Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

“Dân vi quý!” - Bài mới trên báo QDND

Ông cha ta dạy rằng: “Quan nhất thời, dân vạn đại”! Dân tồn tại muôn đời, là yếu tố lớn nhất để tạo nên một quốc gia. Một đất nước, “tồn” hay “vong”- là do dân. Còn làm quan thì chỉ một thời gian, dù quan cao tước lớn đến đâu, đường công danh có thông đồng bén giọt đến đâu, chung quy rồi cũng về hưu, làm thường dân.
Thời nào, ở quốc gia nào cũng vậy, có những người, do có khả năng, tài đức thật sự mà được bổ nhiệm vào các chức vụ này nọ. Họ là những quan chức xứng đáng giữa danh và thực. Nhưng, thực tế thì lắm kẻ đức mọn tài hèn, vô danh tiểu tốt, được ô dù nâng đỡ, hoặc dùng tiền, dùng kế, đã ngoi lên ghế ông nọ bà kia. Nhưng, cái chốn quan trường xưa nay cũng lắm cạm bẫy, hiểm hóc, chông gai, mâu thuẫn - nhiều khi chính các quan cũng hãm hại nhau chứ chẳng phải do dân (Ví như vụ án Lệ Chi Viên, dẫn tới việc Nguyễn Trãi (1380 – 1442) tài cao đức lớn bị tru di tam tộc!). Hết thời, hết vận, mất chức tước, quan lại trở thành dân, thậm chí còn bị tù đầy. Nhiều người làm quan, khi về hưu, không được dân chấp nhận, thậm chí không dám bước ra khỏi cửa nhà mình, vì bị dân căm ghét, khinh bỉ.
 “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Bởi thế, triết gia Trung Quốc cổ đại nổi tiếng là Khổng Tử đã khẳng định: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Câu này Bác Hồ ta đã nhắc lại nhiều lần); nghĩa là: Dân đáng quý trọng nhất, đất nước ở hàng thứ hai, vua chỉ đáng xem nhẹ! Khổng Tử còn đề xuất một câu nói bất hủ: “Phải lấy dân làm gốc”. Thật vậy, có dân, thì mới có quốc gia, từ đấy mới sinh ra vua chúa, quan lại. Những nhà tư tưởng lớn của Nho giáo còn khẳng định và có ý nghĩa cảnh báo: “Làm lật thuyền, mới biết sức dân mạnh như nước”! Thi hào Nguyễn Trãi cũng từng nhắc đến điều hệ trọng này.  
Thời nay, Bác Hồ dạy cán bộ, đảng viên: “Phải làm người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (Di chúc). Bác từng nói: “Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất, đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính” (“Hồ Chí Minh - Toàn tập”, NXB CTQG, Hà Nội, năm 2000, tập 8, tr. 513). Ngày 19-9-1945, trong bài “Chính phủ là công bộc của dân”, Bác viết: “Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ phải làm nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh” (“Hồ Chí Minh- Toàn tập”, NXB CTQG, Hà Nội-1995, tập 4, tr.23). Tại buổi gặp mặt cán bộ tỉnh Hà Tây, ngày 10-2-1967, Bác nói: “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân”; và Bác nhấn mạnh: “Làm đầy tớ nhân dân chứ không phải là “quan” nhân dân” (“Hồ Chí Minh - Toàn tập”, NXB CTQG, Hà Nội, năm 1995, tập 12, tr.222).
Xưa nay, quan chức cỡ to, cỡ nhỏ, có nhiều quan thanh liêm, có nhiều cán bộ tốt từ trung ương đến địa phương. Mà cũng phải thấy rằng người tốt vẫn là chủ yếu thì đất nước mới đứng vững, phát triển như ngày nay. Tuy vậy, cán bộ chưa tròn trách nhiệm, không là công bộc ngày càng nhiều, có thể thấy ở hai biểu hiện. Một là: Những người thực lòng yêu nước thương dân, sống cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư. Họ cũng đáng quý. Nhưng trên thực tế, những người này ít hoặc không dám phê phán, phản đối những sai trái của thượng cấp, vì họ sợ bị trù dập, bị vô hiệu hoá, bị “ngồi chơi xơi nước”(!), thậm chí có thể bị kẻ xấu hãm hại, và họ khéo lựa để yên thân nhưng xã hội thì không phát triển được nếu ai cũng như họ. Hai là: Loại “quan chức tham nhũng”. Đảng ta nhận định: “Quốc nạn” tham nhũng là nguy cơ lớn cho sự tồn vong của chế độ và đang ra sức đấu tranh chống các tệ nạn này! Tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau khi đắc cử, đã trả lời báo chí: “Nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước hiện nay là phải kiên quyết phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí”! Loại “quan chức tham nhũng” có hai cách thể hiện lối sống của mình: 1- Ngay khi đang tại chức, đã bộc lộ quá rõ cái ham muốn bổng lộc, kẻo khi mất chức hoặc về hưu rồi thì hết thời “làm ăn”. Đây là loại “vũ dũng vô mưu”, dễ bị phát hiện! Đã có một số “quan” loại này bị đưa ra xét xử. 2- Loại tham nhũng “kín võ” bội phần, nhận hối lộ bạc tỷ, vài trăm mét vuông đến hàng héc-ta đất, lại còn bao nhiêu bổng lộc khác nữa, nhưng rất kín đáo, khéo che đậy. Đây là loại nguy hiểm lạ thường. Đến khi “hạ cánh” rồi thì nhiều người trong số họ mới xây biệt thự, sắm ô tô đắt tiền, nhiều vị còn tậu nhà ở nước ngoài, cho con đi du học; còn một số vị khác thì “siêu kín võ”, cứ để... “của chìm”, dành cho nhiều đời con cháu!
Chẳng cái gì lọt được mắt dân! Những người làm quan có nhân có đức, thì khi về làm dân, vẫn được dân kính trọng, khi gia cảnh có sự cố thì được dân giúp đỡ. Còn loại quan tham, dù lộ liễu trắng trợn, hoặc “kín võ” đến mức nào, dù có lọt lưới pháp luật, cũng vẫn bị dân lên án, căm ghét, khinh bỉ, xa lánh. Loại quan này lúc nào cũng nơm nớp, tránh tiếp xúc với dân, lúc nào cũng chúi trong kín cổng cao tường, ra ngoài thì chỉ cụp mắt xuống nhìn đường, nhìn đất! Mới hay, “Ăn cơm với mắm cáy, thì ngáy o o/ Ăn cơm với thịt bò, thì lo ngay ngáy”! Suy cho cùng, chức vị, danh vọng, tiền bạc, của cải - cũng chỉ là những thứ phù vân! Chỉ có thực sự yêu nước, thương dân, làm những việc ích nước lợi dân, có cái tâm, cái đức với dân - mới là điều quý giá tồn tại mãi với đời và mới để được phúc cho con cháu! 
ĐÀO NGỌC ĐỆ

1 Nhận xét:

Tại lúc 08:13 21 tháng 8, 2011 , Blogger hoa binh nói...

Thằng Đào Ngọc Đệ là thằng dốt mà còn nói chữ . Vì câu "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" không phải của Khổng Khưu mà là của Mạnh Kha.

Báo QĐND toàn thằng dốt. Dốt toàn diện. Kể cả mấy ông bạn của chủ blog như lần trước có nhắc tới.

4 SG

 

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ