Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Nếu chúng tôi không ra khơi với lá cờ Tổ quốc thì vùng biển của mình tràn màu cờ Trung Quốc.


Thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90271 - Nguyễn Đức Thạch ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê tiếp chúng tôi trước giờ xuất bến, chuẩn bị cho chuyến ra khơi thứ 4 kể từ đầu năm. Ông Thạch tỏ rõ tư cách "đàn anh" với bạn tàu, cứng rắn khi nói đến quyết tâm ra khơi "mùa biển nóng": "Biển mình thì mình cứ đánh bắt, không đối đầu được với tàu Trung Quốc thì mình né tránh. Không vì việc xuất hiện ngày càng đông tàu của Trung Quốc mà mình lại bỏ biển ngay mùa đánh bắt chính được”.
( Mỗi con tàu cá là một cột mốc ngoài biển khơi, mỗi ngư dân là một chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vì vậy, họ cần được nhiều sự hỗ trợ từ đất liền để duy trì việc bám biển.  Đại úy Ngô Thiên Phan )
Ông Thạch kể, trong cơn bão cuối năm 2007, tàu ông cùng với 13 tàu cá khác của Đà Nẵng phải vào neo trú tại Hoàng Sa trong 7 ngày. Lúc đó, bão đã cận kề và di chuyển với tốc độ khá nhanh, chúng tôi chỉ còn con đường an toàn nhất là vào trú tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Lần ấy, thuyền trưởng Lê Văn Chiến - tàu ĐNa- 90351 đã điện đàm về Bộ chỉ huy Biên phòng, đề nghị can thiệp cho ngư dân mình vào trú bão. Ban đầu, chúng tôi bị uy hiếp bằng súng đạn, nhưng khi có ý kiến từ Bộ Ngoại giao VN, họ mới "lùa" 14 tàu chúng tôi vào âu thuyền nhân tạo.
Tại đó, chúng tôi bị tịch thu mọi phương tiện liên lạc, cấm đi lại giữa các tàu. Suốt 7 ngày trong bão dữ, ngư dân VN chỉ được ngồi co cụm lại thành nhóm trên boong tàu. Trên bờ, họ dựng giàn đèn cao áp, pha thẳng xuống đoàn tàu cùng hàng rào lính canh gác 24/24 giờ. Ngoài giờ ăn, còn lại chúng tôi đều phải gác hai tay trên đầu cho họ giám sát.
Nhưng điều bức xúc nhất là khi bão tan, mình xin phép rời đảo để về thì bị lính Trung Quốc áp đặt, buộc ký vào biên bản được ghi là "tờ sám hối". Nội dung bịa đặt trắng trợn là tàu chúng tôi đã xâm phạm lãnh thổ của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Họ xướng tên từng ngư dân rồi bắt thuyền trưởng hô, thuyền viên đồng thanh đáp những câu "sám hối" ghi sẵn ấy để họ ghi âm, ghi hình và chụp ảnh làm tư liệu.
Chúng tôi chỉ mong ra khơi mà có được sự hỗ trợ của tàu kiểm ngư, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và cả Hải quân VN để bà con yên tâm khai thác. Sự có mặt của các lực lượng này còn giúp giải cứu ngư dân mình khi bị tàu Trung Quốc bắt, cướp. Hơn thế nữa là không bị họ ép ký vào những biên bản soạn sẵn, áp đặt cho rằng ngư dân VN đã xâm phạm lãnh hải của họ. Nếu chúng tôi không ra khơi với lá cờ Tổ quốc phấp phới trên nóc tàu, thì không chỉ kinh tế gia đình lâm vào bế tắc mà vùng biển của mình tràn màu cờ Trung Quốc.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ