Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

NGUYỄN TRỌNG TẠO: GỬI THỦ TƯỚNG BA DŨNG



 Tôi có gặp Thủ tướng Dũng một lần dịp động thổ nhiệt điện Vũng Áng (Hà Tĩnh) và ấn tượng về câu nói của ông lúc đó: “Hà Tĩnh rất giàu truyền thống cách mạng, nhưng kinh tế thì rất nghèo”. Tôi ấn tượng vì chưa ai nói như thế, nghĩ như thế.
Trước đó, tôi xúc động khi ông mới lên chức vào Vinh quê tôi tìm gặp cho được người đồng đội cũ và thăm nhà anh ấy với bao tình cảm sâu sắc.
Rồi một lần anh Trương Đình Tuyển (bộ trưởng) mời tôi uống rượu với anh Tư Kiên (thượng tướng,  Anh hùng lực lượng vũ trang), và tôi nghe anh Tư Kiên kể là đã chở thương binh Ba Dũng bằng cối giã gạo (làm bằng gốc cây mù u) giữa rừng U Minh Hạ. Tư Kiên còn nói “Tôi thấy anh Dũng một tay ôm súng, tay kia ôm bắp chân máu chảy ướt đẫm ống quần”. Người lính thế hệ chúng mình là thế đó. Tôi cảm động lắm.
Hôm 19/6 có người trong đoàn anh Tư Sang từ Trung Quốc điện cho tôi bảo đã có danh sách 20 blogger có thể bị bắt. Tôi nói vui: Bắt hết nhân dân đi, xem họ sống với ai.
Hôm qua, tôi xem một Video clip thấy một bà mẹ Anh hùng cầm cây gậy chống ngồi trước cửa nhà cản xe xúc nhà mẹ. Tôi ấn tượng về cánh tay nổi gân của một thanh niên dành chiếc gậy của Mẹ, và Mẹ cố giữ lại cây gậy chống. Và tôi đã khóc. Tôi nghĩ, nếu Thủ tướng biết chuyện này chắc ông cũng khóc.
Tôi không muốn Thủ tướng khóc. Năm 1978 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khóc khi họp với các Bộ trưởng, vì dân không đủ ăn; và tôi đã viết câu thơ: “Nước mắt không thể thay mưa ngày nắng hạn”. Bài thơ sau đó được tạp chí Văn Nghệ Quân Đội chọn là “bài thơ hay nhất trong năm”.
Tôi viết bài này không có mục đích làm Thủ tướng Ba Dũng khóc, nhưng ông nên biết hình ảnh bà Mẹ anh hùng đang không khóc trước những người Nhà nước đang thi hành “công vụ” cưỡng chế Mẹ như thế nào qua Video clip hôm qua. Nếu Thủ tướng bận nhiều thì tôi cũng muốn ông dành mươi phút xem Video clip này để có cách thương dân hơn, như ông đã thương những “ân nhân” của mình thời chiến tranh.
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=3UM6fGJrNtc#at=218

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Tượng nào bằng Dân



Quốc gia chỉ có thể trường tồn và hưng thịnh khi kẻ thường dân dám nói với bề trên điều ngay thẳng và người có quyền uy phải biết nghe kẻ dưới mình điều phải trái.



Mọi thần tượng được dựng lên chẳng để làm gì. Tượng Lênin, Ga đa phi, Hussen, Mubarak… đã bị DÂN giật đổ. Thế mới biết Tố Hữu kinh thật khi viết “ mong manh áo vải hồn muôn trượng – hơn tượng đồng phơi ..” Bác Hồ đã tiên luợng gì đó mà không cho dựng tượng, đề nghị được hỏa thiêu. Bọn con cháu đã không làm theo ý Người nay cứ vờ vẫn học Người. Lậy giời – nếu tượng Người nhỡ bị đổ mà dân thờ ơ thì chết cả lũ. Nếu còn dân thì còn tất cả. Xem đây :
Quang Trung sau khi chiến thắng lẫy lừng trên sông Rạch Gầm đại phá quân Xiêm vào thành Thăng Long thăm vua Lê Cảnh Hưng, ông vua già mất quyền đã lâu rồi... Phép nước bấy giờ quy định lên Điện không được đem vũ khí. Quang Trung quên mất điều đó, cứ thế đeo kiếm bước lên Thềm Rồng. Tất cả mọi người xanh mắt sợ, riêng chỉ có một mình Phương Đình Pháp, một viên quan lễ tân của triều đình đứng ra vòng tay trước mặt Quang Trung thưa lại với ông điều này.
Quang Trung trừng mắt nhìn thẳng vào mặt Pháp. Pháp vẫn điềm nhiên. Thế rồi thấy phải, Quang Trung bỏ kiếm, bước lên Điện. Câu chuyện chỉ có thế nhưng ta thấy rằng: trong mắt Quang Trung lúc bấy giờ, quốc gia chỉ có thể trường tồn và hưng thịnh khi kẻ thường dân dám nói với bề trên điều ngay thẳng và người có quyền uy phải biết nghe kẻ dưới mình điều phải trái.
Ngày nay, trong Chùa Bộc, Hà Nội, còn lưu giữ được một bức tượng. Trên đầu bức tượng đề chữ Tâm. Tất cả các nhà nghiên cứu đều không biết được bức tượng này thờ ai. Cụ Trần Huy Bá đã phải mất rất nhiều công phu, đặt giấy bản vòng ra đằng sau bức tượng, dùng than chà. Tờ giấy hiện lên: "Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng". Tức là, đúng vào năm mà Gia Long chống anh em nhà Tây Sơn một cách kịch liệt, tàn sát, huỷ diệt tất cả những gì của họ thì dân chúng vẫn dựng tượng Quang Trung.

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Rồng đá ở đền Lê Văn Thịnh



Tai nghễnh ngãng không nghe kẻ sỹ
Mắt mù mờ không thấy hiền tài
Phũ phàng đầy đọa người trái ý
Ngàn năm còn mãi nỗi oan sai

Giận dữ ai nổi cơn thịnh nộ
Cắn xé thân mình răn đe ai
U mê mãi rồi cũng sám hối
Nguyên khí đâu mở lối Rồng bay

Chu Hảo -  Kinh Bắc Tết  Nhâm Thìn 2012

Lê Văn Thịnh, người Kinh Bắc, đỗ thủ khoa trong kỳ thi Nho học Tam trường đầu tiên ở Việt Nam do Vua Lý Nhân Tông tổ chức vào năm 1075. Ông làm quan trong triều đến chức Thị Lang Bộ Binh, có công lớn trong việc bàn nghị phân chia cương vực với Triều đình Nhà Tống để giành lại 6 huyện biên giới ( nay thuộc Cao Bằng ).Theo Đại Việt sử ký ( thời Nhà Trần ) và Đại Việt sử ký toàn thư ( thời Hậu Lê ) thì ông là một nghịch thần, có phép " hóa hổ" để mưu sát vua trên hồ Dâm Đàm ( Hồ Tây ngày nay ). Sau này có nhiều ý kiến cho rằng đó là một vụ án oan sai : Vua đã nghe lời xúc xiểm của bọn gian thần ghen tức với tài năng và đức độ của Lê Văn Thịnh mà đày đọa ông - một hiền tài. Ông đã bị Vua đầy lên miền sơn cước thượng lưu sông Hồng và chết trong quên lãng... Đây mãi vẫn là một nghi án, nhưng dân gian đời sau đã xây đền thờ Lê Văn Thịnh ngay trên nền ngôi nhà nơi Ông sinh ra ở núi Thiên Thai ( Bảo Tháp, Đông Cứu, Thuận Thành, Bắc Ninh) như để giải thoát cho nỗi oan khuất của Ông. Khoảng đầu những năm 90 TK trước, tình cờ người trông nom đền phát hiện ra một pho tượng Rồng đá cao khoang 0,8m, dài khoảng 1m. Đây thực sự là một tuyệt tác nghệ thuật: người nghệ sỹ khuyết danh ( có lẽ ở thời Hậu Lê ) đã khắc họa hình ảnh con Rồng " miệng cắn thân, chân xé mình " hết sức sinh động để người xem phải sửng sốt cảm nhận nỗi ân hận đắng cay của bạo chúa đã gây ra oan nghiệt. Rồng bạo chúa đã được người nghệ sỹ tài ba đặc tả với một bên tai không có lỗ.Cũng có ý kiến cho rằng Rồng đá này là biểu tượng của chính Lê Văn Thịnh. Chỗ hiểu khác nhau này xin dành cho bạn đọc lựa chọn theo cảm nhận của riêng mình.

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Hôm nay 24 năm vụ Thảm sát Thiên An Môn




Sự kiện Thiên An Môn 1976.
Phong trào mùng 5 tháng 4 hoặc Phong trào mùng 5 (hay Sự kiện Thiên An Môn 1976) là những cuộc biểu tình quy mô lớn của nhiều tầng lớp dân chúng và sinh viên trong ngày 5 tháng 4, 1976 tại Quảng trường Thiên An Môn. Ngày 4 tháng 4 rất nhiều người đã đến quảng trường nhân ngày Thanh minh, và họ đã thể hiện niềm tiếc nuối của mình sau cái chết của thủ tướng Chu Ân Lai tháng 1 đầu năm, đồng thời bày tỏ sự phẫn nộ với Bè lũ bốn tên. Sự kiện này cũng tiếp nối sự kiện Nam Kinh. Vào sáng hôm sau, một số người bắt đầu bỏ trang phục tang lễ, vòng hoa, cầm biểu ngữ và tụ tập lại quảng trường để tuần hành chống lại chính quyền trung ương, lúc đó đang dưới sự kiểm soát của Tứ nhân bang. Bốn tên này cũng đã ra lệnh cho lực lượng an ninh phải giải tán đám đông ở quảng trường. Đêm đó khoảng 10.000 dân quân tự vệ, đơn vị vũ trang, đơn vị đồn trụ đã được huy động nhằm giải tán đám đông.
Chính quyền lúc đó ngay lập tức coi sự tuần hành là những hành động phản cách mạng sau sự kiện Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cách chức và quản thúc tại gia phó thủ tướng lúc đó là Đặng Tiểu Bình, người bị cáo buộc đã phát động cuộc biểu tình này. Sau khi Đặng trở lại nắm quyền lực năm 1978, Ủy ban trung ương Đảng cộng sản đã lật ngược lại quyết định trên, và chính thức coi hành động biểu tình là thể hiện tinh thần yêu nước.

Hôm nay  24  năm vụ Thảm sát Thiên An Môn ( 4/ 6/ 1989 -  4 /6 /2013 ).

Sự kiện được đặt tên theo vị trí diễn ra sự đàn áp phong trào ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Những người biểu tình thuộc nhiều nhóm khác nhau, từ các trí thức tin tưởng rằng chính phủ do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo quá tham nhũng và hà khắc, tới những công nhân thành thị tin rằng cải cách kinh tế Trung Quốc đã đi quá xa dẫn tới lạm phát tăng cao và tình trạng thất nghiệp lan tràn đe dọa cuộc sống của họ.
Sáng ngày 4 tháng 6, xe tăng và bộ binh quân đội được gửi tới quảng trường Thiên An Môn để đàn áp phong trào và giải tán những người biểu tình. Những ước tính về con số thiệt mạng dân sự khác nhau: 4000-8000 (CIA), 2.600 (Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc) và một nguồn chưa được xác định khác là 5.000. Số người bị thương từ 7.000 đến 10.000. Tiếp sau cuộc bạo lực, chính phủ tiến hành nhiều cuộc bắt giữ để đàn áp những người ủng hộ phong trào, cấm đoán báo chí nước ngoài và kiểm soát nghiêm ngặt việc đưa tin các sự kiện của báo chí Trung Quốc. Cuộc đàn áp bằng bạo lực đối với những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn đã gây nên sự chỉ trích rộng rãi của quốc tế đối với chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa