Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Uy vũ Quang Trung đã làm Càn Long nể phục


Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1787), hoàng đế Quang Trung kéo đại quân Tây Sơn ra giải phóng Bắc Hà và đã đánh 29 vạn quân Thanh triều Càn Long tan tác, kinh hồn, bạt vía, khiến Thái thú Sầm Nghi Đống tuyệt vọng treo cổ tự vẫn ở gò Đống Đa; tiết chế Tôn Sĩ Nghị thất đởm, ngựa không kịp thắng yên, người không kịp mặc giáp, cuống cuồng chạy trốn về nước.  
Chỉ mất 5 ngày - mồng 5 tháng Giêng Hoàng đế Quang Trung - người anh hùng áo vải đất Đại Việt, với chiếc chiến bào sạm đen vì khói thuốc súng, đã uy nghi trên mình voi trận, dẫn đoàn quân chiến thắng vào thành Thăng Long. Trong khi đó tại Bắc Kinh, Vua Càn Long lại chọn cái ngày oan nghiệt này để làm ngày “Hội mừng công Bình Định được An Nam” và các đại thần, đại học sĩ, văn nhân, quần thần đang tụ về kinh để xướng họa, bình phẩm chủ đề hội mừng công và chúc thọ đầu năm mới. Cho nên hay tin Tôn Sĩ Nghị bại trận trốn về nước, tàn binh chỉ còn 5500 người, Càn Long như bị dội gáo nước lạnh, tức giận ra lệnh bãi chức, thu tước công Nghị và chiếu theo luật quân để nghiêm trị. Đồng thời, Càn Long cũng điều Phúc Khang An (trong phim Thanh cung 13 hoàng triều thì người này là con của Càn Long) thay Nghị làm tổng đốc Lưỡng Quảng và điều động thêm 50 vạn quân để ứng chiến vùng biên giới. Càn Long không cho xuất binh đánh trả thù, vì vị hoàng đế Thanh Triều này thừa biết, dù thêm 50 vạn quân hay nhiều hơn nữa kéo quân sang nước Nam cũng chuốc lấy thất bại, do tinh thần binh sĩ lúc đó đã quá khiếp nhược, kinh hoàng đối với thanh thế quân Tây Sơn, nhất là uy vũ của Hoàng đế Quang Trung… Sách “Đại Thanh thực lục” ghi chép rằng một lệnh đạo dụ ban hành ngày 19. 4 . 1789, Càn Long cũng đã nhấn mạnh ý này cho Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An và triều thần: "Ý Trẫm nhất định không cho tiến binh nữa"…
Còn Quang Trung, sau ngày đại thắng quân Thanh, ông làm tờ biểu kể tội Tôn Sĩ Nghị gởi cho Càn Long. Song mục đích chính là để mỉa mai vua Thanh: “Tôn Sĩ Nghị lấy địa vị đại thần ở biên cương lại vì tiền hay vì gái mà đem tờ biểu chương của thần xé ném xuống đất, làm nhục sứ giả, ý muốn động binh dấy quân - không biết việc đó quả do Đại Hoàng đế (Càn Long) sai khiến hay do Tôn Sĩ Nghị vì một người đàn bà sai khiến do mong lập công ở biên cương mà cầu lợi lớn” (Sách Đại Nam chính biên liệt truyện). Trong quan hệ ban giao với triều Thanh, hoàng đế Quang Trung bao giờ cũng ở tư thế vững vàng của người chiến thắng. Ông đã từng viết biểu gởi Càn Long vạch rõ bản chất tham lam, tàn bạo của nhà Thanh và nêu rõ quan điểm của mình: Không vì Trung Quốc là nước lớn mà nể sợ, thuần phục: “… Nếu vạn nhất đánh nhau liên miên không dứt thì thần nhất định không lấy nước nhỏ để trọng nước lớn nữa, buộc phải nghe theo mệnh trời. Việc xảy ra không thể lường trước được; để rồi ra sao thì ra”. Ngay cả lúc mới xuất quân ra bắc đánh giặc Thanh, Quang Trung cũng tỏ rỏ ý mình với Ngô Thì Nhậm dưới chân núi Tam Điệp rằng: đánh đuổi được người Thanh ra khỏi bờ cõi, nhưng nghĩ chúng là nước lớn nên thua trận ắt lấy làm thẹn mà lo báo thù thì việc binh đao không dứt và đấy không phải là phúc cho dân. “Chờ mười năm nữa cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu dân mạnh, thì ta có sợ gì chúng”. Và Quang Trung không chỉ nói suông, sau khi dành độc lập chủ quyền cho đất nước, ông đã gởi biểu cho Thanh triều đòi lại đất Lưỡng Quảng. Đến năm Nhâm Tý (1792), để thăm dò thái độ nhà Thanh, Quang Trung cử một phái đoàn do tướng Võ Văn Dũng làm Chánh sứ sang Tàu với hai yêu cầu: Cầu hôn với công chúa Nhà Thanh và đòi lại đất Lưỡng Quảng, lấy cớ chọc giận Thanh Cao Tông Càn Long để khởi binh. Về vấn đề này, cuốn gia phả họ Võ của Võ Đình Thứ (cháu ba đời Võ Văn Dũng) soạn năm Tự Đức thứ 23 (Bính Ngọ - 1870) cho biết: khi bệ kiến Càn Long, Võ Văn Dũng đã tâu xin cầu hôn với công chúa nhà Thanh và xin đất Quảng Đông và Quảng Tây để làm kinh đô, viện cớ nhà vua đang ở nước hẻo lánh, đường thủy bộ đều không tiện … Càn Long đem điều tâu xin của Võ Văn Dũng giao cho đình thần nghị xét và sau đó chuẩn y cho Quang Trung tỉnh Quảng Tây. Riêng việc cầu hôn, Càn Long cũng thuận ý và xuống chiếu giao cho bộ Lễ sửa soạn nghi thức và chọn ngày cho công chúa nhà Thanh sang nước Nam kết duyên với Quang Trung. Song “ước mơ vượt biên giới” của Hoàng đế Quang Trung đã không thành, vì khi bộ Lễ nhà Thanh đang xúc tiến mọi việc thì ông băng hà.
Về việc đánh Thanh, sách “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” có thuật lại rằng, khi thấy Tôn Sĩ Nghị chạy về tả tơi và được tin quân Tây Sơn đuổi đánh đến Lạng Sơn thì dân tình từ ải Nam Quan về Bắc nhốn nháo chạy trốn, vì sợ Tây Sơn đánh sang, cho nên suốt vài trăm dặm lặng ngắt không một bóng người. Nhưng Quang Trung trong lúc lòng rực lửa chiến công và đủ tỉnh táo để mở đường hòa hiếu, vì mối nguy hiểm đối với quân Tây Sơn lúc này (1787) là quân của Nguyễn Vương Phúc Ánh “Đàng Trong”. Còn Càn Long vì nể phục uy vũ Hoàng đế Quang Trung nên nhất quyết không xua quân sang đánh trả thù. Hai năm sau (1789), Quang Trung cử Nguyễn Quang Hiển cầm đầu một phái đoàn đi sứ Trung Quốc Việt Nam và do choáng ngợp trước vũ công hiển hách của Quang Trung nên Càn Long tiếp đãi đoàn đi sứ rất hậu, lại ra lệnh cho đốc phủ Quế Lâm bắt bọn Lê Chiêu Thống cạo đầu mặc áo quần nhà Thanh như thường dân để phái đoàn đi sứ không nghi ngờ Càn Long bao che cho bọn vua quan lưu vong này nữa. Khi sứ đoàn Nguyễn Quang Hiển về nước thì Quang Trung dâng biểu tạ ơn và hứa sang năm sẽ sang triều yết Càn Long đúng như lời hẹn ước lại là Quang Trung giả - Phạm Công Trị, một Lê Lai cứu chúa thời Tây Sơn. Thế mà bằng tài ngoại giao khôn khéo, có sự chỉ đạo sâu sát của Quang Trung thật, đoàn sứ đã đánh lừa được Càn Long và cho đến cuối đời, Càn Long vẫn không hề biết được người mình giao hảo, thi phú đối ẩm là Quang Trung giả. Chỉ duy nhất một người biết Quang Trung tiếp kiến Càn Long là Quang Trung giả là Phúc Khang An, nhưng ông ta cũng ôm bí mật xuống mồ, vì sợ nói ra sẽ mắc tội khi quân phạm thượng, lại sợ Quang Trung thật nổi giận thì e khó tránh số phận thảm thương như Tôn Sĩ Nghị …
Thanh Cao Tông Càn Long vì quá nể phục Hoàng đế Quang Trung nên thực hiện chính sách đối xử tàn tệ với bọn vua quan lưu vong Lê Chiêu Thống, kể cả sau ngày Quang Trung mất. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết thảm khốc của Hòa Khôn (Hòa Thân) sau này. Theo thầy Đỗ Bang - Tiến sĩ sử học chép trong cuốn: “Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung” thì: việc Càn Long xử tệ bọn Lê Chiêu Thống đã gây bất bình cho vương tử thứ 6 (Lục Vương) - người được Càn Long chuẩn bị truyền ngôi. Một hôm nhân lúc đánh cờ với Hòa Khôn, lục Vương đem chuyện ra nói, nào ngờ Hòa Khôn cậy được Càn Long sủng ái mới lên giọng thách thức: “Việc ấy là của Hoàng thượng, Vương gia biết gì mà bàn!”. Lục Vương tức giận cầm bàn cờ đập lên đầu Hòa Khôn. Hòa Khôn bị nhục, mang chuyện tâu với Càn Long và Lục Vương đã bị đòi vào cung đánh đòn ngay giữa sân rồng. Cũng vì thế Lục Vương uất ức sinh bệnh mà chết. Trước khi lâm chung, Lục Vương dặn dò các em, trong đó có vị Vương thứ 11 sau được Càn Long truyền ngôi hiệu Gia Khánh (1796) là phải thẳng tay trừ tên gian ác Hòa Khôn… Cho nên, khi Gia Khánh lên ngôi, liền hạ lệnh tru lục Hòa Khôn, tịch thu gia sản, mỗi ngày có 500 xe trâu chở trong năm tháng mới hết tiền,bạc, báu vật nhà Hòa Khôn. Còn vàng thì sau phát hiện Hòa Khôn cho đốt da trâu thành cao, bọc lấy từng khối giả làm gạch xây tường. Vì vậy lúc phá dinh thự Hòa Khôn “gạch vàng”đổ xuống không biết bao nhiêu mà kể…
Kể từ khi Quang Trung đại phá quân Mãn Thanh, giải phóng thành Thăng Long đến nay đã trôi qua 213 mùa xuân. Và mỗi độ xuân về, trong lòng mỗi người dân đất Việt chúng ta lại rộn ràng tiếng trống trận Quang Trung một thuở oai hùng và khí phách lẫm liệt. Nhân ngày xuân, xin góp nhặt vài ba mẫu chuyện giữa Hoàng đế Quang Trung và Thanh cao Tông Càn Long để mọi người hiểu thêm về khí chất anh hùng, tài trí mưu lược của vị Hoàng đế nước Nam ta.
.Theo : thuvienbinhdinh.com

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ