Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

CHUYỆN Ở MỘT HỘI VĂN NGHỆ ĐỊA PHƯƠNG MÀ NHƯ CHUYỆN XÃ HỘI ĐEN


Nhà văn Trần Thị Nhật Tân là một tác giả Thành Nam, khá nổi tiếng trong nước bởi tác phẩm DÒNG XOÁY được cố TBT Nguyễn Văn Linh gửi thư khen  

       TÔI XIN NHẬN KHUYẾT ĐIỂM Cuối tháng 8 năm1996, tôi đi thăm bác Mười Cúc ở Sài Gòn về, vào họp bộ môn văn xuôi, xét kết nạp Hồng Quốc Văn (tên khai sinh: Trần Văn Hồng, thôn Hữu Bị, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, Nam Định). Ban kiểm phiếu công bố chưa được nửa số phiếu. Có nghĩa Hồng Quốc Văn chưa đủ tiêu chuẩn kết nạp vào Hội VHNT Nam Định. Đây là cuộc họp bỏ phiếu lần thứ hai. Cả hai lần bộ môn văn xuôi họp, một số ý kiến phân tích hai điểm chủ chốt là tác phẩm và nhân cách nhà văn. Anh em nói: hiện tại Hồng Quốc Văn không nghề nghiệp, không cơ quan, nơi làm việc gì. Quá khứ Hồng Quốc Văn thuộc xã hội đen v.v… Còn các truyện ngắn Hồng Quốc Văn sao chép y nguyên văn học giai đoạn 1930 – 1945. Tôi không phát biểu gì, không bỏ phiếu kết nạp Hồng Quốc Văn.
Sau buổi họp lần thứ hai, xét kết nạp Hồng Quốc Văn không thành, nhà văn Lê Hoài Nam lúc đó là Phó Chủ tịch Hội gặp tôi. Nhà văn Lê Hoài Nam vận động tôi cuộc họp lần thứ ba bỏ phiếu ủng hộ Hồng Quốc Văn vào Hội. Tôi nói:
- Nghe các anh nói quá khứ Hồng Quốc Văn, tôi ngại lắm. Còn năng khiếu Hồng Quốc Văn không có, chỉ đi chép lại truyện người khác, rồi thay tên đổi họ đi thôi. Tôi không tán thành kết nạp hội viên như thế.
Nhà văn Lê Hoài Nam nài nỉ:
- Em đọc cậu ấy rồi, tạm được. Hội địa phương là Hội quần chúng, mình kết nạp cậu ấy cho có phong trào. Biết đâu, được vào Hội, Hồng Quốc Văn phấn chấn tinh thần, viết được tác phẩm hay thì sao?
Tôi vặn lại Lê Hoài Nam:
- Sao anh em phát biểu truyện ngắn của Hồng Quốc Văn chép y chang truyện người khác từng dấu chấm, dấu phảy? Tôi chưa được đọc, chưa biết có năng khiếu văn học hay không. Tôi không tán thành kết nạp Hồng Quốc Văn.
Hoài Nam tặc lưỡi:
- Chị tính, mấy ai có năng khiếu văn học đích thực? Phần lớn họ chịu đọc, chịu học hỏi thành tài. Nhiều người mới tập viết, còn mày mò thì na ná như người đi trước. Ai có năng khiếu thực, họ có những tác phẩm để đời. Còn quá khứ Hồng Quốc Văn không rõ, hay dù xã hội đen đi nữa, mình là nhà văn, phải rộng lượng, vị tha. Bằng tấm lòng nhân văn, chị em mình cứu vớt một con người. Tiếng nói của chị có trọng lượng. Chị ủng hộ Hồng Quốc Văn. Chị phát biểu với tấm lòng nhân văn thì anh em nghe ra ngay.
Nhà văn Lê Hoài Nam gặp tôi nhiều lần, nói đi nói lại việc tôi vận động anh chị em ủng hộ Hồng Quốc Văn vào Hội. Vì nể lời Hoài Nam, đến cuộc họp lần thứ ba, tôi đã phát biểu ủng hộ Hồng Quốc Văn. Tôi nói đại ý anh em ta cầm bút nên giầu lòng nhân văn. Quá khứ Hồng Quốc Văn có lầm lỗi, nhưng hiện tại là công dân bình thường. Chúng ta giúp cậu ấy cải tà quy chính, thành người lương thiện. Đó cũng là trách nhiệm của người cầm bút chân chính. Vậy là khi bỏ phiếu, Hồng Quốc Văn được quá bán, đủ tiêu chuẩn vào Hội VHNT Nam Định. Tôi mừng đã làm được một việc thiện. Hồng Quốc Văn rối rít nói lời cảm ơn tôi và xin tôi bằng được bằng đại học viết văn Nguyễn Du phô tô “làm kỷ niệm sâu sắc”. Tôi vui vẻ đi phô tô cho ngay Hồng Quốc Văn cái bằng đại học viết văn Nguyễn Du.
Để trả ơn tôi về việc ủng hộ vào Hội VHNT, Hồng Quốc Văn đến nhà, đe đập chết tôi, nếu tôi không làm theo ý đồ của Hồng Quốc Văn. Chuyện kể thì dài. Tôi chỉ nêu tóm tắt như sau:
Giữa năm 1997, tôi gửi thư cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt, phản ánh việc làm vi phạm luật pháp của ông Chủ tịch Hội VHNT khoá V. Việc làm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia trước mắt, cũng như lâu dài. Tôi được Thủ tướng trả lời ngay trên báo “Pháp luật”. Thủ tướng đề nghị: “Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định giải quyết vụ việc, trả lời bà Trần Thị Nhật Tân, đồng thời gửi lên Thủ tướng thay cho báo cáo”. Hồng Quốc Văn được ông Chủ tịch Hội VHNT khoá V cử đến điều đình với tôi. Hồng Quốc Văn nói nếu tôi rút đơn tố cáo tội của ông Chủ tịch Hội VHNT khoá V về, thì được nhận số tiền to. Còn không thì Hồng Quốc Văn đập chết. Tôi nói vào mặt Hồng Quốc Văn rằng: “Chết vì Tổ quốc, vì nhân dân Việt Nam thì Trần Thị Nhật Tân lấy làm hạnh phúc”. Cho đến nay, chưa có ông Chủ tịch tỉnh nào trả lời việc làm trái pháp luật của ông Chủ tịch Hội VHNT Nam Định khoá V. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra đi…
Tiếp đến, Hồng Quốc Văn đe đập chết tôi ngay trong đại hội VI Hội VHNT Nam Định. Trước thềm Đại hội, vợ chồng Hồng Quốc Văn đến nhà vận động tôi bầu vào BCH khoá 6. Vì bận viết tiểu thuyết tôi ừ ào cho qua chuyện. Vào Đại hội 6, ban kiểm phiếu công bố Hồng Quốc Văn chỉ có 7 phiếu trên 200 hội viên phiếu bầu. Các anh chị em khác từ 100 phiếu trở lên. Giờ giải lao, Hồng Quốc Văn sấn xổ đòi đánh tôi: “Bà không bầu tôi. Tôi không trúng vào BCH khoá 6. Tôi đập chết bà”. Tôi kêu toáng lên. Các đồng chí công an bảo vệ đại hội đến, Hồng Quốc Văn bỏ đi. Đọc đến đây, ai cũng thấy rõ bản chất đen tối ác độc của Hồng Quốc Văn. Tôi ngộ ra ngay, khi Hồng Quốc Văn, tay sai của kẻ vi phạm nền an ninh Quốc gia, đến đút lót tiền cho tôi không xong. Tôi dại gì bầu Hồng Quốc Văn vào BCH Hội VHNT để hắn dễ bề tác quái? Chỉ có 7 phiếu bầu của bè cánh ông Chủ tịch Hội VHNT khoá 5, bị kỷ luật cảnh cáo đảng về tội tham nhũng 36 triệu. Đồng thời, ông Chủ tịch Hội VHNT khoá 5 ấy bị gạt ra khỏi danh sách ứng cử, bầu cử trong đại hội 6. Nếu thêm một phiếu của tôi là 8, thì Hồng Quốc Văn trúng vào BCH khoá 6 – 2006 thế nào được? Qua đó, càng thấy rõ sự trâng tráo trắng trợn của Hồng Quốc Văn.
Nhà văn Lê Hoài Nam là nạn nhân thứ hai của Hồng Quốc Văn. Theo lệnh của ông Chủ tịch Hội VHNT Nam Định khoá 5, Hồng Quốc Văn vu khống, dựng tội nhà văn Lê Hoài Nam, viết đơn gửi lung tung. Từ cái đơn vu khống đó, Hồng Quốc Văn to mồm chửi tục tĩu nhà văn Lê Hoài Nam ở mọi nơi, các cơ quan, khi họp bộ môn. Nhiều anh em hội viên bức xúc không chịu được, chỉ biết than phiền với nhau, chẳng có quyền gì. Còn nhà văn Lê Hoài Nam kiên nhẫn chịu đựng, níu vào những trang văn của mình. Lòng tốt của nhà văn Lê Hoài Nam như thách thức ông Chủ tịch Hội khoá 5 và tay sai đắc lực Hồng Quốc Văn. Vậy là sau khi nhà văn Lê Hoài Nam, cùng hội viên Nguyễn Danh Khôi tố cáo ông Trịnh Quang Khanh, Chủ tịch Hội tham nhũng 36 triệu, thì lập tức ông Chủ tịch Hội tự ý khai trừ hai nhà văn Lê Hoài Nam và Nguyễn Danh Khôi ra khỏi Hội VHNT Nam Định. Việc làm trắng trợn, vô nguyên tắc, có dụng ý của ông Chủ tịch Hội VHNT Nam Định khoá 5 (báo TW đã in 21 bài năm 2006 – 2007 về những việc làm đê hèn có chủ tâm của ông Chủ tịch Hội tham nhũng khoá 5).
Sau đại hội 6 – 2006 Hội VHNT, Hồng Quốc Văn viết thư đe doạ hầu hết các hội viên. Nhiều người bị Hồng Quốc Văn đến nhà (trong đó có cả tôi) đe đập chết, khiến một số hội viên không dám đi họp nữa, như nhà thơ Phạm Trọng Thanh, nhà văn Kim Sa Trung v.v… Họp bộ môn văn xuôi, bầu ban chấm tác phẩm dự giải thưởng Lương Thế Vinh. Anh em bầu những người có bằng đại học văn. Hồng Quốc Văn giơ nắm đấm vào mặt họ làm anh em phải bỏ về. Còn mấy người sợ đánh nên phải giơ tay bầu Hồng Quốc Văn cùng dăm người phe cánh. 12 hội viên chúng tôi làm đơn đề nghị khai trừ Hồng Quốc Văn về tội gây rối, phá hoại nền trật tự văn nghệ, hành động côn đồ, nhưng hai ông lãnh đạo khoá 6 cùng BCH không giải quyết. Họ phớt lờ những kiến nghị chính đáng của chúng tôi. Trong dân chúng thành phố Nam Định, đã có dư luận Hồng Quốc Văn lợi dụng thẻ nhà báo, thẻ nhà văn đi tống tiền một số công ty, đã đến tai hai ông lãnh đạo Hội mới, nhưng hai ông vẫn làm ngơ…
Bức xúc vì những việc làm ngang ngược, trắng trợn, áp đáo tại gia nhiều hội viên của Hồng Quốc Văn, tôi gặp Chủ tịch tỉnh Trần Minh Oanh. Trong hơn hai tiếng, tôi phản ánh với ông Chủ tịch tỉnh toàn bộ hệ thống gây rối, phá hoại Hội VHNT của Hồng Quốc Văn (2007). Tôi đưa tờ báo Văn nghệ in bài viết của một nhà phê bình cho ông Chủ tịch tỉnh xem. Trong bài viết nhà phê bình này đã dẫn dụ cụ thể từ trang nào đến trang nào trong tiểu thuyết “Đứa con mang hai họ” của Hồng Quốc Văn, chép y chang tiểu thuyết của người khác. Nghe xong, đọc xong trong báo văn nghệ, ông Chủ tịch tỉnh công nhận những điều tôi phản ánh đúng sự thật. Ông Trần Minh Oanh hứa đình chỉ ngay việc trao giải thưởng Lương Thế Vinh cho Hồng Quốc Văn. Ông Chủ tịch tỉnh còn hứa gọi điện ngay cho ông Trần Đắc Trung xét lại giải thưởng, đưa những tác phẩm có giá trị văn học, được dư luận xã hội yêu thích vào giải thưởng. Phải gạt ngay tiểu thuyết “Đứa con mang hai họ” của Hồng Quốc Văn ra. Không để Hồng Quốc Văn tự bầu mình làm người chấm thi, tự cho mình giải thưởng cao nhất như thế.
Nhưng không hiểu sao, hai ông lãnh đạo Hội khoá 6 vẫn trao giải cao nhất cho Hồng Quốc Văn?!
Kẻ gieo gió phải gặt bão. Thanh kiếm pháp luạt nghiêm minh đã tóm được Hồng Quốc Văn khi đi tống tiền ở Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định. Ông Trần Hải giám đốc trung tâm ngay thẳng, tỉnh táo, báo cáo với cơ quan chức trách vào cuộc. Báo Nhân dân ngày 22 tháng 4 năm 2011 đưa tin công an bắt quả tang vụ tống tiền của Hồng Quốc Văn cùng đồng bọn là Hồ Thanh, chờ ngày ra toà. Đọc tin này, anh em hội viên Hội VHNT Nam Định thở phào nhẹ nhõm. Từ nay anh chị em đi họp, không lo sợ Hồng Quốc Văn đòi “đập chết”. Tôi phải làm đơn đề nghị BCH cho tôi chuyển sang bộ môn thơ. Hàng năm trời đi lại nói mãi, hai ông lãnh đạo Hội mới cho tôi chuyển. BCH Hội cũng hết mệt mỏi vì phải họp liên miên xét đơn “tố cáo” với “kiến nghị” của Hồng Quốc Văn. Nội dung Hồng Quốc Văn toàn vu khống tội các hội viên đang sống, cả người đã chết ở thời Chủ tịch Hội Chu Văn, nhà văn Kim Ngọc Diệu, Vũ Quốc Ái v.v… Khi BCH Hội chứng minh cho Hồng Quốc Văn là người ta trong sáng thì Hồng Quốc Văn buông câu: “Thế thì thôi, không kiện người ấy nữa”. “Không kiện người ấy”, Hồng Quốc Văn lại kiện người khác, theo cái vòng suy nghĩ ác độc.
Do kiến nghị của đông đảo hội viên, bộ môn Văn xuôi buộc phải họp bỏ phiếu khai trừ Hồng Quốc Văn. Tôi đã sang bộ môn thơ. Một số anh em bỏ họp từ mấy năm nay. Chỉ còn một số người vẫn đi họp. Vậy mà 14 phiếu, thì 11 phiếu viết “khai trừ” ba phiếu đề nghị “cảnh cáo” và  “phê bình”. Con số phiếu “khai trừ” áp đảo. Lãnh đạo Hội, chẳng còn cách nào bênh che Hồng Quốc Văn được nữa. Chân lý đã tỏ. Rất công bằng, dân chủ đối với Hồng Quốc Văn. Không bất công như việc ông Trịnh Quang Khanh tự ý khai trừ Lê Hoài Nam và Nguyễn Danh Khôi ra khỏi Hội. Họ không họp bộ môn bỏ phiếu. Họ không để cho người “bị” vu khống chứng minh vô tội.
Cuối cùng, BCH Hội VHNT Nam Định đã họp, quyết định khai trừ Hồng Quốc Văn ra khỏi Hội ngày 31 tháng 5 năm 2011. Việc này, đã chứng minh những bài chúng tôi viết, in các báo TW năm 2006 – 2007 là đúng đắn. Chúng tôi, luôn mong muốn Nam Định phải có những tác phẩm đích thực, tài năng đích thực, xứng với nền văn hiến lâu đời.
Chúng tôi chân thành cảm ơn Công an thành phố Nam Định, tóm đúng kẻ gây rối, làm mất danh dự của giới văn nghệ sĩ. Hồng Quốc Văn và đồng bọn gây tiếng xấu Hội VHNT nhiều năm nay đã chấm dứt.
Tôi xin nhận khuyết điểm. Vì lòng thương người của tôi, dẫn đến hậu quả xấu cho xã hội, khốn khổ đến cả chính tôi. Bài học này tôi nhớ đời. 
Nam Định, ngày 2.6.2011
                                                                T.T.N.T
Địa chỉ liên lạc :
Trần Thị Nhật Tân  Tổ 5, làng Đông Mạc, phường Lộc Hạ, TP. Nam Định

1 Nhận xét:

Tại lúc 15:53 14 tháng 7, 2011 , Blogger Quý-Blog nói...

Hôm nọ em đọc trên Gocomay có một câu:
"Cái vòng danh lợi cong cong"

em thêm:
Lưu manh, trộm cướp mới mong đến phần

he he!

 

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ