Rồng đá ở đền Lê Văn Thịnh
Tai nghễnh ngãng không nghe kẻ sỹ
Mắt mù mờ không thấy hiền tài
Phũ phàng đầy đọa người trái ý
Ngàn năm còn mãi nỗi oan sai
Giận dữ ai nổi cơn thịnh nộ
Cắn xé thân mình răn đe ai
U mê mãi rồi cũng sám hối
Nguyên khí đâu mở lối Rồng bay
Chu Hảo - Kinh Bắc Tết Nhâm Thìn 2012
Lê Văn Thịnh, người Kinh Bắc, đỗ thủ khoa trong kỳ thi Nho học
Tam trường đầu tiên ở Việt Nam do Vua Lý Nhân Tông tổ chức vào năm 1075. Ông
làm quan trong triều đến chức Thị Lang Bộ Binh, có công lớn trong việc bàn nghị
phân chia cương vực với Triều đình Nhà Tống để giành lại 6 huyện biên giới (
nay thuộc Cao Bằng ).Theo Đại Việt sử ký ( thời Nhà Trần ) và Đại Việt sử ký
toàn thư ( thời Hậu Lê ) thì ông là một nghịch thần, có phép " hóa hổ"
để mưu sát vua trên hồ Dâm Đàm ( Hồ Tây ngày nay ). Sau này có nhiều ý kiến cho
rằng đó là một vụ án oan sai : Vua đã nghe lời xúc xiểm của bọn gian thần ghen
tức với tài năng và đức độ của Lê Văn Thịnh mà đày đọa ông - một hiền tài. Ông
đã bị Vua đầy lên miền sơn cước thượng lưu sông Hồng và chết trong quên lãng...
Đây mãi vẫn là một nghi án, nhưng dân gian đời sau đã xây đền thờ Lê Văn Thịnh
ngay trên nền ngôi nhà nơi Ông sinh ra ở núi Thiên Thai ( Bảo Tháp, Đông Cứu,
Thuận Thành, Bắc Ninh) như để giải thoát cho nỗi oan khuất của Ông. Khoảng đầu
những năm 90 TK trước, tình cờ người trông nom đền phát hiện ra một pho tượng Rồng
đá cao khoang 0,8m, dài khoảng 1m. Đây thực sự là một tuyệt tác nghệ thuật: người
nghệ sỹ khuyết danh ( có lẽ ở thời Hậu Lê ) đã khắc họa hình ảnh con Rồng
" miệng cắn thân, chân xé mình " hết sức sinh động để người xem phải
sửng sốt cảm nhận nỗi ân hận đắng cay của bạo chúa đã gây ra oan nghiệt. Rồng bạo
chúa đã được người nghệ sỹ tài ba đặc tả với một bên tai không có lỗ.Cũng có ý
kiến cho rằng Rồng đá này là biểu tượng của chính Lê Văn Thịnh. Chỗ hiểu khác
nhau này xin dành cho bạn đọc lựa chọn theo cảm nhận của riêng mình.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ