Thanh Chi - Thanh Chương quê tôi: Học sinh mầm non học tập Bác Hồ - mấy tay lãnh đạo xã phù phép trục lợi tiền chính sách
Người đang sống bị khai tử,
người đã chết bỗng dưng sống lại, đang trẻ bỗng biến thành ông già bà lão trên
80 tuổi... những chuyện như đùa đó đã diễn ra nhiều năm nay ở xã Thanh Chi
(huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).
Ông Nguyễn Văn Vinh (xóm 3, Thanh Chi) cho biết, mẹ của ông là Nguyễn
Thị Ba đã hơn 90 tuổi và đang sống tại TPHCM, nhưng từ năm 1998 xã lại ghi bà
đã qua đời và có giấy khai tử.
Sự việc kéo dài đã nhiều năm nhưng có
lẽ gia đình sẽ không phát hiện ra nếu cách đây hơn ba tháng một người nhà của
ông Vinh là bà Trần Thị Nhung qua đời. Khi gia đình lên làm khai tử để hưởng
chế độ mai táng phí theo tiêu chuẩn gia đình có công với Cách mạng, được ông
Minh – Phó chủ tịch UBND xã làm xong thủ tục nạp hồ sơ lên phòng LĐTBXH huyện
thì mới hay bà Nhung đã được xã khai tử từ năm 2002, sau bà Ba. Bà Ngô Thị Sửu
(xóm 6) đang sống nhưng cũng đã được xã lập hồ sơ khai tử.
Không chỉ khai tử cho người đang sống,
UBND xã Thanh Chi còn có trò ngược lại là kéo dài thêm tuổi thọ cho những người
cao tuổi đã mất để tiếp tục nhận nguồn trợ cấp từ huyện.
Theo thống kê, có 37 đối tượng người
cao tuổi sau khi mất, UBND xã Thanh Chi vẫn báo cáo lên huyện là đang sống để
UBND huyện tiếp tục chuyển tiền trợ cấp về cho xã.
Đó là các trường hợp như bà Đậu Thị
Chương (xóm 6), mất từ tháng 5-2011, đến tháng 1-2012 mới báo cáo; bà Chu Thị
Yêng (xóm 10), mất tháng 4 nhưng đến tháng 8-2012 xã mới báo lên huyện v.v...
Tổng số tháng chậm báo cáo đối với 37 trường hợp là 60 tháng với tổng số tiền
trợ cấp lên đến hàng chục triệu đồng.
Nhiều người trong số này là người nhà và
người thân của cán bộ UBND xã như trường hợp bố của ông Lê Văn Thủy - hiện đang
làm Phó chủ tịch UBND xã; bà của chị Lê Thị Sen - hiện đang làm kế toán ở xã;
ông của Nguyễn Cao Bằng cán bộ địa chính xã Thanh Chi.
Theo tài liệu chúng tôi có được, từ
năm 2008 đến hết năm 2011, xã Thanh Chi đã sửa lại ngày tháng năm sinh trong sổ
hộ khẩu, nâng thêm tuổi cho 8 đối tượng để được hưởng trợ cấp người cao tuổi.
Tổng số tiền mà UBND xã đã chi trả không đúng đối tượng cho 8 người này là
43.320.000 đồng.
Nhiều người được khai khống tuổi để được hưởng
trợ cấp là thân nhân của cán bộ xã, trong đó có người thân của chính ông Phạm
Viết Thanh - Trưởng công an xã Thanh Chi.
Đoàn kiểm tra Huyện ủy Thanh Chương đã
có kết luận về các trường hợp khai khống tuổi và sai phạm của cán bộ xã Thanh
Chi, tuy nhiên Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Thanh Chương chỉ yêu cầu Đảng ủy, UBND
xã Thanh Chi tổ chức Hội nghị kiểm điểm đối với tập thể các Ủy viên Ban Thường
vụ Đảng ủy và chỉ đạo kiểm điểm, xử lý đối với một số đối tượng liên quan, đồng
thời yêu cầu UBND xã thu hồi 43.200.000 đồng chi trả sai chế độ và số tiền trên
45.357.300 đồng chi không hết của 3 năm từ 2008 - 2010, còn các vấn đề khác
không đề cập đến.
Sau đó Đảng ủy xã Thanh Chi chỉ đạo
các Chi bộ có Đảng viên vi phạm kiểm điểm, xử lý, nhưng khi lên kiểm điểm tại
Đảng ủy thì quyết định xử lý kỷ luật cao nhất chỉ là “khiển trách”.
Ông Lê Quang Đạt – Bí thư Huyện ủy
Thanh Chương cho biết, ngoài xã Thanh Chi còn có một số xã khác cũng để xảy ra
những sai phạm tương tự, tuy nhiên xã Thanh Chi sai phạm nặng nhất.
Hiện nay Huyện ủy đang thành lập Ban
kỷ luật và quan điểm của huyện là sẽ xử lý nghiêm minh những đối tượng liên
quan, trong đó Chủ tịch UBND xã là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm.
Như chúng tôi đã có bài viết phản ánh sai phạm trong việc chi trả tiền chính sách tại xã Thanh Chi (huyện Thanh Chương, Nghệ An). Không chỉ khai tử người đang sống, nâng khống tuổi để bòn rút tiền của nhà nước, mà đến cả việc chi trả tiền trợ cấp hằng tháng cho người tâm thần, người tàn tật tại đây cũng có nhiều dấu hiệu bất minh.
12 năm bị xích, tiền trợ cấp
bị “ém”
Anh Nguyễn Văn Đồng (SN 1979), con ông
Nguyễn Văn Mẫu, trú tại thôn Thượng Hòa, xã Thanh Chi vốn là người hiền lành,
khỏe mạnh. Năm 2000, Đồng đột nhiên mất trí nhớ, rồi trở nên điên loạn.
Một hôm, ông Mẫu đi làm ruộng về, đến
sân nhà thấy máu me vung vãi. Ông hốt hoảng chạy đi tìm con, chẳng thấy đâu.
Trên chiếc thớt gỗ, chỏng chơ một cánh tay đứt lìa đầm đìa máu. Nổi cơn điên,
Đồng lấy dao tự chặt đứt tay mình. Trước đó, có lần anh dùng dao cắt hai ngón
tay trái.
Hàng xóm kinh hãi kéo đến, người tá
hỏa đi tìm chàng thanh niên tâm thần, kẻ lấy tro bếp rắc lên vết máu loang lổ ở
sân. “Không hiểu sao bỗng dưng nó trở nên nguy hiểm.
Có bữa tôi đang bưng cơm cho ăn, nó
bất ngờ lấy chai nước phang vào đầu tôi, khiến tôi ngã ra”, mẹ Đồng kể. Mỗi lần
trở chứng, Đồng khỏa thân tồng ngồng chạy khắp làng, vung tay vung chân, la hét
ỏm tỏi.
Đưa con vào Nam ra Bắc chữa trị, bệnh tình vẫn
không thuyên giảm nên gia đình phải dùng dây sắt xích lại. Quần áo mang đến,
anh xé sạch. 12 năm nay, ông Mẫu phải cách ly Đồng một chỗ, phòng con trai gây
họa cho chòm xóm, gia đình.
Chịu khó làm lụng quanh năm nhưng kinh
tế gia đình vẫn khó khăn. Bệnh tình của con trai chưa thôi thì ông lại thêm bất
hạnh, con gái ở miền Nam
đang mang thai trèo lên cây hái khế, bị ngã xuống giếng, tử vong. Năm 2003, ông
Mẫu viết đơn xin chế độ trợ cấp cho con.
“Chờ mãi, nhưng đến năm 2007, con tôi
mới được nhận 120.000 đồng/tháng, năm 2009 tăng lên 240.000đồng/tháng”, ông Mẫu
kể. Thấy nhiều nơi đối tượng tâm thần như Đồng được hưởng trợ cấp cao hơn, bán
tín bán nghi, ông Mẫu lên UBND xã Thanh Chi đòi xem quyết định.
“Lần nào, ông Chủ tịch xã cũng bảo chỉ
có quyết định chung cho toàn xã, không có quyết định riêng cho từng người. Ông
ấy bảo, chế độ chính sách cao nhất là như vậy thôi, không có hơn”, ông Mẫu nói.
Không chấp nhận, người cha khốn khổ tiếp tục đi đòi tiền trợ cấp bị bớt xén.
“Té ra, năm 2007 đối tượng như con tôi
được hưởng 240.000đồng/tháng, nhưng xã chỉ đưa 120.000đồng; Năm 2009, tăng lên
360.000đồng/tháng, cán bộ chính sách chỉ trả cho 240.000đồng/tháng. Cuối cùng,
họ phải hoàn trả cho con tôi hơn 2,8 triệu đồng ỉm đi từ mấy năm nay”, ông Mẫu kể.
Ngày 11-3 vừa rồi, chúng tôi về Thanh
Chi thăm chàng thanh niên 12 năm bị nhốt trong cũi, tìm hiểu khoản tiền trợ cấp
bị xã bớt xén. Trong căn phòng hôi hám, chàng trai trần truồng bị xích chân,
trên người đắp một tấm chăn mỏng.
Ông Mẫu cúi xuống, ân cần kéo mảnh
chăn phủ lên người con cho đỡ lạnh. Bất ngờ, Đồng vung tay đấm thẳng vào mặt
cha, chửi ngược: “Xương cha mi! Tau đẻ mi ra đã đau rồi”. Bị con đánh, bị chửi
mắng thậm tệ, trên mặt ông, máu trào ra, nhưng ông không khóc.
“Tôi chịu quen rồi. Duy nhất có lần
tôi bật khóc là lần đội mưa đi đòi tiền trợ cấp cho con. Định ăn của ai chứ ăn
của một đứa tâm thần như rứa, có tội không!”, người cha nghẹn ngào.
Mẹ đòi tiền trợ cấp cho con
tật nguyền
Ngồi một mình trong căn nhà giữa gió
mưa tầm tã, bà Trần Thị Hóa (thôn Xuân Long, xã Thanh Chi) không thôi nhớ về
con gái. Hai mươi tuổi, tật nguyền, con gái bà vẫn quyết đi làm công nhân kiếm
tiền giúp mẹ.
“Ăn Tết xong là nó đi, chân cẳng teo
tóp như rứa, nhưng nó chẳng chịu ngồi yên một chỗ, cứ nằng nặc xin đi làm công
nhân”, bà Hóa kể.
Lê Thị Thùy Giang, con gái bà bị u
máu, căn bệnh quái ác khiến em bại liệt. “Khoảng năm 2001, tôi làm hồ sơ xin
trợ cấp, sau đó một thời gian thì được lĩnh tiền nhưng UBND xã không trao quyết
định, khiến mẹ con tôi mù tịt. Tôi lên gặp ông Chủ tịch xã, được trả lời là
không có quyết định riêng. Người ta nói vậy thì đành chịu, chẳng biết kêu ai”,
bà Hóa kể.
Theo bà Hóa, một phần tiền trợ cấp đối
tượng chính sách của con gái bà đã bị cán bộ xã ém đi. “Năm 2008, những người
bại liệt như Giang nghe nói được hưởng 240.000đồng/tháng, nhưng xã chỉ đưa
120.000đồng, còn một nửa nữa không biết đi đâu”, bà Hóa nói. Sau nhiều lần gõ
cửa UBND xã Thanh Chi, bộ phận chính sách buộc phải trả thêm cho bà hơn 2,8
triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tý, trú tại xóm 6, Phó
chủ tịch Hội Người cao tuổi Thanh Chi, nói rằng, tại xã này không chỉ xảy ra
hiện tượng ém một phần tiền trợ cấp của người tàn tật, tâm thần, mà một số cán
bộ xã còn hợp thức hóa giấy tờ để nâng khống tuổi, khai tử người đang sống để
người thân hưởng chế độ chính sách, trong khi một số người cao tuổi chẳng được
ngó ngàng.
“Có trường hợp người cao tuổi ốm gần
chết, tôi đến thăm, người này cứ cầm tay tôi bảo: Tôi còn mấy ngày nữa là được
nhận 180.000 đồng tiền chế độ chính sách, không biết có kịp không”, ông Tý kể.
Người tâm thần như anh Nguyễn Văn
Đồng, bại liệt như chị Lê Thị Thùy Giang là những đối tượng đặc biệt cần quan
tâm chăm sóc, nhưng vẫn bị xã Thanh Chi ém một phần tiền chế độ hằng tháng. Nếu
gia đình họ không phát hiện, không đi đòi, số tiền chính sách đó sẽ rơi vào túi
ai?...
Nguồn tin: Báo Tiền Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ