Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

QUAN ĐIỂM BÈ BẠN!


Tổng thống Mỹ Obama ngày 15.5 đã đề cử ông Ted Osius, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, hàm Tham tán Công sứ, là Phó Giáo sư tại trường Đại học Chiến tranh Quốc gia, làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
 

Dưới đây là trình bày của Ted Osius trước Uỷ Ban Quan Hệ Quốc Tế - Thượng Viện Hoa Kỳ - về việc bổ nhiệm ông làm Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam ngày 26-06-2014

Kính thưa ngài Chủ tịch và các thành viên của Uỷ ban Đối ngoại. Thật là một niềm vinh dự cho tôi để được trình bày với các ngài ở đây, với tư cách là người được Tổng thống bổ nhiệm vai trò Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Tôi cũng rất vui với sự hiện diện của các thành viên gia đình và bạn bè tôi hôm nay. Tôi xin cảm ơn ngài thượng nghị sỹ bang Maryland đã đồng ý làm chủ tịch uỷ ban, và tất cả các thành viên của uỷ ban đã xem xét sự bổ nhiệm này.
Đây thực sự là một giấc mơ đã thành hiện thực. Ở giai đoạn đầu trong nghề nghiệp của mình, tôi đã có một cơ hội vô cùng quí giá là được trợ giúp Pete Peterson, đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tới Việt Nam sau ngày bình thường hoá quan hệ, trong việc đặt nền móng cho một mối quan hệ mới giữa hai quốc gia. Tôi cũng đã đại diện Phó Tổng Thống Al Gore trong một nhóm làm việc để chuẩn bị cho một thoả thuận thương mại song phương với Việt Nam, và tôi cũng được vinh dự đi cùng với Tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm lịch sử của ông đến Việt Nam.
Trong 25 năm làm việc ở bộ ngoại giao, tôi phục vụ chủ yếu ở châu Á. Một điểm sáng trong nghề nghiệp là việc tôi đã dẫn dắt một nhóm nhỏ để mở lại văn phòng đại diện tại thành phố Hố Chí Minh, mà trước kia là Sài gòn. Tôi đã rất sung sướng mang lại cho nước Mỹ thêm nhiều người bạn ở một nơi mà trước đây chỉ gợi nhớ người Mỹ về một cuộc chiến thảm khốc.
Tôi đã đi thăm khắp nơi ở Việt Nam, trong đó có một lần tôi đã đạp xe đạp suốt 1200 dặm từ Hà Nội đến Sài Gòn. Tại một vùng phi quân sự trước đây, tôi dừng xe trên một cây cầu, nhìn chăm chú vào một phong cảnh đẹp với rất nhiều hồ nước nằm rải rác. Một bà cụ già nói với tôi bằng tiếng Việt rằng đó không phải là những cái hồ tự nhiên, mà là những hố bom trước đây, có cả trong làng của bà nữa. Khi tôi nói với bà rằng tôi đại diện cho chính phủ và người dân Hoa Kỳ, bà trả lời tôi với ngôn từ thường dùng trong gia đình nghe thật thân thuộc: “Hôm nay, chúng ta là anh chị em”.
Ngay từ những ngày đầu, tôi đã chứng kiến là mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam sẽ trở thành một mối quan hệ hợp tác quan trọng, được xây dựng dựa trên sự tôn trọng từ hai phía, và sự chia sẻ các mối quan tâm chiến lược.
Như ngoại trưởng Kerry đã nói vào năm ngoái ở Hà Nội, “một nước Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và tôn trọng nhân quyền sẽ trở thành một người bạn đồng hành không thể thiếu của Hoa Kỳ trong nhiều thách thức ở khu vực và trên toàn cầu”. Trong khi ở thượng viện, John Kerry và John McCain đã cam đoan là người Mỹ có thể nghĩ về Việt Nam không chỉ là một cuộc chiến, mà còn là một quốc gia, một dân tộc mà Hoa Kỳ có thể hợp tác trong hoà bình. Họ đã nhìn xa hơn những hố bom để thấy được sự hy vọng cho tương lai.
John Kerry và John McCain cũng đã không ngừng đấu tranh cho sự tôn vinh những chiến sỹ đã hy sinh ở Việt Nam, và chúng ta phải hoàn tất công việc này với tất cả sự kính trọng. Lịch sử của chúng ta với Việt Nam không hề dễ dàng, thậm chí ngay hiện nay vẫn có những khác biệt. Nếu được chấp thuận cho vị trí này, tôi sẽ đối diện những khác biệt đó một cách thẳng thắn và trực tiếp với các lãnh đạo Việt Nam tại Hà nội. Tôi sẽ nói với họ rằng khi chính quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền, nó sẽ trở nên mạnh hơn, chứ không hề yếu hơn, và những tiềm năng hợp tác giữa hai nước cũng sẽ phát triển theo. Tôi sẽ gây áp lực để chính quyền Việt Nam phải bảo vệ các quyền cơ bản của con người, bao gồm việc thả các tù nhân lương tâm, và những thay đổi hệ thống để Việt Nam có thể gia nhập hoàn toàn vào cộng đồng thế giới. Cũng như trong một gia đình, những khác biệt giữa anh chị em đều có thể giàn xếp được, Hoa Kỳ và Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những vướng mắc trong lịch sử.
Nếu được chuẩn thuận [cho vai trò Đại sứ tại Việt Nam], tôi sẽ làm hết sức mình để tăng cường các mối liên hệ gắn chặt hai dân tộc. Những liên hệ như vậy là trọng tâm của mối Quan Hệ Toàn Diện mà Tổng thống Obama và Chủ tịch Sang đã ký năm ngoái. Chẳng hạn như trong giáo dục, hiện đã có 16.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, và nhiều người khác đang tham gia vào Chương Trình Đào tạo Kinh tế Fullbright tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thương mại là một yếu tố then chốt trong mối quan hệ giữa hai nước. Thương mại hai chiều đã tiếp tục tăng trưởng, từ 451 triệu USD vào 1995 đã lên đến gần 30 tỉ vào năm ngoái. Nếu thoả thuận về Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được, nó sẽ đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ thương mại và chiến lược này giữa hai nước, giúp Việt Nam gia nhập vào một cộng đồng các quốc gia góp phần vào 40% GDP của thế giới.
Qua mối Quan Hệ Toàn Diện, hai quốc gia đã cùng nhau làm việc để bảo vệ hoà bình, ổn định, hợp tác, và thịnh vượng cho vùng châu Á-Thái Bình Dương. Chúng ta cũng đã mở rộng hợp tác với Việt Nam trong các vấn đề về an ninh, việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, và hành pháp. Nếu được chuẩn thuận, tôi sẽ tiếp tục những nỗ lực của những người tiền nhiệm trong việc làm sâu rộng hơn những can dự của Hoa Kỳ. Tôi sẽ cam đoan đảm bảo an toàn và an ninh cho đội ngũ làm việc tại Việt Nam.
Một nửa lượng hàng hoá vận chuyển bằng tàu biển của thế giới đi qua biển Đông. Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia trong việc bảo đảm dòng chảy kinh tế xuyên suốt, và tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển này.
Hoa Kỳ quan tâm đến việc đảm bảo rằng những mâu thuẫn lãnh thổ và hàng hải trong biển Đông phải được giải quyết mà không dùng áp bức, sức mạnh quân sự, hay đe doạ, mà phải tuân theo luật pháp quốc tế. Thật đáng lo ngại khi chúng ta đã thấy một chiều hướng xấu gần đây là Trung quốc thường tiến hành các hành động đơn phương để thúc đẩy cho các đòi hỏi về lãnh thổ và lãnh hải; mà gần nhất là việc Trung quốc đưa một giàn khoan dầu vào vùng lãnh hải tranh chấp nằm ngay sát Việt Nam.
Quốc hội Hoa Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi một quá khứ đầy khó khăn của chúng ta với Việt Nam thành một tương lai hứa hẹn. Nếu được chuẩn thuận, tôi sẽ mong đợi đến ngày được đón tiếp các ngài ở Hà Nội. Một lần nữa, xin cảm ơn vì đã xem xét sự bổ nhiệm tôi cho cơ hội đầy thử thách nhưng cũng thật vinh dự này, để tôi được tiếp tục phục vụ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Ted Osius
(Liêm Nguyễn lược dịch theo bản gốc tiếng Anh
Theo blog Liem Nguyen)

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Sự thật về “công tử” Hà thành ra Trường Sa



Ngày 09 tháng 07 năm 2014
Gần đây, nhiều tờ báo và trang mạng ồn ào đăng bài ca ngợi “tấm gương” một thanh niên là con một đại gia ở Hà Nội “gác lại” dự định du học để ra Trường Sa thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nhiều tờ báo dùng những cụm từ như “công tử Hà thành”, “thiếu gia” và không tiếc lời khen ngợi cậu ta như một tấm gương của ý chí, nghị lực, “tình yêu Tổ quốc” kèm theo những lời như “Tổ quốc cần lắm những con người như thế”(!). Nhưng sự thật về chàng “quý tử” này có phải như vậy không?…

Hỏa Lò mới và cuộc truy lùng 2 tử tù trốn trại chấn động

Nhân vật “hot” từ công luận
Nhân vật được nhắc đến trong nhiều bài báo chính là Binh nhì Nguyễn Quốc Đức, hiện là chiến sĩ thuộc Phân đội Pháo PK37 tại đảo Trường Sa Lớn (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà). Đức là con thứ hai trong một gia đình có 5 anh em. Bố  nổi tiếng là “đại gia” buôn bán sắt vụn Nguyễn Quốc Thanh, sinh năm 1957, quê gốc Thanh Hóa, hiện cư trú ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Ông Nguyễn Quốc Thanh cũng chính là chủ lâu đài tráng lệ trên đường Hoàng Quốc Việt, được nhiều tờ báo đưa tin là công trình trị giá hơn 70 tỉ đồng, riêng 5 con gà dát vàng trên nóc lâu đài trị giá hơn 4 tỉ đồng.
Về việc Nguyễn Quốc Đức ra Trường Sa, được một số tờ báo thuật rằng, hầu như cả thời phổ thông trung học từ 2006 đến 2010, Đức từng du học ở Niu Di-lân và Ô-xtrây-li-a. “Một lần cháu nghe bác bạn của bố mẹ cháu nói chuẩn bị cho con sang Niu Di-lân học. Cháu rất thích ra nước ngoài học tập. Thế là bố mẹ lo cho sang Niu Di-lân học”. Năm 2006 lúc 11 tuổi Đức sang Niu Di-lân. Đức nói, tính Đức tò mò, rất thích khám phá. Vì vậy mỗi năm Đức chuyển một trường, đến một thành phố khác để vừa học, vừa khám phá. 7 năm học, 5 năm ở Niu Di-lân, 2 năm ở Ô-xtrây-li-a đã đủ những trải nghiệm cho cậu học trò 18 tuổi. “Chuyển trường nhiều như vậy, nhưng thành tích học tập của cháu năm nào cũng tốt, nhận giấy khen của trường nữa đấy chú ạ!”- Đức kể cho phóng viên một tờ báo.
Sau đó, vẫn theo lời kể của nhân vật này, đầu năm 2013, Đức về nước phụ giúp bố cháu công việc kinh doanh. Định bụng là lao ra thương trường một thời gian, có chút kinh nghiệm rồi sẽ đi học tiếp đại học ở nước ngoài. Nhưng sau đó, cậu ta đã cùng với bạn bè tham gia một khóa huấn luyện “Học kì Quân đội” ở Thái Nguyên và khi khoác lên mình chiếc áo nhà binh, cậu bỗng nổi hứng: “Sao không theo nghiệp nhà binh nhỉ?” và “quyết luôn” sẽ vào bộ đội. Đức về nhà trình bày nguyện vọng với bố mẹ xin cho lên đường nhập ngũ và dù bố mẹ thương, không muốn cho “đi lính vì sợ con trai vất vả”, Đức vẫn cố gắng thuyết phục bố mẹ rồi nộp đơn lên phường xin nhập ngũ. Về lí do chọn ra Trường Sa, Đức giãi bày: “Khi còn học ở nước ngoài, cháu có đọc và biết nhiều về Trường Sa, Hoàng Sa là nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc, đang cần những thanh niên có ý chí và sức vóc canh trời, canh biển. Cháu nung nấu ước mơ được một lần ra với đảo, được đóng góp một phần công sức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.
Thực chất, ra đảo để bớt “quậy”?
Nếu sự việc hoàn toàn đúng như những gì các bài báo tường thuật, thì quả thực đây là một “tấm gương”, một “hiện tượng lạ” đối với chàng thanh niên thành phố. Tuy nhiên, từ băn khoăn đi tìm bản chất câu chuyện lạ cậu “thiếu gia” đang sống ở nước ngoài trong nhung lụa lại xung phong ra Trường Sa chỉ vì “yêu Tổ quốc”, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều điều bất thường khác.
Trước hết, ngay trên nhiều bài báo viết về nhân vật này, đã cho thấy cậu ta hoàn toàn không phải có một lí lịch “sạch” như nhiều lời tụng ca. Không ít người đã tỏ ra hoài nghi trước tình tiết “vì thích đi du lịch nên ra nước ngoài học mỗi năm chuyển một trường mà năm nào cũng được giấy khen”. Sự thật thì chính một bài trên VnExpress đã viết: “Sau đó, cậu học hành sa sút dần vào những năm cuối cấp. Được gia đình chu cấp đầy đủ, lại đang tuổi ăn, tuổi chơi nên Đức lơ là học tập”. Một videoclip được phát trên Đài Truyền hình Việt Nam dịp đầu Xuân 2014 đã phản ánh chân thật hơn cả về quá khứ của nhân vật này với những tình tiết như: Chơi bời, quậy phá, trước lúc ra đảo chủ yếu ăn chơi, lên sàn… Chính cậu ta cũng nói với phóng viên VTV: “Trước khi tôi nhập ngũ thì cuộc sống rất nhàn hạ, suốt ngày chỉ đi ăn, đi chơi, tụ tập bạn bè hát hò, rồi lên quán bar”. Cậu ta thừa nhận từng có một quá khứ “vô nghĩa”, “ưa tận hưởng cuộc sống, thích những phút giây điên cuồng trong đêm”. Phóng sự còn đưa hình ảnh cậu ta cởi trần, xăm trổ khắp người.
Cũng trong phóng sự này, nhân vật đã tiết lộ lí do thật ra Trường Sa, hoàn toàn không có những mĩ từ như “yêu Tổ quốc, lương tâm, trách nhiệm” như những bài báo gần đây. Nguyễn Quốc Đức nói: “Ở nhà thì đi chơi, lông bông ở ngoài nhiều quá làm bố mẹ phải lo lắng. Em đã làm bố mẹ rất buồn trong một thời gian tương đối dài. Em thương bố mẹ nên phải thay đổi bản thân”. “Em mong sau khóa huấn luyện ở Trường Sa về mọi người sẽ có cái nhìn khác về em. Em quyết định xoá bỏ những hình xăm của mình vì đấy là một quyết định để em từ bỏ quá khứ của em, làm lại!”.
Sau những chia sẻ thật thà với phóng viên VTV, gần đây khi trả lời báo chí, thông tin về Nguyễn Quốc Đức và gia đình về việc ra Trường Sa bỗng dưng thay đổi đột ngột, hoàn toàn không nhắc đến quá khứ mà chỉ còn một màu hồng. Nhân vật, như đã nói ở trên cho báo chí hay mình đã “thuyết phục bố mẹ cho ra Trường Sa”, “muốn góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo”, “đã tìm hiểu về Trường Sa từ khi còn ở nước ngoài”… Chàng trai còn đưa ra nguyện vọng “được phục vụ lâu dài trong Quân đội”, “về đất liền được học một trường sĩ quan”, “em ước mơ trở thành chính trị viên”…
Nếu những điều đó là sự thực thì dù kể cả Đức có một quá khứ đen đi chăng nữa nhưng quyết tâm phấn đấu, làm lại ở Trường Sa cũng là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, giữa lời nói và thực tế của câu chuyện lại hoàn toàn không thống nhất. Một sĩ quan trên đảo Trường Sa cho biết: Chiến sĩ trẻ này hoàn toàn không ngoan, không hiền; nỗ lực phấn đấu hay động cơ ra Trường Sa không đúng như một số bài báo nêu. Ngược lại, gia đình đã đưa cậu ta ra đảo gần như chỉ là một liệu pháp để cách li với quá khứ, bớt hư hỏng. Tuy nhiên, cậu ta đã không rèn luyện, phấn đấu nghiêm túc mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường kỉ luật của đơn vị trong giai đoạn rất cần tập trung cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo.
Một thanh niên khác vừa ra Trường Sa Lớn vào tháng 5/2014, có dịp giao lưu với Nguyễn Quốc Đức đã viết về cậu ta như sau: “Cu này và mình nhậu hết 2 chai ballantine 17 của nó ngoài Trường Sa, bố mẹ nó ra thăm như đi chợ. Đánh giá của cá nhân, mình rất có cảm tình với nó… Nhớ sau mấy trận giao lưu với anh em trên đảo, mình với đội lính thợ X201 mò vào đến phòng cu này với chỉ huy của nó thì đã chân nam đá chân chiêu rồi. Đồng chí chỉ huy quân hàm Thượng úy bảo hát xong về ngồi chờ mình mãi, 3 anh em chơi hết 1 chai ballantine thì nghe loa gọi về tàu, anh em vẫn mở thêm 1 chai nữa bắt uống 3 chén chia tay, lúc tàu kéo còi mới ba chân bốn cẳng chạy ra cảng. Lên tàu cuối cùng mà cảm xúc dâng trào…”. Người vợ một sĩ quan đang công tác trên đảo cũng cho hay chồng chị và đồng đội rất bất bình với việc thiếu ý thức tổ chức kỉ luật của quý tử này. Gần đây, “cậy” gia đình lắm tiền nhiều của, có nhiều “hỗ trợ” cho đơn vị, cậu ta chẳng những không chịu rèn luyện sửa mình như đã nói trên báo chí mà còn uống rượu say, quậy phá, cất giấu rượu. Trong khi với bộ đội Trường Sa, nhất là trong giai đoạn tình hình biển đảo đang nóng, yêu cầu trực sẵn sàng chiến đấu rất cao, việc sử dụng bia rượu bị cấm tuyệt đối. Vậy mà cậu ta đã vi phạm như vậy. Một chỉ huy khác cũng cho biết: Đơn vị vừa có hình thức kỉ luật với cả Phân đội trưởng và chiến sĩ Đức do việc này. Cậu ta hoàn toàn không phải là “tấm gương” như nhiều tờ báo đưa. Nói về các cán bộ, chiến sĩ quê Hà Nội ở trên đảo, người chỉ huy này cho biết còn nhiều người khác phấn đấu, rèn luyện rất tốt không được báo chí nêu. Vậy mà không hiểu sao, có lần phóng viên VTV khi ra đảo tác nghiệp, cứ nằng nặc xin phỏng vấn Nguyễn Quốc Đức và còn đưa kịch bản in sẵn ra, cho dù chỉ huy đảo không đồng ý mà muốn giới thiệu chiến sĩ khác.
Khi câu chuyện chiến sĩ này được đưa lên face book, bên cạnh những lời ngợi khen, có  chỗ comment còn nói thẳng: “Thằng này bị nghiện phải tống ra đây để cai”. Tất nhiên, những thông tin này cần phải được kiểm chứng, chưa đủ tin cậy nhưng rõ ràng động cơ chiến sĩ này ra Trường Sa không hoàn toàn vì “lòng yêu nước” như một số tờ báo ca ngợi. Mặc dù kết quả rèn luyện, công tác thấp như vậy nhưng không hiểu sao nhiều tờ báo vẫn tung hô rằng “Trường Sa cần lắm những con người như Đức” và cho biết sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cậu sẽ về đất liền để thi vào một trường quân đội với ước mơ trở thành “chính trị viên”. Một chiến sĩ trên đảo cho biết, nhân vật kể rằng gia đình có người quen là lãnh đạo cấp cao nên việc đi học này đã được “lập trình”(?!). Nếu cậu ta không tu dưỡng, rèn luyện, sửa sai mà vẫn được ưu ái đi học thì quả là bất công đối với những người lính phấn đấu, hi sinh thực sự nhưng họ chỉ là con nông dân.
Nhìn nhận về hiện tượng này, một nhà  báo vừa có chuyến công tác ra đảo Trường Sa Lớn tâm sự: “Hôm ra Trường Sa Lớn mình đã biết cậu chiến sĩ này, cậu ấy kể chỉ riêng mấy con gà đậu trên nóc nhà cậu ấy cũng chừng 4 – 5 tỉ đồng… Cậu ấy khoe bố cậu ấy vừa đi tàu ra thăm, rằng tuần tới mẹ cậu ấy có thể bay trực thăng ra tiếp tế… Cậu ấy cho khách đến chơi biết cả phân đội cậu ấy chỉ uống Chivas 18… Nói chung là có rất nhiều thứ để kể. Mình không chê trách gì, chỉ thấy có lẽ hơi buồn, trong khi nhiều cán bộ, chiến sĩ đi đảo mấy chục năm trời, dăm ba cái Tết không được về nhà, chế độ ăn uống của bộ đội vẫn là 50% đồ hộp… Nhà báo, bạn đọc ca ngợi cậu ấy như một thanh niên chí khí, anh hùng… Mình không cần biết chuyện thực sự lí do cậu ấy ra đảo làm chiến sĩ là gì? Mình chỉ nghĩ việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với một công dân đã được Hiến pháp và Luật Nghĩa vụ Quân sự quy định. Đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý nhưng cũng rất đỗi bình thường. Vậy sao một thanh niên đi bộ đội lại được tung hô, lại được ca ngợi như thần thánh? Phải chăng bấy lâu nay chúng ta cứ mặc định rằng, nghĩa vụ quân sự chỉ áp dụng đối với con nhà nghèo? Rằng chỉ có nhà nghèo mới cho con đi lính? Còn nhà giàu đương nhiên có quyền không thực hiện nghĩa vụ quân sự? Vì vậy khi thấy một cậu quý tử nhà tỉ phú nào đó ra đảo làm chiến sĩ, chưa cần biết là vì sao nhưng cứ phải là một điều phi thường, lớn lao, vĩ đại? Chúng ta tô vẽ ảo tưởng biết đâu khiến cho cậu ấy lệch lạc, tự phụ và nghĩ rằng 15 tháng đảo xa của mình là thiên anh hùng ca?
 
Trường Sa có cần những “quân nhân lẻ” như vậy?
Nhìn lại việc chiến sĩ Nguyễn Quốc Đức ra Trường Sa cũng như một số trường hợp khác, sẽ thấy nhiều điều bất cập. Theo Luật Nghĩa vụ Quân sự và các văn bản dưới luật của Chính phủ, Bộ Quốc phòng quy định, không hề có khoản mục nào đối với việc tuyển những quân nhân lẻ ra Trường Sa để rèn luyện. Cụ thể, theo Thông tư số 07/2012/TT-BQP ngày 3/2/2012 của Bộ Quốc phòng do Đại tướng Phùng Quang Thanh kí quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ lẻ thì những trường hợp được tuyển lẻ là tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ ngoài chỉ tiêu tuyển quân hằng năm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Có hai đối tượng tuyển lẻ. Thứ nhất, tuyển lẻ theo nhu cầu biên chế, yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và các nhiệm vụ đặc biệt gồm:Đào tạo Phi công quân sự; đào tạo sĩ quan, nhân viên chuyên môn kĩ thuật ở trong nước và nước ngoài; vận động viên ở các đoàn (đội) thể thao Quân đội; Diễn viên, nhạc công… ở các nhà hát, đoàn (đội) nghệ thuật chuyên nghiệp, quân nhạc chuyên nghiệp; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Quân đội. Thứ hai theo kế hoạch tuyển sinh quân sự của Bộ Quốc phòng. Tại Điều 6 của Thông tư quy định rõ các đối tượng tuyển lẻ theo yêu cầu nhiệm vụ với trình tự: Đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng có nhu cầu tuyển lẻ: Xây dựng kế hoạch, kiểm tra, xác định đối tượng tuyển lẻ có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4 Thông tư này; lập báo cáo đề nghị Bộ Tổng tham mưu (qua Cục Quân lực); chỉ đạo đơn vị được tuyển lẻ liên hệ với địa phương có công dân tuyển lẻ để triển khai thực hiện quyết định tuyển lẻ của Tổng Tham mưu trưởng.
Đối chiếu với những quy định trên thì binh nhì Nguyễn Quốc Đức hoàn toàn không phải là trường hợp đặc biệt thuộc đối tượng tuyển lẻ. Còn đối tượng tuyển quân theo chỉ tiêu hằng năm năm 2013 cũng không có chỉ tiêu tuyển quân bổ sung ra Trường Sa ở nơi Nguyễn Quốc Đức đăng kí hộ khẩu thường trú. Rõ ràng, việc ra Trường Sa này không phải là “xung phong”, “thuyết phục gia đình” mà phải có sự tác động, được sự đồng ý của Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu là những cơ quan chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng đồng ý. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao một thanh niên lêu lổng, chơi bời như thế, vừa học tập và sinh sống ở nước ngoài về, trước đó lại chơi bời làm bố mẹ buồn phiền nhiều như chính cậu ta thú nhận với báo chí vì sao lại được “tuyển lẻ” vào một đơn vị đặc biệt như vậy và nhanh như vậy? Lữ đoàn 146 Quân chủng Hải quân có thực hiện “ba gặp, bốn biết” để tìm hiểu kĩ về thân nhân chiến sĩ này không? Đó là chưa kể theo Thông tư số 167/2010/TT-BQP ngày 19/11/2000 của Bộ Quốc phòng vẫn do ông Phùng Quang Thanh kí có quy định rõ: “Những công dân xăm da (bằng kim) có hình mang tính kinh dị, kì quái, kích động, bạo lực gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như mặt, cổ, tay (từ 1/3 dưới cánh tay trở xuống); chân (1/3 từ dưới đùi trở xuống), không gọi nhập ngũ vào Quân đội”. Vậy mà qua phóng sự của VTV, chiến sĩ Nguyễn Quốc Đức có rất nhiều hình xăm lớn trên cơ thể vẫn được gọi nhập ngũ.
Có lẽ, điều đáng quan tâm nhất xung quanh sự việc này là hiện tượng tuyển quân lẻ đối với các đơn vị trên quần đảo Trường Sa. Trường Sa là tuyến đầu của Tổ quốc, là nơi cần tuyển chọn những quân nhân có lí lịch rõ ràng, trong sạch, có hạnh kiểm và sức khoẻ tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chứ hoàn toàn không phải là nơi rèn luyện các “quý tử” một thời hư hỏng. Yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu rất cao, nhất là khi tình hình biển đảo đang nóng như hiện nay. Điều gì sẽ xảy ra khi những quân nhân “công tử” không chịu rèn luyện, thường xuyên uống rượu say, sinh hoạt xa hoa với rượu mạnh như vậy? Đó không còn là chuyện riêng của cá nhân mà sẽ ảnh hưởng tới môi trường kỉ luật, nền nếp công tác, chế độ chiến đấu của một đơn vị có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong bảo vệ biển đảo hiện nay.
Có tin cho rằng, những năm gần đây, ở quần đảo Trường Sa, vẫn tồn tại hiện tượng một số quân nhân nghiện ma tuý nhưng vì gia đình có quan hệ nên vẫn được ra Trường Sa, lợi dụng danh nghĩa công tác để cai nghiện, rèn luyện. Thiết nghĩ việc này cần được Quân chủng Hải quân chấn chỉnh, bảo đảm sự trong sạch của môi trường công tác của một đơn vị đặc biệt trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Theo Báo Người cao tuổi