Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Một năm ngày thảm hoạ bùn đỏ ở Hung ga ri

Về Báo cáo số 91/BC-CP ngày 22-5-2009 của Chính phủ gửi Quốc hội

Thái Văn Cầu

Vào tháng 5 – 2009, ngay sau khi Bộ Công thương trình bày báo cáo triển khai dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên trước Quốc hội Việt Nam, bất chấp Kiến nghị của hàng nghìn trí thức, lão thành cách mạng và các tầng lớp nhân dân trong ngoài nước, kể cả ba lá thư tâm huyết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khai khoáng, kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng… đã lên tiếng nghiêm túc trên các phương tiện thông tin đại chúng về cái lợi cái hại của Dự án này. Xem lại một lượt những bài viết đó, chúng tôi thấy đến nay, hết thảy  đều vẫn còn nóng hổi ý nghĩa thời sự. Chỉ tiếc trong thời điểm các bài viết này ra đời, không kể một số phản ứng hung hăng như kiểu ông Lê Dương Quang, nhiều người có chức có quyền khác  – và cố nhiên là cao hơn ông Quang nhiều – đều thống nhất với nhau ở một “phản ứng bịt tai” nên những tiếng nói chân tình này đã không lọt được vào tai họ mà vọng vào thinh không, nên mới ra nông nỗi hôm nay. Để bạn đọc ngẫm nghĩ tiếp về một biện pháp thực tế nhất hiện nay đối với vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên nên như thế nào là tốt, BVN xin đăng lại một trong những bài viết cũ của khoa học gia Thái Văn Cầu đã từng đăng trên trang Bauxitevietnam.info (lúc bấy giờ vẫn còn là trang mạng của chúng tôi chứ chưa bị cưỡng đoạt đưa về Hongkong, khoác cho một chiếc áo mới và thay đổi nội dung  ngược hẳn với quan điểm của người sáng lập như hiện nay), sau đó được loan tải trên nhiều mạng khác. Chúng tôi mượn bài này từ trang vietsciences.free.fr
Bauxite Việt Nam
Chúng ta đang sống trong thời đại tin học: Một bản tin nhỏ nhưng đáng quan tâm xảy ra ở Lũng Cú (Hà Giang) có thể được toàn thế giới biết đến trong vòng vài phút.
Hơn 40% dân số các thành phố lớn của Việt Nam truy cập internet; thời gian bình quân sử dụng internet mỗi ngày tăng gấp đôi từ năm 20061. Những dữ kiện này cho thấy nhân dân Việt Nam đi đúng với trào lưu quốc tế: khao khát thông tin. Quan trọng hơn: thông tin không còn là độc quyền của một riêng ai!
Ngày 22/5/2009, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương gửi báo cáo chính thức về dự án bô-xít, báo cáo số 91/BC-CP, đến Quốc hội. Báo cáo dài hơn 10 trang. Sau đây chúng tôi đề cập đến 4 điểm then chốt trong báo cáo.
Môi trường sinh thái:
Theo báo cáo:
Khai thác và chế biến bô-xít Tây Nguyên không thể tránh khỏi gây ra những tác động môi trường nhất định, tuy nhiên kinh nghiệm thực tế của thế giới cho thấy những tác động môi trường này hoàn toàn có thể kiểm soát và không chế tới mức an toàn cần thiết, vấn đề quan trọng là cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và giám sát các giải pháp bảo vệ môi trường ngay trong quá trình xây dựng cũng như trong suốt quá trình vận hành các dự án alumin.
Ý kiến của chúng tôi:
Có một khác biệt lớn lao giữa “kinh nghiệm thực tế của thế giới” và những gì đang và sẽ xảy ra cho Tây Nguyên, nếu dự án bô-xít tiếp tục tiến hành.
Chọn công nghệ ướt – công nghệ sở trường của doanh nghiệp Trung Quốc – trong khai thác và chế biến bô-xít đồng nghĩa với chọn con đường dẫn đến tác hại lớn nhất cho môi trường sinh thái Tây Nguyên, như các nhà khoa học Nguyễn Thành Sơn, Nguyễn Đình Hòe, Đặng Đình Cung, Lê Quốc Trinh, v.v. đề cập.
Bản sắc khu vực:
Theo báo cáo:
Sự hình thành cụm kinh tế công nghiệp bô-xít – alumin trong khu vực sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế dịch vụ như giao thông vận tải, cơ khí, xây dựng, phát triển đô thị, thương mại, khách sạn và du kịch, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống… Đây là tác nhân quan trọng thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực từ thuần nông lâm nghiệp sang kinh tế đa ngành nghề, trong đó công nghiệp – dịch vụ là thành phần kinh tế cơ bản.
Hoạt động khai thác bô-xít và sản xuất alumin sẽ tạo ra những cộng đồng dân cư mới, những đô thị mới. Tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn con em dân tộc địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần ổn định tình hình an ninh-chính trị trên địa bàn khu vực Tây Nguyên.
Ý kiến của chúng tôi:
Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trải qua bao cuộc biển dâu trong hơn 100 năm qua, vẫn cố giữ bản sắc khu vực vì họ còn đất-nước-rừng và văn hóa. Một khi môi trường sinh thái bị hủy hoại, làm ảnh hưởng đến đất-nước-rừng, và văn hóa cổ truyền bị tác động do chính sách phát triển nông cạn, thiếu tầm chiến lược, bản sắc Tây Nguyên sẽ trở thành câu chuyện của quá khứ.
Sai lầm của dự án xây khách sạn trong công viên Thống Nhất có thể khiến nhà nước thiệt mất hơn 14 triệu USD2; sai lầm dẫn đến cái chết của bản sắc Tây Nguyên là lời nguyền mà chúng ta và các thế hệ tương lai phải gánh chịu!
Bằng trí tuệ và sức lao động, chúng ta có thể mang về cho đất nước 14 triệu USD; nhưng không có sức lao động hay trí tuệ nào có thể làm hồi sinh bản sắc Tây Nguyên một khi nó biến mất!
An ninh quốc phòng:
Theo báo cáo:
Như vậy có thể khẳng định rằng 2 dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ do một doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam tự đầu tư trên địa bàn Tây Nguyên, đã được địa phương và các bộ, ngành liên quan thỏa thuận về vị trí, địa điểm (trong đó có liên quan đến an ninh, quốc phòng) đáp ứng các yêu cầu về an ninh, quốc phòng quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư thời gian tới là phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc quản lý, giám sát  hoạt động của nhà thầu cũng như việc quản lý lao động nước ngoài, phù hợp với các quy định của hợp đồng EPC nói riêng và luật pháp Việt Nam nói chung.
Ý kiến của chúng tôi:
Trong thời đại tin học, an ninh quốc phòng trở nên cực kỳ phức tạp. Nó bao gồm cả thế giới thực: an ninh quốc phòng trên không, trên biển và trên đất liền, và thế giới ảo: an ninh quốc phòng trên mạng.
Nhiều bản tin gần đây cho thấy về mặt an ninh quốc phòng, Việt Nam đang đương đầu với một thách thức lớn: Điển hình là vấn đề hàng chục ngàn người lao động từ một nước ngoài vào làm việc mà không ai kiểm soát; vấn đề trang website của Bộ Công thương nhưng lại để nước ngoài ấy quản lý trong 3 năm qua và để họ tự do phổ biến tin tức bất lợi cho Việt Nam; vấn đề ngư dân đánh cá trong vùng biển Việt Nam bị tàu chiến của chính nước ngoài trên đánh chìm, v.v.  (Xem thêm trong phần phụ chú) 3.
Tây Nguyên là nóc nhà của Việt Nam; biển Đông là cửa ngõ ra biển lớn của Việt Nam. An ninh quốc phòng có còn không khi thế lực không thân thiện của nước ngoài hiện diện cả trước mặt và sau lưng chúng ta ?
Hiệu quả kinh tế:
Theo báo cáo:
Nhiều ý kiến góp ý tỏ ra nghi ngại về kết quả tính toán hiệu quả kinh tế của TKV đối với 2 dự án đã được phân tích, tính toán và cập nhật theo tình hình mới, tính toán đầy đủ các chi phí; kết quả cho thấy dự án Tân Rai và Nhân Cơ với phương thức vận tải bằng ô tô trong giai đoạn đầu là có hiệu quả kinh tế: giá trị hiện tại thực (NPV) là 1.477 tỷ đồng (Tân Rai) và 1.010 tỷ đồng (Nhân Cơ); tỷ lệ hoàn vốn nội tại (IRRR) là 11,4% (Tân Rai) và 10,6% (Nhân Cơ). Đây là các chỉ tiêu có thể chấp nhận được; hơn nữa, phần tài chính của dự án đã được các tổ chức tín dụng thẩm định và đồng ý cho chủ đầu tư vay (khoảng 70% tổng vốn đầu tư). Khi chuyển sang phương thức vận tải đường sắt thì các dự án trên sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn ( vì chi phí vận tải đường sắt rẻ hơn so với vận tải ô tô), thời gian thu hồi vốn khoảng 13 năm, những năm đầu của dự án có một số năm lỗ (lỗ kế hoạch), tuy nhiên đánh giá cả đời dự án là có hiệu quả kinh tế.
….
Giá nhôm trên thị trường hiện nay đang ở mức giá sàn rất thấp (1.426 USD/tấn, giá giao 3 tháng), giảm khoảng 70% so với giá nhôm thời kỳ 2006-2007. Giá alumin cũng tương ứng giảm theo làm ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Tuy nhiên, các dự án alumin Tây Nguyên đều có tuổi đời dự án trên 50 năm, vì vậy, hiệu quả kinh tế của dự án được tính toán dựa trên cơ sở dự báo, phân tích và lựa chọn giá bán alumin bình quân cho cả giai đoạn tồn tại của dự án 362 USD/tấn là phù hợp quy định. Ngoài ra, cần lưu ý đến yếu tố mang tính quy luật của thị trường kim loại thế giới – đó là giá cả diễn biến có tính chu kỳ, sau một chu kỳ giảm sẽ tiếp đến chu kỳ tăng. Về nhu cầu, xu hướng gia tăng sử dụng nhôm kim loại trên thế giới sẽ vẫn tiếp tục chưa có loại vật liệu mới nào thay thế hoàn toàn được nhôm, ngược lại nhôm và hợp kim nhôm đang dần thế chỗ cho thép và các loại vật liệu truyền thống trong rất nhiều ngành, vì thế nhu cầu về nhôm sẽ còn tiếp tục duy trì và gia tăng trong nhiều năm tới.
Ý kiến của chúng tôi:
Các báo cáo khả thi hiện có vạch rõ hai điểm sau:
- do chất lượng bô-xít của Việt Nam thuộc loại thấp, phí tổn khai thác và chế biến bô-xít tăng cao hơn bình thường so với doanh nghiệp các nước khác; lợi nhuận (nếu có) và sức cạnh tranh của bô-xít Việt Nam sẽ giảm;
- nhiều doanh nghiệp khai thác và chế biến bô-xít Trung Quốc, với kinh nghiệm dày dặn, trong hơn 5 năm qua phải đóng cửa vì không chịu nổi sức cạnh tranh và sự bấp bênh trong giá cả trên thị trường thế giới.
Trong khi dự án bô-xít có thể mang đến những tiện ích nhất thời cho Tây Nguyên qua kiến trúc hạ tầng cơ sở, công việc làm, v.v., hai yếu tố khách quan trên khiến tính khả thi kinh tế của toàn dự án nghiêng hẳn về một bên: bất lợi nhiều hơn thuận lợi!
Báo cáo ngày 22/5/2009 của Bộ Công thương không nhắc đến một chi tiết quan trọng liên quan đến dự án khai thác và chế biến bô-xít Tây Nguyên. Đó là Thông cáo chung giữa hai nước nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 12 năm 2001 và tháng 5 năm 2008.
Thông cáo chung năm 2001 nói:
Nhân dịp này, hai bên đã ký Hiệp định khung giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi và Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; và nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bô-xít nhôm Đắc Nông.
Thông cáo chung năm 2008 nói:
Hai bên tích cực ủng hộ và thúc đẩy các doanh nghiệp của hai nước hợp tác lâu dài cùng có lợi trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, phát triển nguồn nhân lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và các lĩnh vực quan trọng khác. Hai bên tăng cuờng hợp tác trong các dự án như: Bôxit Đắc Nông, các dự án trong khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” và các dự án lớn khác.
Theo Báo cáo của Bộ Công thương:
Dự án đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại công văn số 303/CP-CN ngày 29 tháng 3 năm 2000; Báo cáo nghiên cứu khả thi được Thủ tướng Chính phủ thông qua năm 2005 (công văn số 808/TTg-CN ngày 17 tháng 6 năm 2005). Chủ đầu tư (Tập đoàn TKV) đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu thiết kế-mua sắm-xây dựng và đào tạo (EPC) nhà máy alumin với nhà thầu CHALIECO (Trung Quốc) thông qua đấu thầu quốc tế công khai, gói thầu đã được khởi công ngày 26 tháng 7 năm 2008.
Từ báo chí ghi nhận được:
Ông Bùi Quang Tiến, Tổng Giám đốc VNAC, cho biết dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ đã được khởi động đầu tư từ cuối năm 2005 với công suất dự kiến lúc đó là 100.000 tấn alumin/năm (tương đương 250.000 tấn quặng tinh/năm). Các hồ sơ dự thầu lúc ấy không đáp ứng yêu cầu và xét thấy hiệu quả kinh tế không có nên chủ đầu tư kiến nghị và được Thủ tướng cho phép điều chỉnh nâng công suất lên 300.000 tấn alumin/năm.
Tuy nhiên, kết quả đấu thầu lần thứ hai cũng không chọn được nhà thầu và tính toán lại hiệu quả kinh tế nên chủ đầu tư một lần nữa kiến nghị và được Thủ tướng cho phép điều chỉnh công suất lên mức 600.000 tấn/năm vào đầu tháng 5-2008. Lần này chủ đầu tư không tổ chức đấu thầu mà được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho phép TKV chỉ định Công ty TNHH Công trình quốc tế nhôm Trung Quốc (Chalieco) – nhà thầu chính dự án bôxit Tân Rai – thực hiện gói thầu Nhà máy alumin Nhân Cơ.4
Tuy báo cáo của Bộ Công thương nói, “thông qua đấu thầu quốc tế công khai”, Nhà nước Việt Nam, qua Phó Thủ tướng Chính phủ và chủ đầu tư, Tập đoàn TKV, tự ý để doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào dự án bô-xít. Điều này phù hợp với cam kết trong hai Thông cáo chung giữa hai Đảng CS Việt Nam và Trung Quốc nêu trên.
Cần ghi nhận là vào thời điểm của Thông cáo chung năm 2001, chưa hề có báo cáo tiền khả thi nào về dự án khai thác và chế biến bô-xít được thực hiện.
Theo quyết định số 167/2007/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 1/11/2007, giá trị cho toàn dự án bô-xít, giai đoạn 2007-2025 lên đến khoảng 11,8-15,6 tỷ USD. Đây là một số vốn đầu tư kếch xù!
Vì cam kết quốc tế thiếu suy xét, vì lợi nhuận cá nhân, sẽ có nhiều động cơ thúc đẩy để dự án khai thác và chế biến bô-xít Tây Nguyên được tiếp tục tiến hành theo như ý mong muốn ban đầu của thế lực nước ngoài.
Vì mục đích bảo toàn môi trường sinh thái, bản sắc khu vực và an ninh quốc phòng, vì sự an nguy của Tổ quốc, những người Việt Nam yêu nước không thể giữ mãi sự im lặng cố hữu.
Dựa trên đề nghị của các bậc lão thành cách mạng và dựa trên báo cáo của các nhà khoa học và nghiên cứu, chúng tôi xin được lặp lại quan điểm của chúng tôi:
a) Yêu cầu Chính phủ cho ngưng toàn bộ dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin hiện đang có với mọi đối tác: Australia, Nga, Trung Quốc, v.v. tại đây cũng như mọi nơi khác trên lãnh thổ chúng ta. Hãy để cho thế hệ sau, 25 – 30 năm nữa, với trình độ kỹ thuật cao hơn, trở lại xem xét khả năng khai thác bauxite, sản xuất alumin;
b) Thành lập một Ủy ban nghiên cứu đường hướng phát triển kinh tế cho Tây Nguyên với sự hợp tác của nhiều lãnh vực chuyên môn và giữa các nhà trí thức trong và ngoài nước.
Cùng với sự phát triển của nền kỹ nghệ tin học, trình độ nắm vững thông tin của nhân dân Việt Nam năm 2009 vượt xa so với các thế hệ trước. Tinh thần yêu nước kết hợp với tri thức là một sức mạnh Tổ quốc cần trong quá trình giữ nước và xây dựng nước.
Dân tộc Việt Nam mong muốn chung sống hòa bình và hữu nghị với mọi nước, gần cũng như xa. Nhưng dân tộc Việt Nam quyết không bao giờ để cho một thế lực nào, bên ngoài cũng như bên trong Việt Nam, làm tổn hại đến quyền lợi của đất nước Việt Nam.
Lịch sử 4000 năm của Việt Nam là một minh chứng hùng hồn cho quyết tâm này.
Khoa học gia TVC
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
Phụ chú:
1. http://vovnews.vn/Home/Xu-huong-su-dung-Internet-tai-Viet-Nam/20094/108798.vov
2. http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/04/841937/
3.
Về lao động nước ngoài:
http://tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=308402&ChannelID=3
Về website của Bộ Công thương do TQ quản lý 3 năm nay:
http://nhipsongso.tuoitre.com.vn/Index.aspx?ArticleID=316337&ChannelID=16
Về tàu ngư dân Việt Nam bị đánh chìm. Website của Bộ Công thương do TQ quản lý gần đây có thông tin về sự điều động tàu chiến Ngư Chính đến vùng biển Hoàng Sa.
Tàu chiến Ngư Chính 44183 vừa được điều động đến vùng biển Hoàng Sa ngày 19/5/2009 đã tham gia ngay vào hành động đánh chìm tàu ngư dân Việt Nam:
http://www.laodong.com.vn/Utilities/PrintView.aspx?ID=139271
http://www.laodong.com.vn/Home/Cuu-26-ngu-dan-bi-tau-nuoc-ngoai-dam-chim-tren-bien-Dong/20095/139253.laodong
Website của TQ nói về hành động tàu chiến Ngư Chính 44183 đánh chìm tàu ngư dân Việt Nam:
http://www.chinanews.com.cn/gn/news/2009/05-25/1707131.shtml
Một góc cạnh của mối quan hệ:
http://bauxitevietnam.info/tulieu/090507_suthatquanhevntq.htm
4. http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/PrintView.aspx?ArticleID=315320&ChannelID=17


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ