý nghĩ ngây thơ, nhưng riêng chủ quan với cách suy nghĩ của tôi, tôi cũng thấy thiết thực và có thể là một hình thức rất mới mẻ, rất mới mẻ của sự hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa chăng?

°°°

Tôi cứ tưởng tượng thế này. Hiện nay một số nước xã hội chủ nghĩa anh em khó có vẻ giúp ta như Cuba được, mà Cuba cũng lại nghèo và nước nhỏ. Cách giúp là “hai bên cùng có lợi mà bên bạn đã có lợi thì bên ta là phải thiệt.

Nhưng nếu thu hút được đầu tư của bạn vào thì có thể tạo nên nhiều cái lợi khác cho ta. Ví dụ nếu cùng một lúc có hàng chục, vài chục công trường lớn của bạn triển khai thì riêng những việc bạn phải làm đường, đem vật liệu vào xây dựng cũng là tăng thêm của cải cho ta.

Nếu trong vòng 5, 7 năm ta đưa sức điện của ta lên 10 tỷ kW-giờ và sau 10, 15 năm ta cố có lấy 50, 60 tỷ kW-giờ thì mới được. Trước mắt phải xây dựng thật nhiều điện chạy than và dầu, trong khi đó ta làm các công trình thủy điện và chạy nguyên tử. Nếu không có cách tập trung rất lớn thì không có cách nào giải quyết.

Tôi không biết hiện nay mỗi năm mình phải nhập bao nhiêu sắt thép nhưng nếu trong vòng 3, 5 năm mình có sắt thép không phải nhập. Sau đó lại có thể phát triển thêm việc xây dựng và đẩy mạnh chế tạo máy thì ta mới có đà để thúc đẩy các việc khác, nếu nói cơ khí là then chốt mà không có sắt thép thì có vẻ gay go.

Việc xây dựng cơ bản hiện nay đang phát triển rộng khắp mà thiếu sắt thép cũng gay go. Ngoài ra có thể thu xếp để đổi thế nào đó thu hút được việc chế tạo phân bón và phát triển công nghiệp hóa. Tôi nghĩ rằng khi ta đã có điện và thép đến một mức nào đó là ta có thể phát triển toàn diện sang các ngành khác và lúc ấy có thể có đà để có thể phát tiến nhanh chóng được.

Trên đây là nói về những vấn đề có liên quan đến những chính sách lớn có một tinh thần táo bạo và dứt khoát nhằm có cách để nhanh chóng đẩy mạnh mọi mặt khai thác và tạo ra những cơ sở vật chất cần thiết của thời kỳ bước đi ban đầu và tôi có thể quan niệm bước đi ban đầu có thể bao gồm một kế hoạch 5, 7 năm hoặc hai kế hoạch ngắn hơn.

Mặt khác cần có một chính sách cụ thể để sử dụng quy luật, quy luật giá trị, kết hợp với động viên tinh thần làm chủ của nhân dân để nâng cao chất lượng sản phẩm như:

- Chính sách khen thưởng rộng rãi và kỷ luật nghiêm ngặt đối với các hợp tác xã gia công.

- Chính sách thưởng phạt rộng rãi nghiêm minh với các xí nghiệp quốc doanh.

- Chính sách thu thập ý kiến người sử dụng (kiểu trưng cầu ý kiến) thường xuyên căn cứ vào đó mà xác định việc khen thưởng và kỷ luật.

Nói chung, trong bộ máy quản lý và điều khiển việc sản xuất cũng như trong bộ máy chính quyền của ta, việc thưởng và phạt có vẻ còn quá ít. Nên có những quy định về mặt này và có một thời gian thi hành rất kiên quyết dứt khoát. Dưới chính quyền vô sản chuyên chính phải quan niệm thưởng phạt là một biện pháp giáo dục quan trọng, sự thưởng phạt nghiêm tăng thêm tinh thần tự giác của nhân dân, cán bộ. ở nước cộng hòa dân chủ Đức, mọi người đều chấp hành khá nghiêm túc các quy định về trật tự vệ sinh công cộng và giao thông, trong đó có một tâm lý rõ rệt là ngại công an phạt, đồng thời với ý thức là cần tôn trọng tự do người khác. Thưởng phạt rõ rệt và quyết liệt mới là cách giáo dục tinh thần trách nhiệm, có hiệu lực nhất, mới góp phần hết sức quan trọng loại dần hiện tượng trì trệ, tùy tiện, làm ăn lơ mơ, đủng đỉnh. Đó là biện pháp quan trọng nhất để nâng cao kỷ luật lao động và từ đó nâng cao năng xuất lao động.

Có biện pháp thưởng phạt, mỗi khi thưởng và phạt có kèm vài câu nhắc nhờ thì sẽ có hiệu lực hơn 100 lần việc cứ họp suốt tuần, họp hết tài liệu nọ đến tài liệu kia. Tôi quan niệm giáo dục không phải chỉ là lên lớp học tập và có lẽ cũng không phải là chủ yếu là lên lớp và học tập.

Muốn tạo nên một tập quán xã hội, một tư tưởng xã hội thì phải tạo hành động quen thuộc thường xuyên hằng ngày, và muôn thế phải có quy tắc cụ thể và những quy tắc đó ai vi phạm nhất định phải trừng phạt.

Mọi người đi tàu hỏa hết sức “tự giác” đúng giờ đến ga khi làu chạy (mà không cần ai giáo dục mục đích ý nghĩa cả) là vì không đến đúng giờ thì bị “sự trừng phạt đau đớn ngay: lỡ tàu.

Phải làm cho bộ máy xã hội chạy một cách quyết liệt, lạnh lùng như đoàn tàu hỏa chạy vậy, buộc mọi người phải đúng giờ ra ga..

Tôi cảm thấy đây cũng là sự mong muốn của đa số đảng viên, cán bộ, thanh niên và nhân dân tôi gặp. Họ cũng muốn tôi phản ánh nhiều tình hình cụ thể với Bộ chính trị với ý định để Bộ chính trị nắm tình hình nhiều hơn.

Tuy các anh đã thấy được những tình hình cơ bản, nhưng hiện nay mọi người trung thực đều nóng lòng mong đón một cái gì đổi mới, chuyển biến gì mạnh mẽ, loại trừ mau chóng được một số mặt tiêu cực trong xã hội, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. Tôi cũng muốn qua những ý kiến trên đây mà phản ánh với các anh một cách như vậy.

Chín Vinh

 

 

Nhân xem bc chân dung Tướng Giáp do Hà Vũ v trong tù

Thơ Nguyễn Trọng Tạo

 

Tôi thấy nhà thơ Huy Cận trước song sắt nhà tù
Hà Vũ trao cha bức chân dung Tướng Giáp
Tôi thấy cha con cùng rơi nước mắt
Nước mắt chân dung giàn giụa bức tranh.

Sao lại khóc?
Những con người yêu nước
Độc lập, Tự do… máu nhuộm ngàn năm
Giọt nước mắt thấm máu
Loang đỏ tuổi Một Trăm.

Bức chân dung Nhân Dân đón rước
Dậy sóng biểu tình dìm ý đồ xâm lược
Bức chân dung người lính già
Từ kháng chiến bước ra…

Trên mặt đất này có muôn triệu ngã ba *
Nhưng hãy nhớ ngã ba Đồng Lộc
Có nhiều trận thắng trên mặt đất này
Nhưng hãy nhớ trận Điện Biên Tướng Giáp

Một ngày nghìn thu
Trăm Năm thoáng chốc
Những tâm hồn vì nước đẹp như mơ
Bức chân dung theo cha ra ngoài song sắt
Người vẽ bức chân dung vẫn ở trong tù…


Hà Nội, 19.9.2011

* Câu thơ của Huy Cận

 

 


Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC KHÔNG CÓ TRUYỀN THỐNG HỮU NGHỊ, CŨNG KHÔNG CÓ TƯƠNG ĐỒNG VỀ Ý THỨC HỆ

 Nguyễn Trọng Vĩnh
VĨNH
1. KHÔNG CÓ TRUYỀN THỐNG HỮU NGHỊ
Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 10/2011 của đoàn Việt Nam do TBT Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, TBT Hồ Cẩm Đào nói với TBT Nguyễn Phú Trọng câu: “Truyền thống hữu nghị giữa 2 Đảng và 2 nước là tài sản quý báu cần gìn giữ và truyền cho các thế hệ mai sau”… và từ trước đến nay trong các cuộc gặp gỡ cấp cao hai bên, phía Trung Quốc thường nhắc lại: “Hai nước chúng ta sông núi liền nhau, văn hóa tương đồng, hai đảng cùng chúng ý thức hệ là cơ sở của tình hữu nghị bền vững…”.
Dựa trên diễn biến thực tế, thử phân tích xem có đúng thế không?
Khách quan mà nói, tình hữu nghị Việt – Trung có biểu hiện trong hai thập kỷ từ 1950 đến 1970. Trong thời gian đó, Trung quốc giúp ta khá lớn về nhiều mặt. Trong sự giúp đỡ đó, có lợi ích trước mắt và động cơ sâu xa của họ, vừa giúp ta vừa hạn chế thắng lợi của ta. Dù sao ta cũng công nhận là có tình hữu nghị Trung – Việt. Còn ra thì sao?
Không kể Trung Quốc đã đô hộ nước ta 1000 năm, đến quân Nam Hán lại mang quân xâm lược nước ta, rồi nhà Tống, Mông Cổ sau khi chinh phục xong làm chủ Trung Quốc cũng 3 lần xâm lược nước ta, nhà Minh đem quân xâm lược, đánh bại Hồ Quý Ly, lại đô hộ nước ta 10 năm, nhà Thanh huy động 20 vạn quân chiếm đóng thủ đô Thăng Long. Năm 1974 Trung Quốc huy động hải quân mạnh tiêu diệt bộ phận lực lượng Việt Nam Cộng hòa đóng giữ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và cướp quần đảo từ tay Việt Nam Cộng hòa, lại trẹo họng nói là “thu hồi”. Tháng 2/1979, Đặng Tiểu Bình huy động 60 vạn quân xâm lăng các tỉnh biên giới nước ta. Gần đây, dựa vào cái “lưỡi bò” bất hợp pháp thành lập cái gọi là huyện Tam Sa, thực hiện mọi thủ đoạn, chuẩn bị điều kiện hòng chiếm nốt Trường Sa của chúng ta. Thế là chỉ có 2 thập kỷ (50 – 70) nói trên tạm gọi là “hữu nghị”, còn thì suốt chiều dài lịch sử, truyền thống của Trung Quốc là truyền thống xâm lược nước ta.
Phía ta thì sao?
Năm 938, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán để khẳng định nền độc lập của nước Nam.
Năm 1075, Lý Thường Kiệt đánh tan quân xâm lược nhà Tống và có bài thơ đầy khí phách hào hùng:
Nam quốc sơn hà, Nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Từ năm 1258 đến 1288, quân dân nhà Trần 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông hùng mạnh từng gây kinh hoàng cho nhiều nước từ Á sang Âu, đặc biệt năm 1288 dưới sự chỉ huy của Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn, quân ta đánh thắng trận Bạch Đằng oanh liệt danh tiếng lẫy lừng khiến nhà Nguyên khiếp vía không xâm phạm lần thứ tư.
Lê Lợi, Nguyễn Trãi 10 năm gian khổ chống ách đô hộ nhà Minh, cuối cùng giết Liễu Thăng, dọa Mộc Thạnh hết hồn rút chạy, đến 1428 tống cổ Vương Thông về nước, khôi phục độc lập cho nước nhà.
Năm 1789, Hoàng đế Quang Trung hành quân thần tốc đánh tan 20 vạn quân nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị bỏ cả ấn tín mà chạy mới thoát chết.
Tháng 2/1979, quân dân các tỉnh biên giới, mặc dầu lực lượng ít ỏi, đã ngoan cường đánh trả 60 vạn quân xâm lược tàn ác, buộc Đặng Tiểu Bình phải rút quân.
Nước ta ngoài việc phải chống xâm lược của Trung Quốc qua các thời kỳ, còn phải chống xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Vậy là truyền thống nước ta là truyền thống chống xâm lược.
Rõ ràng truyền thống nước ta và truyền thống Trung Quốc đối nghịch nhau suốt chiều dài lịch sử, thì làm gì có “tình hữu nghị quý báu truyền cho các thế hệ mai sau”!
2. KHÔNG CÓ TƯƠNG ĐỒNG VỀ Ý THỨC HỆ
Ngay từ 1962, ông Đặng Tiểu Bình đã muốn từ bỏ mô hình XHCN kiểu Stalin và đi theo con đường khác với câu nói: “Mèo trắng, mèo đen, mèo nào bắt được chuột là mèo tốt”. Ông ta bị Mao Trạch Đông xử lý kỷ luật. Sau khi được phục hồi và sau khi ông Mao chết, năm 1978 ông Đặng lại nói lại câu nói đó và thực tế bắt đầu rẽ theo con đường TBCN mặc dầu vẫn nói là “xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc”. Để kết thân với Mỹ, tháng 2/1979 Đặng Tiểu Bình xua quân đánh Việt Nam là đã gửi thông điệp cho Nhà Trắng rằng: “Giữa chúng tôi (Trung Quốc) và Việt Nam không cùng ý thức hệ dù đều là Đảng Cộng sản”.
Đại hội thứ 18 Đảng CS Trung Quốc mới đây không còn đề cập CN Mác – Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông nữa mà chỉ nêu lý luận “ba đại diện” của Giang Trạch Dân và “tư tưởng Đặng Tiểu Bình”.
Tuy vẫn giữ câu “xây dựng XHCN nghĩa đặc sắc Trung Quốc”, nhưng người ta có thể cho rằng xã hội Trung Quốc hiện nay là XHTB chưa thật đúng nghĩa, còn do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo.
Mô hình XHCN kiểu Stalin tỏ ra không thích hợp, kìm hãm sản xuất, kìm hãm phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khi đó một số người lãnh đạo lại hưởng đặc quyền đặc lợi sống như đế vương, độc tài độc đoán dẫn đến Liên Xô tan rã, các nước XHCN Đông Âu xụp đổ. Từ đó, chưa ai đưa ra được mô hình XHCN nào khác.
Việt Nam ta tất yếu phải cuốn theo kinh tế thị trường, nhưng lãnh đạo vẫn lấy CN Mác – Lênin làm cơ sở tư tưởng, vẫn chủ trương xây dựng CNXH. Thử hỏi xây dựng CNXH theo mô hình nào? Trong xã hội ta hiện nay, nội dung gì là XHCN, không ai chỉ ra được. Còn nói phát triển kinh tế thị trường “theo định hướng XHCN”. Cái đuôi “theo định hướng XHCN” thật là mơ hồ, vô nghĩa.
Đã không có mô hình, không có nội dung XHCN, thiết nghĩ chỉ nên nêu “lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” như nghị quyết Đảng đã từng ghi là đúng đắn và khả thi. Không cần nêu CN Mác – Lênin mà “chỉ nêu tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ” vì cái gì ở Mác, ở Lênin mà thích hợp với Việt Nam thì Hồ Chí Minh đã tiếp thu, cũng như những gì là hay, là tốt của thế giới, của đạo Phật, đạo Thiên Chúa, của Khổng Tử, của Tôn Trung Sơn đều đã có trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đã không có nội dung XHCN thì nên lấy lại tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” là thích hợp.
Sự thật là không có truyền thống hữu nghị Trung – Việt, cũng không có tương đồng ý thức hệ. Thế mà mỗi lần có gặp gỡ cấp cao 2 bên, phía Trung Quốc vẫn nói ngon ngọt nào là trân trọng tình hữu nghị Việt – Trung do Mao Chủ tịch và Hồ Chủ tịch đã dày công vun đắp, nào là xử lý bất đồng trên tinh thần “đại cục” quan hệ Trung – Việt làm trọng, nào là mọi vấn đề đều có thể thương lượng nội bộ để giải quyết trên tinh thần đồng chí, anh em cùng chung ý thức hệ, v.v. Giang Trạch Dân còn “sáng tạo” ra “phương châm 16 chữ và 4 tốt” để phỉnh phờ, mê hoặc lãnh đạo ta, làm sợi dây vô hình cột Việt Nam vào cỗ xe của họ, kéo ta lệ thuộc vào họ.
Những ai có đầu óc thực tế đều thấy rằng hiện nay mối nguy hiểm đối với nước ta không phải đến từ đế quốc Mỹ mà đến từ chủ nghĩa bá quyền bành trướng Đại Hán.
Vấn đề đặt ra đối với nước ta hiện nay là: thoát ra khỏi mọi ràng buộc tham lam, ác ý, thực hiện đường lối chủ trương độc lập tự chủ, thực hiện ngoại giao cân bằng giữa các nước lớn, một mặt không phá bỏ hiện trạng hữu nghị hòa bình với Trung Quốc, mặt khác thắt chặt mối quan hệ hữu nghị với các nước lớn Nga, Nhật, Ấn Độ, Mỹ, cải cách thể chế, thực hiện dân chủ, gắn bó với khối đại đoàn kết dân tộc, trọng dụng hiền tài, xóa bỏ mọi lợi ích nhóm, phe phái quyền lực để đưa đất nước thoát khỏi yếu kém tụt hậu và tiến lên.
N.T.V.   
Tác giả gửi trực tiếp cho Bauxit VN


Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh gặp Uỷ viên Bộ Chính trị Phan Diễn về vụ T4

Thư của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh

Ngày 15 tháng 7 năm 2004
Kính gửi: Ban chấp hành trung ương,
Đồng chí Tổng bí thư và các ủy viên Bộ chính trị, Uỷ viên Ban bí thư, Uỷ ban kiểm tra trung ương, Ban nội chính, Ban bảo vệ chính trị nội bộ trung ương, đ/c Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra khóa 7, khóa 8.
Hồi 16 giờ 30 ngày 8/7/2004, đồng chí Phan Diễn, Uỷ viên Bộ chính trị, Ủy viên thường trực Ban bí thư có mời tôi đến gặp tại phòng làm việc của đồng chí Phan Diễn (số 4 Nguyễn Cảnh Chân). Dự họp có đồng chí Thọ, Uỷ viên Trung ương, Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ.
Do tính chất quan trọng của cuộc gặp và theo đúng Điều lệ Đảng về quyền hạn của đảng viên, tôi viết thư này kính gửi các đồng chí. Trước hết tôi nêu lại các ý kiến của đồng chí Phan Diễn và ý kiến của tôi về những việc liên quan đến vụ T4 đã phát biểu trong cuộc họp đó.
I.- Ý kiến của đồng chí Phan Diễn:
Tôi (đồng chí Phan Diễn) và đồng chí Tổng bí thư đã nhận được văn bản của các đồng chí về vụ T4.
Tôi (đồng chí Phan Diễn) đồng ý một số nội dung trong văn bản của đồng chí.
- Vụ T4 là một vụ án chính trị nghiêm trọng. Bộ chính trị đã tổ chức Ban kiểm tra liên ngành để xem xét. Ban kiểm tra liên ngành đã đề nghị Bộ chính trị và Bộ chính trị đã xác định là vụ án chính trị nghiêm trọng. Bộ chính trị đã giao cho cơ quan Pháp luật truy tố, đưa ra xử 4 người: Chấp, Nguyên, Vinh, Diệu Hà từ 5 năm tù trở lên, đã giao cho Đảng uỷ Quân sự trung ương xem xét các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục II. Đảng uỷ Quân sự trung ương đã báo cáo lên Bộ chính trị và Bộ chính trị đang xem xét.
- Tôi (đồng chí Phan Diễn) đồng ý với đồng chí (Nguyễn Nam Khánh) trong Pháp lệnh Tình báo và Nghị định 96/CP về Tình báo quân sự có nhiều nội dung sai phạm. Bộ chính trị đã giao cho Thường vụ Quốc hội xem lại Pháp lệnh Tình báo và giao cho văn phòng Chính phủ xem lại Nghị định 96/CP. Đồng thời đã chỉ thị cho Bộ quốc phòng hướng dẫn cho Tổng cục II xác định một số quy định và chỉ thị cho Tổng cục II không được theo dõi nội bộ.
- Sẽ cho kiểm tra, xem xét Tổng cục II từ tổ chức, nguyên tắc, thủ tục hoạt động. Việc này phải mất một thời gian.
- T4 là một vụ án nghiêm trọng nhưng Bộ chính trị phải chọn vấn đề gì trực tiếp ảnh hưởng đến nội bộ Đảng, Nhà nước, Quân đội mới làm, báo cáo cho Bộ chính trị rõ chứ không báo cáo cho Trung ương, có việc không nói cụ thể cho trung ương và không thảo luận.
Trong văn bản của đồng chí có đề cập đến sự liên quan của một số đồng chí lãnh đạo trước đây. Vì đã lâu rồi và không ảnh hưởng trực tiếp đến nội bộ Đảng hiện nay nên không làm. Vì đưa ra vấn đề này, sẽ tranh cãi rồi không kết luận được, sẽ làm cho tình hình phức tạp thêm.
- Trong vụ T4, có ý kiến anh Giáp, anh Mân, anh và một vài đồng chí nữa, nhưng Bộ chính trị không báo cáo ý kiến của các anh với Ban chấp hành trung ương, ngay cả ý kiến anh Phiêu cũng không báo cáo với Ban chấp hành trung ương. Ý kiến đề nghị có rất nhiều ý kiến khác nhau. Nếu đã đưa thì đưa hết thì Ban chấp hành trung ương khó khăn trong việc xem xét, và không thể kết luận được, làm cho nội bộ phức tạp thêm.
- Các vấn đề mà đồng chí nêu trong bản tài liệu gửi Bộ chính trị thì nhiều, có cái thuộc số người nói trên (ý nói là của Nguyên, Chấp, Vinh, Đặng Diệu Hà), không chính thức của Tổng cục II, có cái của chỉ huy Tổng cục II. Tôi biết, trong số bản tin này, Tổng cục II có đoạn đưa ra 10 bản tin có ký tên, một số không ký tên. Như vậy là thuộc về tài liệu mật và tài liệu không phổ biến. Nếu tài liệu này lộ ra ngoài, kẻ địch sẽ lợi dụng phá hoại Đảng. Nên tôi phê bình đồng chí là không tuân thủ nguyên tắc giữ bí mật tài liệu.
II.- Ý kiến của tôi (Nguyễn Nam Khánh)
Trước hết tôi (Nguyễn Nam Khánh), cám ơn Bộ chính trị, ban bí thư đã cho tôi biết ý kiến của Bộ chính trị và Ban bí thư về văn bản của tôi gửi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư, Uỷ ban kiểm tra và các cơ quan chức năng. Sau đây tôi xin nói rõ ý kiến của tôi về các ý kiến của Bộ chính trị và ban bí thư mà đồng chí vừa nêu lên.
1/ Tôi đồng ý ý kiến nói rằng các nội dung trong văn bản của tôi nêu ra mà địch biết, địch có thể lợi dụng nên tôi đề nghị gặp đồng chí Tổng bí thư để trực tiếp nói rõ vụ T4 với đồng chí Tổng bí thư, tôi chờ hơn 1 tháng nhưng không thấy đồng chí Tổng bí thư trả lời lúc nào gặp được. Những sự thật mà tôi nêu ra chỉ gửi Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư và các cơ quan chức năng. Tôi biết tại Hội nghị trung ương lần thứ 10 (khoá 9), Bộ chính trị sẽ báo cáo với Trung ương vấn đề T4. Như tôi đã viết trong văn bản: Với tầm quan trọng của vấn đề và theo đúng Điều lệ Đảng, tôi đã viết thư gửi cho Ban chấp hành trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư, Uỷ ban kiểm tra Trung ương và cơ quan chức năng. Tội trực tiếp niêm phong mang đến văn phòng Trung ương nhờ văn phòng Trung ương chuyển và ngoài bì tôi ghi rõ: Chỉ người có tên mới được bóc. Như vậy là hết sức cẩn thận về bảo mật. Tôi gửi cho Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư, cơ quan chức năng, chứ không gửi cho địch. Nếu làm lộ tài liệu là do về các đồng chí nhận tài liệu, chứ tôi không làm lộ.
Việc tôi làm vừa qua là đúng nguyên tắc, đúng Điều lệ: "Đảng viên được phê bình, chất vấn về hoạt động của Tổ chức Đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức, báo cáo kiến nghị với cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời". Tôi không đồng ý ý kiến đồng chí phê bình tôi là sai nguyên tắc giữ bí mật tài liệu nội bộ. Đảng viên có quyền kiến nghị, đề nghị tới lãnh đạo các cấp, đến Bộ chính trị, đến Ban chấp hành Trung ương, đến Đại hội toàn quốc.
2/ Tôi đồng ý là Bộ chính trị, Ban bí thư có quyền lựa chọn vấn đề để giải quyết. Nhưng lựa chọn vấn đề gì để giải quyết là trên nguyên tắc bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Chế độ. Không phải trên nguyên tắc cơ hội, hữu khuynh. Trong văn bản tôi gửi Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư, Uỷ ban kiểm tra, các cơ quan chức năng, tôi nêu cả vấn đề T4 và chấn chỉnh Tổng cục II, một ít đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng vừa qua có liên quan đến Tổng cục II và T4, mục đích là để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Chế độ. Vì nếu không làm rõ vụ T4, những người chỉ huy Tổng cục II hiện nay và người lãnh đạo cấp cao liên quan đến T4 và Tổng cục II thì sẽ ảnh hưởng đến Đại hội 10, ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn nhân sự cho Đại hội 10 và về sau nữa.
3/ Vụ T4 với những bản tin vu khống của nó không chỉ do một nhóm người: Chấp, Nguyên, Vinh, Đặng Diệu Hà làm mà có sự chỉ đạo của chỉ huy Tổng cục II. Như vụ vu khống đồng chí Phạm Chánh Trực, Nguyễn Văn Thắng (thường vụ quận uỷ quận 6-Tp/HCM), những đề nghị lập chuyên án người này, người kia là CIA đâu phải do Chấp, Nguyên, Vinh, Diệu Hà đưa ra mà do lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục II hiện nay (Vũ Chính, Nguyễn Chí Vịnh), 255 bản tin dù có ký hay không đều do chỉ huy Tổng cục II gửi lên lãnh đạo cấp cao. Không phải do Chấp, Nguyên, Vinh, Diệu Hà gửi. Cho nên không chỉ đưa ra 4 người: Chấp, Nguyên, Vinh, Diệu Hà xử trước pháp luật, còn số chỉ huy, lãnh đạo Tổng cục II hiện nay (Vũ Chính, Nguyễn Chí Vịnh) xử lý nội bộ là không đúng.
4/ Trong vấn đề dân chủ nội bộ, phi xuất phát từ động cơ quan điểm đúng, là vì lợi ích xây dựng và bảo vệ Đảng thì mới đi đến nhất trí; nếu vì động cơ cá nhân: "Phê bình đả kích cấp trên hoặc răn đe khống chế Đảng viên" thì không giải quyết được. Theo tôi, lãnh đạo cùng với Đảng viên bàn bạc dân chủ thì công việc mới kết quả. Tôi cảm ơn đồng chí đã nghe tôi phát biểu.
III.- Đồng chí Phan Diễn có ý kiến trở lại.
Cũng cho tôi cám ơn đồng chí đã có ý kiến trở lại về các ý kiến của Bộ chính trị và Ban bí thư. Đến đây kết thúc cuộc gặp giữa tôi và đồng chí Phan Diễn. Đồng chí Thọ ra trước. Tôi ra sau, bắt tay đồng chí Phan Diễn và nói thêm: Nếu các đồng chí không gửi tài liệu của tôi đến Ban chấp hành trung ương khóa 9 thì tôi có quyền và tôi có cách đến Hội nghị Trung ương lần 10/khóa 9 hoặc Hội nghị trung ương sau đó để trao văn bản rồi ra về. Đồng chí Phan Diễn nói lại: - Làm thế thì phức tạp quá.
Thưa các đồng chí,
Tôi ghi lại những ý kiến chính liên quan đến vụ T4 trong cuộc gặp với đồng chí Phan Diễn, thay mặt Bộ chính trị và Ban bí thư gặp tôi và tôi đề nghị mấy ý kiến:
1/ Theo Điều lệ Đảng và quyền hạn của đảng viên, tôi có quyền gửi kiến nghị, chất vấn đến Trung ương và Đại hội Đại biểu Đảng là cơ quan cao nhất Đảng. Tôi làm việc này trong tổ chức. Tôi làm đúng nguyên tắc. Tôi có nghe nói: - Khi báo cáo với Trung ương có đồng chí nói đã phân tích với tôi là tôi vi phạm nguyên tắc. Tôi đã trả lời đồng chí Phan Diễn: - Tôi không vi phạm nguyên tắc. Tôi làm theo đúng Điều lệ Đảng. Tôi khẳng định một lần nữa như vậy.
2/ Như tôi đã phát biểu khi tôi còn làm nhiệm vụ Uỷ viên trung ương rằng: Ban chấp hành trung ương bầu ra Bộ chính trị, Bộ chính trị không được đặt mình cao hơn trung ương. Ban chấp hành trung ương bầu ra Bộ chính trị, kiểm tra và giám sát Bộ chính trị. Bộ chính trị phải báo cáo với Trung ương các công việc xây dựng, củng cố Đảng, những vấn đề nội bộ Đảng, liên quan đến sự nghiệp bảo vệ Đảng, Nhà nước, Chế độ. Cho nên một lần nữa, yêu cầu Bộ chính trị gửi toàn văn bản của tôi đến Trung ương. Vấn đề T4, các vấn đề của lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục II rất nghiêm trọng, có hệ thống, rất nguy hiểm, liên quan đến sự trong sạch vững mạnh của Đảng, hạnh phúc của dân tộc nói chung và của các đảng viên là nạn nhân của sự vu khống chính trị của lãnh đạo Tổng cục II hiện nay. Không phải chỉ là của nhóm 4 người: Chấp, Nguyên, Vinh, Diệu Hà.
Kể từ vụ Sáu Sứ (1991), các vụ án dựng lên có bài bản, công phu đã gây hậu quả rất nghiêm trọng. Vụ Sáu Sứ, khóa 6 bàn giao cho khóa 7. Khoá 7 không làm. Khoá 8 bị ngăn cản, nên các người lãnh đạo Tổng cục II hiện nay lại tiếp tục gây ra các vụ án chính trị nghiêm trọng tiếp theo cho đến Đại hội .
Những tài liệu về vụ Sáu Sứ, các vụ liên quan đến Tổng cục II: vụ Ngọc sọ não, vụ người của Tổng cục II đưa lên mạng nói xấu lãnh đạo cấp cao của Đảng, vụ tên Vinh bán kế hoạch phòng thủ bầu trời cho địch, tên Kê làm pa-ra-bol để ăn cắp tiền, vụ đưa ảnh và tài liệu vu khống đồng chí Lê Khả Phiêu trước Đại hội 9, v.v... là những tài liệu về những kẻ phạm tội. Đó không có gì là bí mật với Trung ương, với Uỷ ban kiểm tra các khóa liên quan, với các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ chính trị, nguyên Uỷ viên Ban bí thư các khóa. Dấu diếm, ngăn cản, không làm rõ sự thật của tội phạm là phạm pháp, vi phạm đường lối, bản chất, truyền thống, và Điều lệ Đảng. Phát hiện kẻ tội phạm là có công. Vì có hiện tượng bao che, bịt kín sự thật về những tội phạm nghiêm trọng cho nên tôi phải làm rõ với Trung ương, Uỷ ban kiểm tra, các cơ quan chức năng và rồi đây báo cáo với các đồng chí nguyên uỷ viên Bộ chính trị, nguyên Uỷ viên Ban bí thư các khóa. Vũ Chính và Nguyễn Chí Vịnh là những kẻ đồng chủ mưu các vụ vu khống của lãnh đạo hiện nay của Tổng cục II. Phải đưa ra pháp luật. Vũ Chính và Nguyễn Chí Vịnh không phải là người có công trong vụ "khủng bố Võ Thị Thắng".
Quan điểm của Đảng là: - Thi hành Pháp luật, không trừ một ai dù người đó ở cương vị gì, dù tuổi tác bao nhiêu, dù trước đây đã giữ những chức vụ nào. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, dưới sự chỉ đạo của các đồng chí thế hệ trước, Cục II đã có một đóng góp. Nhưng từ ngày Tư Văn, Vũ Chính nắm Cục 12 và Tổng cục II thì một bộ phận quan trọng Tổng cục II đã trở thành một công cụ vu khống chính trị. Vũ Chính, Nguyễn Chí Vịnh đã phản bội lại truyền thống Tổng cục II.
3/ Uỷ ban kiểm tra trung ương là do Trung ương bầu ra, Uỷ ban kiểm tra trung ương có trách nhiệm độc lập của mình, phi kiên quyết, trung thực, dũng cảm vạch ra sự thật, vạch ra tội phạm. Nếu có điều gì Uỷ ban kiểm tra không thống nhất với Bộ chính trị thì có quyền báo cáo với ban chấp hành trung ương.
4/ Trong các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ chính trị, nguyên Uỷ viên Ban bí thư, nguyên Phó Thủ tướng có thể có ý kiến khác nhau về một số vấn đề. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Trong các đồng chí ấy có 3 loại ý kiến: - Một số thấy rõ sâu sắc sự nghiệm trọng và thật nguy hiểm có hệ thống của các người lãnh đạo Tổng cục II hiện nay, - Có người bao che muốn dấu sự thật, - Một số người chưa rõ. Cho nên phải có thảo luận, tranh luận, sòng phẳng, thật sự dân chủ phân biệt đúng sai trong các đồng chí ấy. Bộ chính trị cần lắng nghe tất cả, phân biệt đúng sai trên quan điểm của Đảng, chứ không vì lý do có những ý kiến khác nhau mà xếp lại những vụ việc nghiệm trọng. Trung thực mà nói, ngay trong số đồng chí nguyên uỷ viên Bộ chính trị, nguyên Uỷ viên Ban bí thư, cũng có người, cá biệt dính líu đến các vụ của lãnh đạo Tổng cục II hiện nay.
Xếp lại những vụ nghiêm trọng liên quan đến việc xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh là thiếu trách nhiệm chính trị đối với Đảng, nhân dân, Tổ quốc, thiếu trách nhiệm với những đồng chí bị vu khống chính trị. Lịch sử của dân tộc và của Đảng đã chứng minh rằng: Không ai có thể che dấu và bịt kín được sự thật. Sự thật sẽ tự mở đường mà đi.
Xin chúc các đồng chí sức khỏe, làm đúng tinh thần của Đảng: Kiên quyết làm đúng Pháp luật, không trừ một ai.
Xin chân thành cảm ơn.

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh
Nguyên uỷ viên Trung ương khóa 5, khóa 6, khoá 7.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.