Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Sân golf dành cho ai?

... Cần phải lưu ý rằng báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư được đưa ra trong một thời điểm rất tranh tối tranh sáng. Tức là chỉ 1 ngày sau khi Bộ trưởng mới được QH phê chuẩn, còn chưa kịp bàn giao. 28 sân golf "bổ sung" là đầu danh trạng của ông Vinh hay cú chót trước khi hạ cánh của ông Phúc thì không ai biết được ...

Golf là môn thể thao "quý tộc". Đây là quan niệm chung trên thế giới. Ở Việt Nam, nói thể có thể chưa chính xác tuyệt đối dù người chơi là các doanh nhân, giới chính trị gia quyền lực, và những người giàu có. Bà Anna Lomas, Giám đốc Nghiên cứu và Định giá, Colliers International Việt Nam có lần khen chi phí chơi golf (phí thành viên) ở Việt Nam là rẻ. Rẻ là sao? Là bình quân "chỉ" 50.000 USD đối với sân golf 18 lỗ, 48.000 USD đối với 36 lỗ golf. Thẻ VIP "cũng chỉ" 65 ngàn USD. Những "vận động viên" dạng amateur bắt buộc phải là bạn thân của cả Tổng thống Franklin lẫn Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên của Mỹ  Alecxander Hamilton khi mỗi lần muốn bước lên thảm cỏ sân golf phải bỏ ra ít nhất 110 USD. Ngay cả đến cây gậy, vốn chỉ một khúc gỗ, một tay nắm và một mẩu sắt cũng có giá tới 2500 USD/bộ 24 chiếc. Golf có phải là môn quý tộc hay không không biết, nhưng muốn chơi golf ở Việt Nam, dứt khoát là phải giàu. Với GDP trên dưới 1200 USD, tức muốn mua 1 bộ gậy phải nhịn ăn 2 năm, Golf không dành cho người Việt Nam, chính xác là không dành cho dân Việt Nam.
Hình ảnh rất dễ nhận ra trong các hình ảnh chơi golf trong nước là các vận động viên đa phần rất "tốt bụng". Golf ở Việt Nam, vì thế, cũng không phải là môn để rèn luyện sức khỏe.
Ấy thế mà Việt Nam đang và sẽ là một trong những quốc gia có nhiều sân golf nhất trên thế giới. Một nhà nghiên cứu độc lập, ông Nguyễn Phương cho biết trên thế giới có khoảng 2.000 sân golf. Nếu Việt Nam dừng lại ở con số 90 theo đúng quy hoạch, sân golf Việt Nam chiếm 4,5%. Và khi Bộ Kế hoạch đầu tư đệ trình báo cáo ngày 3-8-2011, theo đó sẽ bổ sung thêm 28 sân golf nữa vào quy hoạch thì tỷ lệ sân golf ở Việt Nam, một quốc gia "đang phát triển" là quá cao, cao đến mức phi lý, đến mức cần nghiêm túc đặt ra câu hỏi xây dựng sân golf nhiều như thế, ngoài việc dành cho ai, thì còn để làm gì?
Câu trả lời, rất tiếc, lại đã có từ trước. Chính Bộ KH và ĐT, trong báo cáo kiểm tra tình hình hoạt động của 90 sân golf trên toàn quốc đã cho biết chỉ có 21 sân golf thuần túy. 69 dự án còn lại kết hợp với kinh doanh bất động sản và du lịch.
Sự "kết hợp" thực ra mới là điều đáng nói.
Trong tổng diện tích đất quy hoạch cho 90 dự án này, 51% dành cho khu du lịch sinh thái, trung tâm thương mại, 8% là xây biệt thự. Diện tích dành cho sân golf chỉ chiếm 40%. Có những dự án, tỷ lệ kết hợp, hay tính chất của việc kinh doanh bất động sản khoác áo thể thao còn cao, còn trắng trợn hon nhiều. Dự án Tản Viên (Hà Nội) là một ví dụ. Trong tổng diện tích 1.200ha,  sân golf chỉ chiếm 222ha. Hay Dự án Quan Sơn, cũng Hà Nội, tổng diện tích 1.700ha và diện tích dành cho sân golf chỉ 161ha…
Nói là golf, thực chất sân golf lại chỉ là cái vỏ cho việc kinh doanh bất động sản là vậy. Bởi ngay cả khi có các quy định cấm chuyển mục đích sử dụng đất làm sân golf sang xây dựng nhà ở để bán, kinh doanh bất động sản. Các  nhà đầu tư đã lách bằng cách cho thuê nhà ở, biệt thự các dự án sân golf với thời hạn 30-40 năm.
Sự việc cũng không đơn thuần ở chỉ là phong trào, kiểu "phong trào khu công nghiệp- Nó có mình không thể không có" rầm rộ ở các tỉnh vài năm trước. Bởi với diện tích rất lớn, sân golf sẽ làm gia tăng giá trị bất động sản của nó. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh từng đặt câu hỏi: Giá trị bất động sản của sân golf đem lại lợi ích cho những ai? Có phải là số đông hay chỉ cho một số nhà đầu cơ. Mà đầu cơ liệu có đem lại sự phát triển bền vững cho các địa phương mở sân golf, hay chỉ đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư? Khi đền bù đất nông nghiệp thì giá rất rẻ. Còn khi thành bất động sản nằm trong sân golf thì giá rất đắt. Theo ông Ánh: Bài toán phân tích ở đây phải rất tổng hợp. Phải tính chênh lệch địa tô từ việc thu hồi đất vài triệu bạc rồi bán với giá 50 - 60 triệu chẳng hạn...
Nói là golf thực chất lại là gold là vì vậy
Năm 2009, sau khi vấn đề "lạm phát sân golf" được đưa ra chất vấn trước Quốc hội, Chính phủ có quyết định 1946, loại bỏ hơn 60 dự án chiếm giữ những bờ xôi ruộng mật của nông dân, chấm dứt luôn tình trạng "mỗi tuần Việt Nam có thêm 1 sân golf" như hồi 2006-2008 (khi quyền phê duyệt được buông cho các địa phương). Bộ trưởng Võ Hồng Phúc có lần còn tự hào khoe thành tích lớn nhất, tâm đắc nhất của ông (trong nhiệm kỳ Bộ trưởng) là kiến nghị loại bỏ 76 sân golf trong tổng số 166  sân golf đã được đăng ký cấp phép và triển khai.
Thế còn 28 sân golf mới bổ sung?
Cần phải lưu ý rằng báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư được đưa ra trong một thời điểm rất tranh tối tranh sáng. Tức là chỉ 1 ngày sau khi Bộ trưởng mới được QH phê chuẩn, còn chưa kịp bàn giao. 28 sân golf "bổ sung" là đầu danh trạng của ông Vinh hay cú chót trước khi hạ cánh của ông Phúc thì không ai biết được. Chỉ biết là trong năm nay, Việt Nam đang dẫn đầu Châu Á về lạm phát, và có thể còn dẫn đầu luôn về số sân golf, toàn những thứ No1 mà không người dân nào muốn đón nhận.


Theo tuan ddk

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ