Thư ngỏ của ông Nguyễn Trung gửi Quốc hội, Chính phủ và ĐCSVN về sửa đổi Hiến pháp
Ông Nguyên
Trung chính là người chấp bút cho bức thư “tối mật” của Thủ tướng Võ Văn Kiệt
gửi Bộ Chính trị năm 1995 và cả 2 người đồng chí hướng đó đã chịu nhiều phiền
toái vì tội “cầm đèn chạy trước ô tô”. Sau đó thời gian, ông Nguyễn Trung tự
mình viết đơn gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt xin nghỉ chức trợ lý và ngay hôm sau
chưa cần Thủ tướng trả lời, ông chủ động khăn gói rời trụ sở thể hiện cái
dũng, cái trí của chỹ sĩ để tránh giảm bớt các áp lực đè nặng lên vai người thủ
trưởng, người Anh của mình.
Ngày nay, ở
tuổi 78 nhưng vẫn còn khỏe và cực kỳ minh mẫn, ông Nguyễn Trung tiếp tục
thể hiện trí tuệ, tâm huyết của mình đối với sự phát triển của đất nước. Thư
ngỏ của ông chắc chắn sẽ nhận được nhiều phản hồi tùy theo nhận thức góc nhìn
của mỗi người nhưng có điểm chung là đất nước đang trong thời mạt vận, dân
không còn lòng tin vào lãnh đạo mà đã mất lòng tin là mất tất cả!
.
“To be or not
to be” (tồn tại hay không tồn tại) câu nói của nhân vật Hamlet đã được ông
Nguyễn Trung giải trình cho chế độ toàn trị. Việc còn lại, nếu họ không biết
vượt qua chính mình, thì cái gì đến sẽ đến! Cái giá đắt phải trả không chỉ của
người người trong cuộc mà là cả dân tộc và đất nước hình chữ S mảnh mai thương
yêu của chúng ta. “
“ …
Không cải cách chế độ chính trị và hệ thống nhà nước hiện hành, không cải cách
và tổ chức lại ĐCSVN, Hiến pháp được sửa đổi hay Hiến pháp mới dù được viết hay
như thế nào cũng sẽ là vô nghĩa, thậm chí sẽ chỉ càng gây thêm hiểm họa mới cho
đất nước… “
Thư ngỏ của ông Nguyễn Trung gửi Quốc hội, Chính phủ và ĐCSVN về sửa đổi Hiến pháp
Thư ngỏ
Hà Nội, ngày 19-02-2013
Kính
gửi
-
Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,
-
Toàn thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt nam,
-
Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Kính
thưa,
Tôi là
Nguyễn Trung, 78 tuổi, trú tại 10(60A) ngõ 45A, phố Võng Thị, phường Bưởi, quận
Tây Hồ, Hà Nội. Với tư cách là một trong những người tham gia Kiến nghị của 72
nhân sỹ trí thức về việc sửa đổi Hiến pháp (Xin gọi tắt là Kiến
nghị 72, ngày 04-02-2013 đã được trao chính thức cho Ủy ban Dự thảo sửa
đổi Hiến pháp.), xin được phép trình bầy một số
suy nghĩ của tôi liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp đang được lấy ý kiến nhân
dân cả nước
Một
là, tôi nghĩ rằng sau 37 năm độc
lập thống nhất, lần đầu tiên đất nước lại đứng trước nhiều nguy cơ lớn. Đó là:
-
Cuộc khủng hoảng toàn diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa hiện nay đất
nước đang lâm vào khoảng một thập kỷ nay trầm trọng đến mức đe dọa sự mất còn
chế độ chính trị và Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN). Điều này cũng có nghĩa
cuộc khủng hoảng này đe dọa nghiêm trọng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc,
kìm hãm sự phát triển của đất nước. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải báo
cáo tình hình này trước cả nước tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Bộ Chính trị
nhận trách nhiệm về mình và đã xin lỗi trước cả nước và toàn Đảng.
-
Chủ nghĩa thực dân mới siêu cường Đại Hán đang trở thành vấn đề của cả thế giới
– đặc biệt là đối với khu vực Biển Đông, uy hiếp trực tiếp các nước tại đây;
đồng thời căng thẳng đang leo thang với nguy cơ có thể xảy ra chiến tranh trên
Biển Đông. Sự lũng đoạn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng – đặc biệt ở
Đông Nam Á – đã tới mức nguy hiểm, trong đó có Việt Nam với tính cách là chướng
ngại vật tự nhiên đầu tiên mà Trung Quốc nhất thiết phải khuất phục trên đường
vươn ra đại dương. Cần nhìn thẳng vào sự thật là sự lũng đoạn
mọi mặt của Trung Quốc hiện nay trên thực tế đã đặt Việt Nam lọt thỏm
vào vòng kiềm tỏa nhiều mặt của Trung Quốc. Không ít ý kiến trong nhân dân cho
rằng về nhiều mặt Việt Nam
trên thực tế đã trở thành một chư hầu kiểu mới của chủ nghĩa thực dân mới siêu
cường Đại Hán.
-
Hệ thống chính trị của Việt Nam có quá nhiều bất cập để có thể cùng một lúc
giải quyết 3 vấn đề lớn nóng bỏng đang đặt ra cho đất nước: (1)cần ổn định kinh
tế để tìm đường đi vào một thời kỳ phát triển mới, nhưng hiện nay vẫn chưa có
kế sách khả thi nào, nguy cơ kinh tế rơi xuống đáy sâu hơn nữa vẫn là thường
trực; (2)chế độ chính trị tha hóa và quá yếu kém; tình hình đã đến mức vô hiệu
hóa nhiều nỗ lực cứu chữa đã bỏ ra, tiếp tục kìm hãm sự phát triển của đất
nước; trong khi đó hệ thống chính trị vẫn tiếp tục lún sâu hơn nữa vào độc tài
toàn trị, để xảy tay có thể dẫn đến đổ vỡ; (3)đất nước vừa cần một sức mạnh bên
trong làm nền tảng cho chính sách đối ngoại, vừa cần một đường lối đối ngoại
độc lập tự chủ để đứng vững được trong tình hình căng thẳng và rất nhạy cảm
hiện nay – đặc biệt là trên Biển Đông; song hiện nay cả hai đòi hỏi này cho mặt
trận đối ngoại đều chưa có.
Có thể
nói, những yếu kém của đất nước trong bối cảnh mới của tình hình quốc tế và khu
vực – nhất là hiện tượng leo thang gây căng thẳng của Trung Quốc, đặc biệt là
trên Biển Đông – đang uy hiếp nghiêm trọng độc lập chủ quyền và kìm hãm
sự phát triển của đất nước ta.
Hai
là toàn bộ tình hình nêu trên đã
được hàng nghìn ý kiến cảnh báo trong những kỳ chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc
lần thứ X và lần thứ XI của ĐCSVN, rất tiếc rằng không được lãnh đạo lắng nghe
và tiếp thu.
Trong
những ý kiến cảnh báo ấy, ý kiến quan trọng nhất là nhận định cho rằng nguyên
nhân cơ bản của tình hình đất nước hiện nay là sự tha hóa và bất cập của toàn
bộ hệ thống chính trị, bắt đầu từ Đảng. Nhận định này kết luận: Tình hình
đòi hỏi phải thực hiện một cuộc cải cách chính trị triệt để và toàn diện để mở
lối ra cho đất nước. Song trong thực tế, đòi hỏi vô cùng quan trọng này
chẳng những bị gạt đi, mà toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước trong gần một
thập kỷ vừa qua ngày càng tiếp tục lún sâu vào bảo thủ, giáo điều, quan liêu;
tệ nạn tiêu cực và tham nhũng ngày càng nặng; các quyền tự do dân chủ của nhân
dân ngày càng bị xâm phạm. Chính thực trạng này là nguyên nhân gốc làm cho
những năm vừa qua là thời kỳ phát triển xấu nhất, nguy hiểm nhất trong suốt 37
năm độc lập đầu tiên của đất nước.
Nói riêng
về ĐCSVN, những năm vừa qua cũng là thời kỳ quyền lực Đảng phạm nhiều sai lầm
và có nhiều hiện tượng hư hỏng, suy đồi chính trị và đạo đức nhất kể từ khi
thành lập.
Ba
là, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI
đã phần nào nhận ra thực trạng nguy hiểm nêu trên của đất
nước và của Đảng, nhưng lại bất cập không dám nhìn thẳng vào toàn bộ sự thật,
do đó chưa nhìn ra được nguyên nhân gốc là lỗi của hệ thống chính trị và của
những quan điểm sai lầm của Đảng trong đường lối chính sách xây dựng và bảo vệ
đất nước.
Với cách
nhìn sự thật phiến diện như vậy, Hội nghị Trung ương 4 lấy tự phê bình và phê
bình kiểm điểm cá nhân là phương thức giải quyết mọi sai lầm và yếu kém hay là
bước đột phá đầu tiên; trong khi đó tiếp tục giữ nguyên và xiết chặt hơn nữa hệ
thống chính trị theo hướng tăng cường “đảng hóa”, với mục đích tăng cường khả
năng đối phó của Đảng với sự bất bình chính đáng đang ngày càng tăng trong nhân
dân về mọi vấn đề của đất nước. Điển hình nhất của tình trạng “xiết” này là
những hiện tượng: tăng cường “19 điều cấm trong Đảng”, sự kìm kẹp chưa từng
thấy đối với trên 700 báo chí các loại của hệ thống chính trị (được gọi là báo
chí “lề phải”), xuất hiện cái gọi là “đội ngũ dư luận viên” chưa hề có ở một
quốc gia dân chủ nào, thẳng tay trấn áp đối với những người bất đồng chính kiến
và đối với những cuộc biểu tình của nhân dân bảo vệ biển đảo của tổ quốc… v… v…
Cũng với
cách nhìn sự thật theo kiểu tránh né nguyên nhân gốc như vậy. Hội nghị Trung
ương 5 và 6 sau đó lấy chống tham nhũng là mặt trận chính. Quyết định này sai
lầm ở chỗ (a)chủ yếu nhằm vào xử lý vụ việc, chứ không phải nhằm vào sửa lỗi hệ
thống là chính, (b)đặt vấn đề chống tham nhũng lên trên mọi vấn đề cấp bách
khác quan trọng hơn nhiều, nghĩa là rất cảm tính và thiên lệch – ví dụ như vấn
đề ổn định kinh tế vỹ mô, trả lại các quyền tự do dân chủ của dân để thực hiện
được chủ quyền của nhân dân cho phát huy sức mạnh nội lực, vấn đề tạo ra sự
công khai minh bạch trong đời sống mọi mặt của đất nước, đòi hỏi trả lại vai
trò phải có cho nhà nước pháp quyền để cả nước – bao gồm cả Đảng – phải tuân
thủ pháp luật… Với 2 sai lầm lớn như vậy trong việc đặt ra vấn đề chống tham
nhũng, lại thực hiện trong tình trạng Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị có quá
nhiều tiêu cực và yếu kém, nên đến nay kết quả thực hiện các nghị quyết của các
Hội nghị Trung ương 4, 5, 6 liên quan đến chủ đề này có nhiều biến tướng rất
đáng lo ngại, đến nay có thể nói là thất bại. Chính đồng chí Tổng bí thư không
dưới một lần gián tiếp nhưng đã phải công khai thừa nhận như vậy.
Hơn nữa,
trong khi tập trung mũi nhọn vào chống tham nhũng một cách phiến diện như vậy,
đã xảy ra một số sự việc, một số phát ngôn rất thiếu cân nhắc, thiếu trách
nhiệm (đôi khi có cả thứ ngôn ngữ mang đặc tính “anh chị”) của
một số người có trọng trách… Những hiện tượng này hình như cho thấy câu chuyện
đang diễn ra không phải chỉ có việc chống tham nhũng, mà còn là biểu hiện bên
trong của những động cơ, những hiện tượng “đánh nhau”, “đối phó với nhau”…
không thèm đếm xỉa đến tác động như thế nào đối với kỷ cương, sự uy
nghiêm và mối an/nguy của quốc gia. Những hiện tượng này hoàn toàn không được
phép xảy ra với những chính khách chân chính!
Qua các
Hội nghi Trung ương 4, 5 và 6, quyền lực của Đảng đang tự mình tiếp tục làm mất
thêm uy tín của Đảng và gây thêm nhiều khó khăn nguy hiểm cho đất nước. Đơn
giản bởi lẽ “nhóm” nào thắng thì đất nước cũng thua; vì hệ thống chính trị có
quá nhiều sai lầm và quyền lực của nó vẫn được bảo toàn nguyên vẹn, thậm chí
đang được “xiết” thêm. Trong khi đó trí tuệ và nguồn lực mọi mặt của đất nước
không được tập trung vào xử lý những vất đề cấp bách nhất của đất nước; xảy ra
quá nhiều hiện tượng “vạch áo cho người xem lưng” làm ảnh hưởng đến an ninh và
thể diện quốc gia. Toàn bộ tình hình nhạy cảm này chỉ tăng thêm cơ hội cho sự
lũng đoạn của Trung Quốc…
Tình
hình mọi mặt hiện nay của đất nước đã đi tới thời điểm không thể trì hoãn cuộc
cải cách chính trị toàn diện. Bối cảnh quốc tế vừa đòi hỏi, thách thức, cũng
vừa tạo ra những thuận lợi chưa từng có cho một cuộc cải cách chính trị để xây
dựng nên một thể chế chính trị dân chủ cho Việt Nam. Đất nước ta hiện nay lại
đang đứng trước yêu cầu bức thiết phải sửa đổi Hiến pháp và thực tế đang cho
thấy Hiến pháp 1992 dù sửa thế nào cũng không thể đáp ứng những đòi hỏi phát
triển mới của đất nước; vì những lẽ này, xây dựng một Hiến pháp mới phù hợp là
bước khởi đầu đúng đắn cho tiến hành cải cách chính trị.
Bốn
là, tôi xin trình bầy một số điểm
chính về cải cách chính trị, với tất cả mong muốn thiết tha ĐCSVN không được
trốn tránh – (1)vì lẽ: Đảng nợ nhân dân nhiệm vụ lịch sử sau khi đất nước đã
được độc lập thống nhất, đó là xây dựng một thể chế chính trị dân chủ để thực
hiện những quyền và hạnh phúc của nhân dân như đã ghi trong Tuyên Ngôn Độc Lập 02-09-1945;
và (2)còn vì lẽ: ĐCSVN cần tranh thủ cơ hội cuối cùng này để tự
giải phóng chính mình khỏi sự nô lệ của quyền lực, giành lại vai trò lãnh đạo
dựa vào tính tiền phong chiến đấu của mình như ĐCSVN đã từng có một thời trong
cộng đồng dân tộc suốt giai đoạn kháng chiến cứu nước, để trên cơ sở này phấn
đấu trở thành đảng cầm quyền trong hệ thống nhà nước pháp quyền dân chủ.
Dưới đây
là một số ý kiến cụ thể:
1. Kết
thúc Hội nghị Trung ương 6, Bộ Chính trị đã nhận lỗi trước nhân dân và trước
toàn Đảng về trách nhiệm đã để cho đất nước gặp nhiều khó khăn và lâm vào hoàn
cảnh bị uy hiếp như hôm nay, đã tự giác tuyên bố sẵn sàng nhận kỷ luật của
Đảng. Cá nhân tôi đánh giá cao việc nhận lỗi này. Tuy nhiên, tôi xin
đề nghị Bộ Chính trị tự đặt ra cho mình mức kỷ luật là: Toàn thể Bộ Chính trị
khóa XI hết nhiệm kỳ này sẽ thôi không tham gia vào bất kỳ cấp ủy nào của Đảng
dù ở địa phương hay trung ương.
Toàn thể
Bộ Chính trị khóa XI cam kết trước cả nước và toàn Đảng sẽ dẹp hết sang một bên
mọi khúc mắc riêng tư với nhau, một lòng cùng nhau trong suốt thời gian còn lại
của nhiệm kỳ khóa Đại hội XI này đem tất cả tinh thần và nghị lực với ý thức
trách nhiệm cao nhất phát huy trí tuệ cả nước và toàn Đảng để
(a)tháo
gỡ những khó khăn cấp bách nhất,
(b)thực
hiện thắng lợi giai đọan đầu của cuộc cải cách chính trị;
(c)xây
dựng được Hiến pháp mới và thiết lập được thể chế của nhà
nước pháp quyền dân chủ.
2. Ban
Chấp hành Trung ương ĐCSVN khóa XI cũng phải cùng chịu trách nhiệm với Bộ Chính
trị khóa XI về tình hình đất nước hiện nay, cần nhận lỗi trước toàn dân và toàn
Đảng. Với tinh thần này, và đồng thời đáp ứng yêu cầu đem lại cho Đảng sức sống
mới, toàn thể các đảng viên đã tham gia 2 khóa là ủy viên Ban chấp hành Trung
ương Đảng sẽ thôi không tham gia vào danh sách bầu cử hay tự ứng cử vào BCHTƯ
khóa XII nữa; và từ đây trở đi hình thành nguyên tắc không đảng viên nào được
tham gia BCHTƯ quá 2 nhiệm kỳ, xóa bỏ hẳn cái “lệ” sống lâu lên lão làng.
Từ đây tạo cơ hội thay đổi hoàn toàn việc tổ chức và xây dựng Đảng cho đúng với
đòi hỏi phấn đấu trở thành đảng cầm quyền trong một thể chế chính
trị dân chủ của nhà nước pháp quyền.
3. Bộ
Chính trị khóa XI huy động trí tuệ cả nước và tận dụng kinh nghiệm các nước đi
trước cũng như khai thác mọi thành quả của văn minh nhân loại, phát huy bằng
được chủ quyền và quyền năng của nhân dân, dấy lên tinh thần đoàn kết – hòa
giải dân tộc, cùng nhau xây dựng thành công Hiến pháp mới cho một nước Việt Nam
là tổ quốc muôn vàn yêu quý và là quê hương độc lập – tự do – hạnh phúc
của mọi người dân Việt Nam. Nước ta sẽ cùng dấn thân với cả loài người tiến bộ
cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, tất cả cho con người và vì quyền
con người.
Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ căn cứ vào Hiến pháp mới do dân định
này, để xây dựng và tổ chức lại đảng mình, để có được khả năng, ảnh hưởng và
vai trò lãnh đạo trong xã hội dân sự, để từ đó phấn đấu được nhân dân lựa chọn
(qua bầu cử trung thực) làm đảng cầm quyền theo những đòi hỏi và quy định của
nhà nước pháp quyền (đặc biệt là những quy định về tự do bầu cử, tự do ứng cử
và về sự tuyển chọn công chức của nhà nước pháp quyền).
Hiến
pháp mẫu 2013 kèm theo Kiến nghị 72 rất đáng được đưa
ra thảo luận rộng rãi trong nhân dân; cần khuyến khích có thêm một vài hiến
pháp mẫu như thế và trao đổi công khai mọi ý kiến đóng góp khác nhau cho vấn đề
Hiến pháp để nhân dân dễ so sánh, đối chứng.., qua đó tối ưu hóa sự lựa chọn
của nhân dân.
Xin
lưu ý: Chủ quyền tối cao của quốc gia thuộc về nhân dân, kể cả ĐCSVN cũng phải
phục tùng và tuân thủ; vai trò lãnh đạo của ĐCSVN phải được thể hiện ở chỗ tạo
mọi điều kiện để nhân dân thực hiện đầy đủ chủ quyền này. Đảng phải coi nội
dung lãnh đạo như thế là nhiệm vụ tối cao và thiêng liêng nhất của mình trong
giai đoạn phát triển mới của đất nước.
4. Đề
nghị Quốc Hội, Bộ Chính trị và Chính phủ giao nhiệm vụ cho trên 700 báo chí của
toàn bộ hệ thống chính trị tìm hiểu, nắm vững những kiến thức tiên tiến nhất
của văn minh thế giới về hiến pháp, nhằm tổ chức học tập và quảng bá rộng rãi
trong cả nước và trong toàn Đảng những kiến thức mới về xây dựng một chế độ
chính trị dân chủ dựa trên kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân
sự. Toàn bộ nguồn lực trí tuệ của cả nước cần được huy động cho việc nâng cao
dân trí, nâng cao khả năng của nhân dân thực hiện chủ quyền của mình đối với
đất nước và đối với chế độ chính trị, cổ vũ nhân dân tham gia xây dựng Hiến
pháp mới, coi đây là nhiệm vụ đầu tiên đặt nền móng cho toàn bộ quá trình cải
cách chính trị của đất nước.
Đồng thời
Quốc hội, Bộ Chính trị và Chính phủ thả hết những người bất đồng chính kiến
đang bị tù tội, chỉ thị cho các cấp và các địa phương phải tôn trọng mọi quyền
tự do, dân chủ của nhân dân. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và sự công
khai minh bạch phải được bảo đảm trong mọi lĩnh vực của đời sống đất nước.
Cải
cách chính trị cần được xem là một quá trình thường trực, lâu dài, để luôn luôn
đổi mới, và cần được tiến hành song song – vừa là cứu cánh, vừa là tiền đề –
với sự nghiệp canh tân đất nước.
5. Đề
nghị Quốc hội, Bộ Chính trị và Chính phủ huy động trí tuệ cả nước, đăc biệt là
cố sao mời gọi được trí tuệ của các trí thức có tầm nhìn và tâm huyết với đất
nước, hình thành một chiến lược tổng thể và thiết kế các bước đi của một
cuộc cải cách chính trị triệt để, nhằm thay đổi đất nước toàn diện và sâu sắc,
sao cho quá trình cải cách này diễn ra một cách hòa bình, hài hòa, kinh tế ổn
định và có hướng phát triển mới, đồng thời tiếp tục nâng cao vị thế đối ngoại
của đất nước. Rất đáng tham khảo kinh nghiệm của Myanmar cho cuộc cải
cách chính trị này ở nước ta – đặc biệt là những kinh nghiệm về phát huy chất
xám của trí thức, kinh nghiệm thiết kế trình tự và tiến độ rất hợp lý các bước
đi, sự lồng ghép các bước đi… trong quá trình thực hiện dân chủ, để vừa giữ
được ổn định, vừa từng bước tháo gỡ khó khăn và phát triển kinh tế, tiến hành
được cải cách hệ thống nhà nước pháp quyền, đồng thời nâng cao vị thế quốc tế
để gìn giữ an ninh quốc gia.
Trong
cải cách, cũng như trong khắc phục những sai lầm trên mọi phương diện kinh tế
và chính trị, cần chú trọng quan tâm đến khắc phuc những lỗi hệ thống và những
yếu kém vỹ mô là chủ yếu; cố gắng thực hiện tối đa nguyên tắc khép lại quá khứ,
không ngoái lại quá khứ, không hồi tố; đồng thời nỗ lực hết mức thực hiện hòa
giải, cố tránh hết sức có thể việc hình sự hóa các vấn đề… Tất cả nhằm giảm
xuống mức thấp nhất mọi tổn thất và đổ vỡ mới, phòng ngừa phát sinh những rạn
nứt mới có thể xảy ra trong quá trình cải cách, đồng thời nhờ đó có thể tạo ra
sự tin cậy nhau và đồng tâm hiệp lực hướng về phía trước, phát huy tối đa mọi
khả năng và nguồn lực cho việc mau chóng chuyển đất nước đi vào thời kỳ phát
triển mới.
Hòa
giải, khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ, không hồi tố, tránh hết mức có
thể việc hình sự hóa – đấy là cách mở lối thoát cho những vấn đề bế tắc hay có
thể gây xung đột lớn trong quá trình cải cách, để vĩnh viễn khép lại quá khứ,
để giảm xuống mức thấp nhất mọi tổn thất, để bảo tồn và chắt chiu mọi nguồn lực
cho nhiệm vụ mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Riêng những vấn
đề liên quan đến ruộng đất, cần được giải quyết trên cơ sở ưu tiên lợi ích của
nông dân.
Toàn
bộ bộ máy nhà nước và các lực lượng vũ trang cần được giữ nguyên trong quá
trình cải cách để bảo đảm sự vận hành liên tục và thông suốt mọi hoạt động của
quốc gia, điều duy nhất phải thay đổi là toàn bộ bộ máy nhà nước và các lực
lượng vũ trang từ nay chịu sự điều hành của Hiến pháp và các cơ quan hiến định.
Xây phải được đặt ở vị trí quan trọng hơn chống như
trình bầy trên trong cải cách chính trị chính là với ý nghĩa: thỏa hiệp chấp
nhận sự (đã) trả giá cho thời kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản hoang dã vừa
qua, để từ đây chấm dứt thời kỳ này, để hòa bình và sớm chuyển nhanh một cách
hài hòa sang thể chế mới, thời kỳ phát triển mới[2].
Xin
lưu ý: Chính quyền của tổng thống Myanmar Thein Sein trong vòng 20
tháng đã hoàn thành được cả 3 việc khó tương tự như ở nước ta là: (1)cải cách
chính trị, (2)ổn định và phát triển kinh tế, (3)nâng cao vị thế quốc tế của
quốc gia. Đáng chú ý là việc chuyển đổi chính quyền quân phiệt độc tài Myanmar sang
thể chế chính trị của nhà nước pháp quyền dân chủ, không tốn một phát súng,
không mất một nhân mạng. Nguyên nhân thành công chủ yếu là những người nắm
quyền lực cao nhất của đất nước này đã thấy được sự cần thiết và đồng lòng nhất
trí tiến hành cuộc cải cách có ý nghĩa sống còn này, huy động được chất xám
trong lòng dân tộc theo tinh thần hòa giải cho sự thành công của cải cách. Đấy
chính là một cuộc cải cách chính trị tử trên xuống và thành công ngoạn mục, mặc
dù đấy mới chỉ là những bước đi đầu tiên trên con đường vạn dặm để tiến tới một
Myanmar
phát triển.
Nhân đây
xin cảnh báo: “Đục nước béo cò”, “cướp cờ”, “nguy
cơ xuất hiện Lê Chiêu Thống đời mới” (ví dụ nhân danh bảo vệ
Đảng, bảo vệ chế độ XHCN…) luôn luôn là những thủ đoạn các con buôn cơ hội đủ
mọi chủng loại, dù là trong nước hay nước ngoài, thường xử dụng để kiếm lợi
trên tổn thất và xương máu của đất nước ta vào lúc đất nước ta thực hiện bước
ngoặt đi vào cải cách. Mong trí tuệ cả nước đừng bao giờ mất cảnh giác!
Tôi xin nhấn
mạnh, việc sửa đổi/soạn thảo Hiến pháp mới nhất thiết phải được coi là bước mở
đầu và là nền tảng cho toàn bộ quá trình tiến hành cải cách chính trị và cải
cách ĐCSVN. Không cải cách chế độ chính trị và hệ thống nhà nước hiện
hành, không cải cách và tổ chức lại ĐCSVN, Hiến pháp được sửa đổi hay Hiến pháp
mới dù được viết hay như thế nào cũng sẽ là vô nghĩa, thậm chí sẽ chỉ càng gây
thêm hiểm họa mới cho đất nước.
Kính
thưa Quốc hội, Bộ Chính trị và Chính phủ,
Khép lại
quá khứ, không ngoái lại quá khứ và vượt lên nỗi sợ, quyết tâm dựa hẳn vào dân,
lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay ngồi lại với nhau thì hoàn toàn có thể cùng
nhau hội đủ mọi điều kiện trong tay thực hiện thắng lợi một cuộc cải cách chính
trị từ trên xuống để đổi đời đất nước và đổi đời chính ĐCSVN trong hòa bình, mở
đầu bằng xây dựng một Hiến pháp mới. Chắc chắn cả nước sẽ một lòng sắt đá với
tinh thần Diên Hồng đứng đằng sau một quyết định hòa bình đổi đời như thế của
lãnh đạo Đảng và Nhà nước! Như thế có gì mà sợ? Chỉ ở Việt Nam mới có tình
huống này. Diễn tiến của lịch sử Việt Nam khách quan tạo ra như vậy. Càng
để muộn, cơ hội này có nguy cơ lại vuột đi, như ba lần cơ hội lớn đã vuột đi
trong gần bốn thập kỷ vừa qua[3].
Xin cứ
ngẫm mà xem, trên cả thế giới này, chỉ một mình Việt Nam mới có những điều kiện
đặc thù lịch sử dành cho ĐCSVN khả năng thực hiện một kịch bản hòa bình đổi đời
như thế, nhất thiết lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay phải có tâm và đủ bản
lĩnh nắm lấy! Đó cũng là kịch bản tối ưu duy nhất, đáng mong muốn nhất cho đất
nước và kế thừa được truyền thống vinh quang trước đây của ĐCSVN, là trách
nhiệm không thể thoái thác của ĐCSVN trong giai đoạn cách mạng mới của đất
nước. Ở các nước khác mà như ta hiện nay sẽ khó có chuyện này, chí ít thì cũng
đã phải xảy ra vài ba cuộc “mùa xuân Ả Rập” rồi!.. Tuy nhiên cũng phải nhắc
nhở: Sự chịu đựng của nhân dân ta đang ở mức báo động đỏ.
Nếu lãnh
đạo Đảng và Nhà nước hiện nay bạc nhược bỏ lỡ kịch bản hòa bình đổi đời này,
một kịch bản sụp đổ như ở Liên Xô vào lúc nào đó, sớm muộn sẽ xảy ra ở nước ta,
do chế độ chính trị đang ngày càng mục nát bên trong và không đương đầu nổi
những thách thức quyết liệt từ bên ngoài. Khác chăng so với Liên Xô hồi ấy là:
Ở Việt Nam
sẽ rất hỗn loạn và đẫm máu.
Trong
cuộc chiến tranh 17-02-1979, Trung Quốc trong cùng một giờ đã cho khoảng nửa
triệu quân ào ạt tấn công toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc nước ta; sự việc này
cho thấy: Một khi xảy ra sụp đổ chế độ chính trị như thế ở Việt Nam, không loại
trừ xuất hiện tình huống vì bất kể lý do gì, quân đội Trung Quốc lúc nào đó sẽ
can thiệp… Đất nước ta sẽ đi về đâu?.. Thế rồi sẽ làm sao tránh khỏi nguy cơ
vấn đề Biển Đông là chuyện đã rồi như Hoàng Sa?!.. Vân vân và vân vân…
Sự
nghiệp đất nước độc lập thống nhất phải hy sinh chiến đấu nhiều thế hệ mới
giành được làm sao có thể bảo toàn nếu cứ kéo dài mãi tình trạng đất nước èo
uột, lệ thuộc như hiện nay?! Lấy gì giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền
quốc gia trong tình hình mới? Giữ đại cục mà nhiều yếu kém thế này liệu đất
nước có được yên? Giữ đại cục đến mức nào thì là sự đầu hàng trá hình?..
Câu
chuyện ngày càng rõ: Ngày nay
giữ nước phải có toàn dân tộc và cả thế giới, chứ không phải là giữ Đảng như
đang là đảng hiện nay! Ngày nay giữ nước, đất nước càng phải mau chóng
trở thành một quốc gia phát triển!
Lãnh đạo
Đảng và Nhà nước cần nghiêm túc nghĩ lại tất cả! Dứt khoát cần thông qua cải
cách chính trị xốc toàn dân tộc đứng dậy phát triển đất nước bền vững, xây dựng
Việt Nam là một thành trì bất khả xâm phạm, cùng với cả thế giới gìn giữ hòa
bình.
Bí quyết
thành công của Cách mạng Việt Nam là: Tinh thần yêu nước Việt Nam đã từng đủ
bản lĩnh giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ làm nên Cách mạng Tháng Tám và hoàn
thành sự nghiệp giải phóng đất nước, giành lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc,
tranh thủ được sự hậu thuẫn của cả thế giới cho sự nghiệp vẻ vang này, và đồng
thời đã xác lập được cho quốc gia vị trí quan trọng trên trường quốc tế.
Trước
những thách thức mới quyết liệt từ bên ngoài, trước những đòi hỏi phát triển
của đất nước trong thời kỳ mới, hơn bao giờ hết Việt Nam cần tiếp tục giương
cao ngọn cờ dân tộc – dân chủ với trí tuệ mới, để xây dựng được đất nước độc
lập – tự do – hạnh phúc, để có thể dấn thân cùng đi với cả thế giới.
Tinh thần này cần trở thành linh hồn cho một Hiến pháp mới của đất nước bây giờ
và mãi mãi về sau.
Bốn cuộc
chiến tranh trong vòng một đời người, và biết bao nhiêu thương đau đến hôm nay
đất nước vẫn đang còn phải chịu đựng, như thế là quá nhiều rồi! Mà đến hôm nay
đất nước vẫn chưa ra khỏi cái nghèo và lạc hậu, có nhiều mặt tiếp tục lạc lõng!
Tôi không thể chấp nhận nhân dân ta, đất nước ta lúc nào đó lại một lần nữa sẽ
phải trầm luân trong một cuộc bể dâu mới đẫm máu.
Vì vậy
tôi cho rằng phải thông qua hòa giải dân tộc để thực hiện cải cách toàn diện,
nhờ đó thực hiện sự nghiệp canh tân đổi đời đất nước đến nay vẫn bị bỏ lỡ. Tiến
bộ của văn minh nhân loại, của khoa học kỹ thuật và công nghệ, toàn cầu hóa ở
nấc thang hiện tại.., tất cả vừa tạo cơ hội, vừa thách thức nước ta phải lựa
chọn con đường của phát triển, bắt đầu từ thực hiện tự do, dân chủ.
Đúng ra
phải nói thật với nhau cải cách chính trị đã để muộn mất 37 năm rồi – ngay sau
khi đất nước độc lập thống nhất, chí ít là muộn 23 năm nay rồi – ngay sau khi
chiến tranh lạnh kết thúc và Việt Nam hoàn toàn có thể đứng trên hai
chân của mình! Không thể để muộn hơn nữa!
Chính sự
chậm trễ này là nguyên nhân gốc làm cho đất nước độc lập mà nhân dân vẫn chưa
có tự do, lối ra cho cuộc khủng hoảng đất nước đang lâm vào chưa rõ, mục tiêu
cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020 trở
thành ảo tưởng.
Chính sự
chậm trễ này khiến cho đất nước đang lâm vào tình trạng bị động chiến lược đầy
nguy hiểm: Chưa có một tầm nhìn, một lời giải nào thuyết phục cho những thách
thức kinh tế và chính trị, đối nội và đối ngoại đất nước đang phải đối mặt
trong bối cảnh siêu cường đang lên Trung Quốc trở thành vấn đề của cả thế giới
mà Việt Nam ở vào vị trí địa lý tự nhiên, vị trí địa kinh tế và địa chính trị
cực kỳ nhậy cảm.
Sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ đất nước bây giờ đòi hỏi hơn bao giờ hết phải có toàn dân
tộc và cả thế giới, sự chậm trễ này chưa giúp chúng ta trả lời làm như thế
nào?!
Vì những
lẽ trên, cải cách hệ thống chính trị của đất nước trở thành chuyện sống còn.
Đòi hỏi xây dựng Hiến pháp mới đang cho đất nước một cơ hội.
Không có
một thế lực nào bên trong hoặc bên ngoài có thể cấm nước ta đi vào một cuộc cải
cách chính trị triệt để và toàn diện như thế, chỉ có sự tha hóa của hệ thống
chính trị và tình trạng kìm hãm không dám thức tỉnh sự giác ngộ của nhân dân
đang cản trở đất nước tiến hành nhiệm vụ này. Tự nhận về mình vai trò lãnh đạo,
tại sao ĐCSVN không dám đứng lên tiền phong chiến đấu khắc phục hai trở lực
này?
Tuy
nhiên, mười bạn của tôi hôm nay, thì có đến chín người nói đòi hỏi ở ĐCSVN
hiện nay, đòi hỏi chế độ chính trị này tự mình đổi đời bây giờ là điều
không thể. Không ít bạn bè chí cốt và người thân trong nhà mắng tôi tư duy cải
cách như thế là kẻ ngu trung, quở trách tôi sao không để cho ngôi nhà đã mục
nát sụp đổ quách đi cho nhanh, kéo dài sự đau khổ của đất nước làm gì!?..
Vậy chỉ còn cách những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay hạ quyết tâm
vượt qua điều không thể này.
Tôi nghĩ
lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang đứng trước cơ hội và có trách nhiệm ràng buộc
khởi xướng cuộc cải cách chính trị hòa bình đổi đời đất nước và đổi đời chính
bản thân ĐCSVN, bắt đầu từ xây dựng một Hiến pháp mới. Hoặc là để vuột mất cơ
hội này và mắc tội đối với đất nước? Tôi không thay đổi được suy nghĩ của mình.
Kính thư,
Nguyễn Trung, 10 (60A) ngõ 45
A phố Võng Thị, Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, Hà Nội, Đt. 04
38363036
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ