SỰ THẬT VỀ NHỮNG NGÔI MỘ GIẢ Ở NGHĨA TRANG LIỆT SĨ TẠI QUẢNG TRỊ
Đạo lý dân tộc ta: “Uống nước nhớ nguồn”. Chúng
ta ngày nay được hưởng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, chúng ta không quên ơn
hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh giải phóng
dân tộc. Chủ trương đưa mộ liệt sĩ rải rác khắp nơi quy tập về các nghĩa trang
là hợp nguyện vọng và đạo lý của dân tộc ta. Thế nhưng, tại Quảng Trị vốn là
nơi chiến trường khốc liệt, tỉnh đi đầu trong việc quy tập mộ liệt sĩ lại xôn
xao về những ngôi mộ giả.
Hàng nghìn mộ giả
Huyện Cam Lộ của tỉnh Quảng Trị được thành lập từ
sự chia tách khỏi thị xã Đông Hà. Cùng với “cơn sốt” xây dựng các cơ quan, công
sở, nhà ở…, việc xây dựng nghĩ trang liệt sĩ của huyện cũng được tiến hành khẩn
trương. Trên cơ sở nghĩa trang liệt sĩ của xã Cam Thành, huyên Cam Lộ quyết
định nâng cấp nên thành nghĩa trang của huyện với quy mô khoảng 4.000 ngôi mộ.
Chủ trương quy tập mới được thông báo, nghĩa
trang Cam Lộ lúc đầu vẻn vẹn có 160 ngôi mộ, thế nhưng chỉ trong vòng 4 ngày,
đã nhảy vọt ồ ạt lên đến 3.303 mộ. Một sự quy tụ quá cấp tập và không bình
thường! Dư luận bắt đầu xôn xao về việc có những nhóm ba người, đi trong vòng
ba ngày đã đưa về 190 hài cốt liệt sĩ, có nhóm năm người đi trong vòng sáu ngày
đã đưa về 170 hài cốt. Các mộ liệt sĩ ở Quảng Trị phần lớn ở trên rừng sâu,
vùng đồi núi và trung du, chiếu theo sơ đồ, trong một đợt đi tìm được vào ngôi
mộ đã là hiếm bởi hơn hai chục năm nay địa hình và cảnh vật đã thay đổi. Như
vậy thì hàng nghìn ngôi mộ lấy từ đâu ra trong thời gian ngắn?
Ngày 25/3/1992, UBND huyện Cam Lộ đã quyết định
thành lập Hội đồng kiểm tra xác định hài cốt liệt sĩ, tiến hành đào quật toàn
bộ số mộ vừa mai táng xong. Qua năm ngày kiểm tra, kết quả thu được thật sửng
sốt: Trong tổng số 3.303 mộ, chỉ có 937 mộ là có hài cốt, còn lại 2.366 mộ
không có hài cốt. Dưới các mộ giả này chỉ có đất, cát, ruột pin được giã nhỏ
trộn với đất và cả xương động vật. Điển hình là các trường hợp sau: Trần Viết
Đới (Cam Thủy) quy tập 170 mộ thì tất cả không có hài cốt; Lê Văn Thắng (Cam
Thủy) quy tập 294 mộ thì có đến 274 mộ giả; Đào Văn Cường (Cam Thủy) bốc 217 mộ
thì có 204 mộ giả; Phạm Văn Huấn (Cam Thành) quy tập 106 mộ thì có 104 mộ không
có hài cốt; Phạm Nhân (Cam Thành) quy tập 191 mộ thì chỉ có 15 mộ có hài cốt…
Đặc biết, trưởng công an xã Cam Thủy là Lê Chí
Tam đã quy tập 264 mộ thì có đến 101 mộ không có hài cốt; xã đội trưởng
Cam Thủy là Võ Thanh Triết quy tập 98 mộ thì chỉ có năm mộ có hài cốt.
Máu tham hễ thấy hơi đồng…
Theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh Xã
hội, kinh phí để quy tập một bộ liệt sĩ là 60.000 đồng và xây bia mộ là 50.000
đồng. Tất cả là 110.000 đồng/mộ. Kể từ thàng 3/1992 số tiền này được nâng lên
185.000 đồng/mộ (quy tập 95.000 đồng, xây 90.000 đồng).
Việc quy tập mộ liệt sĩ là việc làm nhân đạo, ân
nghĩa, thể hiện lòng kính yêu vô hạn với những người đã khuất. Kinh phí của Nhà
nước là sự hỗ trợ cần thiết cho quá trình quy tập. Thế nhưng, từ một công việc
đầy ý nghĩa thiêng liêng, nhưng đồng tiền đã làm lóa mắt những kẻ làm công việc
quy tập mộ, họ đã chà đạp lên đạo lý tốt đẹp ủa dân tộc ta. Ở xã Cam Thủy,
những người muốn đi bốc mộ phải làm đơn, tất cả có bảy tổ, gần 100 người. Những
người đi bốc mộ đều được “cai đầu dài” ứng tiền trước cho (28.000 đồng/hài
cốt).
Những người đi bốc mộ, man khai mộ giả đã là điều
táng tận lương tâm, thế nhưng vấn đề bức xúc nổi lên ở đây là tại sao một lượng
lớn mộ giả như vậy lại được cán bộ quản trang công nhận và cho mai táng vội vã?
Phòng Thương binh Xã hội huyện có biết việc này không? Có điều gì liên quan
giữa hơn 2.000 mộ liệt sĩ giả ở Cam Lộ với việc cán bộ phụ trách thương binh xã
hội bỗng dưng giàu lên nhanh chóng?
Dự luận tỉnh Quảng Trị đặt câu hỏi: Có phải
mộ liệt sĩ giả chỉ mới xuất hiện ở nghĩa trang Cam Lộ? Có mộ liệt sĩ giả ở nghĩa
trang nào nữa không?
Những lời tự thú muộn màng
Được tin Hội đồng kiểm tra xác định hài cốt liệt
sĩ đang tiến hành đào quật mộ ở nghĩa trang huyện Cam Lộ để xác định thực hư,
Trần Viết Đới do lương tâm cắn rứt, liền chạy từ nhà lên nghĩa trang, quỳ sụp
xuống trước nghĩa trang tự thú: Xin các chú, các anh đừng đào lên, vừa tội
nghiệp, vừa mất công, toàn bộ 170 mộ mà Đới này quy tập đều là mộ giả, không
một mộ nào có hài cốt cả! Phạm Văn Huấn ở chợ Phiên (xã Cam Thành) cũng bị dằn
vặt tâm can và cuối cùng đã viết một bản tự thú gửi Công an huyện, thú nhận
trong toàn bộ 106 mộ mà hắn quy tập chỉ có 2 mộ có hài cốt…
Thế nhưng, còn những người đứng ra điều hành công
việc thì sao? Trưởng Công an xã Cam Thủy là Lê Chí Tam đã hai lần tham gia quy
tập mộ, lần đầu 264 mộ thì chỉ có 178 mộ thật, lần thứ hai quy tập 163 mộ thì
chỉ có 3 mộ thật. Với tư cách trưởng Công an xã, Lê Chí Tam còn đứng ra ra ký
công nhận hàng loạt mộ giả của những người khác quy tập. Lạ lùng thay, đã ba
tháng trôi qua từ ngày sự vụ được phát hiện, thế nhưng Lê Chí Tam vẫn sống nhởn
nhơ ngoài vòng pháp luật (?!).
Để xảy ra sự việc quy tập mộ liệt sĩ giả ở Quảng
Trị, trách nhiệm lớn nhất thuộc về ngành Lao động – Thương binh xã hội. Làm sao
hàng nghìn mộ gải lại được “nằm gọn” trong nghĩa trang liệt sĩ khi không có sự
thông đồng của cán bộ thương binh – xã hội? Nghĩa trang Cam Lộ chỉ là điểm phát
hiện, phải tìm ra toàn bộ đường dây tội ác đã ngấm ngầm từ lâu và đưa ra xét xử
công khai, nghiêm khắc.
Quảng Trị là tỉnh đi đầu trong công tác quy tập
mộ liệt sĩ. Hiện nay, Quảng Trị có đến ba nghĩa trang quốc gia: Trường Sơn,
Đông Hà và Thành Cổ. Nơi đây có mặt đầy đủ con em các tỉnh thành trong cả nước
đã yên nghỉ. Trong những năm qua, Quảng Trị đã có nhiều cố gắng và làm tốt việc
đền ơn đáp nghĩa. Xảy ra tình hình quy tập mộ liệt sĩ giả vừa qua là một điều
đáng tiếc. Sự thật quá phũ phàng và đau xót. Khi biết chúng tôi tìm hiểu việc
này, có người đã can ngăn: Không nên khuấy động vết thương nhân tâm này. Chúng
tôi hiểu được tâm trạng đó, nhưng thưa bạn đọc, chúng ta không thể lặng im
trước vấn đề thiêng liêng cao cả này. Mọi tội ác đều phải được đưa ra ánh sáng
và trừng trị nghiêm khắc.
Chúng
tôi thực sự day dứt khi phải cầm bút viết thêm về vụ án cực kỳ nghiêm trọng
này. Một vụ án, trong đó có tội mà ngay cả Bộ Luật hình sự của nước ta chưa quy
định rõ (và hy vọng sẽ không bao giờ phải nhắc đến): Tội làm mộ giả, xâm phạm
đến vong linh của những con người đã hy sinh thân mình cho cuộc sống hôm nay
của toàn thể nhân dân, trong đó có cả những bị cáo thất đức kia! Đây không chỉ
là một trong mười vụ án điểm do Trung ương chỉ đạo, mà còn là vụ (như lời công
tố viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao - KSNDTC) là vụ tham nhũng điển hình,
mang tính chất chính trị xã sâu sắc.
Nghiêm
trọng hơn, bọn tội phạm đã phá hỏng một công trình nghĩa trang lớn, phá hoại
một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với thương bình liệt sĩ… Chính vì
thế, nhân dân trong cả nước hết sức quan tâm, theo dõi quá trình khởi tố, điều
tra, truy tố và xét xử của các cơ quan pháp luật đối với những kẻ phạm tội.
Hai kiểm sát viên cao cấp
của Viện KSNDTC giữ quyền công tố là các ông Trần Thu và Cao Văn Phúc.
Đứng trước vành móng ngựa là
48 bị cáo và 33 người có trách nhiệm liên quan đến vụ án. Theo bản cáo trạng số
03/CT-KSĐTKT ngày 1/3/1993 của VKSNDTC dày 48 trang thì Nguyễn Xuân Tá, nguyên
trưởng Phòng Tổ chức – Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã Đông Hà; Hoàng
Xuân Diệm, cán bộ phụ trách Thương binh Xã hội của xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ),
cùng với 46 bị can đã phạm liền một lúc 9 tội: Tham ô tài sản XHCN; Lừa đảo
chiếm đoạt tài sản XHCN; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Cố ý làm trái các quy định
của Nhà nước về quả lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây
thiệt hại nghiêm trọng tại sản XHCN; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền
trong khi thi hành công vụ; Tội xâm phạm hài cốt, mồ mả.
Ngày 24/3/1993 hơn 10.000
người đã tụ tập xung quanh hội trường Nhà văn hóa Trung tâm thị xã Đông Hà,
tỉnh Quảng Trị để theo dõi phiên tòa đặc biệt này, qua loa phóng thanh. Hơn
1.000 ghế trong hội trường chật kín người. Chủ tọa phiên tòa là ông Phan Hữu
Thức, thẩm phán TANDTC.
Chúng
tôi không ghi lại chi tiết những hành vi mất hết tính người của các bị cáo, vì
mục đích tham tiền. Chỉ xin nêu đôi con số về hậu quả to lớn mà những kẻ phạm
tội đã gây ra. Riêng về kinh tế, bọn phạm tội đã dùng mọi thủ đoạn chiếm đoạt,
gây thiệt hại cho nhà nước 1 tỷ 350 triệu đồng. Đây là những đồng tiền mà Nhà
nước và nhân dân chắt chiu để sưởi ấm cho vong hồn những người con đã ngã xuống
trong cuộc chiến bảo vệ đất nước. Thế mà, bọn chúng đã táng tận lương tâm, quy
tập hài cốt giả và đưa đi mai táng tới 12.447 hài cốt liệt sĩ giả ở hai nghĩa
trang Đông Hà và Cam Lộ.
Nghiêm
trọng hơn, khi bị phát hiện, bọn chúng còn xâm phạm tới hơn 200 mộ liệt sĩ nhằm
xóa dấu vết tội ác của mình. Sau 6 ngày xét xử, ngày 19/3/1993, Hội đồng xét xử
đã tuyên án: Nguyễn Xuân Tá, Hoàng Xuân Diệm: tử hình; Nguyễn Văn Toan, phụ
trách quản trang nghĩa trang liệt sĩ Đông Hà và Nguyễn Văn Tâm, chủ thầu trong
việc xây cất nghĩa trang: tù chung thân! Có 16 bị cáo bị phạt từ 10 đến 20 năm
tù; 22 bị cáo bị phạt từ 2 đến 9 năm tù; 6 bị cáo được hưởng án treo.
Phiên tòa đã kết thúc. Những
kẻ trọng tội đã bị trừng phạt nghiêm minh. Song, khi nhìn lên 48 bị cáo trước
vành móng ngựa, chúng tôi thấy trào lên những niềm day dứt không nguôi. Ngay
trước bục xử án này đã diễn ra một phiên tòa khác: “phiên tòa lương tâm”, của
chính những người phạm tội! Trong số này xen lẫn giữa khuôn mặt già nua của bị
cáo sắp bước vào tuổi 70, còn có những gương mặt còn trẻ lắm, trên dưới 20
tuổi. Có cả những cặp vợ chồng đều là bị cáo, cùng đứng trước vành móng ngựa.
Kẻ khác thì đã từng có hàng chục năm tuổi đảng, có quyền, có chức. Và cũng
chẳng ai ngờ được rằng, không ít bị cáo có thân nhân là bố, mẹ, anh, em là liệt
sĩ; như chính Nguyễn Xuân Tá kia, lãnh án tử hình, khi xuống suối vàng sẽ nói
gì với người anh liệt sĩ của mình?
Chỉ
vì tiền mà những bị cáo đã đánh mất đi lương tâm và cuộc sống của mình. Tuy
nhiên, còn những duyên do khác không thể nhắc đến. Đó là những người vô tình
hay hữu ý mà đã bày “mỡ” trước miệng những “con mèo” đang đói tiền kia. Các nhà
chức trách thường nói theo cách hành chính là “buông lỏng quản lý”, nhưng theo
chúng tôi, đây là nguyên nhân rất quan trọng khởi đầu cho những vụ tham nhũng
điển hình.
Thật khó hiểu khi ông Nguyễn Minh Lai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH (người kế nhiệm bị cáo Nguyễn Đức Sáu, nguyên Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Quảng Trị), mặc dù biết rõ những tiêu cực trong việc xây dựng nghĩa trang liệt sĩ nhưng vẫn cố ý làm trái để cho vụ việc tiếp diễn gây hậu quả nghiêm trọng. Hay như các ông Hoàng Văn Sửu, Trần Phương Nam, Hoàng Đức Nghẹc là Chủ tịch và phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Hà cũng đã ký duyệt rất nhiều mộ liệt sĩ giả.
Thật khó hiểu khi ông Nguyễn Minh Lai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH (người kế nhiệm bị cáo Nguyễn Đức Sáu, nguyên Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Quảng Trị), mặc dù biết rõ những tiêu cực trong việc xây dựng nghĩa trang liệt sĩ nhưng vẫn cố ý làm trái để cho vụ việc tiếp diễn gây hậu quả nghiêm trọng. Hay như các ông Hoàng Văn Sửu, Trần Phương Nam, Hoàng Đức Nghẹc là Chủ tịch và phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Hà cũng đã ký duyệt rất nhiều mộ liệt sĩ giả.
Liệu
những người này có thực sự “vô tình” thiếu trách nhiệm để rồi thoát khỏi trách
nhiệm hình sự trước pháp luật? Lạ lùng hơn, ngay một số cán bộ của Vụ chính
sách (Bộ Lao động - TBXH) đã thừa biết Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị hạch toán
khống số lượng mồ mả, sửa chữa ngày tháng trong các văn bản, những vẫn nhắm mắt
ký duyệt “cho qua”. Vì sao?
Cũng xin nhắc thêm rằng,
việc làm mộ liệt sĩ giả diễn ra trong suốt thời gian dài, từ năm 1991 đến quý I
năm 1992, thậm chí có kẻ còn làm hàng trăm mộ giả ngay tại nhà mình, song vẫn
không bị phát hiện kịp thời. Phải chăng, một số vị chức trách đã “há miệng” nên
“mắc quai”? Có thể buông trôi được chăng?
Vụ
án đã được xét xử. Những kẻ gây ra tội ác nghiêm trọng này đã phải chịu hình
phạt cao nhất. Chắc vong linh của những liệt sĩ nơi suối vàng cũng được phần
nào an ủi và nguôi ngoai. Nhưng những người còn sống vẫn chưa thể yên lòng khi
một số kẻ tham nhũng vẫn còn ẩn mình trong bóng tối tội lỗi.
Nguyễn Linh Giang
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ