Thư Chất Vấn và Kiến Nghị Gởi Hội Nghị Trung Ương 13 - Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Khoá 9
Thư Chất Vấn và Kiến Nghị Gởi Hội Nghị Trung
Ương 13 - Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Khoá 9
Nguyễn Văn Thi
Ngày 23 tháng 09 năm 2005
Kính gửi:• Tổng Bí thư và Bộ Chính trị
• Ủy ban Kiểm tra Trung ương
• Ban chấp hành Trung ương khoá 9
Đồng kính gửi:
• Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
• Đại tướng Võ Nguyên Giáp
• Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
• Đồng chí Nguyễn Đức Tâm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
• Đồng chí Phan Minh Tánh (tức Chín Đào), nguyên Trung ương Ủy viên, nguyên Phó Bí thư Thành ủy sau 1975
• Đồng chí Mười Hương, nguyên Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
Căn cứ Điều lệ Đảng hiện hành về quyền của Đảng viên tại Điều 3 mục 3 và thể theo di nguyện của hai đồng chí trên 60 tuổi Đảng vừa quá cố là Phạm Văn Xô và Đồng Văn Cống, tôi Nguyễn Văn Thi (Năm Thi) sinh năm 1920, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, Ủy viên Tỉnh ủy, Ủy viên thường trực Tỉnh ủy Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương - Bình Phước) từ năm 1942 đến 1946, Chi đội trưởng Chi đội 1, Liên trung đoàn 301 - 310, Tư lệnh đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn 1950, Bí thư Đảng bộ nhà tù Côn Đảo 1953, thời chống Pháp; Chủ nhiệm Hậu cần Bộ Chỉ huy miền thời chống Mỹ, nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh, viết thư chất vấn kiến nghị này gởi Ban chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 13, nội dung sau:
Những vụ việc chính trị nghiêm trọng xẩy ra trong 20 năm qua từ vụ Xiêm Riệp 1983, Sáu Sứ 1991, vụ nâng Cục 2 lên thành Tổng cục 2 với quyền hạn siêu Đảng siêu Nhà nước, được hợp pháp hoá bằng Pháp lệnh tình báo của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định 96 của Chính phủ, vụ T4 (1997-1999) đến vụ vận động thay đổi, nói xấu, vu khống, lật đổ Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trước Đại hội 9 đều do bàn tay của nguyên cố vấn Lê Đức Anh.
Tôi đã có thư gởi Trung ương Đảng 3 lần để báo cáo sự thật về Lê Đức Anh.
- Lần thứ nhất, trước Đại hội 6 ngày 02/08/1986 tôi có thư gởi cho đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Đức Tâm để nói rõ “Tháng 02/1945 mới tổ chức Mặt trận Việt Minh trong công nhân cao su. Ngày vào Đảng (của Lê Đức Anh) do Đảng bộ Thủ Dầu Một có thể là đúng. còn trước 1945 tôi (Năm Thi) chưa thấy rõ, vì không có sự giới thiệu nào là một đồng chí Đảng viên nằm vùng”.
- Lần thứ hai, trước Hội nghị Trung ương 12 khoá 9 ngày 03/02/2005 tôi cùng đồng chí Phạm Văn Xô và đồng chí Đồng Văn Cống có thư gởi Ban Chấp hành Trung ương để báo cáo về 6 vấn đề của Lê Đức Anh mà ba chúng tôi hiểu biết rất rõ là:
- Lê Đức Anh không phải là công nhân cao su.
- Lê Đức Anh không phải là Đảng viên từ năm 1938.
- Lê Đức Anh đã hai lần để sổng Toàn quyền Decoux, Thống đóc nam Kỳ Hoffen và chủ đồn điền De Lalant, sĩ quan Phòng nhì của Pháp.
- Lê Đức Anh đã bỏ chạy không tổ chức cho lực lượng võ trang đánh trả quân Pháp tập kích vào Thuận Lợi, đã phá huỷ một khối lượng lớn cơ sở vật chất dự trữ của miền Đông thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ.
- Lê Đức Anh đã phạm nhiều sai lầm từ 1979 đến 1989 khi lãnh đạo và chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu và giúp bạn ở Cămpuchia.
- Lê Đức Anh là người chồng phản bội ra Bắc được mấy năm nhờ Lê Đức Thọ ủng hộ bỏ vợ cũ trong Nam lấy vợ mới ngoài Bắc; còn cho chị Bảy Anh là phản động theo giặc, nhưng thực tế chị vẫn là một Tỉnh ủy viên đang công tác. Nay nghỉ hưu ở tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 23/05/2005 Ủy ban Kiểm tra Trung ương có văn bản số 2935/CV/KTTW gởi ba chúng tôi cho biết đã nhận được thư phản ảnh về lý lịch chính trị Lê Đức Anh và đã chuyển Ban bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương xem xét báo cáo Bộ Chính trị. Sau Hội nghị Trung ương 12 Ban Tổ chức Trung ương có quyết định do đồng chí Trần Đình Hoan ký cử đoàn cán bộ vào làm việc với ba chúng tôi do đồng chí Phạm Văn Thọ công bố quyết định và giới thiệu đoàn do đồng chí Phạm Văn Đồng - Chánh văn phòng Ban bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương làm trưởng đoàn và một số thành viên khác, tại 87 Trần Quốc Thảo - Quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn đã gặp hai đồng chí Phạm Văn Xô và Đồng Văn Cống nhưng vì đang bệnh nặng không làm việc được đã yêu cầu đoàn làm việc với tôi (Năm Thi). Tiếp theo đoàn đã hai lần làm việc tại nhà riêng của tôi. Cả ba lần làm việc với đoàn, tôi đều có ký vào biên bản và đoàn hứa sẽ giao lại biên bản cho tôi để công bố cho hai đồng chí Phạm Văn Xô và Đồng Văn Cống được rõ. Nhưng đoàn vẫn không trả lại biên bản cho đến khi hai đồng chí Phạm Văn Xô và Đồng Văn Cống qua đời vẫn không rõ các nội dung biên bản đó. Ngày 15/09/2005 đoàn quay lại gặp tôi lần thứ tư cũng không cung cấp biên bản đã làm việc như lời hứa.
Trước đó Lê Đức Anh cùng thư ký Khuất Biên Hoà vào bệnh viện Thống Nhất thăm đồng chí Phạm Văn Xô. Lê Đức Anh hỏi đồng chí Xô: “Nghe nói anh có thư gởi Trung ương Đảng phải không?” đồng chí Phạm Văn Xô trả lời “Đúng, đây là vấn đề lịch sử của Đảng”. Thế mà Khuất Biên Hoà đã lược ghi cuộc gặp này trên báo Hà Nội Mới số ra ngày 14/07/2005 không đưa ra ý kiến này. Có lẽ đó cũng là lịch sử chính trị Lê Đức Anh!
Qua ba lần đoàn cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương vào làm việc với tôi đều không nhằm làm sáng rõ nội dung thư 03/02/2005 của ba chúng tôi về lịch sử chính trị Lê Đức Anh. Cách làm việc của đoàn đã nhiều lần thể hiện tính chất xét hỏi, điều tra, thậm chí có cả lời lẽ rúng ép, dọa dẫm đối với tôi, một Đảng viên đã 65 tuổi Đảng, người đã nắm vững lịch sử chính trị Lê Đức Anh từ trước 1945 cho đến khi là Chủ tịch nước, là Cố vấn Trung ương Đảng. Đoàn này làm việc với tôi đầy dụng ý nhằm bảo vệ Lê Đức Anh, chứ không phải tìm hiểu thêm chứng cứ về 6 vấn đề của Lê Đức Anh mà chúng tôi đã đưa ra để giải quyết làm sáng tỏ nhằm bảo vệ uy tín của Đảng.
Nay vì đã ký các biên bản làm việc với đoàn cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương nhưng đoàn không giữ lời hứa gởi lại biên bản, thực hiện di nguyện của hai đồng chí Xô và Cống đã qua đời, tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm về nội dung các biên bản đó. Tôi bác bỏ các biên bản đó vì đã hơn 3 tháng đoàn vẫn không gởi biên bản có chữ kỹ của Ban Tổ chức Trung ương cho tôi. Đã có tài liệu đưa ra hai bản lý lịch tự khai của Lê Đức Anh. Bản thứ nhất trước Đại hội 4 tháng 11/1976 Lê Đức Anh khai: “Thành phần gia đình trung nông - Bản thân viên chức - Tham gia cách mạng 1937. Vào Đảng 07/1945 - Chính thức 08/1945”. Bản thứ hai 04/1986 để bước vào Đại hội 6 Lê Đức Anh khai: “Thành phần gia đình trung nông - Bản thân công nhân - Ngày và nơi tham gia cách mạng 1937 - Ngày nhập ngũ 08/1945 - Ngày vào Đảng 30/05/1938 - Ngày chính thức 02/08/1938”. Trong bản tóm tắt lý lịch tự khai thứ nhất 11/1976, Lê Đức Anh ghi rõ: “Chưa sinh hoạt Chi bộ”. Như vậy rõ ràng cả hai lần tự khai lý lịch để vào Đại hội 4 và 6, Lê Đức Anh đều khai “tiền hậu bất nhất”, đều thừa nhận là chưa sinh hoạt Chi bộ, thì làm gì có kết nạp, có công nhận chính thức là Đảng viên?
Dựa trên sự hiểu biết rõ ràng về lịch sử chính trị Lê Đức Anh từ 02/1945 tôi và hai đồng chí Phạm Văn Xô và Đồng Văn Cống đã nói rõ trên thư ngày 03/02/2005 về 6 vấn đề của Lê Đức Anh, nay xin kiến nghị đến Ban chấp hành Trung ương khoá 9 tại Hội nghị Trung ương 13 như sau:
1. Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 9 có trách nhiệm bằng tài liệu lưu trữ về lịch sử chính trị của Lê Đức Anh và bằng thư của ba chúng tôi là nhân chứng lịch sử chính trị Lê Đức Anh là đầy đủ cơ sở vật chứng và nhân chứng để xử lý Lê Đức Anh theo Điều lệ Đảng hiện hành. Điều 36 mục 3 Điều lệ Đảng hiện hành đã quy định: “Ban chấp hành Trung ương quyết định các hình thức kỷ luật Đảng viên, kể cả Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị”. Với Lê Đức Anh dù đã là nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, có quân hàm Đại tướng nay chỉ là một Đảng viên hưu trí mà lý lịch tự khai lần đầu bất nhất và chưa sinh hoạt Chi bộ, đã kết luận là man khai lý lịch thì hình thức kỷ luật là không công nhận là Đảng viên, không cần và không thể áp dụng Điều 39 về 9 bước xử lý kỷ luật Đảng viên như điều lệ hiện hành được. Nếu trong Ban chấp hành Trung ương khoá 9 có đồng chí Ủy viên Trung ương nào là nhân chứng nơi kết nạp, nơi công nhận chính thức là Đảng viên của Lê Đức Anh hãy lên tiếng để Ban chấp hành Trung ương khoá 9 công bố công khai minh chứng cho Lê Đức Anh.
2. Lý lịch Lê Đức Anh tự khai như nói ở trên, cơ sở nào để xác định tuổi Đảng của Lê Đức Anh là 60 tuổi? Cơ quan nào đã đề nghị công nhận và ai đã ký quyết định công nhận Lê Đức Anh là 60 tuổi Đảng chắc Ban Tổ chức Trung ương khoá 9 còn lưu trữ đầy đủ hãy lấy ra công khai tại Hội nghị Trung ương 13 để Ban chấp hành Trung ương khoá 9 xử lý trách nhiệm cho dù người đó đã nghỉ hưu?
3. Hội nghị Trung ương 13 của Ban chấp hành Trung ương khoá 9 cần công khai nội dung các biên bản của Đoàn cán bộ Ban tổ chức Trung ương đã làm việc với tôi để thấy rõ quan điểm trước sau như một, từ 1945 hay từ 1986 đến nay tôi đều nhất quán đánh giá lịch sử chính trị Lê Đức Anh chỉ là một Đảng viên tự khai nên chưa sinh hoạt Chi bộ nào, là người xuất thân từ một tên cai đồn điền, đã phạm nhiều tội lỗi trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp và phạm nhiều sai lầm 10 năm ở Campuchia. Nếu Ban chấp hành Trung ương khoá 9 không công khai và cung cấp các biên bản của đoàn cán bộ Ban tổ chức Trung ương đã làm việc với tôi càng chứng tỏ dư luận trong Đảng hiện nay về thế lực của Lê Đức Anh và Đỗ Mười đã và đang làm cho nội tình Trung ương Đảng bị phân hoá, uy tín của Ban chấp hành Trung ương giảm sút đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
4. Nếu các vụ chính trị nghiêm trọng mà các khoá trước đã bàn giao lại cho khoá 9 và khoá 9 đã mấy kỳ Hội nghị Trung ương của Ban chấp hành Trung ương đều khoanh lại, tôi kiến nghị Ban chấp hành Trung ương khoá 9 tại Hội nghị Trung ương 13 không được khoanh lại mà phải giải quyết dứt điểm trước Đại hội 10, không được bàn giao lại Đại hội 10 được nữa! Đồng thời Hội nghị Trung ương 13 cũng cần vạch rõ lý do vì sao các kỳ Hội nghị Trung ương trước cứ khoanh lại, để xem xét tư cách một số Ủy viên Bộ Chính trị mà dư luận cho là phe cánh của Lê Đức Anh, Đỗ Mười phải không?
Kết luận: Dù chúng tôi đã ba người ký tên gởi thư ngày 03/02/2005 đến Ban chấp hành Trung ương khoá 9 nay hai người đã qua đời, tôi (Năm Thi) dù đã ngoài 65 tuổi Đảng, đã 86 tuổi đời luôn sát cánh cùng nhiều đồng chí đã đấu tranh từ mặt trận Việt Minh, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở Nam bộ, hễ tim còn đập còn tiếp tục đấu tranh bảo vệ Đảng bảo vệ chế độ.
Trải qua hai cuộc kháng chiến, 30 năm đã hơn 3 triệu người hy sinh trong đó rất nhiều Đảng viên Cộng sản Việt Nam để giành độc lập thống nhất đất nước, không thể và không cho phép một thế lực nào tìm cách ngăn cản mọi tố cáo vạch trần của tôi về lịch sử chính trị Lê Đức Anh đã chui sâu leo cao, gây ra bao vụ việc chính trị nghiêm trọng, gây bè phái trong lãnh đạo Trung ương Đảng và quân đội, chống lại người chân chính như tôi và nhiều đồng chí khác.
Ban chấp hành Trung ương khoá 9 không giải quyết dứt điểm các vụ chính trị nghiêm trọng và lý lịch chính trị Lê Đức Anh - Đỗ Mười là có tội với bao nhiêu người đã hy sinh vì sự nghiệp của Đảng 75 năm qua, là có tội với lịch sử vẻ vang của Đảng đã để trong Đảng tồn tại những Trung ương Ủy viên như Lê Đức Anh - Đỗ Mười. Khoá 9 không xử lý dứt điểm thì lịch sử dù 10 năm, 20 năm nữa sẽ phán xét Ban chấp hành Trung ương khoá 9 là thiếu trách nhiệm, là không cương quyết giải quyết dứt điểm để làm mất lòng tin của cán bộ Đảng viên trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Trên đây là toàn bộ nội dung thư chất vấn và kiến nghị của tôi xin gởi đến đồng chí Tổng Bí thư - Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương khoá 9 tại Hội nghị Trung ương 13 để xem xét giải quyết và trả lời. Đồng gởi đến các đồng chí lão thành cách mạng để thấy rõ tâm nguyện đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ của tôi và các đồng chí ở Nam Bộ.
Chúc Hội nghị Trung ương 13 của Ban chấp hành Trung ương Khoá 9 thành công tốt đẹp.
Trân trọng kính chào.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ