Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

CHÁNH VĂN PHÒNG TỈNH HƯNG YÊN: ĐÂY LÀ DANH DỰ CỦA TÔI. ÔNG ƠI – ÔNG LÀM GÌ CÓ DANH DỰ.


Văn Giang đã cưỡng chế đúng luật, an toàn.
Ngày 24-4-2012, UBND huyện Văn Giang (Hưng Yên) tổ chức cưỡng chế tại xã Xuân Quan, giải toả mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư dự án xây dựng Khu đô thị thương mại- du lịch (Ecopark). Phóng viên Báo Người cao tuổi có cuộc trao đổi với Ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên xung quanh việc này…

Phỏng vấn nhanh Ông Chánh văn phòng UBND huyện Văn Giang
Phóng viên (PV): Ông cho biết kết quả cuộc cưỡng chế tại huyện Văn Giang ngày 24-4-2012?
Ông Bùi Huy Thanh: Vừa qua, huyện Văn Giang tổ chức cưỡng chế thu hồi đất tại dự án Ecopark tại xã Xuân Quan…..  Cân nhắc các yếu tố, Hưng Yên đã tiến hành cưỡng chế, lấy đất giao cho nhà đầu tư. Việc cưỡng chế là đúng luật, an toàn. Tất nhiên, khi cưỡng chế cũng có một số dư luận, nhưng tôi khẳng định đó là dư luận sai lầm.
PV: Ông có thể nói qua về dư luận sai đó để mọi người hiểu cho đúng.
Ông Bùi Huy Thanh:
Có người nói UBND huyện Văn Giang ra quyết định, mặt trước ghi tên hộ dân này nhưng mặt sau lại ghi hộ dân khác chịu trách nhiệm. Khi nghe tin này tôi đã đến ngay UBND huyện, yêu cầu anh em lấy toàn bộ hồ sơ cưỡng chế ra kiểm tra. Tôi yêu cầu phải đưa ngay, sợ nếu chậm thì người làm sai sẵn con dấu sẽ làm lại quyết định khác. Nhưng qua kiểm tra thấy hoàn toàn không có việc đó.
Nhà báo cứ yên tâm đi, đây là danh dự của tôi. Các hồ sơ cưỡng chế được rà soát kĩ lưỡng bởi 3 cơ quan cấp tỉnh: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh do đích thân Viện trưởng xuống kiểm tra, đoàn Sở Tài nguyên môi trường và Sở Tư pháp phối hợp cùng làm nên bảo đảm không thể có sai sót.
PV: Thưa ông, sắp tới Hưng Yên có tiếp tục cưỡng chế để thu hồi diện tích còn lại giao cho nhà đầu tư hay không?
Ông Bùi Huy Thanh:
Khi nào nhà đầu tư hoàn thành xong công trình ở diện tích đất đã được giao thì Hưng Yên mới giao tiếp diện tích còn lại. Hiện nay thì Hưng Yên không giao tiếp đất nên không cưỡng chế.
PV: Xin cảm ơn ông!
Còn đây là danh dự của ông Thanh: 
1 - Văn bản sai:
Ngày 5-4-2012, UBND huyện Văn Giang ra quyết định cưỡng chế gửi đến các gia đình trong diện thu hồi đất ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang do không thực hiện quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai (Chủ tịch UBND huyện Đặng Thị Bích Thuỷ kí). Quyết định số 629/QĐ-CCK ghi tại trang 1 áp dụng cưỡng chế đối với ông Lê Văn Tuệ (Dũng) ở thôn 5, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên, trên trang 2 lại ghi: Mọi chi phí liên quan đến việc cưỡng chế nêu trên do ông Đàm Văn Dư (Lâm) chịu trách nhiệm chi trả(?).
Xem ra, tất cả các ông bà từ tỉnh đến huyện đều như bà Đặng Thị Bích Thuỷ chỉ biết cưỡng chế, còn việc cưỡng chế có đúng đối tượng, đúng pháp luật hay không thì…không quan tâm!

2 - Bị đánh dã man:
Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm cho biết: “Sáng 24.4, tôi và nhà báo Phi Long được cử đến hiện trường nắm bắt thông tin, tuyên truyền đúng định hướng. Cả hai tới Nhà văn hóa thôn 1, xã Xuân Quan khoảng 9 giờ sáng.
Đang đứng tại hành lang nhà văn hóa thôn 1, tôi bỗng thấy một nhóm cảnh sát và người mặc thường phục đeo băng đỏ đi vào nghĩa trang liệt sĩ và nhảy qua hàng rào nghĩa trang để sang khu vực Nhà văn hóa thôn. Lúc đó tôi nhìn thấy phóng viên Hán Phi Long đội mũ bảo hiểm đang đứng trên bờ móng Nhà văn hóa thôn, tay cầm máy ảnh”.
Theo nhà báo Ngọc Năm: “Đi đầu nhóm cưỡng chế là 2 công an. Họ đến bên nhà báo Phi Long hỏi gì đó, rồi ngay lập tức xốc nách Long về sát chân tường nghĩa trang liệt sĩ. Liền đó, một người đeo băng đỏ giật máy ảnh của Long; khoảng gần chục người dùng dùi cui, gậy vụt vào người; liên tiếp đấm đá anh Long rất mạnh.
Thấy vậy, tôi đứng trong hành lang Nhà văn hóa thôn, dùng điện thoại để quay làm bằng chứng. Nhưng chỉ được khoảng 10 giây, tôi thấy Long ôm bụng gục xuống. Theo phản xạ tự nhiên, tôi chạy lại phía lực lượng cưỡng chế và hét lên nhiều lần:
“Chúng tôi là nhà báo, sao các anh lại đánh chúng tôi? Chúng tôi là nhà báo đang làm nhiệm vụ, không được đánh”. Nhưng họ không những không nghe, mà còn vặn 2 tay tôi về phía sau, dùng gậy, dùi cui đánh vào người, đấm đá vào mặt, vào ngực tôi.
Lúc đó tôi lại tiếp tục hét lên nhiều lần: “Tôi là nhà báo, sao lại đánh tôi?”. Tôi bị mấy người vặn tay về phía sau, dẫn giải về trước cửa nghĩa trang liệt sĩ và tiếp tục đánh hội đồng. Một công an nói lớn: “Đừng đánh vào mặt nó”… rồi tôi bị còng tay số 8, mũ bảo hiểm rơi mất lúc nào không biết…
Còng tay tôi xong, một trung úy (cao, béo) và một thiếu úy (thấp, gầy) áp giải tôi đi theo hướng cánh đồng đang bị cưỡng chế, chờ xe thùng tới chở về trụ sở công an huyện… Sau này tôi được biết, Phi Long bị đánh đau, được mấy người can và khi tôi xuất hiện thì họ bỏ Long lại để tấn công tôi, nên Phi Long chạy thoát vào một nhà vệ sinh gần đấy với nhiều vết sưng tím trên mặt và vệt máu loang cả ra quần áo. Tôi nhờ một phụ nữ lấy điện thoại ra và nói cho Long biết: “Anh bị bắt về Công an huyện Văn Giang. Em về đây đi”.
Nhà báo Hán Phi Long - người bị hành hung trước tiên và chịu hậu quả nặng nề hơn, kể lại về buổi sáng kinh hoàng đó: Khi tôi được người dân đưa về trạm xá, máu đang chảy đầy mặt. Nhân viên y tế xác định tôi bị rách môi ngoài, giập môi trong, vùng mặt phù nề với kích thước 4x4cm, ngực phải đau tức.
“May mà lúc đó cả hai chúng tôi đều đội mũ bảo hiểm, nếu không không biết hậu quả sẽ ra sao khi cả hai đều phải liên tiếp nhận những cú đánh bằng dùi cui chí tử nhắm vào đầu từ những người xưng là lực lượng cưỡng chế của huyện Văn Giang và tỉnh Hưng Yên”.
Nửa tháng, chưa hồi âm
 Sau khi về tới trụ sở Công an huyện, khi nhận ra 2 anh là nhà báo đang tác nghiệp, lực lượng chức năng của huyện Văn Giang đã lấy lời khai ban đầu của hai anh, cho anh Long kiểm tra thương tích, lập biên bản kiểm thể và sau đó cho cả hai về.
“Tại trụ sở Công an huyện Văn Giang, tôi đã viết một đơn tường trình sự việc gửi Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên. Tôi đã gửi trực tiếp đơn này cho cán bộ công an lấy lời khai của tôi là thiếu tá Tiến (Đội trưởng Đội trọng án – Công an tỉnh Hưng Yên).
Tuy nhiên, đến 26.4, tôi gọi điện cho đại tá Nguyễn Huy Ngạn – Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên thì ông Ngạn cho biết vẫn chưa nhận được đơn của chúng tôi. Ngày 2.5, tôi lại viết tiếp một đơn khác, gửi theo đường chuyển phát nhanh cho ông Ngạn.
Ngày 3.5, lãnh đạo VOV cũng làm công văn gửi cho ông Ngạn để yêu cầu trả lời vụ việc. Nhưng, cho tới thời điểm này (8.5), đã nửa tháng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ phía công an cũng như lãnh đạo tỉnh Hưng Yên”.
Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Thông, Chánh văn phòng UBND Bùi Huy Thanh không ai nghe máy. Giám đốc Công an Hưng Yên Trần Huy Ngạn từ chối cung cấp thông tin về vụ việc. Ông Nguyễn Xuân Hiếu - Chánh văn phòng công an tỉnh cho biết vụ việc còn đang được xem xét.

Tại cuộc giao ban báo chí sáng nay sự việc hai nhà báo bị hành hung đã được thông báo. Vậy là ngược lại hoàn toàn với báo cáo của lãnh đạo Hưng Yên với Thủ tướng. Đây là việc chà đạp lên luật pháp, Luật Báo chí, dối trá đến vô liêm sỉ. Đây là sự bôi nhọ ghê tởm với truyền thống tự do báo chí ngôn luận của chúng ta. Như vậy không phải do kẻ thù địch nào mà lãnh đạo Hưng Yên bịt mắt nhân dân như thế ? Cảm ơn những nhà báo không lề đã khui ra vụ việc đáng xấu hổ này để chúng ta chỉnh đốn. Còn ông chánh văn phòng tỉnh thì làm gì có danh dự .

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ