Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Bị can ngồi ghế... thẩm phán!


Chuyện hy hữu ngỡ... đùa này là do anh Tư Vỹ Dạ vừa kể, vừa lắc đầu:


- Một thẩm phán của TAND TP Huế đã ngồi ghế xét xử nhiều năm nay, thậm chí đang được thăm dò đề bạt ghế Phó Chánh án. Mọi việc có lẽ trót lọt nếu không xảy ra chuyện một đối tượng dùng hung khí giết người bị truy nã hơn 10 năm nay mới bị bắt (tháng 4-2008), vụ án được phục hồi điều tra và ông thẩm phán lòi đuôi...  là một bị can từng tham gia vào vụ ẩu đả,  gây rối trật tự trên.  
Chuyện xảy ra vào tối 3-11-1996- Tư Vỹ Dạ lật sổ- tại đường Phát Lát, xã Thủy  An, TP Huế,  do có mâu thuẫn với Đoàn Thanh Nam (1974, ở 56/27-Trần Phú, Huế), Ngô Phan Hoài Bảo rủ Lê Hà Minh Hải (1975, sinh viên năm thứ 3 khoa Luật Đại học mở- hệ đào tạo từ xa), Ngô Phan Nhật Bình, Hoàng Ngọc Anh Quang, Nguyễn Hồng Quyết và Lê Đắc Nguyên Phú bàn cách đánh trả thù Nam. Thấy Nam đang ngồi nói chuyện với người yêu,  Phú, Hải, Bình kéo Nam ra ngoài đánh với sự phụ trợ của Quyết, Quang và Bảo. Quyết còn dùng dao nhọn đâm liên tiếp 3 nhát vào người Nam và xô Nam xuống sông.
Thấy Nam dù bị thương nặng nhưng vẫn cố lội vào bờ, cả  bọn còn lấy gạch đá ném theo cho kỳ chết. Nhân dân trong khu vực thấy vậy hô hoán bọn chúng mới rút lui và Nam được người dân cứu đưa vào bệnh viện. Theo Bản kết luận giám định số 05 ngày 12-12-1997 của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh TT- Huế, anh Nam bị: “Vết thương vùng ngực do dao đâm gây: đứt xương sườn, thủng màng phổi trái, rách cơ hoành trái. Tỷ lệ tổn hại sức khỏe chung 38%”. Vụ án được CATP Huế quyết định khởi tố hình sự ngày 4-11-1996 về tội “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự nơi công cộng”. Quyết, Bảo, Quang và Bình bỏ trốn còn Hải và Phú bị bắt khẩn cấp tạm giữ sau đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ngày 23-12, do không bắt được các đối tượng kia nên CQĐT cho gia đình Hải và Phú bảo lãnh, cấm đi khỏi nơi cư trú.    
Sự việc rành rành như vậy nhưng không hiểu bằng cách nào mà Lê Hà Minh Hải sau đó được bổ nhiệm thẩm phán, kết nạp Đảng và đang có ý kiến đề nghị bổ nhiệm làm Phó Chánh án TAND TP Huế (!), trong lúc một trong những tiêu chuẩn của thẩm phán là phải trung thực, bản thân không có tiền án tiền sự, kể cả người thân...
Kể đến đây, Tư Vỹ Dạ thở dài:
- Chẳng biết việc tày đình con voi chui lọt... lỗ kim này là do thẩm phán Lê Hà Minh Hải không trung thực hay việc xét chọn thẩm phán của TAND tỉnh TT- Huế có... vấn đề? Và “vấn đề” đầu tiên người ta nói đến là  vị Phó Chánh án TAND tỉnh TT- Huế là anh em cột chèo với Hải(!). Tư này hỏi thật Bề Tui nhé, người như thế có đủ tư cách để ngồi ghế thẩm phán, làm chủ tọa phiên tòa xét xử người khác được không?
- Tùy...
- Tùy gì nữa?
- Tùy thuộc vào việc người đó là... con, em của ai.
- Ừ hỉ! Nói là nói ở chỗ đó.

Cảnh sát cơ động hành hung cảnh sát giao thông tại thành phố mang tên Bác

Thêm một đoạn clip phát tán trên mạng Youtube trong thời gian gần đây đã cho thấy 1 người trong sắc phục CSGT bị 1 thanh niên hành hung quyết liệt giữa chốn đông người.
Một đoạn clip có thời lượng khoảng 49 giây vừa được phát tán trên mạng xã hội Youtube đã tạo ra sự phẫn nộ của dư luận khi hình ảnh 1 CSGT bị hành hung dã man giữa đường, ngay giữa ban ngày.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, thời điểm xảy ra vụ việc là khoảng 16h30 chiều 28/7. Lúc này một số CSGT thuộc Đội CSGT Hàng Xanh thuộc Phòng CSGT đường bộ (PC67) - Công an TP.HCM đang làm nhiệm vụ điều tiết giao thông tại trước nhà số 448A đường xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Theo đó khi thấy 1 thanh niên điều khiển xe gắn máy có dấu hiệu vi phạm luật giao thông, khi không đội nón bảo hiểm. Ngay lập tức một trong số CSGT đang làm nhiệm vụ tại khu vực nói trên, là thưỡng sỹ Văn Thành Luân đã ra hiệu dừng xe lại để kiểm tra hành chính.
Tuy nhiên khi vừa bước xuống xe, người thanh niên liền văng tục, chửi thề; đồng thời rút một tuýp sắt giấu trong xe và lao đến tấn công thượng sỹ Luân.
Đoạn clip cho thấy, người thanh niên mặc áo thun xanh, quần jean lửng màu xanh đã vừa chửi, vừa dùng tuýp sắt tấn công dồn đồng chí cảnh sát. Trước thái độ hung hãn của người thanh niên, thượng sỹ Luân vừa lùi, vừa dùng gậy công cụ hỗ trợ để chống đỡ. Thậm chí thượng sỹ Luân bị đối tượng dồn vào trong một cửa hàng gần đó.
Điều đặc biệt là sau màn ẩu đả quyết liệt đó, người thanh niên hung hãn nói trên đã bỏ đi. Sau đó khoảng 10 – 15 phút thì đối tượng này còn cầm dao, hung khí vào trụ sở Đội CSGT Hàng Xanh, đóng ngay dưới chân cầu Bình Triệu thuộc P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, để truy tìm.
Tuy nhiên, vì không thấy thượng sỹ Luân nên người thanh niên này đã bỏ đi.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng phối hợp điều tra làm rõ.
Thời gian gần đây đã xảy ra liên tiếp các vụ hành hung cảnh sát đang làm nhiệm vụ khiến người dân vô cùng bức xúc và mong muốn cơ quan chức năng trừng trị nghiêm khắc đối với những kẻ coi thường pháp luật này.

Liên quan đến vụ một CSGT bị tấn công dã man giữa phố như VietNamNet đã thông tin, vào chiều 30/7, Trung tá Trần Thanh Trà – Phó phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) - Công an TP.HCM xác nhận, đoạn clip là có thật và người tấn công CSGT như mô tả là 1 lính nghĩa vụ của một đơn vị CSCĐ đóng trên địa bàn Q.Thủ Đức, TP.HCM. 
Công an đánh dân, Công an đánh Công an, chuyện gì tiếp theo đây ??? 

Hai mặt trong công tác cán bộ


 google cụm từ “ dùng bằng giả bị cách chức “ thì thấy có  Khoảng 188.000.000 kết quả (0,16 giây) . Trích mấy cái sử dụng bằng giả : Bị xử lý nhé:

- Ngày 23/11, Uỷ ban kiểm tra (UBKT) Huyện uỷ Thạch Thất đã ra quyết định thi hành kỷ luật, cách toàn bộ chức vụ đối với ông Trần Văn Tiện, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ, Chủ nhiệm UBKT Đảng xã Cẩm Yên, Bí thư chi bộ 7.

- UBND huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết định cách chức ông Trần Văn Thắng, chủ tịch xã Thiệu Thịnh vì dùng bằng tốt nghiệp THPT giả. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiến hành hoàn tất thủ tục, quy trình cách chức đối với ông Thắng. Còn ông Nguyễn Văn Thành, cán bộ chính sách của xã cũng sử dụng bằng giả thì giao cho UBND xã Thiệu Thịnh trực tiếp xử lí.

- Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa ra thông báo cho thôi chức Phó bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn đối với ông Nguyễn Văn Hòa. Ông này chưa hề tốt nghiệp THPT, nhưng lại có bằng tốt nghiệp đại học.

- Ngày 30/6, vì khai man có bằng Cao đẳng cảnh sát trong lý lịch, Ủy viên thường vụ Quận ủy Lê Chân Trần Văn Hồng đã bị Thường vụ Thành ủy Hải Phòng cách chức. Tương tự, Phó chủ tịch quận Lê Chân Phạm Văn Hận cũng bị cảnh cáo, cho thôi chức do không có bằng cấp 2-3 song lại có bằng thạc sĩ.

Nhưng không thấy tên ông Nguyễn Văn Ngọc, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.

Bởi vì dù cuối năm 2010 vừa qua, cái tên "Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Ngọc" được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt chú ý bởi việc đi học, lấy Bằng Tiến sĩ chỉ diễn ra trong vòng... 6 tháng và bằng tiền Ngân sách Nhà nước nhưng KHÔNG bị cách mà ĐƯỢC lên chức.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập Đoàn Kiểm tra, xác minh vụ việc, kết luận: "Bằng Tiến sĩ không có giá trị sử dụng... trong nước" và nghiêm khắc phê bình, yêu cầu ông Ngọc "rút kinh nghiệm sâu sắc". Tiếp đó, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010-2015), diễn ra từ ngày 22 đến ngày 23-10-2010, ông Nguyễn Văn Ngọc đã không được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, tất nhiên không thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo bởi không có tên trong Danh sách Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái  và tất nhiên, bị mất chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.

Hơn 6 tháng sau, ông Nguyễn Văn Ngọc được giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan Doanh nghiệp Trung ương (tương đương Thứ trưởng), nhiệm kỳ 2010-2015. Việc điều động ông Ngọc vào chức vụ mới, được thực hiện theo nội dung Công văn số 519-CV/VTTU (5-4-2011) của Văn phòng Trung ương Đảng (Thông báo ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nhân sự Phó Bí thư Đảng uỷ khối cơ quan doanh nghiệp Trung ương).

Sáng 26-4-2011 vừa qua, tại Hà Nội, ông Trần Lưu Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã trao Quyết định của Ban Bí thư, điều động ông Nguyễn Văn Ngọc đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Xưa có thơ rằng :      “ Mèo tha miếng thịt thì đòi
                                Kễnh tha con lợn thì ngồi trơ trơ “
 

CÁC TRÍ THỨC, NHÀ KHOA HỌC LÊN TIẾNG

GS -Viện sĩ Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT):
"Cán bộ như thế thì quản được ai, nói ai nghe?.

... Nhà nước không yêu cầu công chức, viên chức phải có học hàm, học vị mới được làm lãnh đạo. Nhưng chuyện sính bằng cấp trong xã hội dẫn đến động cơ đổi tiền bạc lấy học hàm, học vị để kiếm địa vị, chức tước đã “mặc định” nhiều năm nay trong xã hội.

Tôi thấy buồn về chuyện cán bộ chủ chốt của địa phương mà lại đi đổi tiền, đổi tiền của nhà nước để lấy tấm bằng của ngôi trường mà không ai xác định rõ danh tính thế nào. Cán bộ, Đảng viên mà làm thế thì quản lý được ai, nói ai nghe. Điều đó thậm chí ảnh hưởng xấu đối với cả thế hệ trẻ.

Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm thuộc về Bộ GD-ĐT. Bộ phải trực tiếp đứng ra giải quyết những tồn tại trên, phải rà soát lại chất lượng bằng cấp để đánh giá công bằng xem ai là người học thật, ai học giả.

Từ 2001 - 2004, Bộ cũng đã tiến hành rà soát trên cả nước và phát hiện hơn 10.000 trường hợp quan chức có bằng cấp giả. Nhưng không hiểu sao vấn đề này lại chưa được công bố rộng rãi. Do vậy mới lại xuất hiện tình trạng quan chức bỏ tiền ra mua sắm bằng giả về trình cơ quan để được có chức tước...

GS - TS Phạm Tất Dong (Nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương):
"Làm ô danh nhà khoa học chân chính".


... Sáng nay (29/7/2010- PV), tôi tham dự Hội đồng Phản biện Đề tài Quốc gia về Giáo dục trong kinh tế thị trường và hợp tác quốc tế". Tại đây, câu chuyện quan chức học Bằng Tiến sĩ tại nước ngoài chỉ trong 6 tháng được đưa ra công khai, đã làm nóng bỏng và gây bức xúc cho tất cả hội trường.

Đây không phải trường hợp đầu tiên, mà nếu kiểm chứng lại sẽ có rất nhiều trường hợp tương tự. Tôi quả quyết tại nhiều cơ quan chính quyền địa phương hiện nay có tới hàng vạn Cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sĩ được đào tạo theo “đơn đặt hàng” để khi cầm tấm Bằng trên tay, họ vẫn không thể viết được một câu văn bản rõ ràng.

Tôi cũng cảm thấy xấu hổ vì “tên tuổi” của những Thạc sỹ, Tiến sĩ “dởm” này làm ô danh đội ngũ nhà khoa học chân chính...



GS Văn Như Cương (Ủy viên Hội đồng giáo dục Quốc gia):
"Đào tạo cho xong, lấy bằng cho có"

... Trong xã hội hiện nay đang tồn tại xu thế trọng bằng cấp hơn thực tài. Người có bằng cấp thường được cân nhắc lên chức, có quyền cao chức trọng trong bộ máy lãnh đạo. Chính điều đó mới dẫn tới chuyện công chức, viên chức đua nhau đi học để có được cơ hội thăng tiến. Không đất nước nào đào tạo Tiến sĩ thời gian chỉ 6 tháng.

Theo tôi, đây chắc chắn là bằng giả và phải thu ngay. Đây là chuyện đào tạo cho xong, còn người làm bằng cấp thì cho có và không cần biết chất lượng của ngôi trường đó thế nào, miễn là kiếm được tấm bằng trình lãnh đạo.

Câu chuyện “học giả” mong có “chức thật” còn đau đớn hơn khi xã hội dễ dàng chấp nhận những người đi học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở những ngành nghề không liên qua đến chuyên môn của mình. Khi học xong, đem bằng về cất vào tủ. Còn cơ quan không biết sử dụng người học nhầm chỗ đó làm gì để phát huy hiệu quả.

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết (Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN và NĐ của Quốc hội): 
"Buồn vì thói hiếu danh hám lợi"

... Tôi thấy thật đáng buồn với những hành vi thể hiện thói hiếu danh hám lợi của những người đang giữ cương vị lãnh đạo. Từ thực tế này cũng phải xem lại chính sách sử dụng cán bộ của mình. Phải chăng chúng ta đang quá phiến diện, cực đoan, đề cao tiêu chuẩn bằng cấp mà không trân trọng thực tài. Bên cạnh đó cũng phải xem lại công tác giáo dục rèn luyện cán bộ như thế nào mà lại để một Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lại có những hành vi gian lận, lừa dối lãnh đạo, lừa dối nhân dân như vậy?.

Qua đây, tôi cũng đề nghị Bộ GD-ĐT thực hiện kiểm tra, rà soát chặt chẽ vấn đề mở rộng liên kết đào tạo, nhất là đối với các cơ sở đối tác nước ngoài. Tâm lý sính ngoại dường như cũng xuất hiện trong tư tưởng quản lý khiến lãnh đạo đề cao đối tác nước ngoài, ngay cả khi không rõ tư cách pháp nhân của họ như thế nào...


Người đăng bài muốn thưa với :
Kính thưa :  Đồng chí Thường trực Ban bí thư – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Kính thưa : Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Việc này chứng tỏ điều gì trong duy trì kỷ luật Đảng, tu dưỡng rèn luyện Đảng viên, và nhiều vấn đề lớn hơn thế. Đây không là bí mật của Đảng nữa mà công luận lên tiếng muốn  trả lại sự công bằng. 
Không biết có thể nói đây là SÂU không ?

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Một tàu cá bị Trung Quốc đập phá. Tin ngày 29.7

Sáng 29.7, bà Phạm Thị Hương - Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, một tàu cá của ngư dân địa phương vừa bị phía Trung Quốc đập phá, lấy tài sản khi đang hành nghề trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa của VN.
Theo báo cáo xác minh của Đồn biên phòng 328 Lý Sơn, tàu cá QNg-96617TS, công suất 250 CV, do ông Lê Văn Cương (45 tuổi, ở thôn Tây, xã An Vĩnh) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng cùng 13 ngư dân khác bị tàu màu trắng, vỏ sắt, số hiệu 54025 của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc khống chế tại khu vực đảo Đá Lồi (quần đảo Hoàng Sa) vào trưa 14.6.
Sau gần 2 giờ lục soát, phía Trung Quốc đã đập bể 4 cửa kính ca-bin tàu, 3 can dầu diesel, chặt đứt 4 bành dây lặn, 1 thúng chai và ném 1 thúng chai khác xuống biển; lấy đi một la bàn và lương thực, thực phẩm, đồ dùng cá nhân (ước thiệt hại khoảng 15 triệu đồng) rồi xua đuổi không cho hành nghề tại vùng biển Hoàng Sa. Dù vậy, thuyền trưởng Cương đã mượn ngư cụ của tàu ông Lê Vinh (ở cùng địa phương) để tiếp tục bám biển, đến ngày 29.6 mới trở về đảo Lý Sơn. Đồn biên phòng 328 Lý Sơn đã báo cáo vụ việc với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi.

“Một người yêu nước thì không sợ gì hết”


Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì

- Ngày 25/5/1948, Báo “Cứu Quốc” đăng bài Bác trả lời phỏng vấn của tờ báo Pháp “Frères d ’Armes”(Chiến hữu):
“Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất? Trả lời: Điều ác.
Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất? Trả lời: Điều thiện.
Hỏi: Chủ tịch cầu mong gì nhất? Trả lời: Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu.
Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ gì nhất? Trả lời: Chẳng sợ gì cả! Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì”.
Cái chí khí của Bác đã được thể hiện khi còn rất trẻ. Xin nhắc lại, hồi năm 1920, khi ở Pháp, mật thám Pháp ghi lại câu chuyện trao đổi giữa Nguyễn Ái Quốc và một người đồng bào của mình.
Đáp lại ý kiến cho rằng không nên hành xử quá mạnh với nhà cầm quyền, nhà cách mạng trẻ tuổi thẳng thắn nói: “Nếu ai hỏi tôi là “Nhóm người cách mạng An Nam” ở đâu, tôi sẽ trả lời là 20 triệu người ở trong nước, họ đã phản đối hàng ngày, nhưng bị đàn áp, bị dìm đi. Nói cho cùng, ai làm gì tôi? Lưu đầy tôi ư? Hoặc cắt đầu tôi? điều ấy có xẩy đến tôi cũng bất cần...”
Ngày 14/1/1921, Nguyễn Ái Quốc đang điều trị tại Bệnh viện Côsanh ở Paris, đã thẳng thắn thể hiện quan điểm của mình với một viên mật thám giả danh vào thăm. Viên mật thám hỏi: “...Tại sao ông lại thích làm chính trị? Ông không sợ bị theo dõi, ông không sợ người ta làm hại ông?”. Nguyễn Ái Quốc trả lời: “Chẳng hề chi, tôi thích làm chính trị thì tôi chẳng sợ chết cũng chẳng sợ tù đầy. Trong đời này, chúng ta chỉ chết có một lần, tại sao lại sợ? ...”
Ngày 25/5/1947, trong “Thư gửi nhân dân Pháp”, Bác thể hiện ý chí của mình và dân tộc Việt Nam “Bọn quân phiệt thực dân đã bắt buộc chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, chúng tôi lấy câu châm ngôn hiên ngang của các bạn làm châm ngôn của chúng tôi: “Thà chết không làm nô lệ”. Chúng tôi chiến đấu vì công lý. Chúng tôi sẽ tồn tại, chúng tôi sẽ chiến thắng”.
X&N

Sợ gì không nói

... Người ta hay đổ lỗi cho cơ chế. Dân thường có thể nói như vậy được, nhưng nếu một nhà lãnh đạo nói như vậy thì thật vô trách nhiệm vì họ là những người tạo ra cơ chế... "
  
Là viện sĩ viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba – một địa chỉ khoa học được đánh giá có quy mô lớn nhất thế giới hiện nay, bao gồm các thành viên tiêu biểu từ 63 nước đang phát triển và 14 nước phát triển – GS.TSKH, viện trưởng viện Toán học Việt Nam Ngô Việt Trung dường như vẫn chưa cất được gánh nặng dự cảm về đường đi và tương lai của ngành toán trong nước…

Ông nói: Hãy nhìn những nền khoa học của các nước xung quanh xem họ đã phát triển như thế nào dù mỗi nước có một nền văn hoá riêng, một truyền thống riêng. Nếu Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với mình nhất về dân số, về lịch sử, thì Trung Quốc khác ở suy nghĩ của một nước lớn và cách thức tổ chức bài bản; còn Singapore, tuy là một nước nhỏ nhưng lại biết chọn hướng đi rất hiệu quả… Tại sao chúng ta không phát triển như họ được? Bây giờ người ta hay đổ lỗi cho cơ chế. Dân thường có thể nói như vậy được, nhưng nếu một nhà lãnh đạo nói như vậy thì thật vô trách nhiệm vì họ là những người tạo ra cơ chế. Ví dụ như thang bậc lương dành cho các nhà khoa học giống hệt thang bậc áp dụng cho công chức các bộ. Điều đó nếu không xoá bỏ sẽ giết chết động lực lao động sáng tạo và sự tận tâm vì khoa học.
Nhưng thưa ông, đây đó vẫn có nhiều người cho rằng ngày nay phải thay đổi cách làm nghiên cứu khoa học thuần tuý?
Thật là sai lầm khi kêu gọi các nhà khoa học phải trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội. Nhiệm vụ của các nhà khoa học là tạo ra tri thức. Đòi hỏi công trình của họ phải có ứng dụng là ấu trĩ. Xã hội ngày nay có sự phân công lao động sâu sắc, và các nhà khoa học phải đảm đương những nhiệm vụ riêng trong lãnh vực của mình. Vậy các nhà toán học đóng góp gì cho đất nước? Có lẽ cái quý nhất chúng tôi làm được là giữ được trình độ toán học của nước ta ở một mức nào đó – tức là giữ một mặt bằng về kiến thức toán để từ đó đảm bảo sự phát triển của xã hội. Toán học xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống và mỗi người chúng ta đều cần có những kiến thức toán học nhất định để làm tốt công việc của mình.
Ông bình luận thế nào về các bảng xếp hạng cho toán học Việt Nam?
Người ta hay nói vậy nhưng thực ra không có xếp hạng chính thức. Vấn đề ở đây không phải là xếp hạng mà là nền toán học Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội hay chưa? Câu trả lời là chưa. Chỉ xét khía cạnh giáo dục thôi thì chúng ta có thể thấy hầu hết các trường đại học hiện nay đều không có cán bộ giảng dạy toán có trình độ.
Thay vì học toán, làm khoa học cơ bản, ngày nay các ngành kinh tế, ngân hàng, tài chính… được xã hội ưa chuộng hơn nhiều, ông có cho rằng toán học một lúc nào đó sẽ lỗi thời?
Tôi thấy có nhiều người xuất chúng ở Việt Nam đều có nền tảng toán học tốt trước khi chuyển sang các ngành khác. Đó là một xu thế. Tôi nhớ những năm ta mới mở cửa, có một quỹ học bổng của Mỹ sang Việt Nam tuyển sinh trong lĩnh vực luật và kinh tế. Việc đầu tiên của họ khi đến đây là tìm các người trẻ ở viện Toán và viện Vật lý để tuyển. Con một anh bạn tôi làm tiến sĩ kinh tế ở đại học Columbia nổi tiếng về lĩnh vực kinh tế được yêu cầu chuẩn bị kiến thức toán học cao hơn rất nhiều người được đào tạo cử nhân toán của Việt Nam hiện nay.
Toán học đã và sẽ phát huy thế mạnh của mình ra sao trong phát triển, điều hành đất nước ta hiện nay, theo ông?
Phần lớn các nhà khoa học hiện nay có thu nhập thực tế vào loại thấp ở các thành phố. Thiết nghĩ phải có những ứng xử thích đáng với những người là nguyên khí, tinh hoa khoa học của đất nước.
Chỉ riêng lĩnh vực quốc phòng đã có những đòi hỏi cao về toán. Ví dụ chiến tranh điện tử chỉ cần một – hai phút đã có thể làm tê liệt toàn bộ hệ thống truyền thông của một quốc gia hay của một phần thế giới. Để bảo đảm an ninh mạng, luôn cần có sự tham gia của những nhà toán học thực sự. Hay để thoát khỏi nền kinh tế trung bình thì chúng ta cần có những sản phẩm công nghệ cạnh tranh được trên thế giới, mà để phát triển những sản phẩm này phải áp dụng các kiến thức toán học để có thể tối ưu hoá khâu thiết kế hay quy trình sản xuất.
Đánh giá của ông về cách ứng xử và đãi ngộ người làm khoa học hiện nay?
Gần đây, nhân dịp phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến thăm viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, tôi có phát biểu rằng Nhà nước xây nhà cho người nghèo, sinh viên, công nhân… thế thì tại sao lại không xây nhà cho các nhà khoa học? Phần lớn các nhà khoa học hiện nay có thu nhập thực tế vào loại thấp ở các thành phố. Thiết nghĩ phải có những ứng xử thích đáng với những người là nguyên khí, tinh hoa khoa học của đất nước. Có một thực tế đau lòng là những học sinh giỏi nhất của chúng ta hiện nay đều tìm đường đi học ở nước ngoài và không trở về nước làm việc. Họ không nhìn thấy tương lai trên quê hương mình.
Ông có nghĩ: chúng ta đang bước vào thời đại kinh tế tri thức, nhưng dường như vai trò của trí thức Việt Nam ngày càng mờ nhạt?
Tôi nghĩ là do sự đánh giá bằng cấp thiên về hình thức mà không trên cơ sở chất lượng đã dẫn người ta đến chỗ coi thường mọi chức danh. Mặt khác, bộ máy nhà nước cũng chưa thực sự coi trọng vai trò tư vấn và phản biện của trí thức. Chúng ta không có những cơ chế để đảm bảo vai trò của trí thức trong các hoạt động kinh tế và xã hội.
Có thể có một tiêu chí “chính xác như toán học” trong việc khai thác nguồn lực con người không, thưa ông?
Trong chiến tranh, chúng ta đều đánh giá được ai giỏi, ai tài thực sự, tại sao bây giờ lại không làm được? Lý do là chuyên môn hiện nay không đóng vai trò chính khi làm công tác nhân sự. Các bằng cấp về chính trị và hành chính chẳng giúp ích gì cho công tác chuyên môn? Quan điểm của tôi là những việc gì liên quan đến khoa học hãy để cho các hội đồng khoa học quyết định. Khoa học cần phải tách khỏi thế quyền!
Đội ngũ những nhà toán học Việt Nam hiện nay có còn đứng trước nguy cơ phân tán bởi những lý do ngoài toán học?
Giáo sư Hoàng Tuỵ
“Giáo sư Ngô Việt Trung là một nhà toán học lỗi lạc của Việt Nam, nhận được học vị phó giáo sư và giáo sư khi ở tuổi trẻ nhất trong cộng đồng khoa học Việt Nam. Trên quốc tế, giáo sư Ngô Việt Trung là chuyên gia hàng đầu về đại số giao hoán, tác giả nhiều công trình nổi tiếng, từng được nhắc đến và mời đọc báo cáo chính trong nhiều hội thảo lớn của chuyên ngành này. Ông là một trong những đại diện có uy tín nhất của toán học Việt Nam trên thế giới. Ông cũng là người rất quan tâm đến giáo dục và đào tạo tài năng trẻ”.

Nhà báo Hàm Châu
“Tôi viết về Ngô Việt Trung từ 37 năm trước. Ngày 30.6.1974, trên tờ Hà Nội mới, lần đầu tiên tôi nhắc đến Ngô Việt Trung, giải nhất kỳ thi học sinh giỏi toán miền Bắc năm 1969. Hoàng Tuỵ và Ngô Việt Trung hiện là hai nhà toán học thực hiện phần lớn các công trình của mình tại Việt Nam, vậy mà đạt kết quả nổi bật được thế giới thừa nhận. Năm 2000, đến Trieste, Ý, tôi biết thêm: Ngô Việt Trung được bầu làm viện sĩ viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba vì là “một trong những nhà đại số học hàng đầu thế giới”.
Ngành toán đang đứng trước nguy cơ thụt lùi. Hy vọng ngành toán sẽ giữ được những người say mê toán. Xã hội nhiều biến động nên muốn làm khoa học thực sự phải rất kiên trì, nhất là trong khi Nhà nước ta chưa hỗ trợ nhiều cho khoa học.
Ở cương vị viện trưởng, kinh nghiệm quản lý nào của người đi trước mà ông tâm đắc? “Làm sao để các cơ quan nghiên cứu đều có thể có một cơ chế thoáng và hiện đại như viện Toán nhỉ” – có một ý kiến như vậy trên diễn đàn mạng…
Viện tôi có cái may là các đời viện trưởng đều coi chuyên môn làm đầu. Mọi công việc, đánh giá đều dựa theo các chuẩn mực quốc tế. Phần lớn cán bộ đều được đào tạo ở nước ngoài về nên chúng tôi sớm tạo ra được cung cách làm việc hiện đại. Tâm niệm của chúng tôi: lơi là chuyên môn là tự giết mình, vai trò của viện sẽ đi xuống ngay.
Bí quyết giữ người ở cơ quan ông?
Chỉ có một cách duy nhất là tạo môi trường phát triển chuyên môn tốt. Ưu điểm của viện là không khí khoa học không bị ảnh hưởng bởi bộ máy hành chính. Chúng tôi hay đùa với nhau: người làm toán học thường có tính cách đặc biệt (mạnh), thậm chí không bình thường, ra cơ quan ngoài khó sống nhưng ở lại viện thì lại có thể phát triển được!
Ra nước ngoài làm việc là cách của “công dân toàn cầu”, với các nhà khoa học, đó là đóng góp cho sự nghiệp khoa học chung, trong đó có Việt Nam. Ý kiến của ông?
Các đồng nghiệp của tôi, ai cũng yêu nước. Có người đi ra nước ngoài rồi vẫn quan tâm đến đời sống và các hoạt động trong nước. Chỉ tiếc những người ra đi không phải vì tiền mà vì không nhìn thấy tương lai phát triển về mặt chuyên môn. Thế nên có tình trạng những học sinh giỏi nhất đều đi du học rất sớm, mà đã đi thì hầu như không về, có về cũng khó sống… Nhưng nếu những người giỏi đều là công dân toàn cầu cả thì ai sẽ làm cho khoa học trong nước phát triển đây?
Ông đang nghĩ gì về thời cuộc và cơ hội phát triển của đất nước?
Chúng ta tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc. Nhưng Việt Nam hiện là một nước nghèo. Một câu hỏi: Tại sao một đất nước cần cù như Việt Nam mình mà không phát triển được như Singapore, Trung Quốc và ngày càng cách xa họ? Không thể đổ lỗi cho người dân hay hoàn cảnh. So với mình, Hàn Quốc tài nguyên không có gì, mà sao phát triển rất nhanh? Về mặt hiếu học, mình không thua họ, vậy có phải mình thua là do lãnh đạo cao nhất của mình chưa tìm được quyết sách phát triển cho đất nước?
Ngoài ý thức kém, thói tư lợi có phải là nguyên nhân sâu xa, là dấu trừ của tiến bộ xã hội?
Tư lợi cũng có thể được xem như một động lực phát triển, nhưng phải được đặt trong một luật chơi minh bạch, công khai, công bằng để mọi người cùng tham gia…
Qua lăng kính nhà nghiên cứu, ông có cho rằng trả giá cho sự phát triển bằng việc đánh mất những cơ hội đang là một mâu thuẫn thời đại?
Thì phải có đối sách, phải nhìn xa. Không thể để xã hội tự thân vận động mà không nhìn thấy trách nhiệm của các nhà chính trị… Singapore là một ví dụ rất tốt về sự phát triển bền vững.
Vậy, dấu cộng nhân văn của toán học, theo ông?
Bản thân toán học là nhân văn. Vì toán học làm ra tri thức giúp cho sự phát triển và hoàn thiện của con người. Nhân nói đến chuyện nhân văn, tôi thấy không đâu vô vị như truyền thông ở ta, toàn khai thác chuyện xấu. Nhiều lúc tôi tự hỏi người ta đưa ra những chuyện đó để làm gì? Có cảm giác các giá trị nhân văn đang bị bỏ rơi. Giáo dục cũng vậy. Không còn thấy nữa những bài học vỡ lòng đơn sơ mà in đậm đến tận bây giờ…
Có vẻ, nhà toán học trong ông vẫn thường hay ngoái lại ngày xưa…À, điều đó là thể hiện của một người có tuổi…
Một áp đặt có lẽ từ tiểu thuyết, phim ảnh hay những giai thoại gây nên: các nhà khoa học cũng đôi khi… ngây thơ ! Ông sẽ phản biện chứ?
Không ngây thơ đâu. Có những người rất bặt thiệp, linh hoạt. Vì làm khoa học, nên họ cũng là người rất tôn trọng chân lý, trong công việc hay lý sự, hay nhắm tới cái hoàn mỹ. Họ cũng hay mắc lỗi đó trong giao tiếp, ứng xử với cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp, người thân. Nhà khoa học lại hay logic hình thức, cái gì cũng phải hoàn hảo, không quan tâm xã hội phức tạp hơn thế nhiều… Có lẽ, họ cần biết thoả hiệp, nhất là khi đi vào cuộc sống.
Khi nào và điều gì khiến ông tin vào những giá trị mà mình đang theo đuổi là đúng? Ngoài toán học, đâu là điểm tựa tinh thần của ông?
Người làm khoa học thực sự chắc chắn được xã hội coi trọng thông qua những trách nhiệm xã hội như được mời giảng dạy, nói chuyện, tham gia các hoạt động khoa học của đất nước... Qua đó tôi có cảm giác cuộc sống của mình có ý nghĩa. Ở nước ngoài, khó có cảm giác đó vì chỉ là làm thuê mà thôi… Tôi luôn tự nhủ mình phải đóng góp cho xã hội bằng cách làm chuyên môn cho tốt. Nhưng nhìn ra xã hội nhiều khi cũng nản lòng và đôi khi phải biết chấp nhận những gì không thay đổi được.
Sinh ra trong một gia đình có xuất phát điểm cao, điều gì giữ ông lại với công việc hiện nay trước những cơ hội, những lời mời, những ngả rẽ số phận?
Thật là sai lầm khi kêu gọi các nhà khoa học phải trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội. Nhiệm vụ của các nhà khoa học là tạo ra tri thức.
Như những người bình thường, tôi cũng có những lúc cân nhắc về nghề nghiệp. Có lẽ, để theo nghề toán đến cùng, hơn 35 năm qua với tôi là lòng say mê. Hạnh phúc là được làm khoa học và có được những thành công.
Ông có thể chấm phá vài nét về chính mình: quê hương, tuổi thơ, người cha, những đứa con…
Quê tôi ở Quảng Nam và tôi chịu ít nhiều ảnh hưởng của quê hương qua cha mình mặc dù không sinh sống ở đó. Tuổi thơ của tôi chủ yếu gắn với các vùng thôn quê, các thị trấn nhỏ ở Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Tây vì cha mẹ tôi hay đi công tác xa và gửi tôi sống ở những nơi đó. Tôi từng cấy gặt, tát nước, bắt cá và nói chung là rất hiếu động dù bị liệt một chân từ bé. Thi thoảng tôi vẫn kể lại những chuyện đó cho trẻ con nhà tôi và chúng gọi đó là chuyện cổ tích…
THỰC HIỆN: KIM HOA
CHÂN DUNG HỘI HOẠ: HOÀNG TƯỜNG

SGTT

Cháy kinh hoàng ở Hải Phòng, 13 người chết


Vụ cháy kinh hoàng tại một xưởng gia công giày xảy ra lúc 16h ngày 29/7, tại xã Tân Dân, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, đã khiến 13 người bị chết (10 nữ, 3 nam) và 21 người bị thương nặng.

Theo thông tin ban đầu, xưởng này do một người Trung Quốc lấy vợ Việt Nam tên Bùi Thị Thu Hiền (tên thường gọi Bùi Thị Hiên, sinh năm 1987) trú tại xã này làm chủ. Xưởng gia công giày, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, mới hoạt động từ 3-4 tháng nay, với 70 lao động làm việc thường xuyên.

Lửa cháy từ ngoài vào trong, lúc đó có khoảng 40 người đang làm việc. Do xưởng may là một ngôi nhà hình ống, chỉ có duy nhất một cửa ra vào nên khi lửa bùng lên dữ dội thì toàn bộ 40 công nhân đang có mặt đều sợ hãi lui về phía cuối nhà, không có lối thoát ra và chỉ biết kêu cứu.

Toàn bộ người dân có mặt trong khi chờ cứu hỏa tới đã tập trung dập lửa bằng mọi cách nhưng không thể cứu số công nhân thoát ra bởi họ bị dồn đến bức tường sau cùng. Đám cháy ngày càng lan sâu vào phía cuối xưởng may (rộng khoảng 150m vuông) khiến họ hoảng loạn.

Những người dân ở đây đã dùng đủ mọi vật dụng để đập vỡ bức tường phía sau nhằm giải cứu số công nhân đang mắc kẹt.

Hiện trường nhà xưởng sau vụ cháy. Ảnh VNN

Sau khoảng 15 phút, bức tường kiên cố được phá vỡ. Lúc này đã có nhiều công nhân bị bỏng, ngạt và chết. Người dân đã đưa ngay những người bị ngạt, bỏng nặng đi cấp cứu. Trong số 13 người chết, có 10 người là nữ, 3 người là nam.





Đưa nạn nhân từ xưởng giày da ra xe cấp cứu

Các nạn nhân đang được điều trị tại bệnh viện
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập điện hoặc do thợ hàn đang làm việc tại xưởng gia công giày khiến xỉ rơi xuống gây cháy lớn.

17h cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt. 21h tối nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng sẽ có cuộc họp khẩn với các ngành liên quan để làm rõ nguyên nhân.

(Theo VNN)

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Bá quyền văn hóa kiểu Trung Quốc


Nhìn vào độ chiếm sóng của phim Trung Quốc trên các đài truyền hình ở Việt Nam, nhiều người lo ngại về khả năng Việt Nam bị “đồng hóa” bởi anh bạn láng giềng. Khả năng đó có thật, và nó là biểu hiện của một hình thức bá quyền tinh vi: bá quyền văn hóa - một phần quan trọng trong chính sách bá quyền của nước lớn, một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ.

"Giai điệu chủ"

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1987...
Tháng 3-1987, Bộ Phát thanh - Truyền hình Trung Quốc triệu tập một hội nghị gồm đại diện của tất cả các đơn vị sản xuất truyền hình khắp cả nước. Tại đây, Bộ cảnh báo về xu hướng "giải trí hóa" phim ảnh trên sóng truyền hình, đồng thời đưa ra chính sách mới: tích cực, chủ động dồn lực sản xuất những bộ phim "giai điệu chủ" nhằm mục đích truyền bá lịch sử, văn hóa, tư tưởng và thẩm mỹ của Trung Hoa tới mỗi người dân Trung Quốc và thế giới.
Chính sách này phân loại phim truyền hình thành một số thể loại chính, nằm trong một khái niệm chung mà Chủ tịch Giang Trạch Dân gọi là "giai điệu chủ":
• Dòng phim về những đề tài mang tính thực tiễn, ca ngợi người tốt việc tốt - gọi chung là phim "thần tượng tuổi trẻ";
• Dòng phim cổ trang, gồm phim lịch sử ("Tam Quốc Diễn Nghĩa", "Vương triều Ung Chính", "Khang Hy", "Thái Bình Thiên Quốc"…), dã sử ("Tể tướng Lưu Gù", "Hoàn Châu Cách Cách"...)
• Dòng phim gia tộc luân lý ("Mùa quýt chín", "Gia tộc Kim Phần"…)
• Dòng phim cách mạng, dựng lại ngữ cảnh thời xưa ("Khát vọng", "Câu chuyện Thượng Hải"…) hoặc tái hiện chân dung những nhân vật nổi tiếng (Tôn Trung Sơn, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình…)
• Dòng phim hình sự, chống tham nhũng ("Xứng danh anh hùng", "Quyền lực tuyệt đối"…)
Những phim này được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt, chẳng hạn ưu tiên chiếu ở các đài địa phương lớn vào giờ vàng.
Đặc biệt, chúng nằm trong kế hoạch tuyên truyền của Nhà nước: Tất cả các phim, chỉ trừ dòng hình sự, chống tham nhũng, đều được hỗ trợ xuất khẩu, nhằm mục đích cao nhất là phổ biến "giá trị Trung Hoa" tới các quốc gia trong khu vực.
Trong số những nước mà Trung Quốc hướng tới, Việt Nam nổi lên như một tiền đồn, bởi "đây là nước Đông Nam Á duy nhất chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc thay vì văn hóa Ấn Độ", như lời tác giả Hạo Kiện viết trong cuốn "Phim truyền hình Trung Quốc - nghiên cứu văn hóa và nghiên cứu loại hình" (NXB Điện ảnh Trung Quốc, 2008).
Phần lớn các phim "giai điệu chủ" đã được giới thiệu ở Việt Nam, khán giả nước ta chẳng xa lạ gì với chúng. Các phim đều được xuất khấu với giá hết sức ưu đãi sang Việt Nam, thậm chí một số phim cho không (như "Khát vọng", "Tây du ký", "Vương triều Ung Chính") theo thỏa thuận hợp tác giữa các đài truyền hình hai nước.
Và hơn thế nữa khi có sự kế tiếp của “ Đường tới thành Thăng long “ … ( Tôi không viết tên vua Lý đằng trước cho đỡ nghẹn )

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Cái chết được báo trước mà không ai thèm quan tâm tìm đường sống.

(Theo Sài gòn tiếp thị  21/5/2009)

Hàng Trung Quốc – những gọng kìm bọc nhung

Những phiên chợ tấp nập mua bán. Những chuyến hàng len lỏi ngược xuôi. Những hợp đồng gia công ào ạt ký kết. Hàng hoá Trung Quốc len lỏi theo những dòng chảy tự nhiên, thấm dần và ăn mòn thị trường Việt Nam
Nếu như việc đi “đánh hàng” từ Quảng Châu về Hà Nội, Sài Gòn đã trở thành chuyện thường ngày với những người nhanh nhạy trong kinh doanh, thì rõ ràng, công tác “làm thị trường” của người Trung Quốc đã thành công.
Những đường dây “cò con”
Không cần quảng bá, không cần tiếp thị, cũng không cần hỗ trợ, tự thân một con đường “tơ lụa” kiểu mới đã được hình thành. Người ta kháo nhau để đi. Người ta hướng dẫn nhau để chọn hàng. Người ta chia sẻ thông tin cho nhau trên khắp các diễn đàn trực tuyến. Một người bạn vừa trở về từ Quảng Châu thốt lên: “Bây giờ mà không tranh thủ đánh hàng Trung Quốc thì cũng hơi khờ dại!”
Và một hệ thống phục vụ cho những chuyến đi này đã nhanh chóng mọc ra, từ việc đổi tiền, chuyển tiền, đặt xe, mua thẻ điện thoại, thuê phiên dịch… mọi thứ đều có thể tiếp cận tại những văn phòng đại diện không bảng hiệu tại Hà Nội và TP.HCM. Thậm chí, một trung tâm được giới thiệu là “cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam – Trung Quốc” đã ra đời, đặt tại một căn hộ chung cư ở đường Hậu Giang, quận 6, TP.HCM chuyên để phục vụ nhu cầu lấy hàng hoá giá rẻ của người dân miền đồng bằng sông Cửu Long.
Một chuyến đi buôn bằng máy bay chỉ tốn có 12 triệu đồng, bao gồm vé máy bay (đã xấp xỉ mười triệu đồng), tiền ăn ở bốn ngày, đi lại, phiên dịch và giới thiệu các nhà máy, chợ sỉ… Họ lo tất tần tật mọi khâu, từ lựa chọn đối tác theo đúng nhu cầu, đặt hàng, vận chuyển, nhập hàng… Cơ quan này thể hiện rõ việc không mặn mòi với những doanh nghiệp sành sỏi ở thành phố, bởi thị trường mà họ đang quan tâm là khu vực nông thôn. Lãnh địa có hơn 70% dân số của đất nước khao khát tiêu dùng đang bị bỏ trống. Và những chuyến hàng giá rẻ từ Quảng Châu, Đông Hưng qua cửa Lạng Sơn, Móng Cái đang rầm rộ chuyển về.
Lận lưng vài chục triệu, một cậu sinh viên năm nhất đại học Huflit cũng đã tự mình sang Quảng Châu, gom được một kiện hàng quần áo và nửa kiện thiết bị nhà bếp ghi nhãn lập lờ đánh lừa người tiêu dùng là “công nghệ Hàn Quốc”, “tiêu chuẩn Nhật Bản”… Cậu chỉ mới tập tành bán mớ hàng này trên các mạng bán hàng trực tuyến, nhưng sau thành công, thì lập tức gom thêm tiền, mang hàng về nhiều hơn. Chuyện học hành dần bị sao nhãng vì mơ ước mở một công ty nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc đang đến gần hơn bao giờ hết.
Và những “hàm cá mập”
Đặt Trung Quốc gia công hàng, doanh nghiệp sẽ kinh doanh được, nhưng thị trường nội địa sẽ trở thành nơi tiêu thụ hàng Trung Quốc. Doanh nghiệp vẫn sống, người tiêu dùng có lợi, chỉ có nền kinh tế là gặp trắc trở…
bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc trung tâm BSA
Cuộc họp chuyên gia định kỳ của câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao đặt lên bàn bài toán nan giải: phải ứng xử thế nào với các “đại gia” hàng Việt sau khi “vả thuốc” vì kẹt tiền trong chứng khoán và bất động sản, trong núi hàng tồn kho không bán được, trong mớ bòng bong thủ tục, gíá điện, giá xăng, giá thuê mặt bằng tăng vọt. Mọi thứ đều tăng chỉ có sức mua là giảm, thì họ đã phải đóng máy, bán máy, cho công nhân nghỉ và họ đặt hàng gia công từ Trung Quốc. Rẻ, nhanh, thuận tiện, mẫu mã mới và phong phú, khỏi động tay động chân mà lời hơn nhiều.
Những câu chuyện thương hiệu thời trang N., hãng giày lừng danh V. hay nhóm hàng của hệ thống C. thực chất chỉ là hàng đi đặt ở Quảng Châu mang về đã âm ỉ rất lâu trong những cuộc bàn tán của giới doanh nhân. Một chuyên gia thốt lên: “Nếu ai cũng mang hàng sang gia công bên Trung Quốc, thì nền sản xuất Việt Nam sẽ bị bóp chết hay sao?” Những người tiêu dùng thiết tha với cuộc vận động “người Việt – hàng Việt” để khắc phục cơn suy giảm kinh tế trong nước, vô tình đang ủng hộ một nền sản xuất khác mạnh hơn rất nhiều.
Hàng hoá Trung Quốc hiện giờ đang thực sự bủa vây thị trường trong nước, từ thứ dễ nhìn thấy nhất là quần áo thời trang, giày dép cao cấp và rẻ bèo, cho đến các thiết bị gia dụng, hoa giả, hoá mỹ phẩm... Những ông chủ lớn chuyên nhập hàng Trung Quốc số lượng lớn đã bắt đầu xuất hiện tại chợ Đồng Xuân, chợ An Đông và các đường dây buôn bán đã bắt đầu “chảy”. Những hè phố có người bán đồ chơi, thì 99% là đồ chơi Trung Quốc. Những sạp bánh mứt Hà Nội, Đà Lạt, cũng nhập nhẹm rất nhiều “đặc sản địa phương” được nhập khẩu từ biên giới phía Bắc. Những xe bong bóng đủ sắc màu, những người bán dạo khắp hang cùng ngõ hẻm cũng chỉ toàn phân phối bánh kẹo Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể chuyện, một doanh nhân muốn tìm mua hệ thống máy móc đã dễ dàng được hướng dẫn sang Trung Quốc, đến tận nơi, gặp tận mặt những người tự xưng là “làm việc lâu năm trong các nhà máy sản xuất của Mỹ, Nhật để học hỏi công nghệ và kỹ thuật”. Và anh này đã đồng ý nhập ngay vì giá thành chỉ chưa đến 1/3 nếu mua của một quốc gia khác.
Bà Lai Kim, tổng giám đốc công ty may Nhật Tân cười buồn: “Bây giờ mà nói hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng kém là không hợp thời nữa. Tôi chuyên gia công cho những hãng thời trang lớn nhất thế giới mà cũng phải thừa nhận là hàng thời trang Trung Quốc quá đẹp, quá hợp lý về giá. Tôi nói đùa với mọi người, là mùa đông, người Hà Nội được làm đẹp bởi hàng thời trang Trung Quốc”.               

Việt Nam và “lời nguyền địa lý”

Một số nhà nghiên cứu ví von Trung Quốc như một con gà trống, với bán đảo Triều Tiên là chiếc mỏ và Việt Nam là chân của con gà. Hình ảnh so sánh này một mặt cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đối với Trung Quốc, đặc biệt là về an ninh, một mặt ám chỉ tới một thực tế rằng Việt Nam từ hàng ngàn năm qua đã gánh trên vai mình, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, sức nặng của Trung Quốc. Vấn đề là Việt Nam nếu muốn cũng không thể làm được gì để thay đổi thực tế này.
Vì vậy, cũng giống như Cuba đối với Mỹ hay Grudia đối với Nga, Việt Nam, như cách nói của giáo sư Carl Thayer, đã bị chi phối bởi một "lời nguyền địa lý" (tạm dịch từ "tyranny of geography"). Theo đó Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác ngoài học cách chia sẻ số phận của mình với người láng giềng Trung Quốc trong suốt từng bước đi lịch sử của mình.
Trong thực tế, một nước Trung Quốc mạnh hơn từ lâu đã là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh của Việt Nam. Việt Nam đã nằm dưới ách thống trị của các triều đại Trung Quốc suốt gần một ngàn năm cho đến năm 938 sau Công nguyên. Từ thời điểm đó cho tới khi Việt Nam bị Pháp biến thành thuộc địa vào nửa sau thế kỷ 19, Trung Quốc đã xâm lược và chiếm đóng Việt Nam một vài lần…Các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam không chỉ xuất phát từ sự gần gũi về mặt địa lý mà còn từ sự bất đối xứng về sức mạnh giữa hai nước. Ví dụ như Trung Quốc rộng gấp 29 lần so với Việt Nam, và dân số của Việt Nam, mặc dù đông thứ 14 thế giới, cũng chỉ tương đương với số dân một tỉnh tầm trung của Trung Quốc mà thôi.
Thành tích kinh tế ấn tượng của Việt Nam từ cuối những năm 1980 cũng không cho phép Việt Nam thu hẹp khoảng cách sức mạnh với Trung Quốc. Ngược lại, cùng với quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua, khoảng cách quyền lực giữa hai nước càng được nới rộng. Ví dụ, theo dữ liệu Ngân hàng Thế giới, GDP của Trung Quốc tính theo đô la Mỹ hiện hành đã tăng hơn 16 lần trong khoảng thời gian từ 1985 đến 2009, từ 307 tỷ USD lên 4.985 tỷ USD. Tuy nhiên, trong cùng thời gian trên, GDP của Việt Nam chỉ tăng 7 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 1985 lên 97 tỷ USD trong năm 2009.
Nhờ kinh tế phát triển, sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng được gia tăng mạnh mẽ, đặt ra một mối đe dọa lớn hơn đối với an ninh Việt Nam. Trong năm 2011, theo tuyên bố chính thức của Trung Quốc, ngân sách quân sự của nước này là 91,5 tỷ USD, trong khi Việt Nam được cho là chỉ chi 2,6 tỷ USD cho quốc phòng (khoảng 2,5% GDP). Điều đặc biệt đáng lo ngại đối với Việt Nam là chi phí quân sự gia tăng của Trung Quốc được tập trung dành cho lực lượng không quân và hải quân, giúp nước này tăng cường khả năng triển khai sức mạnh quân sự ở khu vực Biển Đông, nơi Trung Quốc và Việt Nam đang có tranh chấp chủ quyền.


Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một nền kinh tế thị trường mở lại bổ sung thêm một khía cạnh khác cho "lời nguyền địa lý" mà Việt Nam phải gánh chịu, đó chính là khả năng bị tổn thương về kinh tế ngày càng gia tăng.
Kể từ khi Việt Nam nối lại quan hệ thương mại với Trung Quốc vào cuối những năm 1980, sản xuất trong nước của Việt Nam đã từ lâu bị đe dọa bởi hàng hóa Trung Quốc, tràn vào Việt Nam thông qua đường thương mại chính thức lẫn buôn lậu. Ví dụ như vào đầu những năm 1990, hàng tiêu dùng Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam quá nhiều và gây bất lợi cho sản xuất trong nước đến mức chính phủ Việt Nam đã phải áp đặt một lệnh cấm trên 17 chủng loại hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong những năm gần đây, bất chấp khả năng cạnh tranh ngày càng cao của sản phẩm Việt Nam và ấn tượng về tình trạng kém chất lượng của hàng hóa Trung Quốc, buôn lậu từ Trung Quốc vẫn còn phổ biến. Điều này không chỉ tạo nên tác động tiêu cực đối với sản xuất trong nước mà còn đe dọa người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là khi nhiều mặt hàng nhập lậu từ Trung Quốc có chất độc hại, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dùng.
Một điểm dễ bị tổn thương khác chính là tình trạng thâm hụt thương mại kinh niên của Việt Nam với Trung Quốc, lên tới 5,4 tỷ USD trong tổng thâm hụt thương mại 7,5 tỷ USD của Việt Nam trong nửa đầu năm 2011. Hơn nữa, Trung Quốc đã nổi lên như là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần một phần tư kim ngạch nhập khẩu trong năm 2010. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc đối với các nguyên liệu đầu vào cho một số ngành xuất khẩu chủ yếu của mình, chẳng hạn như giày dép, dệt may, hay đồ nội thất. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Vì vậy, nếu Trung Quốc quyết định ngưng trao đổi thương mại với Việt Nam vì lý do nào đó, thiệt hại cho nền kinh tế của Việt Nam sẽ là rất lớn.
Một mối quan ngại được nêu lên ở Việt Nam gần đây chính là việc các công ty Trung Quốc đã giành được đến 90% các hợp đồng EPC (Thiết kế/Mua sắm/Xây lắp) cho các dự án công nghiệp lớn của Việt Nam, đặc biệt là các nhà máy điện đốt than. Nhà thầu Trung Quốc được ưa chuộng vì họ cung cấp công nghệ giá rẻ và hứa sẽ giúp đỡ bố trí vốn cho chủ đầu tư từ các ngân hàng Trung Quốc. Dù có vẻ là rẻ nhưng trong thực tế Việt Nam đang phải trả giá đắt cho các hợp đồng này.
Thứ nhất, công nghệ rẻ gây nên ô nhiễm. Các báo cáo cho thấy một số công nghệ được cung cấp bởi các công ty Trung Quốc đã bị nước này đào thải hoặc cấm sử dụng từ năm 2005. Thứ hai, năng lực nhà thầu Trung Quốc hạn chế làm cho nhiều dự án bị chậm tiến độ, ngay cả khi dự án hoàn thành đúng thời hạn thì họ cũng để lại cho các chủ dự án những hóa đơn bảo dưỡng tốn kém. Thứ ba, do nhà thầu Trung Quốc từ chối sử dụng các sản phẩm sẵn có ở địa phương và thay vào đó nhập khẩu mọi thứ từ Trung Quốc, kể cả những chi tiết cơ bản như bù-loong, nên góp phần làm cho thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng cao. Nhà thầu Trung Quốc thậm chí không sử dụng lao động địa phương mà còn đưa lao động Trung Quốc vào làm việc bất hợp pháp, gây nên sự phản đối trong công luận Việt Nam.
Một điểm dễ bị tổn thương về kinh tế của Việt Nam xuất phát từ Trung Quốc được thể hiện trong thời gian gần đây liên quan đến việc các thương lái Trung Quốc mua ào ạt số lượng lớn nông sản Việt Nam, từ vải thiều, sắn đến hải sản hay thịt lợn. Điều này đã góp phần khiến giá thực phẩm tại Việt Nam tăng mạnh, khiến cho tới tháng Sáu lạm phát đã tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp những nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ.
Những điểm dễ tổn thương về kinh tế hiện nay mang lại cho Việt Nam một mối đe dọa khác bên cạnh những mối đe dọa quân sự vốn rõ ràng hơn. Nếu Trung Quốc quyết định phát động một cuộc "chiến tranh kinh tế", Việt Nam sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề.
Tuy nhiên, Việt Nam dường như có ít lựa chọn để xử lý tình trạng dễ bị tổn thương của mình trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Một mặt, các phản ứng nếu có sẽ bị hạn chế bởi thực tế rằng Việt Nam hiện phải tuân thủ các luật lệ thương mại và đầu tư quốc tế, như các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới mà Việt Nam đã là thành viên từ đầu năm 2007. Mặt khác Việt Nam cũng phải cảnh giác về khả năng trả đũa quy mô lớn nếu có động thái tiêu cực đối với Trung Quốc.
Tất nhiên, ở đây cũng không thể không kể tới các điểm tích cực. Việt Nam hy vọng rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng, cho dù không đối xứng, cũng sẽ giúp làm giảm khả năng Trung Quốc tấn công quân sự Việt Nam, đặc biệt là trên Biển Đông. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng nhận thấy hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn ít tốn kém và thuận tiện hơn so với hợp tác với doanh nghiệp các nước khác.
Chính vì vậy, Việt Nam vẫn muốn kiên trì hợp tác kinh tế với Trung Quốc, tiếp tục cố gắng gặt hái càng nhiều lợi ích càng tốt từ nền kinh tế đang bùng nổ của người hàng xóm phương Bắc. Nhưng tục ngữ Việt Nam vẫn có câu "mật ngọt chết ruồi". Việt Nam vì vậy cần phải luôn nhận thức đầy đủ về các nguy cơ và tìm ra các chiến lược phù hợp để ít nhất có thể hóa giải được khía cạnh kinh tế mới nổi của "lời nguyền địa lý" mà Việt Nam đang phải gánh chịu.
Tác giả: Lê Hồng Hiệp (ĐHQG TP.HCM)