TỪ DÂN VÀ DO DÂN – BÀI HỌC TỪ MÙA THU THÁNG TÁM
95 tuổi theo lịch dương, 96 nếu tính lịch âm, nhưng tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vẫn tinh anh và minh mẫn kỳ lạ. Không khí của mùa thu cách mạng 66 năm trước ùa về trong trí nhớ của ông vừa như mới hôm qua, lại vừa có độ lùi bình tĩnh đầy ngẫm ngợi của một thời khắc lịch sử khác.
“Cách mạng Tháng Tám đã mang lại cho tôi và đồng bào tôi quá nhiều, nhưng nếu có điều gì gan ruột nhất, tâm huyết nhất mà cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc đã khắc sâu vào tâm trí chúng tôi, và trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động sau này của chúng tôi, đến hết cuộc đời thì đó chính bài học “từ dân - do dân” mà Bác Hồ đã dày công khai tâm, thực hiện, vun đắp từ buổi đầu cách mạng” - ông chia sẻ với Tuổi Trẻ về cảm xúc tháng 8 của mình.
“Từ dân - do dân” Nguyễn Trãi đã đúc rút như vậy sau 10 năm nằm gai nếm mật kháng chiến đánh đuổi quân Minh, giành độc lập dân tộc, thoát ách Bắc thuộc lần 2. Và Bác Hồ đã đưa điều đó thành phương châm hành động, thành lẽ sống của mình. Cách mạng Tháng Tám là minh chứng rực rỡ cho điều đó.
Tháng 8-1945, từ Tân Trào về xuôi, chúng ta chỉ có một đội ngũ đảng viên trung kiên nhưng ít ỏi: 5.000 người, có nơi có chi bộ, có nơi không. Như chúng tôi, những người từ nhà tù trở về, có thời gian dài tự mình đơn lẻ đi vận động quần chúng. Lực lượng quân sự từ 34 người trong đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của anh Võ Nguyên Giáp tháng 12-1944, giờ mới phát triển thành một tiểu đoàn với súng ống thu được sau trận Phai Khắt - Nà Ngần cộng với súng mua lại của quân Nhật bỏ chạy. Năm ngàn đảng viên và một tiểu đoàn không đủ vũ khí.
Nhưng Đảng và Bác vẫn lãnh đạo một dân tộc có hơn 25 triệu người thực hiện một cuộc cách mạng long trời lở đất, giành thắng lợi mà không hề đổ máu, dựng lên một nền cộng hòa chưa từng có ở một nước phong kiến thuộc địa. Tất cả chỉ có thể thành hiện thực nếu biết dựa vào dân.
Những ngày gian khó ngay sau cách mạng, Pháp rình rập quay lại, 20 vạn quân Tàu Tưởng của tướng Tiêu Văn - Lư Hán tràn qua biên giới với lý do giải giáp quân Nhật, thù trong giặc ngoài bao vây, bên cạnh đường lối đối ngoại khôn khéo, mềm dẻo, cương quyết, chính công tác vận động quần chúng đã tạo cho nền cộng hòa non trẻ một sức mạnh không ngờ tới.
Tôi còn nhớ sau cách mạng tôi là bí thư huyện ủy Đông Anh ít tháng rồi lên làm bí thư tỉnh ủy Phúc Yên, mỗi lần về Hà Nội họp là gặp những cuộc biểu tình, tuần hành biểu dương lực lượng, ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh và đòi quân Tàu - Tưởng rút về nước. Có những cuộc tuần hành lên đến hàng trăm ngàn người.
Suốt mấy tháng trời quần chúng biểu dương lực lượng như thế giặc cũng sợ, không dám nhiễu nhương cướp bóc ngoài đường, không dám gây hấn công khai. Những cuộc biểu tình như thế còn kéo dài đến tận khi cụ Huỳnh Thúc Kháng cho lệnh triệt phá sào huyệt của bọn Việt quốc - Việt cách theo đuôi giặc tàu ở phố Ôn Như Hầu, và sau đó là hiệp định sơ bộ 6-1 buộc chúng phải rút quân về nước. Càng nghiên cứu lại lịch sử, càng sống lại những giờ phút hiểm nghèo đó mới càng thấy cái tài và cái tâm thu phục con người của Bác. Nếu không có sức dân, một tiểu đoàn của chúng ta làm gì để tránh thiệt hại với 20 vạn quân Tưởng?
Khi bắt tay xây dựng chính quyền cách mạng, một trong những khó khăn lớn của chính quyền cách mạng là nền tài chính kiệt quệ - kho bạc trống rỗng, thuế chưa thu được. Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp; quân Tưởng tung tiền quan kim, quốc tệ ra thị trường làm rối loạn thêm nền tài chính nước ta.
Để đảm bảo nhu cầu chi tiêu của chính quyền và khắc phục khó khăn trước mắt về tài chính, ngày 4-9-1945, Chính phủ ra sắc lệnh xây dựng Quỹ độc lập và tổ chức Tuần lễ vàng trong cả nước từ ngày 17 đến 24-9-1945, nhằm động viên mọi người dân yêu nước, tha thiết với nền độc lập của dân tộc, tự nguyện đóng góp cho Tổ quốc. Trong thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp Tuần lễ vàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn củng cố nền tự do, độc lập ấy, chúng ta cần sức hi sinh phấn đấu của đồng bào toàn quốc; nhưng chúng ta cũng cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có”.
Hưởng ứng sắc lệnh của Chính phủ và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Hà Nội đã diễn ra phong trào tự nguyện đóng góp tiền của, vàng, bạc… rất sôi nổi, từ những người lao động nghèo khổ đến những tư sản, điền chủ giàu có. Tuần lễ vàng khai mạc tại Hà Nội ngày 16-9-1945. Đến ngày bế mạc, nhân dân thủ đô đã góp 2.201 lượng vàng, 920 tạ thóc, nhiều tiền bạc, hiện vật khác, tổng cộng giá trị trên 7 triệu đồng Đông Dương lúc bấy giờ.
Số tiền ủng hộ của nhân dân Hà Nội cùng với số tiền của nhân dân cả nước (20 triệu đồng góp “Quỹ độc lập”, 40 triệu đồng đảm phụ quốc phòng, 370 kg vàng) đã giúp Chính phủ khắc phục những khó khăn về tài chính trước mắt, mua sắm thêm vũ khí để xây dựng nền quốc phòng.
Tôi nhớ như in cái ngày bà thím tôi ở Hà Nội báo tin đã góp 120 lượng vàng cho tuần lễ vàng, tôi nói với bà: “Cháu đi làm cách mạng, vào tù ra tội, chẳng có gì góp, chúng cháu chỉ biết cảm ơn đồng bào, cảm ơn thím”. Ở Phúc Yên, nơi tôi công tác lúc đó, ai có nhẫn cưới, hoa tai, đồ gia bảo đều góp, có người đã góp cả răng vàng.
Tôi nghĩ không có một cuộc cách mạng nào được lòng dân đến thế, và không có một cuộc cách mạng nào dân được tham gia, được đóng góp, được trở thành một sức mạnh lớn đến vậy. Tất cả chỉ có được khi có một người đứng đầu, một lực lượng lãnh đạo thật sự hiểu sức mạnh của nhân dân, làm tất cả để phát huy sức mạnh ấy và dám hi sinh vì hai từ thiêng liêng “nhân dân” ấy.
Tất nhiên, xã hội hôm nay đã thay đổi rất nhiều, dân trí cũng khác, hoàn cảnh kinh tế hoàn toàn khác, tình hình thế giới không còn chia “ba phe bốn mâu thuẫn” giản đơn và có phần ấu trĩ như xưa. Nhưng bài học về sức mạnh nhân dân từ mùa thu năm 1945 vẫn còn nguyên ý nghĩa. Hãy để nhân dân được biết và tham gia mọi công việc của cách mạng. Dân hôm nay đã đông hơn, giàu hơn, đã hiểu biết hơn thì sức mạnh của họ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc càng lớn lao, hữu ích hơn.
Theo TTO
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ