Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

NGÀY MAI QUỐC HỘI TỰ THÚ TRƯỚC DÂN





Từ lâu người dân Việt Nam đã thừa biết Quốc hội này là của ai. Nhưng hàng ngày cả hệ thống truyền thông đông đảo với công suất cực lớn của Nhà nước Cộng sản Việt Nam, những quan chức của Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam, những ông bà nghị sĩ của Quốc hội Việt Nam vẫn rổn rảng, vẫn véo von, vẫn ào ạt, cấp tập, xối xả rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhân Dân, Quốc hội thể hiện ý chí và nguyện vọng của Nhân Dân. Thực chất có đúng như vậy không, ngày mai, thứ năm, 28.11.2013, Quốc hội sẽ phải tự thú trước Nhân Dân, trước lịch sử khi những ông nghị, bà nghị biểu quyết quyết định số phận bản Hiến pháp năm 2013.

Hiến pháp năm 2013 dành cho đảng Cộng sản Việt Nam quyền hạn và lợi lộc mênh mông, vô hạn, đẩy cho người Dân mọi rủi ro, thua thiệt và bất hạnh. Hiến pháp năm 2013 dành cho đảng Cộng sản Việt Nam được quyền đương nhiên thâu tóm xã tắc, thống trị xã hội. Quân đội, công an là của đảng. Của nổi của chìm trên dải núi sông gấm vóc Việt Nam là của đảng. Đến những doanh nghiệp Nhà nước được ưu đãi tối đa, được sử dụng phần lớn nguồn vốn của đất nước, được độc quyền kinh doanh những ngành béo bở nhất cũng là của đảng, để rồi những doanh nghiệp đó giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế đất nước cứ lãng phí, thất thoát, tham nhũng, thua lỗ triền miên, làm cho cả nền kinh tế đất nước lụn bại, ngân sách trống rỗng, đời sống người Dân điêu đứng. Nhưng đảng không chịu trách nhiệm.

Hiến pháp năm 2013 ưu ái dành mọi lợi quyền cho đảng đúng như lời bài đảng ca: “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”. Hiến pháp năm 2013 tước đoạt quyền con người, quyền công dân của người Dân, tước đoạt từ giá trị vật chất lớn lao (đất đai), đến giá trị tinh thần cao cả (quyền bầu chọn lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội) của người Dân, làm cho người Dân trắng tay và trắng mắt. Hiến pháp năm 2013 đẩy đất nước lún sâu mãi trong khủng hoảng, bế tắc và lạc hậu.

Biểu quyết chấp nhận bản Hiến pháp đó: Quốc hội của đảng

Biểu quyết bác bỏ bản Hiến pháp đó: Quốc hội của Dân

Từ lâu người Dân Việt Nam đã thừa biết Quốc hội này của ai nên người Dân cũng biết chắc rằng Hiến pháp năm 2013 sẽ được Quốc hội chấp nhận với số phiếu cao. Số phiếu cao đó là điều Quốc hội tự thú với Dân và là dấu ấn tủi nhục Quốc hội để lại trong lịch sử!

Phạm Đình Trọng
 

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

DÙNG TIỀN ĐỂ KHÔNG ĐI BỘ ĐỘI.




Theo Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, khi sửa Luật Nghĩa vụ quân sự sẽ tính tới việc cho phép đóng một khoản tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nhằm bảo đảm sự công bằng giữa những người đủ tiêu chuẩn

Cái mặt thằng trung tướng này vẩn tồn tại, ý kiến của nó đang được xem xét tại quốc hội. Xã hội tôi vẫn tưởng nó không khốn nạn đến mức tởm lợm như thế này. Một trung tướng tính tới việc mộ lính đánh thuê trước quốc hội. Còn gì là trách nhiệm công dân, là nghĩa vụ với Tổ quốc không? Hỡi trung tướng đểu cáng kia, mày định bán quân hàm của mày bao nhiêu tiền.

Là đồng đội cùng nhập ngũ, tôi cùng tuyên thệ dưới quân kỳ tại Quân khu Tả ngạn với con thủ tướng Phạm văn Đồng, con Đại tướng, cháu Bác Tôn … còn rất nhiều con của các UV BCT, UV TƯ. khác. Nhiều bạn tôi hy sinh trong chiến đấu để có ngày nay.

VÀ HÔM NAY QUỐC HỘI ĐANG XEM XÉT Ý KIẾN CỦA MỘT TRUNG TƯỚNG : DÙNG TIỀN ĐỂ KHÔNG ĐI BỘ ĐỘI.

Tôi nghĩ một cách cực đoan rằng tất cả những hy sinh của các lớp người đi trước đã bị đem rao bán. Sự nghiệp cách mạng đã bị phản bội ngay trong lòng nó chứ chưa thấy thế lực thù địch đâu cả.

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Cuộc tranh cãi quanh món nợ 100 tỷ



Tổng Cục Thi hành án Dân sự vừa có báo cáo gửi Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, về việc hai chi nhánh Agribank chây ì nghĩa vụ trả nợ gần trăm tỉ đồng mặc dù tòa các cấp đã tuyên án và Cục THADS TP.HCM đã áp dụng nhiều nghiệp vụ cần thiết. Trong ngày 12/11, bộ này sẽ chủ trì cuộc họp với hai cơ quan tư pháp là TAND và Viện KSND tối cao để tìm cách tháo gỡ.
Sự việc liên quan đến hai chi nhánh An Sương và Phú Mỹ Hưng của Agribank, trong việc ra các chứng thư bảo lãnh đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho các DN có quan hệ tín dụng với ngân hàng Vietbank, với số tiền tổng cộng lên tới gần 100 tỷ đồng.
Theo đó, vừa qua, Tổng cục THADS đã nhận được công văn của Agribank và Agribank Chi nhánh Phú Mỹ Hưng về việc đề nghị tạm dừng quyết định phong tỏa tài khoản của ngân hàng này. Đồng thời, Tổng cục cũng đang xử lý khiếu nại của Agribank chi nhánh An Sương về quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục THADS TP.HCM liên quan đến việc thi hành hai bản án mà TAND tối cao đã tuyên phúc thẩm. Hai chi nhánh này của Agribank là bên phải thi hành án, buộc phải trả số tiền tổng cộng gần 97 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tổng cục THADS cũng nhận được đơn khiếu nại của bên được thi hành án là Vietbank, với nội dung khiếu nại chấp hành viên Cục THADS TP.HCM, về việc chậm tổ chức thi hành bản án có hiệu lực, trong khi bên phải thi hành án có điều kiện thi hành.
Các khiếu nại này của hai bên khá căng thẳng, và đã được Ủy ban Kiểm tra – BCH Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (NHNN) chỉ đạo xem xét và tổ chức thi hành đúng pháp luật.
Trước diễn tiến giằng co của vụ việc, Tổng cục đã trực tiếp chỉ đạo Cục THADS TP.HCM kiểm tra, giải quyết đồng thời mời các ngân hàng liên quan làm việc, tổ chức họp liên ngành để thống nhất quan điểm và xử lý.
Vụ việc phức tạp “đau đầu” nói trên bắt nguồn từ các chứng thư bảo lãnh của Agribank các chi nhánh An Sương và Phú Mỹ Hưng.
Cụ thể, ngày 17/12/2012, Tòa phúc thẩm – TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên buộc Cty CP Giấy Minh Thắng trả nợ cho Vietbank gần 100 tỷ đồng cả vốn lẫn lãi, trong đó Agribank CN Phú Mỹ Hưng đã phát hành 2 thư bảo lãnh với trị giá 50 tỷ đồng. Vì vậy,tòa đã tuyên Agribank Phú Mỹ Hưng phải trả nợ thay cho Cty Minh Thắng 50 tỉ đồng cho Vietbank.
Bản án có hiệu lực, Cục THADS đã dùng nhiều biện pháp để buộc Agribank thực hiện nghĩa vụ, nhưng ngân hàng này đã không thực hiện. CụcTHADS TP.HCM đã có công văn đề nghị NHNN hỗ trợ việc thi hành án, nhưng đến nay Agribank vẫn một mực không thực hiện, thay vào đó là hàng loạt đơn kiến nghị và khiếu nại gửi khắp nơi.
Cùng kịch bản, Agribank chi nhánh An Sương cũng phát hành các thư bảo lãnh cho một công ty khác, để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho khoản vay của công ty TNHH Đức Hòa tại Vietbank.
Tòa phúc thẩm – TAND tối cao tại TP.HCM thông qua bản án ngày 14/12/2012 đã tuyên chấp nhận yêu cầu đòi nợ của Vietbank đối với công ty Đức Hòa với số tiền hơn 141 tỷ đồng và hơn 666.000 USD, trong đó Agribank CN An Sương phải có trách nhiệm trả nợ thay gần 47 tỉ đồng.
Sự việc đến nay đã kéo dài hàng năm, với 2 bản án có hiệu lực của TAND tối cao kèm hàng loạt chỉ đạo, yêu cầu của các cơ quan Đảng, nhà nước nhưng việc thi hành vẫn… dẫm chân tại chỗ. Thậm chí, vì tính chất phức tạp trong việc thi hành án và Agribank là đơn vị lớn có 100% vốn nhà nước, Tổng cục THADS đã phải “cầu cứu” Bộ trưởng Bộ tư pháp đích thân chỉ đạo việc thi hành dù khẳng định việc thi hành án là hoàn toàn đúng pháp luật.
Về phía Agribank, đơn vị này đưa ra khá nhiều khiếu nại, kiến nghị với mục đích trì hoãn việc thi hành án. Còn phía Vietbank cũng liên tục yêu cầu cơ quan thi hành án phải thực thi ngay các bản án, thậm chí kiến nghị kê biên trụ sở Agribank để đảm bảo việc thi hành.
Ranh giới “luật” và “lệ”
Trong vụ án kéo dài này, có một tình tiết có vẻ như đã chạm vào giới hạn giữa luật và “lệ” trong việc thi hành án. Đó là việc Vietbank yêu cầu kê biên, phát mại trụ sở của Agribank để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của ngân hàng này.
Theo nhận định của giới làm luật, đây là việc làm đúng luật, bởi theo Điều 45 Luật Thi hành án dân sự, sau khi bản án có hiệu lực, thời hạn tự nguyên thi hành án là 15 ngày. Hết thời hạn tự nguyện nói trên, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.
Thực tế, thời hạn tự nguyện của Agribank đã hết từ lâu, và Cục THADS TP.HCM cũng đã có rất nhiều công văn yêu cầu Agribank thực hiện nghĩa vụ nhưng bị phớt lờ. Do đó, theo luật thì cơ quan thi hành án hoàn toàn có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án.
Tuy nhiên, theo Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc kê biên trụ sở Agribank thực tế là việc khó xảy ra, bởi Agribank là ngân hàng lớn, có 100% vốn nhà nước, nên mọi tài sản của NH này thuộc quyền sở hữu của nhà nước. “Theo hồ sơ vụ việc và các thông tin mà báo chí phản ánh, có thể thấy việc giải quyết vụ việc này không khó về luật, nhưng gặp rất nhiều cản trở rất điển hình trong việc thực thi các bản án dân sự. Cách giải quyết sự việc cụ thể này sẽ phản ánh đúng quyết tâm, thực trạng và thách thức của việc thực thi Luật Dân sự vốn còn quá nhiều vấn đề hiện nay”, ông Diện nhận định.
Ngoài ra, cũng theo các luật sư, việc chây ì không thực hiện nghĩa vụ thi hành bản án đã có hiệu lực có thể được xem xét dưới góc độ pháp luật hình sự tội danh “Không chấp hành án” quy định tại Điều 304, Bộ luật Hình sự. Theo đó, “Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
“Trước hết, cơ quan thi hành án cùng với các đơn vị liên quan như Bộ Tư pháp, NHNN… cần làm hết trách nhiệm, áp dụng đúng các quy định và quyền hạn được pháp luật cho phép để thi hành bản án. Việc để chậm trễ hoặc dùng dằng các bản án dân sự lớn có ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của xã hội vào việc hành pháp, cũng như môi trường kinh doanh”, ông Diện nói.

Bộ Tư pháp, Tòa án, Viện kiểm sát họp xử lý
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tư pháp, sáng 12/11 cơ quan này sẽ chủ trì cuộc họp với hai cơ quan tư pháp là TAND và Viện KSND tối cao để tìm cách tháo gỡ vụ “kì án nợ trăm tỉ” của Agribank.
Nội dung cuộc họp chính là bàn bạc giải pháp tổ chức thi hành hai bản án đã được Tòa phúc thẩm – TAND tối cao tại TP.HCM tuyên vào các ngày 14 và 17/12/2012, trong đó tuyên Agribank chi nhánh Phú Mỹ Hưng và An Sương phải trả các khoản vay của 2 DN đối với Vietbank mà Agribank đã phát hành thư bảo lãnh.
Cuộc họp này được tiến hành sau khi Tổng cục THADS nỗ lực bất thành trong việc thi hành án đối với Agribank.
Mặc dù các bản án có hiệu lực pháp luật, và Cục THADS TP.HCM cũng như Tổng cục đã dùng các biện pháp được pháp luật quy định nhưng không thể buộc Agribank thực hiện nghĩa vụ của mình.
Trước đó, sau khi bị bên được thi hành án là Vietbank kiến nghị yêu cầu thực hiện việc thi hành án, đồng thời bị Agribank… khiếu nại nhằm không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, và nhận nhiều công văn chỉ đạo từ các cơ quan chức trách của Đảng và Nhà nước như Ủy ban Kiểm tra – BCH Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ…, Tổng cục THADS đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và đề nghị Bộ trưởng có ý kiến chỉ đạo.
Theo VietNamNet

SỰ THẬT VỀ NHỮNG NGÔI MỘ GIẢ Ở NGHĨA TRANG LIỆT SĨ TẠI QUẢNG TRỊ



Đạo lý dân tộc ta: “Uống nước nhớ nguồn”. Chúng ta ngày nay được hưởng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, chúng ta không quên ơn hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Chủ trương đưa mộ liệt sĩ rải rác khắp nơi quy tập về các nghĩa trang là hợp nguyện vọng và đạo lý của dân tộc ta. Thế nhưng, tại Quảng Trị vốn là nơi chiến trường khốc liệt, tỉnh đi đầu trong việc quy tập mộ liệt sĩ lại xôn xao về những ngôi mộ giả.
Hàng nghìn mộ giả
Huyện Cam Lộ của tỉnh Quảng Trị được thành lập từ sự chia tách khỏi thị xã Đông Hà. Cùng với “cơn sốt” xây dựng các cơ quan, công sở, nhà ở…, việc xây dựng nghĩ trang liệt sĩ của huyện cũng được tiến hành khẩn trương. Trên cơ sở nghĩa trang liệt sĩ của xã Cam Thành, huyên Cam Lộ quyết định nâng cấp nên thành nghĩa trang của huyện với quy mô khoảng 4.000 ngôi mộ.
Chủ trương quy tập mới được thông báo, nghĩa trang Cam Lộ lúc đầu vẻn vẹn có 160 ngôi mộ, thế nhưng chỉ trong vòng 4 ngày, đã nhảy vọt ồ ạt lên đến 3.303 mộ. Một sự quy tụ quá cấp tập và không bình thường! Dư luận bắt đầu xôn xao về việc có những nhóm ba người, đi trong vòng ba ngày đã đưa về 190 hài cốt liệt sĩ, có nhóm năm người đi trong vòng sáu ngày đã đưa về 170 hài cốt. Các mộ liệt sĩ ở Quảng Trị phần lớn ở trên rừng sâu, vùng đồi núi và trung du, chiếu theo sơ đồ, trong một đợt đi tìm được vào ngôi mộ đã là hiếm bởi hơn hai chục năm nay địa hình và cảnh vật đã thay đổi. Như vậy thì hàng nghìn ngôi mộ lấy từ đâu ra trong thời gian ngắn?
Ngày 25/3/1992, UBND huyện Cam Lộ đã quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra xác định hài cốt liệt sĩ, tiến hành đào quật toàn bộ số mộ vừa mai táng xong. Qua năm ngày kiểm tra, kết quả thu được thật sửng sốt: Trong tổng số 3.303 mộ, chỉ có 937 mộ là có hài cốt, còn lại 2.366 mộ không có hài cốt. Dưới các mộ giả này chỉ có đất, cát, ruột pin được giã nhỏ trộn với đất và cả xương động vật. Điển hình là các trường hợp sau: Trần Viết Đới (Cam Thủy) quy tập 170 mộ thì tất cả không có hài cốt; Lê Văn Thắng (Cam Thủy) quy tập 294 mộ thì có đến 274 mộ giả; Đào Văn Cường (Cam Thủy) bốc 217 mộ thì có 204 mộ giả; Phạm Văn Huấn (Cam Thành) quy tập 106 mộ thì có 104 mộ không có hài cốt; Phạm Nhân (Cam Thành) quy tập 191 mộ thì chỉ có 15 mộ có hài cốt…
Đặc biết, trưởng công an xã Cam Thủy là Lê Chí Tam đã quy  tập 264 mộ thì có đến 101 mộ không có hài cốt; xã đội trưởng Cam Thủy là Võ Thanh Triết quy tập 98 mộ thì chỉ có năm mộ có hài cốt.
Máu tham hễ thấy hơi đồng…
Theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh Xã hội, kinh phí để quy tập một bộ liệt sĩ là 60.000 đồng và xây bia mộ là 50.000 đồng. Tất cả là 110.000 đồng/mộ. Kể từ thàng 3/1992 số tiền này được nâng lên 185.000 đồng/mộ (quy tập 95.000 đồng, xây 90.000 đồng).
Việc quy tập mộ liệt sĩ là việc làm nhân đạo, ân nghĩa, thể hiện lòng kính yêu vô hạn với những người đã khuất. Kinh phí của Nhà nước là sự hỗ trợ cần thiết cho quá trình quy tập. Thế nhưng, từ một công việc đầy ý nghĩa thiêng liêng, nhưng đồng tiền đã làm lóa mắt những kẻ làm công việc quy tập mộ, họ đã chà đạp lên đạo lý tốt đẹp ủa dân tộc ta. Ở xã Cam Thủy, những người muốn đi bốc mộ phải làm đơn, tất cả có bảy tổ, gần 100 người. Những người đi bốc mộ đều được “cai đầu dài” ứng tiền trước cho (28.000 đồng/hài cốt).
Những người đi bốc mộ, man khai mộ giả đã là điều táng tận lương tâm, thế nhưng vấn đề bức xúc nổi lên ở đây là tại sao một lượng lớn mộ giả như vậy lại được cán bộ quản trang công nhận và cho mai táng vội vã? Phòng Thương binh Xã hội huyện có biết việc này không? Có điều gì liên quan giữa hơn 2.000 mộ liệt sĩ giả ở Cam Lộ với việc cán bộ phụ trách thương binh xã hội bỗng dưng giàu lên nhanh chóng?
Dự luận tỉnh Quảng Trị đặt câu hỏi: Có phải mộ liệt sĩ giả chỉ mới xuất hiện ở nghĩa trang Cam Lộ? Có mộ liệt sĩ giả ở nghĩa trang nào nữa không?
Những lời tự thú muộn màng
Được tin Hội đồng kiểm tra xác định hài cốt liệt sĩ đang tiến hành đào quật mộ ở nghĩa trang huyện Cam Lộ để xác định thực hư, Trần Viết Đới do lương tâm cắn rứt, liền chạy từ nhà lên nghĩa trang, quỳ sụp xuống trước nghĩa trang tự thú: Xin các chú, các anh đừng đào lên, vừa tội nghiệp, vừa mất công, toàn bộ 170 mộ mà Đới này quy tập đều là mộ giả, không một mộ nào có hài cốt cả! Phạm Văn Huấn ở chợ Phiên (xã Cam Thành) cũng bị dằn vặt tâm can và cuối cùng đã viết một bản tự thú gửi Công an huyện, thú nhận trong toàn bộ 106 mộ mà hắn quy tập chỉ có 2 mộ có hài cốt…
Thế nhưng, còn những người đứng ra điều hành công việc thì sao? Trưởng Công an xã Cam Thủy là Lê Chí Tam đã hai lần tham gia quy tập mộ, lần đầu 264 mộ thì chỉ có 178 mộ thật, lần thứ hai quy tập 163 mộ thì chỉ có 3 mộ thật. Với tư cách trưởng Công an xã, Lê Chí Tam còn đứng ra ra ký công nhận hàng loạt mộ giả của những người khác quy tập. Lạ lùng thay, đã ba tháng trôi qua từ ngày sự vụ được phát hiện, thế nhưng Lê Chí Tam vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật (?!).
Để xảy ra sự việc quy tập mộ liệt sĩ giả ở Quảng Trị, trách nhiệm lớn nhất thuộc về ngành Lao động – Thương binh xã hội. Làm sao hàng nghìn mộ gải lại được “nằm gọn” trong nghĩa trang liệt sĩ khi không có sự thông đồng của cán bộ thương binh – xã hội? Nghĩa trang Cam Lộ chỉ là điểm phát hiện, phải tìm ra toàn bộ đường dây tội ác đã ngấm ngầm từ lâu và đưa ra xét xử công khai, nghiêm khắc.
Quảng Trị là tỉnh đi đầu trong công tác quy tập mộ liệt sĩ. Hiện nay, Quảng Trị có đến ba nghĩa trang quốc gia: Trường Sơn, Đông Hà và Thành Cổ. Nơi đây có mặt đầy đủ con em các tỉnh thành trong cả nước đã yên nghỉ. Trong những năm qua, Quảng Trị đã có nhiều cố gắng và làm tốt việc đền ơn đáp nghĩa. Xảy ra tình hình quy tập mộ liệt sĩ giả vừa qua là một điều đáng tiếc. Sự thật quá phũ phàng và đau xót. Khi biết chúng tôi tìm hiểu việc này, có người đã can ngăn: Không nên khuấy động vết thương nhân tâm này. Chúng tôi hiểu được tâm trạng đó, nhưng thưa bạn đọc, chúng ta không thể lặng im trước vấn đề thiêng liêng cao cả này. Mọi tội ác đều phải được đưa ra ánh sáng và trừng trị nghiêm khắc.
Chúng tôi thực sự day dứt khi phải cầm bút viết thêm về vụ án cực kỳ nghiêm trọng này. Một vụ án, trong đó có tội mà ngay cả Bộ Luật hình sự của nước ta chưa quy định rõ (và hy vọng sẽ không bao giờ phải nhắc đến): Tội làm mộ giả, xâm phạm đến vong linh của những con người đã hy sinh thân mình cho cuộc sống hôm nay của toàn thể nhân dân, trong đó có cả những bị cáo thất đức kia! Đây không chỉ là một trong mười vụ án điểm do Trung ương chỉ đạo, mà còn là vụ (như lời công tố viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao - KSNDTC) là vụ tham nhũng điển hình, mang tính chất chính trị xã sâu sắc. 

Nghiêm trọng hơn, bọn tội phạm đã phá hỏng một công trình nghĩa trang lớn, phá hoại một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với thương bình liệt sĩ… Chính vì thế, nhân dân trong cả nước hết sức quan tâm, theo dõi quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan pháp luật đối với những kẻ phạm tội.
Hai kiểm sát viên cao cấp của Viện KSNDTC giữ quyền công tố là các ông Trần Thu và Cao Văn Phúc.
Đứng trước vành móng ngựa là 48 bị cáo và 33 người có trách nhiệm liên quan đến vụ án. Theo bản cáo trạng số 03/CT-KSĐTKT ngày 1/3/1993 của VKSNDTC dày 48 trang thì Nguyễn Xuân Tá, nguyên trưởng Phòng Tổ chức – Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã Đông Hà; Hoàng Xuân Diệm, cán bộ phụ trách Thương binh Xã hội của xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ), cùng với 46 bị can đã phạm liền một lúc 9 tội: Tham ô tài sản XHCN; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quả lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng tại sản XHCN; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Tội xâm phạm hài cốt, mồ mả.
Ngày 24/3/1993 hơn 10.000 người đã tụ tập xung quanh hội trường Nhà văn hóa Trung tâm thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị để theo dõi phiên tòa đặc biệt này, qua loa phóng thanh. Hơn 1.000 ghế trong hội trường chật kín người. Chủ tọa phiên tòa là ông Phan Hữu Thức, thẩm phán TANDTC. 
Chúng tôi không ghi lại chi tiết những hành vi mất hết tính người của các bị cáo, vì mục đích tham tiền. Chỉ xin nêu đôi con số về hậu quả to lớn mà những kẻ phạm tội đã gây ra. Riêng về kinh tế, bọn phạm tội đã dùng mọi thủ đoạn chiếm đoạt, gây thiệt hại cho nhà nước 1 tỷ 350 triệu đồng. Đây là những đồng tiền mà Nhà nước và nhân dân chắt chiu để sưởi ấm cho vong hồn những người con đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ đất nước. Thế mà, bọn chúng đã táng tận lương tâm, quy tập hài cốt giả và đưa đi mai táng tới 12.447 hài cốt liệt sĩ giả ở hai nghĩa trang Đông Hà và Cam Lộ. 

Nghiêm trọng hơn, khi bị phát hiện, bọn chúng còn xâm phạm tới hơn 200 mộ liệt sĩ nhằm xóa dấu vết tội ác của mình. Sau 6 ngày xét xử, ngày 19/3/1993, Hội đồng xét xử đã tuyên án: Nguyễn Xuân Tá, Hoàng Xuân Diệm: tử hình; Nguyễn Văn Toan, phụ trách quản trang nghĩa trang liệt sĩ Đông Hà và Nguyễn Văn Tâm, chủ thầu trong việc xây cất nghĩa trang: tù chung thân! Có 16 bị cáo bị phạt từ 10 đến 20 năm tù; 22 bị cáo bị phạt từ 2 đến 9 năm tù; 6 bị cáo được hưởng án treo.
Phiên tòa đã kết thúc. Những kẻ trọng tội đã bị trừng phạt nghiêm minh. Song, khi nhìn lên 48 bị cáo trước vành móng ngựa, chúng tôi thấy trào lên những niềm day dứt không nguôi. Ngay trước bục xử án này đã diễn ra một phiên tòa khác: “phiên tòa lương tâm”, của chính những người phạm tội! Trong số này xen lẫn giữa khuôn mặt già nua của bị cáo sắp bước vào tuổi 70, còn có những gương mặt còn trẻ lắm, trên dưới 20 tuổi. Có cả những cặp vợ chồng đều là bị cáo, cùng đứng trước vành móng ngựa. Kẻ khác thì đã từng có hàng chục năm tuổi đảng, có quyền, có chức. Và cũng chẳng ai ngờ được rằng, không ít bị cáo có thân nhân là bố, mẹ, anh, em là liệt sĩ; như chính Nguyễn Xuân Tá kia, lãnh án tử hình, khi xuống suối vàng sẽ nói gì với người anh liệt sĩ của mình?
Chỉ vì tiền mà những bị cáo đã đánh mất đi lương tâm và cuộc sống của mình. Tuy nhiên, còn những duyên do khác không thể nhắc đến. Đó là những người vô tình hay hữu ý mà đã bày “mỡ” trước miệng những “con mèo” đang đói tiền kia. Các nhà chức trách thường nói theo cách hành chính là “buông lỏng quản lý”, nhưng theo chúng tôi, đây là nguyên nhân rất quan trọng khởi đầu cho những vụ tham nhũng điển hình.

Thật khó hiểu khi ông Nguyễn Minh Lai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH (người kế nhiệm bị cáo Nguyễn Đức Sáu, nguyên Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Quảng Trị), mặc dù biết rõ những tiêu cực trong việc xây dựng nghĩa trang liệt sĩ nhưng vẫn cố ý làm trái để cho vụ việc tiếp diễn gây hậu quả nghiêm trọng. Hay như các ông Hoàng Văn Sửu, Trần Phương Nam, Hoàng Đức Nghẹc là Chủ tịch và phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Hà cũng đã ký duyệt rất nhiều mộ liệt sĩ giả. 

Liệu những người này có thực sự “vô tình” thiếu trách nhiệm để rồi thoát khỏi trách nhiệm hình sự trước pháp luật? Lạ lùng hơn, ngay một số cán bộ của Vụ chính sách (Bộ Lao động - TBXH) đã thừa biết Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị hạch toán khống số lượng mồ mả, sửa chữa ngày tháng trong các văn bản, những vẫn nhắm mắt ký duyệt “cho qua”. Vì sao?
Cũng xin nhắc thêm rằng, việc làm mộ liệt sĩ giả diễn ra trong suốt thời gian dài, từ năm 1991 đến quý I năm 1992, thậm chí có kẻ còn làm hàng trăm mộ giả ngay tại nhà mình, song vẫn không bị phát hiện kịp thời. Phải chăng, một số vị chức trách đã “há miệng” nên “mắc quai”? Có thể buông trôi được chăng?
Vụ án đã được xét xử. Những kẻ gây ra tội ác nghiêm trọng này đã phải chịu hình phạt cao nhất. Chắc vong linh của những liệt sĩ nơi suối vàng cũng được phần nào an ủi và nguôi ngoai. Nhưng những người còn sống vẫn chưa thể yên lòng khi một số kẻ tham nhũng vẫn còn ẩn mình trong bóng tối tội lỗi.

Nguyễn Linh Giang

Hồ Duy Hải còn oan hơn cả Ông Nguyễn Thanh Chấn



Thời gian qua dư luận rất bức xúc trước bản án chung thân oan sai dành cho ông Nguyễn Thanh Chấn với tội danh giết người. Tất cả các cơ quan chức năng vẫn “ăn ngon ngủ yên” nếu hung thủ không ra đầu thú. Tuy trách nhiệm gây ra oan sai đã rõ nhưng từ cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát và tòa án tỉnh Bắc Giang vẫn không ai bị xử lý vì đã gây hậu quả nghiệm trọng.
Khi đọc vụ việc này nhiều người không khỏi xót xa về một vụ nổi tiếng xảy ra hồi đầu năm 2008: vụ án bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An. “Thủ phạm” bị cả 2 tòa sơ và phúc thẩm tỉnh Long An tuyên án tử hình là Hồ Duy Hải, sinh năm 1985, ngụ tại ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Gia đình Hồ Duy Hải liên tục kêu cứu từ đó đến nay nhưng vẫn chưa được giải oan. May mắn là Hồ Duy Hải chưa bị thi hành án và vẫn đang bị tạm giam tại công an tỉnh Long An, cùng chỗ với Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy và Nguyễn Phương Uyên.


Hồ Duy Hải tại tòa án
Tóm tắt vụ việc như sau: Ngày 14/1/2008, người dân Long An phát hiện một vụ giết người dã man tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Hai nữ nhân viên của bưu điện là Nguyễn Thị Ánh Hồng (24 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (22 tuổi) đã bị giết hại bằng những nhát dao cắt sâu vào cuống họng. Ngay sau đó, Cơ quan điều tra công an tỉnh Long An đã lấy lời khai của nhiều người, nhưng không có bất cứ quyết định khởi tố nào. Gần 3 tháng sau, một thanh niên tên Hồ Duy Hải bị bắt giam và ngay sau đó báo chí lề đảng đưa tin đây chính là hung thủ của vụ giết người.
Qua hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, Tòa án đã tuyên án tử hình về tội giết người đối với Hải. Tuy nhiên, tại phiên tòa Hải đã kêu oan, nại ra rằng lời khai nhận tội của mình là nghe qua lời kể lại của một công an viên. Một số tờ báo cũng đưa tin về kết quả xét xử vụ án này, kèm với ý kiến của một số chuyên gia, bày tỏ sự băn khoăn khi có những sai sót trong quá trình điều tra.
Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước (thời Ông Nguyễn Minh Triết làm Chủ tịch) đã có hai văn bản ngày 01/7/2009 và 17/2/2011 yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao xem xét đơn và giải quyết ý kiến thắc mắc cho gia đình Hồ Duy Hải, báo cáo kết quả về Văn phòng Chủ tịch nước. Tuy nhiên cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có ý kiến trả lời chính thức.


Văn thư đề ngày 17/2/2011 của VP Chủ tịch nước

Trong khi đó, theo gia đình tù nhân Hồ Duy Hải, trong trại giam Hải vẫn tiếp tục kêu oan, bày tỏ nguyện vọng được minh oan – mỗi khi gia đình vào thăm nuôi.
Ngày 22-4-2011, gia đình của Hải đã có Đơn khiếu nại và kêu oan cho anh gửi tới các cơ quan chức năng.
Theo tin trên Laodongonline gia đình nội, ngoại Hồ Duy Hải đều có công CM, nhiều Chú, Bác là Liệt sĩ, bà cố của Hải là Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng... Có những tình tiết oan sai trong Vụ án của Hồ Duy Hải, một số trong số đó là:
“Thứ nhất, việc Tòa án kết tội bị cáo Hải có mặt tại bưu điện lúc 19g30 ngày 13.1.2008 và giết 2 nạn nhân, trong đó nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng bị giết trước và nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân bị giết sau, nhưng lại không có chứng cứ nào thể hiện giờ chết của các nạn nhân, có nghĩa không xác định được hai nạn nhân chết lúc nào thì cơ sở đâu kết luận bị cáo Hải giết người trong lúc Hải có mặt tại bưu điện?
Thứ hai, quan trọng nhất là kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự CA tỉnh Long An khẳng định: “Dấu vân tay thu được tại hiện trường không trùng với dấu vân tay của bị cáo Hải”. Đáng lưu ý là, trước khi bắt Hải hơn 1 tháng (tức ngay sau khi xảy ra án mạng), Cơ quan Điều tra đã triệu tập, tạm giữ ít nhất 23 đối tượng, nhưng không lưu lại hồ sơ…
Thứ ba, tang vật gây án là con dao và cái thớt đều không thu được, trong khi các chứng cứ lời khai liên quan đến tang vật vụ án thì bị tẩy xóa. Đã thế, dấu vết khám nghiệm hiện trường trên thi thể nạn nhân lại không phù hợp với lời khai, các chứng cứ và tang vật gây án…
Thứ tư, trong vụ án này rất nhiều chứng cứ, kết luận giám định và lời khai nhân chứng mâu thuẫn với nhau, nhưng đã không được làm rõ, không được đối chất…
Thứ năm, Cơ quan Điều tra kết luận sau khi Hải gây án đã đốt quần áo, thắt lưng và số sim card cướp được để phi tang, nhưng kết quả giám định tàn tro thu được lại là: “Không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo và sim card”!
Thứ sáu, Hải bị kết tội cướp, nhưng tài sản bị cướp gồm những gì? Trị giá bao nhiêu? Người tiêu thụ là ai?… thì Cơ quan Điều tra không xác định được…
Thế nhưng Hồ Duy Hải đã bị kết án tử hình. Hầu như chỉ có báo công an hăng hái kết án Hải một cách mạnh mẽ dường như muốn che giấu sự thật. Có người cho rằng thủ phạm thật sự nằm trong số ít nhất 23 đối tượng bị triệu tập, tạm giữ, nhưng không lưu lại hồ sơ…vì hung thủ là con của một quan chức trong tỉnh.
Đây là cơ hội thứ hai sau vụ Ông Nguyễn Thanh Chấn để giúp cho Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân tối cao thực hiện chức năng tư pháp của mình và tìm cho ra sự thật, cũng như trừng trị nghiêm minh những kẻ ngồi trên pháp luật đổi trắng thay đen khiến cho Hồ Duy Hải phải ngồi tù oan ức gần 6 năm nay.
Hiếu Minh

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ĐÃ THẤT BẠI! CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN LÀ ẢO TƯỞNG!



Nguyên Phó thủ tướng - GS TRẦN PHƯƠNG:

Gần 3 năm trước, phát biểu tại hội thảo góp ý văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 11, GS Trần Phương và nhiều cựu lãnh đạo đảng và nhà nước đã khẳng định sự sai lầm của Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản. Thế nhưng đảng vẫn tiếp tục dẫn dắt cả dân tộc tiến lên Chủ nghĩa Xã hội. Mới đây, TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu: "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa". Liệu Đảng CSVN sẽ tiếp tục dẫn dắt đất nước tiến lên CNXH? Nếu không, thì đất nước này sẽ đi đâu?

GS Trần Phương đã phát biểu như sau: "Tôi thì nói thật là tất cả những điều tôi nói, là để muốn nói rằng ông đưa ra một cái cương lĩnh, cương lĩnh tức là cái đảng này nó phải tiến lên tới đâu, nó đi theo con đường nào? Thế nhưng mà cương lĩnh của ông đó, ông nói chủ nghĩa Mác – Lenin, thì chủ nghĩa Mác – Lenin, tôi đồng ý với anh Tiến (Đào Công Tiến), có điều đúng và có điều sai rồi. Nhất là những dự đoán của Mác và Lenin nữa về cái gọi là CNXH sai rồi, mà rõ ràng là thực thi 70 năm đã thất bại rồi!

Thất bại thì rõ ràng rồi, ông nói là chế độ công hữu thì chế độ công hữu làm mất động lực của xã hội, ông phải trở lại chế độ tư hữu đấy. Ông nói là chuyên chính vô sản thì ông phải trở lại chế độ dân chủ đấy. Ông nói là phải kế hoạch hóa tập trung cuối cùng ông phải trở lại kinh tế thị trường đấy. Rõ ràng là một sự thất bại rõ ràng rồi. Thế bây giờ ông nói cái gì đây? Cho nên là ông nói chủ nghĩa Mác – Lenin là nền tảng tư tưởng của đảng ta, thì tôi không hiểu các vị xác định là nền tảng tư tưởng, cái gì là nền tảng, còn cái gì không là nền tảng chứ?

Tôi nói ngay như là cái dự đoán của ông Mác về Chủ nghĩa Cộng sản thôi, tôi nghĩ là có thể 100 năm trước đây thì ông nghĩ thế có thể được, có thể được, nhưng bây giờ thì ông không thể nghĩ thế được rồi. Bây giờ cả cái trái đất nó mới có sáu tỷ rưỡi người mà đến nước sạch cũng thiếu rồi đây này, chứ ông đừng nói đến năng lượng nữa, nước sạch cũng thiếu rồi đây này. Thế làm sao mà ông sống, Chủ nghĩa Cộng sản theo kiểu như mô tả là 'làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu' được? Bất lực hoàn toàn. Cho nên ngay cái Chủ nghĩa Cộng sản cũng trở thành ảo tưởng. Bây giờ không thể nghĩ đến đấy được.

Tôi nói là mới đến thế kỷ 21 này thôi, mới có sáu tỷ rưỡi người thôi, mà người ta nói là hết thế kỷ này nó lên mười tỷ người. Mười tỷ người thì đến nước sạch cũng đang thiếu đây này, đánh nhau vì nước sạch đây này. Trung Đông đánh nhau vì nước sạch đây này. Cho nên, cái gọi là Chủ nghĩa Cộng sản cũng là ảo tưởng, cái gọi là CNXH thực chất cũng thất bại rồi. Cho nên tôi nói là, đương nhiên là chúng ta không thể chấp nhận rằng chúng ta tiến lên CNTB được. À, nó mới khổ thế, nhưng mà không tiến lên CNTB, thì ông tiến lên cái xã hội gì đây? Là ông chưa nghĩ ra.

Thực tình mà nói, tất cả những nhà lý luận ngồi đây các đồng chí đều đã đọc sách rất nhiều rồi. Ông nào vẽ ra được một cái CNXH cho cái dân tộc này, thì ông đó là ông thánh rồi đấy, ông thánh Mác rồi. Chưa, chưa có vị nào làm được đâu!

Khi tôi phát biểu với anh Phạm Văn Đồng và anh Đỗ Mười tôi bảo là cuối thế kỷ này con cháu chúng ta mới nghĩ đến CNXH được. Mới nghĩ đến thôi, chứ còn đã biết CNXH là cái khỉ gió gì mà nghĩ? Nhưng phải đến gần đấy thì mới nghĩ, chứ còn bây giờ thì chúng ta nghĩ cái gì? Cuối cùng ông đã thực thi CNXH thất bại rồi, không có động lực rồi, ông đã trở lại kinh tế nhiều thành phần, ông trở lại kinh tế thị trường, ông trở lại nền dân chủ. Thế bây giờ đó, ông mà cứ nói chuyên chính vô sản người ta chán ông lắm đấy. Có phải không?

Cho nên, tôi nghĩ rằng cái cương lĩnh của ta viết đây không có sức thuyết phục. Còn viết lại như thế nào thì thực ra mà nói mình cũng không viết lại được, mình có thì giờ đâu mà viết lại và những người mà người ta viết ra rồi cũng chả viết lại. Thế thì cuối cùng để làm gì đây? Tôi lắm lúc tôi nghĩ rằng: thôi được, cứ tung ra cho vui vậy thôi chứ chả ai tranh luận. Giỏi lắm là mấy cái thằng lý luận này ngồi đây mà tranh luận, nhưng cuối cùng thì ông cũng không làm gì cả đâu, vì cái người viết lại họ cũng không chịu viết lại và họ cũng không biết viết lại theo cách nào? Nhưng chả lẽ một đảng lại không có cương lĩnh à? À, mới chết ở chỗ đó đó!

Ngay Đại hội X, tôi đã phát biểu thẳng với các anh lãnh đạo rồi, tôi nói là định hướng XHCN là cái gì, các ông phải ghi ra. CNXH mà chúng ta tiến tới là cái gì, các ông phải ghi ra. Nhưng mà một câu thách đố đơn giản vậy mà họ không làm nổi đâu.

Hồi đó, Lưu Bích Hồ còn ngồi trong cái Ban Dự thảo Văn kiện đấy, tôi nói thật là ngay cả anh Lưu Bích Hồ cũng không viết nổi. Tôi đánh đố thế thôi chứ tôi biết rằng là ông không làm nổi. Đấy là nói về cương lĩnh, lúc đó tôi nói như thế. Mục đích tôi chỉ muốn nói rằng là ông viết cương lĩnh mà không rõ ràng, thế thôi, còn chê cái gì thì bảo rằng là mình xây dựng được hay không thì mình có thì giờ đâu, có ăn cơm suốt ngày để mà nghĩ về việc này đâu.

Việc thứ hai là về chiến lược, tôi thì không nói nhiều nhưng tôi xin đề nghị một số điểm thế này. Tôi cảm thấy chiến lược có nhiều điều không rõ ràng. Đối với nước ta thì nông dân bây giờ chiếm 70% dân số mà nếu ông có bớt đi nữa thì cũng còn 50% dân số. Cho nên tôi cho rằng cái việc đầu tư cho nông nghiệp 30 năm nay quá thấp. Đảng ta, Đại hội V mà tôi đã dự đó cũng là người viết văn kiện đó, thì chúng tôi khẳng định rằng phải đầu tư tốt hơn cho nông nghiệp.

Nhưng mà 30 năm nay, chúng ta đầu tư được gì cho nông nghiệp? Không được bao nhiêu đâu. Không được bao nhiêu bởi vì tôi nói ví dụ như là đê, đập không tốt. Đê có tốt đâu, mà nay mai nước nó dâng lên thì đê của ông có là cái gì đâu. Đập nước, một cái nước mà núi cao, đồng bằng thì hẹp, mưa một cái là nó trôi tuột ra biển. Thế ông không có những cái đập, không có những cái hồ làm sao ông giữ được nước. Cho nên một cái nước như thế này phải biết giữ nước ngọt lại mà dùng, phải có hệ thống thủy nông, phải đầu tư vào khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất.

Sắp tới đây, chúng ta sẽ có 100 triệu dân, ông nuôi sống 100 triệu dân đấy thế nào? Hiện nay thì có đồn rằng ông nuôi sống 100 triệu dân có vẻ thoải mái bởi vì ông nghĩ rằng là ông xuất khẩu được, 6 triệu tấn gạo cơ mà. Nhưng xin lỗi, trong khi đó ông lại nhập trên 1 triệu tấn thức ăn gia súc để ông có thịt ông ăn. À, cho nên đó, không phải là ông dồi dào đâu. Tôi nghĩ rằng phải nghĩ nhiều về nông nghiệp nữa, đặc biệt là cái nền nông nghiệp của anh manh mún như thế này. Anh phải tác động thế nào chứ? Ông phải tạo thành như thế nào chứ?

Tôi nói thằng Thailand, nó cũng sản xuất tiểu nông như ông, nhưng nó có hệ thống kho rất tốt để mà xuất khẩu còn ông thì không có. Cho nên tôi nói là rất nhiều chuyện về nông nghiệp ông chưa làm tốt, mà đấy là cái nguồn sống của 100 triệu dân. Tôi cho rằng cái đảng này và cái nhà nước này muốn ổn định xã hội phải lo đến nông nghiệp và nông dân. Ba mươi năm qua tôi chê là chúng ta quá tồi.

Cái thời mà tôi làm tài chính thì cóc có tiền. Tôi xin lỗi, lúc đó thì Liên Xô viện trợ với đi vay được hơn 1 tỷ đô la một năm thôi, thế bây giờ ông có mấy tỷ cơ mà. Bây giờ cái ngân sách của ông mỗi năm là ông có mấy tỷ đô la đấy. Cho nên tôi cho là cái nhận xét của tôi là đầu tư bất cập vào nông nghiệp, cần phải sửa trong cái chiến lược mới này, trong cái mười năm tới đây".