Tau cũng sướng như mi
Nguyễn Quang Lập, một nhà văn tài danh, tất nhiên rồi. Và, Nguyễn Quang Lập cũng… tất nhiên ở cái sự nói tục. Ngồi với nhau chưa hết ly bia chào bàn là i như anh… văng ra ngay. NQL không giấu, mà lại có vẻ thích "khoe" cái sự tục ấy. Anh thẳng thừng: Tôi thích nói tục thế đấy, nói tục thế mới đã. Mỗi ngày mà không văng được ít nhất một câu tục, tôi thấy… ngứa mồm không chịu được! Và đêm đến trằn trọc không thể chợp mắt, như thể đang mắc nợ, thiêu thiếu một điều gì. Như thể vừa trôi qua mất một ngày… nhàn nhạt, vô vị!
Mà nói thật nhé, mỗi lần thấy NQL văng xong một câu, rồi ngửa mặt cười, tôi thấy khuôn mặt cái gã nhà văn đậm chất quê mùa này mới thật… sáng làm sao. Thế đấy. Khối ông cổ cồn, cà vạt, giày đen, ăn nói chỉn chu, nhưng nom cái mặt cứ thấy tùng tục thế nào!
Tôi không biết nói tục, và thật sự thấy nuốt không trôi cái kiểu mở mồm là văng ào ào như lớp trẻ hiện thời. Nhưng với kiểu tục của NQL, tôi khoái. Đã quá nhiều lần… thưởng thức những sự văng tục ấy. Nhưng quả thật rất sướng, đã cái lỗ tai. Nhiều bạn bè thân hữu của anh cũng phán vậy. Mà đa phần lại là những nhà… văn hóa, những nhà thơ nhà văn mà bất cứ ai nghe danh cũng phải tức khắc nghiêng mình kính cẩn. Thế mới… oách chứ!
Rồi nhiều khi bình tâm ngẫm lại, phải chăng trong cái sự văng tục kiểu Nguyễn Quang Lập kia có gì đó chẳng "tục" tí tẹo nào. Và phải chăng, cái sự… văng tục ấy đã nghiễm nhiên được nâng lên thành một thứ… văn hóa nói tục (hay gọi gọn lại là văn hóa… tục). Mà cũng… thú ra phết, dường như hiện hữu cặp kè sát cạnh những câu chữ sần sùi tưởng như rất tục kia luôn là một câu chuyện, một cái gì đó mang tầm… quốc sự. Hay chí ít cũng gợn lên, sáng lên một… ý tưởng nào đó khiến phải giật mình. Những cái sự tục mang tầm quốc sự mà không phải nhà văn hóa học nào cũng dám… văng ra tuồn tuột đến vậy. Hãy thử nghe một đoạn này xem sao nhé:
"Anh có thể phê phán, có thể dè bỉu nhưng đừng vùi dập nó, cấm đoán nó. Cái mới thường không có trong kinh nghiệm của anh, anh dị ứng cũng là chuyện thường tình. Nhưng anh thừa biết có những cái mới hôm nay anh ghét cay ghét đắng, anh tởm đến buồn nôn lên được thì vài chục năm sau con cháu anh, và cả anh nữa nếu còn sống, lại háo hức đón nhận nó như một báu vật trời cho. Lá cỏ của Whitman là một ví dụ. Vậy thì anh sấn sổ quy chụp cấm đoán nó làm gì. Làm thế anh chỉ bị Hôm Nay nhếch mép cười thầm, quá lắm chỉ văng tục vài câu, còn Ngày Mai sẽ phỉ nhổ anh. Khi đó anh chết rồi anh chẳng biết đâu, nhưng con cháu anh vẫn còn sống nhăn ra đấy, chúng nó phải hứng một đống tủi hổ, liệu anh có sung sướng không? Ngay bây giờ tôi đã nhìn thấy một số bạn văn của mình phải cúi gầm mặt vì những thứ bố mẹ họ đã làm khi còn sống chứ chẳng nói đâu xa. Quy chụp, cấm đoán có thể làm cho anh được chút ít lợi lộc ngày hôm nay, nhưng ngày mai coi chừng anh sẽ bị lịch sử tùng xẻo. Anh ỉa vào cái mới hôm nay, nhất thời anh sướng cái lỗ đít, nhưng coi chừng ngày mai anh sẽ bị người ta ỉa vào mặt anh đấy!".
Và nhiều, nhiều lắm… Nhưng thôi!
Thế thì nên gọi là tục hay văn hóa, là nói tục có văn hóa hay văn hóa nói tục, là văn hóa… tục hay tục… văn hóa?
Có thể bạn thích. Có thể bạn sẽ… nhăn mặt khó chịu. Đó là tùy ở quyền và cái… gu nhận thức của mỗi người. Nhưng tôi thích. Đơn giản vậy. Và thấy sướng cái lỗ tai!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ