Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Cái chết được báo trước mà không ai thèm quan tâm tìm đường sống.

(Theo Sài gòn tiếp thị  21/5/2009)

Hàng Trung Quốc – những gọng kìm bọc nhung

Những phiên chợ tấp nập mua bán. Những chuyến hàng len lỏi ngược xuôi. Những hợp đồng gia công ào ạt ký kết. Hàng hoá Trung Quốc len lỏi theo những dòng chảy tự nhiên, thấm dần và ăn mòn thị trường Việt Nam
Nếu như việc đi “đánh hàng” từ Quảng Châu về Hà Nội, Sài Gòn đã trở thành chuyện thường ngày với những người nhanh nhạy trong kinh doanh, thì rõ ràng, công tác “làm thị trường” của người Trung Quốc đã thành công.
Những đường dây “cò con”
Không cần quảng bá, không cần tiếp thị, cũng không cần hỗ trợ, tự thân một con đường “tơ lụa” kiểu mới đã được hình thành. Người ta kháo nhau để đi. Người ta hướng dẫn nhau để chọn hàng. Người ta chia sẻ thông tin cho nhau trên khắp các diễn đàn trực tuyến. Một người bạn vừa trở về từ Quảng Châu thốt lên: “Bây giờ mà không tranh thủ đánh hàng Trung Quốc thì cũng hơi khờ dại!”
Và một hệ thống phục vụ cho những chuyến đi này đã nhanh chóng mọc ra, từ việc đổi tiền, chuyển tiền, đặt xe, mua thẻ điện thoại, thuê phiên dịch… mọi thứ đều có thể tiếp cận tại những văn phòng đại diện không bảng hiệu tại Hà Nội và TP.HCM. Thậm chí, một trung tâm được giới thiệu là “cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam – Trung Quốc” đã ra đời, đặt tại một căn hộ chung cư ở đường Hậu Giang, quận 6, TP.HCM chuyên để phục vụ nhu cầu lấy hàng hoá giá rẻ của người dân miền đồng bằng sông Cửu Long.
Một chuyến đi buôn bằng máy bay chỉ tốn có 12 triệu đồng, bao gồm vé máy bay (đã xấp xỉ mười triệu đồng), tiền ăn ở bốn ngày, đi lại, phiên dịch và giới thiệu các nhà máy, chợ sỉ… Họ lo tất tần tật mọi khâu, từ lựa chọn đối tác theo đúng nhu cầu, đặt hàng, vận chuyển, nhập hàng… Cơ quan này thể hiện rõ việc không mặn mòi với những doanh nghiệp sành sỏi ở thành phố, bởi thị trường mà họ đang quan tâm là khu vực nông thôn. Lãnh địa có hơn 70% dân số của đất nước khao khát tiêu dùng đang bị bỏ trống. Và những chuyến hàng giá rẻ từ Quảng Châu, Đông Hưng qua cửa Lạng Sơn, Móng Cái đang rầm rộ chuyển về.
Lận lưng vài chục triệu, một cậu sinh viên năm nhất đại học Huflit cũng đã tự mình sang Quảng Châu, gom được một kiện hàng quần áo và nửa kiện thiết bị nhà bếp ghi nhãn lập lờ đánh lừa người tiêu dùng là “công nghệ Hàn Quốc”, “tiêu chuẩn Nhật Bản”… Cậu chỉ mới tập tành bán mớ hàng này trên các mạng bán hàng trực tuyến, nhưng sau thành công, thì lập tức gom thêm tiền, mang hàng về nhiều hơn. Chuyện học hành dần bị sao nhãng vì mơ ước mở một công ty nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc đang đến gần hơn bao giờ hết.
Và những “hàm cá mập”
Đặt Trung Quốc gia công hàng, doanh nghiệp sẽ kinh doanh được, nhưng thị trường nội địa sẽ trở thành nơi tiêu thụ hàng Trung Quốc. Doanh nghiệp vẫn sống, người tiêu dùng có lợi, chỉ có nền kinh tế là gặp trắc trở…
bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc trung tâm BSA
Cuộc họp chuyên gia định kỳ của câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao đặt lên bàn bài toán nan giải: phải ứng xử thế nào với các “đại gia” hàng Việt sau khi “vả thuốc” vì kẹt tiền trong chứng khoán và bất động sản, trong núi hàng tồn kho không bán được, trong mớ bòng bong thủ tục, gíá điện, giá xăng, giá thuê mặt bằng tăng vọt. Mọi thứ đều tăng chỉ có sức mua là giảm, thì họ đã phải đóng máy, bán máy, cho công nhân nghỉ và họ đặt hàng gia công từ Trung Quốc. Rẻ, nhanh, thuận tiện, mẫu mã mới và phong phú, khỏi động tay động chân mà lời hơn nhiều.
Những câu chuyện thương hiệu thời trang N., hãng giày lừng danh V. hay nhóm hàng của hệ thống C. thực chất chỉ là hàng đi đặt ở Quảng Châu mang về đã âm ỉ rất lâu trong những cuộc bàn tán của giới doanh nhân. Một chuyên gia thốt lên: “Nếu ai cũng mang hàng sang gia công bên Trung Quốc, thì nền sản xuất Việt Nam sẽ bị bóp chết hay sao?” Những người tiêu dùng thiết tha với cuộc vận động “người Việt – hàng Việt” để khắc phục cơn suy giảm kinh tế trong nước, vô tình đang ủng hộ một nền sản xuất khác mạnh hơn rất nhiều.
Hàng hoá Trung Quốc hiện giờ đang thực sự bủa vây thị trường trong nước, từ thứ dễ nhìn thấy nhất là quần áo thời trang, giày dép cao cấp và rẻ bèo, cho đến các thiết bị gia dụng, hoa giả, hoá mỹ phẩm... Những ông chủ lớn chuyên nhập hàng Trung Quốc số lượng lớn đã bắt đầu xuất hiện tại chợ Đồng Xuân, chợ An Đông và các đường dây buôn bán đã bắt đầu “chảy”. Những hè phố có người bán đồ chơi, thì 99% là đồ chơi Trung Quốc. Những sạp bánh mứt Hà Nội, Đà Lạt, cũng nhập nhẹm rất nhiều “đặc sản địa phương” được nhập khẩu từ biên giới phía Bắc. Những xe bong bóng đủ sắc màu, những người bán dạo khắp hang cùng ngõ hẻm cũng chỉ toàn phân phối bánh kẹo Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể chuyện, một doanh nhân muốn tìm mua hệ thống máy móc đã dễ dàng được hướng dẫn sang Trung Quốc, đến tận nơi, gặp tận mặt những người tự xưng là “làm việc lâu năm trong các nhà máy sản xuất của Mỹ, Nhật để học hỏi công nghệ và kỹ thuật”. Và anh này đã đồng ý nhập ngay vì giá thành chỉ chưa đến 1/3 nếu mua của một quốc gia khác.
Bà Lai Kim, tổng giám đốc công ty may Nhật Tân cười buồn: “Bây giờ mà nói hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng kém là không hợp thời nữa. Tôi chuyên gia công cho những hãng thời trang lớn nhất thế giới mà cũng phải thừa nhận là hàng thời trang Trung Quốc quá đẹp, quá hợp lý về giá. Tôi nói đùa với mọi người, là mùa đông, người Hà Nội được làm đẹp bởi hàng thời trang Trung Quốc”.               

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ