Hiến pháp nên đề cập về Đảng thế nào?
Vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà
nước là một trong những vấn đề chính trị trung tâm, nhưng tiếc thay lại là chủ
đề ít được đặt ra và trao đổi thẳng thắn, triệt để trong các cuộc thảo luận và
diễn đàn chính thức.
Không phải vì ở đây “không còn chuyện gì để bàn” mà
chủ yếu do tâm trạng e dè từ nhiều phía trước một vấn đề chính trị hệ trọng và
nhạy cảm như vậy.
Thận trọng cân nhắc nhiều khía cạnh là rất cần, nhưng
nếu quá nhấn mạnh tính hệ trọng của vấn đề, thậm chí xem tự thân nó là có tính
“sống còn” thì sẽ khép lại mọi ý kiến thảo luận và cũng không đúng với thực tế.
Trước năm 1980, Hiến pháp nước ta không có điều khoản
tương tự nhưng không vì thế mà vai trò lãnh đạo của Đảng không được xác lập hay
hiệu quả lãnh đạo kém hơn thời kỳ sau đó; các đảng cộng sản cầm quyền trước đây
ở Liên Xô và Đông Âu dù cố giữ hay buông bỏ điều tương tự trong hiến pháp nước
họ thì cũng vẫn không tránh được thất bại. Như vậy, vấn đề không phải là có hay
không điều khoản này, mà thực chất là ở chỗ chính đảng lãnh đạo phải đủ phẩm
chất và năng lực để đảm đương sứ mệnh được ủy thác.
Trong nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân,
vì nhân dân thì nhân dân là chủ thể quyền lực. Vai trò Đảng lãnh đạo Nhà nước
về bản chất là do nhân dân ủy thác cho Đảng. Sự ủy thác đó có thể được ghi nhận
trong Hiến pháp thông qua thủ tục lập hiến. Vì vậy không thể đặt ra vấn đề Đảng
lãnh đạo đứng trên, hay đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật. Đảng lãnh đạo xây
dựng Hiến pháp và pháp luật, nhưng một khi đã có Hiến pháp và pháp luật thì
Đảng không những phải tôn trọng mà còn phải chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp và
pháp luật bình đẳng như mọi chủ thể chính trị khác. Điều lệ Đảng khẳng định
“Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” chính là sự khẳng định từ
phía Đảng tinh thần đó.
Sự ủy thác đó là có điều kiện và có giám sát.
Đối với nhân dân và đất nước, điều kiện đó là “Đảng
phải trung thành và đại biểu xứng đáng lợi ích của nhân dân và đất nước”.
Với tinh thần nói trên, điều khoản về Đảng trong Hiến
pháp không nên thể hiện nguyên văn như Điều lệ Đảng. Không đưa vào điều khoản
này những nội dung không thuộc đối tượng điều chỉnh trực tiếp của Hiến pháp và
pháp luật (như tính chất giai cấp, nền tảng tư tưởng, nguyên tắc tổ chức và
hoạt động…của Đảng). Những nội dung đó chịu sự điều chỉnh của Điều lệ và các
quy định nội bộ Đảng.
Trong sự hiểu biết hạn hẹp của mình, chúng tôi mạnh
dạn nêu ra một phương án thể hiện điều khoản này như sau: “Nhân dân ủy thác cho
Đảng Cộng sản Việt Nam
vai trò lãnh đạo nhà nước. Đảng phải trung thành và đại biểu xứng đáng cho lợi
ích của nhân dân và đất nước, chịu trách nhiệm trước nhân dân, gắn bó mật thiết
với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến
pháp và pháp luật”.
Để thực sự giám sát thì cần sớm xây dựng Luật về Đảng
và sự lãnh đạo của Đảng. Vấn đề này cần thiết đối với cả đất nước và Đảng.
Thực tế đã chứng minh rằng, nếu chỉ đơn thuần dựa vào
giám sát nội bộ, tự cho phép mình đứng ngoài sự giám sát thực sự của nhân dân và
luật pháp thì Đảng càng có nguy cơ suy thoái nhiều hơn. Thực tế trong hoạt động
mấy năm qua của ban lãnh đạo đảng, của các cơ quan nhà nước và trong thực hành
mối quan hệ giữa các chủ thể đó đã phát sinh không ít tình huống phải xử lý
theo “lệ”, thiếu căn cứ luật pháp xác đáng. Điều đó càng chứng tỏ sự cần thiết
của luật nói trên.
Đề nghị này không mới mà đã được nhiều tổ chức và công
dân, kể cả cơ quan đảng, cán bộ lãnh đạo và đảng viên nêu ra từ nhiều năm
trước, nhưng chưa có tiến bộ.
Nguyên nhân có phần vì những khó khăn không nhỏ khi
phải xây dựng một luật chưa từng có tiền lệ và hình mẫu như luật này.
Nói cho cùng, nếu quả tình không thể xây dựng được
Luật về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng thì liệu có lý do gì chính đáng để bảo lưu
một điều khoản về vấn đề này trong Hiến pháp?
Bùi Đức Lại (nguyên
chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức Trung ương)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ