Lão tướng trên nghị trường
Còn mấy ngày nữa là khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13. Nhớ về một Đại biểu của dân. Quốc hội khóa 12 để lại một loạt “ngôi sao nghị trường” mà người dân dễ dàng nhớ tên: Nguyễn Minh Thuyết, Phạm Thị Loan, Nguyễn Đình Xuân, Lê Văn Cuông… Thế nhưng cách đây 20 năm, vào thời kỳ vai trò của Quốc hội trong đời sống chính trị nước ta còn là cái gì đó hết sức xa lạ, rất khó có một đại biểu can đảm như ông, người “dám” lớn tiếng với một Bộ trưởng ngay giữa Hội trường: “Anh nói như thế với ai thì được, anh nói với tôi vậy là không xong đâu. Tôi có tư liệu. Anh lôi thôi, tôi cho anh chết đứng ngay!”.
Vị đại biểu có cách chất vấn đanh thép, nảy lửa, với ngôn từ dân dã đó là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Ông Nguyễn Quốc Thước là đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An ba khóa 8, 9 và 10 (từ năm 1987 đến năm 2002), trong một giai đoạn mà sinh hoạt Quốc hội ở Việt Nam còn rất mới mẻ và do đó, đầy chuyện phải kiêng dè. Bây giờ, đại biểu Quốc hội có thể đứng lên chất vấn chính phủ công khai giữa Hội trường, lại có truyền hình trực tiếp cho dân xem, chứ ngày ấy làm gì có chuyện đó. Ông Thước bảo: “Khóa 8 thì đã bắt đầu Đổi Mới rồi nhưng mọi sự vẫn chưa vào guồng, bàn trên nghị quyết thế thôi chứ thực tế chưa có gì. Nhất là hoạt động của cơ quan lập pháp thì lúc bấy giờ chỉ là để hợp thức hóa nghị quyết của Đảng. Không bàn cãi gì cả. Đảng quyết rồi thì cứ thế mà giơ tay. Đại biểu nhiều lúc băn khoăn lắm nhưng không giơ tay không được”.
Sinh năm 1926, tham gia cách mạng khi mới 19-20 tuổi, gần như cả đời ông Thước đấu tranh: thời chiến, ông là anh “bộ đội Cụ Hồ” đánh Pháp, đuổi Nhật, chống Mỹ; tới thời bình, ông lại làm đại biểu Quốc hội, chiến đấu không khoan nhượng với thói quan liêu, xa rời dân, kém năng lực và dối trá. Ông nói to và dõng dạc, chất giọng sang sảng, phong cách quyết liệt, thậm chí nảy lửa. Có lẽ vì trực tính như thế, nên ông va chạm với không ít người.
Người “bạo miệng”
“15 năm, tôi về quê Nghệ An, đi đâu dân người ta cũng đồng tình với tôi. Nhưng tôi biết lãnh đạo tỉnh không ưng tôi. Có lần Thường vụ Tỉnh ủy nhắc tôi phải phát biểu theo nghị quyết, theo Đảng. Tôi bảo thẳng: “Đúng, tôi theo Đảng, nhưng tôi là đại biểu của dân, thì tôi cũng phải nói lên ý kiến dân chứ. Có những cái Đảng quyết chưa đúng mà dân nói, thì tôi phải lên tiếng để dân còn bàn chứ””.
Ông Thước bảo, thực sự chuyện đứng về phía lãnh đạo để gò ép đại biểu Quốc hội trước kia nặng nề lắm. Ép, có thể chỉ đơn giản là vận động, “bỏ nhỏ” từ trong mỗi đoàn đại biểu Quốc hội, tới Trưởng đoàn, tới bản thân đại biểu, rồi đưa ra cuộc họp đảng đoàn, nhắc đi nhắc lại đến mấy lần. Như Khóa 9, có vụ việc về giao thông, tỷ lệ lúc đầu chỉ là 60% ủng hộ chủ trương, thế là “trên” thực hiện “ép” trong các đoàn, ép trưởng đoàn, dần dần tỷ lệ được nâng lên 70%, rồi 80%.
Hỏi ông Thước có bị “gò” bao giờ chưa, và như thế nào, ông cười khà khà: “Tôi ở bên quân đội. Xét cương vị của tôi thì “các ông ở tỉnh” chưa dám vỗ vai nhắc nhở. Nhưng dặn dò tôi thì nhiều lắm, kiểu như là “Thôi, cái gì là chủ trương của Đảng, của Bộ Chính trị rồi thì bác đừng bàn nữa”.
Có lần ông Thước đã nói một câu nổi tiếng với ông Đỗ Mười. Tại một phiên họp Quốc hội, ông Đỗ Mười có ý than: “Tôi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đấy, nhưng không điều khiển được các Bộ trưởng nữa. Cứ như thể họ làm loạn!”. Ngay lập tức ông Thước lên tiếng: “Thưa anh Mười, thưa Quốc hội, tôi xin đề nghị thế này: Nếu anh Mười làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Thủ tướng bây giờ – NV) mà không điều khiển nổi các Bộ trưởng thì anh từ chức đi. Như tôi làm Tư lệnh Quân khu IV, tôi đã ra lệnh, thì người dưới phải chấp hành. Nếu không chấp hành, thì hoặc anh ta đúng tôi sai, tôi phải nghỉ; hoặc anh ta sai, tôi đúng, anh ta phải nghỉ”. Ông Thước nói xong, đến khi ra khỏi Hội trường, mấy nhà báo quen thân ghé tai ông, nửa đùa nửa thật: “Bác ơi, bác chết đến nơi rồi”. Ông cười ầm: “Chết thế nào được. Tôi chả sợ ai cả. Tôi chỉ sợ tôi nói sai thôi”.
Nhiều người không dặn dò, tỉ tê với ông sau hậu trường, thì lại tỏ ra bực bội, khó chịu ra mặt mỗi khi thấy ông. Có người cáu kỉnh nói: “Bác nhiều lời quá đi!”, ông đáp ngay: “Tôi mới nói được 1% ý kiến của dân thôi đấy, chứ dân còn nhiều ý kiến lắm. Những vấn đề gai góc, gay cấn, nóng bỏng… còn rất nhiều. Bao nhiêu tiếng nói của dân mà tôi phát biểu trong có 15 phút, hết thế nào được”.
“Còn nợ dân nhiều lắm”
Lần Quốc hội bàn về dự án mở rộng cảng Cái Lân, ông Thước được biết các nhà khoa học đã phản đối việc đánh mìn dưới nước để mở cảng. Tuy nhiên một vị Bộ trưởng lại phản hồi rằng khoa học công nghệ giờ đã tiến bộ, có thể đánh mìn mà không làm ảnh hưởng gì tới môi trường sinh thái. Lão tướng Nguyễn Quốc Thước đứng dậy, gay gắt: “Thời chiến, chúng tôi ném có một quả lựu đạn mà cá chết nổi đầy sông, cả trung đoàn bộ đội ăn không hết. Cá chết một ít thì sau đó cả đàn sẽ không vào vùng nước ấy nữa đâu – con vật nó biết chỗ nào nguy hiểm để nó tránh chứ. Thế mà nay anh lại nói đánh mìn hàng tấn không làm chết cá, không ảnh hưởng môi trường. Anh qua mặt ai chứ không qua mặt tôi được đâu”. Người bị chất vấn lúng túng, câu trả lời thường chỉ là “bác thông cảm, cái này là chủ trương đã duyệt rồi…”.
Câu chuyện đánh mìn mở rộng cảng Cái Lân đó, sau này không được nhắc lại nữa. Mọi chuyện vẫn diễn ra. Cũng không ai tiến hành đo đạc xem cá có chết hay không, chết nhiều hay ít, môi trường bị ảnh hưởng thế nào. Ông Thước có phần cay đắng: “Gần 10 năm qua rồi, Quốc hội khóa ấy cũng xong rồi. Bao nhiêu vụ việc đã trôi qua là xong hết”.
Mở rộng Hà Nội, khai thác bauxite Tây Nguyên, xây đường sắt cao tốc Bắc-Nam, sản xuất điện hạt nhân… Nhiều vấn đề nóng bỏng như thế đã được đặt ra trước Quốc hội. Có dự án như đường sắt cao tốc, Quốc hội vừa bác ở kỳ họp trước, đã lại thấy cơ quan đầu tư chuẩn bị đưa ra kỳ họp sau. Ông Thước không nén nổi bức xúc. Nhưng ông phải thừa nhận, có nhiều việc Quốc hội không thay đổi được, đại biểu còn nợ dân nhiều lắm.
“Tướng về hưu” mà không hưu
Sau Khóa 10, ông Thước nghỉ hưu ở một ngôi nhà trên đường Bưởi (Hà Nội). Ngôi nhà này từng là nơi chứng kiến rất nhiều lần cử tri đến gặp ông, cung cấp thông tin, trao đổi, gửi gắm. Họ tin ông, bởi vì họ biết, không bao giờ lão tướng Nguyễn Quốc Thước quay lưng lại với người dân. Ngay cả bây giờ, về hưu đã gần 10 năm, ngày ngày chăm sóc người vợ đau ốm, ông vẫn không ngừng đọc báo, xem tivi, theo dõi thời sự, thỉnh thoảng lại bảo cháu in bài vở trên mạng ra cho ông đọc. Và cùng với nhiều tướng lĩnh, cựu chiến binh, ông thường xuyên gửi thư, kiến nghị, đóng góp ý kiến cho Đảng và Nhà nước, dù rằng như ông nói, “chưa bao giờ được trả lời”.
Hỏi ông làm đại biểu Quốc hội bây giờ khó hơn hay dễ hơn ngày trước, ông bảo dễ hơn nhiều vì dân chủ mở rộng rồi, đại biểu không còn phải chịu đủ loại sức ép, không bị áp đặt như xưa nữa. Trầm ngâm một lát rồi ông giải thích, cũng phải hiểu cho chính quyền địa phương và đại biểu Quốc hội các khóa trước. Thời bao cấp, cơ chế tập trung, xin-cho rất nặng nề, mọi chương trình ngân sách tỉnh đều do Trung ương duyệt. Địa phương nào nói khác với Đảng, với Chính phủ là… hết tiền. Ông kể, trong Tỉnh ủy từng có vị giám đốc sở công nghiệp, trẻ và có năng lực. Khi ông khuyên vị này có ý kiến về một vấn đề mà “ai cũng thấy nhưng không ai dám lên tiếng”, anh ta trần tình: “Bác ơi, bác nói thế thì được, chứ em mà mở miệng ra thì ngày mai, “trên” không cho chương trình, dự án, không cấp ngân sách nữa là tỉnh… chết luôn”. Tóm lại thời đó, chính quyền tỉnh mà dám nói điều gì ngược với Trung ương là tỉnh ấy gặp khó khăn.
Cái khó ấy bây giờ vẫn tồn tại, dù cơ chế phi tập trung hóa đã cho phép địa phương được tự chủ nhiều hơn. Vì ngoài chuyện kinh tế, lãnh đạo tỉnh còn cần tạo dựng uy tín, cần lấy phiếu “trên Trung ương”. Và kể cả không có những ràng buộc về lợi ích, thì theo ông Thước, người ta vẫn phải sợ một cái gì đấy, ít nhất cũng là mối quan hệ tình cảm trên dưới. Từ đây dẫn đến việc “làm gì có ông Chủ tịch, ông Bí thư kiêm đại biểu Quốc hội nào chất vấn Thủ tướng Chính phủ cho ra trò đâu?”. Cho nên, phải tăng cường đại biểu chuyên trách là vì thế. Ông Thước cũng cho rằng, số đại biểu không dám phát biểu vì không hiểu biết về một vấn đề nào đó thật ra không nhiều; số biết nhiều mà im lặng không nói mới thật sự đông đảo.
Với tấm lòng tha thiết vì đất nước như ngày nào, vị đại biểu lão thành nhắn nhủ các dân biểu tương lai: “Có nhiều đại biểu hỏi tôi: “Bác ở quân đội mà sao lĩnh vực nào bác cũng biết cả?”. Tôi nói thế này, gần suốt cả đời tôi chỉ có đi đánh giặc, thời bình mới làm đại biểu. Dân người ta thấy tôi có trách nhiệm đối với họ nên có việc gì họ cũng tìm đến tôi, cung cấp thông tin cho tôi để tôi nghiên cứu mà phát biểu. Cho nên, làm đại biểu Quốc hội là phải có bản lĩnh và tính chiến đấu, mà cái quan trọng nhất là phải xuất phát từ lợi ích của dân. Có thế thì mới đứng vững được”.
Đ. Trang
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ